Quy trình sinh sản và ương nuôi cá chẽm

Việc chủ động cho sinh sản, ương nuôi tạo con giống đạt kích cỡ cho nuôi thương phẩm được đánh giá là yếu tố quan trọng hàng đầu trong việc nuôi thương phẩm cá chẽm.
Thực trạng sản xuất
 
Những năm gần đây phong trào nuôi cá chẽm khá phát triển tại nhiều địa phương trên cả nước. Cá chẽm là loài cá dễ nuôi, cá thương phẩm có thể đạt từ 7-8kg/con, cá có thịt trắng thơm ngon, có năng suất cao, có thể xuất khẩu tốt. Chính vì thế, việc chủ động sinh sản nhân tạo và ương nuôi con giống tại địa phương để phục vụ cho người nuôi cá chẽm thương phẩm là cần thiết. Từ đó, người nuôi chủ động nguồn con giống, giảm thiểu rủi ro do nhập giống từ nơi khác, giúp nghề nuôi cá chẽm phát triển bền vững và tiến tới phục vụ xuất khẩu. Việc chủ động cho sinh sản, ương nuôi tạo con giống đạt kích cỡ cho nuôi thương phẩm được đánh giá là yếu tố quan trọng hàng đầu trong việc nuôi thương phẩm cá chẽm.
 
Th.S Nguyễn Thị Kim Vân (Phân Viện Nghiên cứu hải sản phía Nam) cho biết, quy trình sinh sản và ương nuôi cá chẽm được áp dụng cho cơ sở, trại sản xuất giống cá biển nói chung, hoặc các trại sản xuất tôm giống hoạt động không hiệu quả có thể áp dụng quy trình này để ương nuôi cá chẽm. Quy trình ương nuôi cá chẽm đòi hỏi người nuôi có trình độ nhất định, tuân thủ quy trình nghiêm ngặt, và có tính chăm chỉ, chịu khó.
 
 
 
Sản phẩm cá chẽm giống chủ yếu cung cấp cho các cơ sở, các doanh nghiệp và các hộ nông dân tại địa phương khu vực Nhà Bè, Cần Giờ (TP.HCM) và các tỉnh lân cận (Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng, Cà Mau và Kiên Giang). Hiện nay, bình quân nhu cầu con giống cá chẽm để cung cấp cho nuôi thương phẩm trong ao đất và nuôi lồng bè là trên 50 triệu con giống/năm, kích cỡ từ 3-5 cm.

Ưu điểm công nghệ
 
Quy trình sinh sản và ương nuôi cá chẽm có khả năng nhân rộng, đáp ứng yêu cầu của các trang trại vừa và nhỏ quy mô hộ gia đình mong muốn thực hiện việc ương nuôi giống cá chẽm, động sản xuất con giống đạt chất lượng theo nhu cầu thả nuôi và thương mại. Mặt khác, người dân có trại sản xuất giống tôm hoặc trại sản xuất giống thủy sản khác kém hiệu quả có thể chuyển đổi công năng sang ương giống cá chẽm. Từ đó, phục vụ phát triển nuôi trồng thuỷ sản, làm tiền đề cho sự phát triển cho nghề nuôi thuỷ sản bền vững.
 
Từ việc lựa chọn cá bố mẹ tránh hiện tượng lai cận huyết, kết hợp nuôi vỗ cá bố mẹ để đạt chất lượng trứng tốt, quy trình cũng chú trọng việc xử lý nước, kỹ thuật làm giàu thức ăn làm tăng hàm lượng axit béo không no (HUFA) để cung cấp đủ dinh dưỡng cho ấu trùng cá, giảm tỷ lệ dị hình. Việc tập cho cá giống sử dụng hoàn toàn bằng thức ăn tổng hợp, không làm ô nhiễm môi trường và tạo được đàn cá giống ăn thức ăn tổng hợp 100% để phục vụ nuôi thương phẩm chủ động.
 
