Nhân rộng quy trình công nghệ sản xuất nước trái cây cô đặc – Nâng tầm giá trị nông sản Việt

Tại sự kiện Kết nối ý tưởng, doanh nghiệp có nhu cầu về dây chuyền và thiết bị sản xuất nước trái cây cô đặc được kết nối gặp gỡ, trao đổi trực tiếp với các nhà cung ứng để đi đến hợp tác, chuyển giao công nghệ.
Ngày 6/11/2024, Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ (CESTI) tổ chức sự kiện Kết nối ý tưởng với chủ đề “Quy trình công nghệ sản xuất nước trái cây cô đặc”. (Xem video công nghệ tại đây).
 
Phát biểu khai mạc sự kiện, ông Võ Ngọc Hải (Phó Giám đốc CESTI) cho biết, hiện nay, trong bối cảnh xã hội dần nâng cao nhận thức về sức khỏe, người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng các sản phẩm nước trái cây tự nhiên do tính lành mạnh, tiện lợi và khả năng bảo quản lâu dài. Trước thực trạng này, các doanh nghiệp Việt Nam cũng đang tận dụng thế mạnh về cây ăn quả trong nước để phát triển các sản phẩm kết hợp giữa nhiều loại trái cây nhằm đáp ứng nhu cầu phong phú của người tiêu dùng. Theo đó, ứng dụng công nghệ sản xuất nước trái cây cô đặc là một trong những giải pháp tiêu biểu khi tạo ra kênh tiêu thụ ổn định cho người nông dân, giải quyết được tình trạng “được mùa - mất giá” nan giải mà các sản phẩm nông nghiệp nước ta thường gặp phải, đồng thời, giúp doanh nghiệp tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
 
 
Ông Võ Ngọc Hải (Phó Giám đốc CESTI) phát biểu tại sự kiện.
 
Kết nối ý tưởng là hoạt động nhằm đẩy mạnh kết nối cung - cầu công nghệ, góp phần nâng cao năng lực sản xuất của doanh nghiệp, thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo tại TP.HCM và các tỉnh trong khu vực. Thông qua sự kiện, các nhà cung ứng sẽ giới thiệu giải pháp công nghệ đáp ứng yêu cầu cụ thể của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp lựa chọn giải pháp phù hợp để tiếp tục thương thảo hợp tác, chuyển giao công nghệ.
 
 
Sự kiện kết nối lần này, CESTI tiếp nhận 4 đơn vị muốn nhận chuyển giao công nghệ sản xuất nước trái cây cô đặc: Công ty CP đầu tư và TM Tân Sen, Công ty TNHH Quốc Tế Vinalio, Công ty TNHH nông nghiệp công nghệ cao Minh Phát và Công ty TNHH Cà phê Arabica Cầu Đất Phú Vinh. Đồng thời kết nối 3 nhà cung ứng với công nghệ và giải pháp sẵn sàng tư vấn cho doanh nghiệp ngay tại sự kiện, qua đó hỗ trợ quảng bá công nghệ thiết bị cho “bên cung”, đồng thời giúp “bên cầu” sớm tìm được giải pháp cho doanh nghiệp mình.
 
Ông Trần Nguyễn Kinh Luân (Giám đốc - Công ty TNHH Cà phê Arabica Cầu Đất Phú Vinh), cho biết, thị trường nước trái cây cô đặc đã cho thấy sự tăng trưởng ổn định trên toàn cầu trong những năm gần đây. Sự tăng trưởng này không chỉ do người tiêu dùng theo đuổi lối sống lành mạnh mà còn liên quan chặt chẽ đến các yếu tố như đa dạng hóa sản phẩm, tối ưu hóa chuỗi cung ứng, đổi mới công nghệ... Để theo kịp xu hướng này, Công ty có nhu cầu được tư vấn và nhận chuyển giao công nghệ, dây chuyền, thiết bị để sản xuất dung dịch nước trái cây cô đặc, với hệ thống dây chuyền thiết bị đáp ứng các khâu: rửa, nghiền, ép, bổ sung enzim, cô đặc, khử trùng, chiết rót… có thể chế biến thành nước trái cây cô đặc hoặc nước giải khát mang nhiều hương vị khác nhau.
 
Báo cáo tại Hội thảo, PGS. TS Trần Thị Thu Trà – Giảng viên - Bộ môn Công nghệ thực phẩm - Khoa Kỹ thuật Hóa học - Trường Đại học Bách Khoa đã phân tích rõ từng yếu tố trong quy trình chế biến nước trái cây cô đặc. Bắt đầu từ việc nguyên liệu trái cây tươi như dứa, xoài, cam, chanh dây… được chọn lọc và kiểm tra chất lượng đầu vào. Trái cây sau khi được rửa sạch và phân loại sẽ chuyển tới bước xay và nghiền để thu được dịch quả thô. Sau khi sử dụng phương pháp ép hoặc ly tâm để tách dịch quả ra khỏi bã, dịch quả thô sẽ được lọc để loại bỏ các chất rắn còn lại. Tiếp đến, dịch quả được đưa qua thiết bị cô đặc để giảm hàm lượng nước, tăng độ đậm đặc của sản phẩm. Sau đó, sản phẩm cô đặc được thanh trùng bằng nhiệt độ cao để tiêu diệt vi sinh vật. Cuối cùng, nước trái cây cô đặc được đóng gói vào bao bì, thường là trong túi hoặc hộp thiếc để bảo quản.
 
