Mô hình nuôi lươn thương phẩm hiệu quả cao

Mô hình nuôi lươn thương phẩm không bùn với mật độ cao đạt tiêu chuẩn VietGap với nhiều ưu điểm sẽ giúp khắc phục những khó khăn hạn chế của các mô hình nuôi lươn thương truyền thống, mang lại hiệu quả kinh tế và sản phẩm an toàn, thân thiện môi trường.
Tình hình sản xuất và tiêu thụ
 
Lươn thuộc bộ Synbranchiformes, sống phổ biến ở nhiều nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Campuchia, Indonesia, Việt Nam... Lươn đồng là loài có giá trị dinh dưỡng cao, thịt thơm ngon, rất được ưa chuộng trên thị trường trong nước và xuất khẩu. Ngoài ra thịt lươn còn chứa nhiều DHA, EPA, vitamin B1, B2 có tác dụng bồi bổ sức khỏe, tăng trí thông minh, hạn chế các khối u, chống viêm. Theo Đông y, lươn có tác dụng bồi dưỡng khí huyết, tiêu trừ phong thấp, có thể chữa được bệnh suy dinh dưỡng, kiết lị, đau nhức xương sống, trĩ nội, phong thấp, bệnh huyết trắng của phụ nữ.
 
Lươn thịt đang là loại thực phẩm được nhiều người dân lựa chọn, nguồn cung không đủ cầu nên giá bán khá cao, trung bình giá lươn thịt được thu mua tại hộ nuôi giá từ 200.000 - 250.000 đồng/kg. Theo thống kê của Trademap.org, các thị trường tiêu dùng nhiều thịt lươn hàng năm đều phải nhập khẩu số lượng lớn, điển hình như Hàn Quốc, nhập khẩu hơn 196 triệu USD, Hồng Kông (Trung Quốc) nhập khẩu hơn 170 triệu USD. Đáng chú ý, Việt Nam cũng nằm trong nhóm 10 nước có nhu cầu tiêu thụ và nhập khẩu lươn nhiều nhất thế giới. Năm 2018 Việt Nam đã nhập khẩu 9,8 triệu USD lươn thịt từ Trung Quốc, Indonesia và Ma Rốc. Như vậy, nhu cầu tiêu thụ lươn thịt ở thị trường trong nước cũng như xuất khẩu là rất lớn.
 
Tại TP.HCM, nguồn lươn thịt chủ yếu nhập từ các tỉnh như Đồng Nai, An Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, Tiền Giang, Tây Ninh (chiếm 97%, tương đương khoảng 5.566 tấn/năm), còn lại khoảng 3% có nguồn gốc nuôi tại thành phố (tương đương khoảng 194,5 tấn/năm). Trong khi đó, sản lượng tiêu thụ nguồn lươn thịt thương phẩm tại TP.HCM chiếm 40%, tương đương 2.304 tấn/năm. Điều này cho thấy, lươn thịt nuôi tại TP.HCM chỉ đáp ứng được 3% tổng nhu cầu của thị trường Thành phố, do vậy việc phát triển ngành nuôi lươn thịt tại Thành phố là rất triển vọng, nhất là trong bối cảnh bệnh dịch gây bất lợi cho ngành chăn nuôi heo như hiện nay.
 
Về tình hình sản xuất, với những ưu điểm như không cần nhiều vốn đầu tư, không cần diện tích đất rộng, tận dụng được công lao động nhàn rỗi trong gia đình và các chuồng trại cũ, dễ chăm sóc và theo dõi hàng ngày,… lươn được xem là đối tượng nuôi mang lại thu nhập cao cho các hộ nông dân. Nghề nuôi lươn có xu hướng ngày càng phát triển mạnh ở nhiều địa phương với nhiều mô hình, quy trình nuôi lươn thương phẩm tương đối hoàn thiện.
 
Những năm qua, lươn chủ yếu được nuôi trong bể lót bạt, tập trung ở các huyện Thoại Sơn, Châu Thành, Tân Châu, Châu Phú tỉnh An Giang. Gần đây đã thử nghiệm thành công mô hình nuôi lươn đồng với mật độ cao trong bể, bể xi măng với dạt tre (có thể sử dụng cây tràm), với năng suất cao 60 – 70kg/m2 mỗi vụ. Tại TP.HCM, theo kết quả điều tra khảo sát của Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp năm 2019, Thành phố có gần 30 hộ nuôi lươn với 778 bể nuôi, diện tích mỗi bể nuôi từ 4 đến 8m2, cao 0,8 - 1m, đa phần đều chuyển đổi từ chuồng nuôi heo, nuôi gà. Phần lớn diện tích nuôi tập trung tại huyện Củ Chi (xã Tân Phú Trung, An Nhơn Tây và Tân Thông Hội) khoảng 8.772m2 tương đương 94%, phần còn lại tập trung tại các huyện Hóc Môn, Bình Chánh và Quận 12.
 