Quy trình sinh sản và ương nuôi cá chẽm sẽ giúp tạo công ăn việc làm và thêm thu nhập cho người dân. Bình quân 1 trại sản xuất quy mô hộ gia đình sẽ giải quyết tạo được việc làm cho 2-3 lao động.
 
Mô hình sinh sản và ương cá chẽm giống được triển khai rất nhiều hộ tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Người dân quan tâm có thể liên hệ tham quan tại Cơ sở sản xuất giống Thủy sản Thanh Vân, địa chỉ 86 Chi Lăng, phường 12, thành Phố Vũng Tàu, điện thoại: 0934056877.
 
Quy trình – giải pháp công nghệ
 
Bước 1: Chuẩn bị trại sản xuất giống cá chẽm
 
Trại sản xuất giống cá chẽm có thể tận dụng từ các trại sản xuất tôm giống, thực hiện cải tiến cho phù hợp hoặc xây dựng trại sản xuất giống cá chẽm mới, tùy nhu cầu và quy mô thiết kế.
Những hạng mục công trình chủ yếu tại trại sản xuất giống cá chẽm gồm: bể lắng, bể xử lý, bể lọc, bể ương ấu trùng, bể ấp trứng Artemia, bể nuôi luân trùng, hệ thống cấp và thoát nước, bể chứa nước thải. Các công trình xây dựng phải vững chắc, mặt trong và đáy bể phải nhẵn phẳng, láng bóng bằng xi măng, đáy bể có độ dốc nghiêng, tháo róc nước về miệng đáy.
 
Dụng cụ phục vụ cho trại sản xuất giống gồm: van khí, đá khí, cân, cốc, xô, chậu các loại; các loại vợt có nhiều kích thước mắc lưới khác nhau (vợt thu trứng, vợt thu cá bột, vợt vớt cá giống, vợt thu Artemia, vợt bắt cá bố mẹ...), các sàn phân cỡ cá có nhiều kích thước theo kích cỡ cá giống.
 
Nước nuôi phải được xử lý kỹ lưỡng, từ bể xử lý sang bể lọc cát và cấp vào bể nuôi để sử dụng. Yêu cầu chất lượng nước dùng cho trại sản xuất giống cá chẽm: độ mặn: 25-34‰; pH 7,5-8,5; oxy hòa tan: 4-5 mgO2/l; độ trong: 30-40 cm; NH3: < 0,01 mg/l; H2S: 0 mg/l.
 
Bước 2: Nuôi vỗ cá bố mẹ và cho cá đẻ
 
Cá chẽm chưa thành thục, mới đánh bắt ngoài tự nhiên có thể nuôi vỗ thành cá bố mẹ trong lồng, bể xi măng, ao đất và ao bê tông. Thu gom cá bố mẹ ngoài tự nhiên hay trong các đầm, lồng bè.
 
Cá có trọng lượng 2-3 kg/con (cá đực) và >5 kg/con (cá cái). Cá lớn hơn 3 tuổi, khỏe mạnh, không bị thương tật và dị hình.
 
Cá chẽm là loài cá chuyển giới tính. Giai đoạn cỡ cá 1,5-2,5kg phần lớn là cá đực, khi cá đạt trọng lượng 4-6kg đa số cá chuyển giới tính thành cá cái.
 
Cá mới bắt về được phòng trị bệnh ký sinh trùng bằng ngâm formalin nồng độ 25-30 ppm, xử lý liên tục trong 3 ngày hay tắm formaline nồng độ 100 ppm thời gian 1-2 giờ, xử lý liên tục trong 2 ngày. Trong trường hợp cá xây xát nặng dùng Oxytretracycline nồng độ 5-8 ppm, xử lý liên tục trong 3-5 ngày.
 
Thức ăn cho cá bố mẹ là cá tạp tươi (cá ngân, cá bạc má, cá nục, mực ống, …) với khẩu phần 3-5% thể trọng, cho ăn 1 lần/ngày vào lúc 4 giờ chiều. Ngoài ra cần bổ sung thêm vitamin tổng hợp, vitamin E (30 UI/kg) + dầu cá Omega-3, liều lượng từ 5-10g/kg cá mồi, định kỳ 1 lần/tuần.
 
