Quy trình kỹ thuật canh tác lúa trên ruộng bị nhiễm phèn

☆☆☆☆☆ ( 0 đánh giá ) 2407 lượt xem
Giá tham khảo : Liên hệ

  • Mã CN/TB: CG17368
     
    1. Giống lúa sử dụng
    Các giống lúa sử dụng có thể là SH2, ĐV108 hoặc các khác chịu phèn.
    - Giống SH2: TGST trong vụ đông xuân từ 115-120 ngày, vụ thu 95 - 100 ngày; năng suất trung bình 6,0 - 6,5 tấn/ha, thâm canh tốt có thể đạt > 7,0 tấn/ha.
    - Giống ĐV108: TGST trong vụ đông xuân từ 110 - 115 ngày, vụ thu 90 - 95 ngày, năng suất trung bình 6,5 - 7,0 tấn/ha, thâm canh tốt có thể đạt > 7,5 tấn/ha.
    2. Thời vụ
    Tùy theo thời gian sinh trưởng của giống, trong vụ đông xuân gieo sạ từ 15/12 đến 25/12; vụ thu từ 15/5 đến 30/5.
    3. Làm đất
     Đất được cày 2 lần, lần 1 trước khi gieo sạ 15 - 20 ngày ở độ sâu 15 cm; lần 2 trước khi gieo sạ 2 - 3 ngày. Sau đó tiến hành bừa kỹ san phẳng mặt ruộng, phân thành băng rộng 1,8 - 2 m và tạo rãnh thoát nước để thuận lợi tưới - tiêu nước và đi lại chăm sóc.
    * Chú ý: Không nên cày sâu quá 15 cm dễ đụng tới tầng sinh phèn và trang bằng mặt ruộng không để nước đọng vũng tụ phèn gây chết mầm.
    4. Chuẩn bị hạt giống
    Trong vụ đông xuân hạt giống được ngâm trong nước sạch từ 30 - 36 giờ; vụ hè thu và vụ mùa ngâm từ 24 - 26 giờ; tùy nhiệt độ không khí ngoài trời ấm, nóng, lạnh,… để điều chỉnh thời gian ngâm dài hay ngắn. Trong quá trình ngâm cứ khoảng 6 giờ phải thay nước, đãi chua.
    Ngâm xong đãi sạch vớt lên cho vào thúng để ráo nước, sau đó cho vào bao bì thoát nước tốt để ủ. Trong quá trình ủ nên dùng nhiều vật độn phủ kín để duy trì nhiệt độ 30 - 350C và cứ 12 giờ lấy ngót 1 lần để giúp cho hạt nảy mầm đều.
    Khi hạt nứt nanh kết hợp dùng Cruiser Plus xử lý hạt giống nhằm làm cho mầm giống khỏe, phòng tránh được bọ trĩ trong giai đoạn 20-25 ngày sau khi sạ.
    * Chú ý: Đối với sạ hàng: Ủ hạt có rễ mầm dài bằng 1/3 chiều dài hạt thóc (khoảng 20 - 24 giờ) rồi đem gieo.  Đối với sạ lan: Ủ hạt có mầm lúa dài 1/2 hạt, rễ mầm bằng chiều dài hạt thóc (khoảng 36- 48 giờ) rồi đem gieo.
    5. Mật độ gieo sạ
     - Sạ hàng: 80 - 100 kg/ha (4 - 5 kg/sào).
     - Sạ lan: 120 - 140 kg/ha (6 - 7 kg/sào).
    6. Phân bón
    - Lượng phân cho 1 ha: 500 - 600 kg vôi bột: + 4 - 5 tấn phân chuồng + 400 - 500 kg lân Văn Điển + 250 - 270 kg đạm urê và 150 - 160 kg kali clorua.
    * Lưu ý: Số lượng phân lân và vôi bột trên dùng cho chân ruộng mới bón lần đầu, lượng giảm dần ở các lần bón tiếp theo trên cùng một chân ruộng.
    - Cách bón:
     Bón lót: Toàn bộ lượng vôi sau khi cày lần 1; toàn bộ phân chuồng sau khi rút cạn nước để bừa và toàn bộ phân lân trước khi trang bằng mặt ruộng để gieo sạ.
     Bón thúc: Chia làm 3 lần: Lần 1 bón 30% urê sau sạ 7 - 10 ngày. Lần 2: 40% urê + 50% kali clorua sau sạ 20 - 22 ngày.Lần 3: 30% đạm urê + 50% kali clorua còn lại khi lúa có đòng từ 1-2mm (Trước khi lúa trổ 22-25 ngày).
    * Chú ý: Ở giai đoạn 10 - 30 ngày sau khi sạ cây lúa hay bị ngộ độc phèn. Triệu chứng: Rễ có màu đen, ngắn và dễ gãy, đẻ nhánh kém, lá lúa trở màu vàng cam, lá non bị đỏ, sinh trưởng kém,… nên phun phân bón lá Hydrophos để giúp cây ra rễ mới và phục hồi nhanh. Thời kỳ sau trỗ khả năng khai thác dinh dưỡng trong đất của bộ rễ rất kém nên kết họp dùng K- HUMATE phun từ 1-2 lần để duy trì tuổi thọ của lá.
    7. Điều tiết nước
    Sau sạ 5 - 6 ngày: Cho nước vào ruộng từ 3 – 5 cm cho đến khi kết thúc thời kỳ đẻ nhánh rộ (khoảng 30 - 35 ngày). Thời kỳ đứng cái đến làm đòng giữ mực nước trong ruộng từ 10 - 15cm. Giai đoạn trỗ đến chín sáp giữ mực nước từ 5 - 7cm và rút cạn nước trước thu hoạch từ 7 -10 ngày.