Thành phố đã xác định đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, phục vụ phát triển đô thị theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, giá trị gia tăng, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh cao và thân thiện với môi trường. Theo “Chương trình phát triển giống cây, con và nông nghiệp công nghệ cao giai đoạn 2020 - 2030” thì lươn là một trong những đối tượng thủy sản nước ngọt chủ yếu của Thành phố.
 
Kết quả khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao với các hộ nuôi lươn thương phẩm tại vùng Củ Chi (TP.HCM), Cần Thơ, An Giang ghi nhận có 4 mô hình nuôi chủ yếu là nuôi lươn không bùn kết hợp với hệ thống tuần hoàn 2 giai đoạn, nuôi lươn không bùn với mật độ cao, nuôi lươn không bùn và nuôi lươn có bùn. Nguồn giống chủ yếu từ tự nhiên và sản xuất bán nhân tạo; kích cỡ thả giống từ 1000 - 500 con/kg; mật độ nuôi phụ thuộc vào từng mô hình nuôi và mật độ cao nhất từ 400 - 500 con/m2 tại mô hình nuôi lươn không bùn kết hợp với hệ thống tuần hoàn 2 giai đoạn; thời gian thả giống từ tháng 8 đến tháng 10; thời gian nuôi lươn thương phẩm từ 10 - 12 tháng; tỉ lệ sống dao động từ 70 - 80%. Theo điều tra khảo sát, các hộ nuôi chọn mô hình nuôi lươn với các lý do chính là chi phí đầu tư mô hình thấp, đem lại hiệu quả kinh tế, tỷ lệ sống và thành công cao; hiệu quả kinh tế của mô hình nuôi lươn không bùn với mật độ cao thu được năng suất 53,35 kg/m2/vụ và tỉ suất lợi nhuận được ghi nhận là cao nhất (1,06).
 
 
 
Các mô hình nuôi lương thương phẩm hiện nay: (A) Mô hình nuôi lươn trong hệ thống tuần hoàn; (B) Mô hình nuôi lươn có bùn;
(C) Mô hình nuôi lươn không bùn trong bể xi măng lót bạc; (D) Mô hình nuôi lươn không bùn trong bể xi măng.
 
Bên cạnh những thuận lợi, các mô hình nuôi lươn thương phẩm hiện nay gặp không ít khó khăn như kích cỡ thả giống, lươn phân đàn, thành phần thức ăn và bố trí bể nuôi lươn thương phẩm ảnh hưởng đến tỉ lệ sống trong quá trình nuôi, chất lượng lươn thịt cũng như năng suất thu hoạch còn nhiều biến động, không ổn định giữa các vụ nuôi. Ngoài ra, các hộ nuôi chủ yếu tích lũy kinh nghiệm qua nhiều năm; việc nghiên cứu áp dụng các biện pháp kỹ thuật hiện đại, ứng dụng công nghệ nhằm tự động hóa kiểm soát và phòng trừ dịch bệnh trong quá trình nuôi lươn thương phẩm chưa được đẩy mạnh. Nguồn giống tuy chất lượng đã được cải thiện nhưng số lượng còn hạn chế. Tại Củ Chi phải nhập khẩu lươn giống với số lượng lớn bắt ngoài tự nhiên từ Camphuchia không đảm bảo về chất lượng. Tại Cần Thơ và An Giang, nhiều hộ nuôi đã chủ động kết hợp vừa sản xuất lươn giống vừa lấy con giống để nuôi lươn thương phẩm, tỉ lệ thành công khá cao nhưng nguồn giống bán nhân tạo cũng không đủ cung cấp với lượng lớn nhu cầu của các hộ dân muốn tham gia mô hình nuôi lươn thương phẩm.
 
Do đó, áp dụng phương pháp nuôi mới (nuôi lươn thương phẩm không bùn với mật độ cao đạt tiêu chuẩn VietGap) sẽ mang lại những ưu điểm và hiệu quả cao, giúp khắc phục khó khăn hạn chế của các mô hình nuôi lươn thương phẩm hiện tại.
 