Bước 3: Tuyển chọn cá cho đẻ
 
Trước khi tuyển chọn, ngưng cho cá ăn một ngày. Cá được gây mê bằng Ethylenglycol với nồng độ 200-300 ppm.
 
Chọn cá linh hoạt, đầy đủ vây và vảy, không bị nhiễm bệnh và ký sinh trùng, không bị thương tích, tốt nhất là cá đực và cái cùng cỡ, nên chọn cá có trọng lượng ít nhất 4-5 kg và không dưới 3 tuổi.
 
Cách chọn cá cái: phải có trứng đường kính tối thiểu 0,4 mm (dùng ống nhựa mềm thăm trứng). Cách chọn họn cá đực: dùng tay vuốt nhẹ ở mặt bụng thấy có sẹ màu trắng sữa chảy ra.
 
Bước 4: Kích thích sinh sản và cho đẻ
 
Kích thích sinh sản cá bằng kích dục tố HCG, cá bố mẹ được tiêm 2 liều, liều sơ bộ và liều quyết định cách nhau 12 giờ. Liều tiêm cho cá đực bằng nửa liều tiêm cho cá cái. Vị trí tiêm ngay gốc vây ngực hoặc gốc vây lưng.
 
Cá sau khi tiêm kích dục tố liều quyết định, thả cá vào bể hoặc lồng (có chắn bạt) cho cá đẻ và trứng thụ tinh bằng phương pháp tự nhiên. Sau khi tiêm kích dục tố, tiến hành cấp nước mới tạo dòng chảy kích thích cho cá đẻ tự nhiên.
 
Thời gian hiệu ứng của các hormon khác nhau, nhưng thông thường sau 32-36 giờ thì cá sẽ đẻ. Tỷ lệ đực cái trong bể đẻ là 1:1 hoặc 2:1.
 
Bước 5: Thu trứng và ấp trứng
 
Trứng cá chẽm thụ tinh có đường kính 0,8-1mm, nổi lơ lửng gần mặt nước và rất trong. Sau khi cá đẻ khoảng 4-5 giờ tiến hành thu trứng để chuyển vào bể ấp.
 
Dùng lưới mịn (mắt lưới 200μm) để làm vợt hoặc lưới thu trứng trong lồng hoặc trong bể. Trong quá trình thu trứng phải nhẹ nhàng, tránh làm vỡ trứng hoặc bị dập sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cá bột. Thu xong trứng, cho trứng vào bể, chậu, tiến hành loại bỏ rác, chất bẩn và trứng hư, trứng không thụ tinh và với chuyển vào bao đóng oxy chuyển đến trại giống để ấp trứng và ương cá bột. Việc loại bỏ trứng hư cần tiến hành nhiều lần bằng cách: cho trứng vào chậu, tắt khí đợi sau 5 – 7 phút vớt các trứng nổi trên mặt, loại bỏ các trứng chìm và trứng lơ lững gần tầng đáy.
 
Điều kiện ấp trứng: nước có độ mặn: 30-32 ‰, nhiệt độ: 28-30 oC, Oxy hòa tan > 4 mg/l, sục khí nhẹ và liên tục, thời gian ấp: 14-18 giờ trứng nở. Mật độ trứng trong bể ấp: 1.000-1.500 trứng/lít. Sau khi trứng nở hoàn toàn, tiến hành tắt khí 5-10 phút, xi phong hết trứng hư ra ngoài và dùng thau múc nhẹ nhàng chuyển cá bột sang bể ương.
 
Bước 6: ương nuôi và chăm sóc ấu trùng cá chẽm
 
Mật độ thả ương cá bột mới nở 80-100 con/l, trong quá trình ương nuôi sang thưa dần ở mật độ từ 50 - 30 -20 - 10 con/lít. Môi trường: nước có độ mặn 30-33‰, nhiệt độ nước bảo đảm 28-30oC, oxy hòa tan > 5mg/l, sục khí nhẹ đều và tăng dần theo thời gian ương.
 