    * Chú ý: Thời kỳ lúa đứng cái đến trỗ trên những chân ruộng chủ động tưới tiêu trước khi bón thúc phân nên cho nhiều nước vào ruộng, sau đó tháo cạn để thau rửa phèn rồi mới tiến hành giữ nước, bón phân nhằm hạn chế phèn trong ruộng và tăng hiệu lực sử dụng phân bón. Đặc biệt, không nên để ruộng lúa bị khô nước nhiều ngày trong vụ dễ làm tăng nồng độ và độc tính của phèn ảnh hưởng đến sinh trưởng của lúa.
    8. Phòng trừ cỏ dại, sâu bệnh
    8.1. Phòng trừ cỏ dại
    - Thuốc trừ cỏ tiền nảy mầm: Sofit 300ND, Prefit 300 EC,…
    Thời gian sử dụng: Vụ đông xuân phun sau khi sạ từ 2 - 3 ngày, vụ hè thu và vụ Mùa nên phun sau sạ từ 1 - 2 ngày.
     * Chú ý: Liều lượng sử dụng và tác dụng diệt các loài cỏ xem kỹ hướng dẫn trên bao bì. Khi phun mặt ruộng không còn nước đọng vũng hoặc khô quá. Cần phun đủ lượng nước thuốc qui định, thuốc tiếp xúc đều trên mặt ruộng và sau phun 3 -c4 ngày mới cho nước vào.
    - Thuốc trừ cỏ hậu nảy mầm: Nominee,…
    Thời gian sử dụng: Sau sạ 15-20 ngày
    * Chú ý: Liều lượng sử dụng và tác dụng diệt chủng loại cỏ xem kỹ hướng dẫn trên bao bì. Khi phun mặt ruộng đủ ẩm hoặc nước xăm xắp mặt ruộng, phun đều cho thuốc tiếp xúc với lá cỏ thì mới cho hiệu quả cao.
    8.2. Phòng trừ sâu bệnh hại
    Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để phát hiện và xử lý kịp thời các đối tượng sâu bệnh hại. Đặc biệt, trên chân đất bị nhiễm phèn trong vụ đông xuân và vụ hè thu cần chú ý các đối tượng như bọ trĩ, nghẹt rễ sinh lý, vàng sinh lý, bệnh đốm nâu, bệnh thối gốc,... Cần thực hiện tốt biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) đối với cây lúa.
    - Bệnh nghẹt rễ sinh lý: Khi phát hiện bệnh cần thay nước và bón bổ sung 15- 20 kg phân lân/ 500 m2 (sào Trung bộ). Kết hợp làm cỏ sục bùn nếu là lúa cấy, sạ hàng. Riêng ruộng sạ lan nên dùng cào để cào xới mặt ruộng. Kết hợp phun một trong số thuốc kích thích sinh trưởng như Atonik 1,8 DD, Canik 1,8 DD; K-H, Gromic,... tạo điều kiện cho cây lúa ra rễ mới, lá mới. Tuyệt đối không được bón phân đạm cho lúa khi lá lúa xanh trở lại, ra thêm lá, rễ trắng mới thì bón
    - Bệnh đốm nâu: Tăng cường bón vôi để cải tạo đất, bón lót đầy đủ phân hữu cơ, phân lân, bón cân đối NPK để phòng bệnh. Khi ruộng lúa phát sinh bệnh cần ngưng bón đạm và sử dụng một trong các loại thuốc sau để phun như Tilt Super 300 EC, Bonanza 100SL, New- Hinosan 30 EC
    - Bệnh lem lép hạt: Nên phun phòng vào thời kỳ trước trỗ 5 - 7 ngày và phun lại lần 2 sau khi trỗ đều bằng một trong các loại thuốc như Dibavil 50FL, Tilt Super 300EC, Copper-B 75 WP…
    - Bệnh thối thân, thối gốc: Cần cày ải phơi đất và sau đó kết hợp bón vôi để xử lý đất. Khi ruộng bị bệnh phải rút nước phơi ruộng và tiến hành phun thuốc kịp thời một trong các loại thuốc sau: Hinosan 40 EC; Bavistin 50 FL, nếu ruộng bị nhiễm bệnh nặng sử dụng hỗn hợp: 50cc thuốc Hinosan 40 EC + 30cc thuốc Anvil 5SC + 30 lít nước phun 1 sào.
    * Chú ý: Liều lượng sử dụng của từng loại thuốc phải xem kỹ hướng dẫn trên bao bì. Riêng bệnh thối thân, thối gốc trước khi phun thuốc phải rút cạn nước  và sau khi phun ít nhất 1 ngày mới cho nước vào ruộng trở lại.
    9. Thu hoạch, bảo quản
     Thu hoạch khi lúa chín từ 85 - 90% để hạn chế thất thoát và tiến hành phơi khô khi độ ẩm hạt từ 14% đưa sản phẩm vào kho bảo quản kịp thời để đảm bảo chất lượng sản phẩm.

    Scroll