Quy trình và phương pháp thực hiện
 
Quy trình nuôi lươn thương phẩm không bùn với mật độ cao
 
1. Xây dựng mô hình nuôi
 
* Vị trí xây dựng mô hình:
 
Mô hình nuôi lươn thương phẩm không bùn với mật độ cao được xây dựng ở vị trí thuận tiện cơ sở hạ tầng, giao thông đi lại, nguồn điện,… Môi trường nước và đất không bị ô nhiễm bởi các chất thải từ công và nông nghiệp như hóa chất, dầu khí, kim loại nặng, thuốc trừ sâu,… Diện tích xây dựng tùy thuộc vào mục đích sử dụng.
 
Nguồn nước: phân tích các chỉ tiêu nước được so sánh với tiêu chuẩn chất lượng nước mặt - QCVN 08:2008/BTNMT và so sánh với chỉ tiêu môi trường nước thích hợp cho nuôi lươn thương phẩm. Từ đó đưa ra phương pháp xử lý nguồn nước nuôi cho phù hợp (nhiệt độ nước 28 - 30oC; pH 7,5 - 8,5; DO trong nước từ 4,50 - 5,5mg/L; kim loại nặng < 0,01mg/l; NH4+ < 0,05mg/l; NO2 < 0,05mg/L).
 
* Vận hành mô hình:
 
Mô hình nuôi lươn thương phẩm không bùn với mật độ cao được vận hành theo quy trình sau:
 
 
 
2. Quy trình thực hiện
 
* Công việc 1: Thiết kế, xây dựng cơ sở hạ tầng
 
- Tổng diện tích 100m2.
 
- Nhà kho: chứa trang thiết bị, dụng cụ phục vụ sản xuất giống, diện tích 20m2.
 
- Nhà chế biến và bảo quản thức ăn cho lươn: diện tích 20m2.
 
- Khu xử lý và chứa nước cấp cho khu nuôi lươn thương phẩm: diện tích 20m2.
 
- Khu nuôi lươn thương phẩm: diện tích 40m2 (4 bể, 1 bể có diện tích 10m2).
 
- Hệ thống các công trình phục vụ cho nuôi lươn thịt phụ thuộc vào địa hình của khu đất dự kiến thực hiện mô hình. Về cơ bản cần bố trí sao cho:
 
+ Thuận lợi cho các hoạt động diễn ra hằng ngày (chuẩn bị thức ăn, cho ăn, thay nước, theo dõi, kiểm tra máy móc thiết bị) cũng như việc lắp đặt, vận hành và bảo dưỡng thiết bị.
 
+ Bể nuôi không nên để trống ngoài trời vì lươn không ưa ánh sáng mạnh và ánh nắng sẽ làm nóng nước. Nên làm giàn trồng dây leo hoặc làm mái che nắng mưa cho lươn bằng lưới che nắng (độ che phủ 70%).
 
- Chuẩn bị giá thể: dùng dây bẹ (dây nilon) màu đen (phù hợp màu bùn) xé nhỏ bó lỏng và trải đều khắp phía trên để lươn chui rúc vào trú ẩn. Dây nilon phải được xử lý trước khi đưa vào sử dụng bằng cách ngâm trong nước 10 - 15 ngày để các hóa chất tẩm trong dây nilon được rửa trôi nhằm hạn chế độ bén của dây nilon làm xây xát lươn trong quá trình nuôi.
 
- Điểm thuận lợi của phương pháp này là dễ dàng vệ sinh, chăm sóc theo dõi trong suốt quá trình nuôi, có thể phân cỡ dễ dàng khi trong bể có những con vượt đàn. Cần chú ý đến nhiệt độ nước trong bể vào mùa hè để có biện pháp xử lý kịp thời.
 
* Công việc 2: Xử lý nguồn nước nuôi lươn thương phẩm
 
Quy trình xử lý nước tuần hoàn trong nuôi lươn thịt:
 
 
- Bước 1: Xử lý nước ao lắng: nước được lấy vào từ nguồn cấp nước. Sau khi cấp đủ nước ao lắng thô thì tiến hành xử lý nước (diệt khuẩn bằng Chlorine với liều lượng 30ppm, thời gian xử lý 5 ngày).
 
- Bước 2: Xử lý nước bể chứa: nước được bơm từ ao lắng lên bể chứa. Tiến hành điều chỉnh các thông số môi trường tại bể chứa. Các thông số môi trường nước trước khi cấp vào ao ương và ao nuôi nhằm đảm bảo các yếu tố môi trường phù hợp với sự phát triển của lươn (pH 7 - 8,5; nhiệt độ 28 - 30oC; oxy 5mg/lít; NH3 0,1mg/lít).
 
- Bước 3: Cấp nước vào hồ nuôi: bể nuôi lươn thịt cấp nước với cột nước 0,3 - 0,4m.
 