Trong 2 ngày đầu tiên cá sử dụng bằng noãn hoàng, không cho ăn. Từ ngày tuổi thứ 3-10 bắt đầu cho cá ăn luân trùng đã được làm giàu, mật độ luân trùng trong bể 10-20 cá thể/ml (cho ăn 2-3 lần/ngày). Từ ngày thứ 10 đến 25: cho cá ăn Artemia mới nở và Artemia đã làm giàu, mật độ Artemia cho cá ăn duy trì trong bể 1- 5 con/ml, cho ăn 4 lần/ngày. Từ ngày thứ 18, tập dần cho cá ăn thức ăn tổng hợp loại có kích thước nhỏ nhất (cỡ viên 2-3mm, có bán trên thị trường). Từ ngày 25 trở đi cho cá ăn chủ yếu bằng thức ăn tổng hợp và giảm lượng Artemia cho ăn còn 2 lần/ngày. Loại thức ăn tổng hợp được điều chỉnh phù hợp theo cỡ miệng của cá, sau 4-5 ngày tiến hành phân cỡ, san thưa cá và thay đổi cỡ viên thức ăn phù hợp với kích cỡ cá.
 
Cá chẽm là loài cá dữ phàm ăn. Nhằm hạn chế tối đa tỷ lệ hao hụt do cá ăn thịt nhau (cá lớn nuốt cá bé), khi sử dụng thức ăn tổng hợp nên cho ăn nhiều lần trong ngày để đảm bảo cá đủ no, đồng thời trong quá trình ương nuôi 4-5 ngày tiến hành phân cỡ cá và san thưa cá 1 lần. Việc phân cỡ cá thực hiện từ ngày 20 trở đi và làm vào buổi sáng, lúc cá còn đói đồng thời kết hợp với việc thay nước cá.
 
Cá có kích cỡ từ 2-3 cm, sử dụng 100% thức ăn viên tổng hợp, cho ăn 3 ngày/lần, ăn cá đủ no đều, ngưng cho cá ăn sau 17h hàng ngày.
 
Bước 7: Thu hoạch
 
Cá ương sau 50-60 ngày thường đạt kích cỡ 3-4cm, đủ tiêu chuẩn để chuyển đến ao gièo, ương lên cỡ cá lớn hơn để thả nuôi thương phẩm hình thức ao đất hoặc lồng bè. Lúc này có thể tiến hành thu hoạch.
 
Khi có kế hoạch thu hoạch cá giống phải cho cá nhịn đói trước 1 ngày, trước khi thu hoạch hạ mức nước trong bể xuống còn 40-50cm, dùng vợt bắt cá đảo lần lượt quanh bể 2-3 lần, trong khoảng thời gian 30 phút, tập cho cá làm quen, tránh sốc cá. Dùng 2 vợt chặn 2 đầu, đổ cá từ vợt nọ sang vợt kia, thao tác cẩn thận tránh hiện tượng gây sốc cho cá. Dùng chậu nhỏ múc cả cá và nước trong chậu sau đó chuyển vào xô. Sau đó mang đi đóng oxy.
 
Điều kiện chuyển giao
 
Nhà cung ứng hỗ trợ tư vấn chuyển giao công nghệ, thiết kế trại sản xuất giống cá chẽm theo nhu cầu quy mô nuôi trồng của khách hàng, dưới sự hỗ trợ của Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ (CESTI, thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM).
 
Thông tin liên hệ
 
1. Th.S Nguyễn Thị Kim Vân
Phân Viện Nghiên cứu hải sản phía Nam
Địa chỉ: Đường 3/2, phường 11, thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu
Điện thoại: 0254521768
E-mail: ntkvan@rimf.org.vn
 
2. Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ - Phòng Giao dịch Công nghệ
Địa chỉ: 79 Trương Định, P. Bến Thành, Q.1, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3822 1635 - Fax: (028) 3829 1957
Email: giaodichcongnghe@cesti.gov.vn
Hoàng Kim
Scroll