Trong đó, tiệt trùng nước trái cây cô đặc là bước đặc biệt quan trọng, nhằm đảm bảo tính an toàn thực phẩm và kéo dài thời hạn bảo quản của sản phẩm. Thông dụng là các phương pháp tiệt trùng như thanh trùng nhiệt; tiệt trùng bằng tia cực tím; tiệt trùng bằng áp suất cao; tiệt trùng bằng màng lọc; tiệt trùng bằng tia hồng ngoại xa; tiệt trùng bằng xung điện trường; tiệt trùng hóa học...
 
Đối với yêu cầu của các Công ty “bên cầu”, bà Trà cho biết sẵn sàng tư vấn chính xác theo từng nhu cầu thực tế để áp dụng dây chuyền sản xuất nước trái cây cô đặc.
 
Trong khuôn khổ sự kiện, ngoài Trường Đại học Bách Khoa, còn có các đơn vị cung ứng khác như Công ty TNHH thiết bị thực phẩm Pháp Việt với chuyên đề “Dây chuyền sản xuất nước trái cây cô đặc”; TS. Trương Quang Bình (Trưởng Bộ môn – Khoa Thủy sản - Trường Đại học Nông lâm TP.HCM) với chuyên đề “Công nghệ chế biến và bảo quản nước trái cây cô đặc bằng áp suất cao”, nhằm đề xuất các giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp “bên cầu”.
 
Ông Đào Thanh Khê (Giám đốc - Công ty TNHH thiết bị thực phẩm Pháp Việt) cho biết, thiết bị cô đặc chân không của Công ty Pháp Việt được sử dụng để cô đặc các chất lỏng bằng cách áp dụng nguyên lý hút chân không, nơi áp suất trong hệ thống được giảm xuống đến mức thấp hơn áp suất không khí bên ngoài, từ đó dẫn đến sự bay hơi của nước trong sản phẩm. Máy cô đặc chân không được chế tạo bằng vật liệu inox 304, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và độ bền cao. Thiết kế của máy được tối ưu hóa để đáp ứng yêu cầu năng suất của khách hàng, giảm thời gian cô đặc sản phẩm và tăng hiệu quả sản xuất. Công nghệ mới nhất được sử dụng trong máy cô đặc chân không giúp giảm thiểu thời gian cô đặc và đảm bảo chất lượng sản phẩm, đáp ứng được các tiêu chuẩn nghiêm ngặt của ngành công nghiệp thực phẩm.
 
 
Ông Đào Thanh Khê (Giám đốc - Công ty TNHH thiết bị thực phẩm Pháp Việt) trình bày chuyên đề “Dây chuyền sản xuất nước trái cây cô đặc” tại sự kiện.
 
“Điềm mạnh của công nghệ này là giữ được các dưỡng chất, màu sắc, mùi vị thành phẩm gần giống ban đầu, giảm khối lượng vận chuyển và bao bì, tăng khả năng bảo quản và đặc biệt là tăng độ đậm đặc, cho cảm giác “ngon” hơn. Hiện tại, Công ty Pháp Việt sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp trong việc sản xuất nước trái cây cô đặc bằng máy cô đặc chân không với đa dạng các loại máy từ thể tích nồi 50 lít, 150 lít, 250 lít, đến máy từ 1-12 m3”, ông Khê chia sẻ.
 
Còn theo TS. Trương Quang Bình (Trưởng Bộ môn – Khoa Thủy sản - Trường Đại học Nông lâm TP.HCM), ưu điểm của việc chế biến bằng áp suất cao là cho phép tiêu diệt vi sinh vật và enzyme trong thực phẩm ở nhiệt độ thấp hay nhiệt độ phòng, do đó thành phẩm rất ít ảnh hưởng đến cảm quan, dinh dưỡng và độ tươi ngon. Song song đó, nhờ việc hạn chế tối đa có thể các loại phụ gia hay hoá chất nên sản phẩm tạo ra an toàn và đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng hiện nay. Đặc biệt, áp suất truyền đến tâm của sản phẩm ngay lập tức, do đó rút ngắn thời gian xử lý. Đồng thời, công nghệ này cho phép thực hiện việc xử lý sản phẩm sau khi đóng gói, nhờ vậy giảm nguy cơ tái nhiễm vi sinh vật vào sản phẩm trong quá trình sản xuất.
 
 
TS. Trương Quang Bình (Trưởng Bộ môn – Khoa Thủy sản - Trường Đại học Nông lâm TP.HCM) giới thiệu về công nghệ chế biến và bảo quản nước trái cây cô đặc bằng áp suất cao.
 
Thông qua các phần trình bày, thảo luận tại sự kiện, chương trình đã ghi nhận một số biên bản ghi nhớ tư vấn, tìm hiểu hợp tác công nghệ giữa đơn vị cung ứng và các doanh nghiệp, phục vụ cho quá trình sản xuất nước trái cây cô đặc sạch, chất lượng cao và an toàn.
 
 
Sau phiên kết nối, các đơn vị có nhu cầu sẽ tiếp tục được CESTI hỗ trợ để làm việc trực tiếp với nhà cung ứng, tiếp tục thảo luận, đàm phán để đi đến hợp tác, chuyển giao công nghệ.
Minh Nhã (CESTI)
Scroll