- Bước 4: Xử lý nước thải: nước và chất thải trong hồ nuôi được xiphong rút ra ngoài qua dẫn vào ao xử lý nước thải. Tại ao xử lý nước thải được thả nuôi cá để tận dụng nguồn chất thải làm thức ăn cho cá cũng như xử lý nguồn nước thải ra.
 
* Công việc 3: Phương pháp thuần dưỡng lươn
 
Lươn giống vận chuyển bằng bao nilong cung cấp oxy, khi về phải tắm qua nước muối 4 - 5‰ trong 4 - 5 phút. Sau đó, lươn được vớt ra và phân loại trước khi đưa vào nuôi thuần dưỡng. Bể thuần dưỡng để nơi thoáng mát và yên tĩnh, tránh ánh nắng trực tiếp (đặt ở chỗ có bóng râm hoặc có mái che). Mực nước trong bể thuần dưỡng không quá 30cm.
 
Điều kiện môi trường thích hợp: nhiệt độ từ 23oC - 28oC; pH từ 6,5 - 8,0; độ mặn không quá 6‰. Chế độ thay nước 2 lần/ngày. Trong 2 - 3 ngày không cho lươn ăn mồi tạo điều kiện thích nghi với môi trường nuôi nhốt, mật độ thuần dưỡng 2 - 4kg/m2. Sau đó, cho ăn một ít trùn chỉ hoặc trùn quế và tăng dần theo khẩu phần ăn hàng ngày. Theo dõi hoạt động và mức ăn mồi của lươn để phòng trị bệnh kịp thời. Sau 15 - 30 ngày, lươn được lựa chọn cùng kích cỡ để cho vào bể nuôi thương phẩm.
 
* Công việc 4: Thả lươn giống
 
Kích cỡ giống thả phù hợp là 500 con/kg với mật độ từ 250 - 300 con/m2 (1500 - 2000 con/bể). Thời gian thả giống thích hợp từ tháng 6 đến tháng 10, vào lúc sáng sớm hay chiều mát, tốt nhất là thả lươn trước 10 giờ sáng. 
 
Trước khi thả lươn vào bể nuôi cần tắm cho lươn bằng dung dịch nước muối 3 - 5‰ trong 4 - 5 phút để trị bệnh ký sinh cho lươn hay phòng các loại vi khuẩn và nấm có hại cho lươn trong quá trình vận chuyển. Cần chú ý trong lúc tắm cho lươn, nếu thấy chúng phóng lên khỏi mặt nước hay có biểu hiện bất thường thì vớt lươn ra ngay và tắm lại bằng nước sạch trong bể nuôi 10 - 15 phút trước khi thả lươn vào ao nuôi.
 
* Công việc 5: Chăm sóc, quản lý lươn
 
Thức ăn của lươn là thức ăn công nghiệp với hàm lượng đạm 40 - 45%. Ngày cho lươn ăn 2 lần vào 8h sáng và 16h chiều. Định kỳ 1 tuần/lần sử dụng vitamin C, men tiêu hóa trộn vào thức ăn cho lươn (ăn theo khẩu phần 5 - 8% trọng lượng lươn nuôi).
 
Theo dõi mức ăn của lươn để hạn chế thức ăn thừa gây ô nhiễm nguồn nước, khi cho lươn ăn buổi chiều thì sáng sớm hôm sau nên kiểm tra và vớt bỏ phần thức ăn thừa. Những ngày đầu khi thả vào bể nuôi khẩu phần ăn khoảng 3% trọng lượng cơ thể, từ ngày thứ 10 trở đi cho ăn theo khẩu phần 5 - 8% trọng lượng lươn nuôi).
 
Thay nước: do là hình thức nuôi thâm canh nên việc thay nước phải được quan tâm nghiêm ngặt, không nên thay đổi đột ngột nguồn nước cấp. Nước trong bể lươn được thay hoàn toàn cho mỗi lần thay nước. Giai đoạn nhỏ dưới 50g/con thay nước 1 lần/ngày, giai đoạn trên 50g/con thay 2 - 3 lần/ngày. Mỗi lần thay nước tiến hành vệ sinh bể và giá thể của lươn.
 
Phân cỡ lươn: do lươn có tập tăng trưởng không đều nhau nên tính phân đàn lớn dẫn đến chênh lệch kích cỡ, có thể xảy ra hiện tượng ăn lẫn nhau. Để giải quyết vấn đề này, định kỳ sau thời gian nuôi 1 tháng nên phân cỡ lươn ra nuôi riêng để hạn chế lươn hao hụt do tấn công lẫn nhau, góp phần tăng năng suất.
 
* Công việc 6: Thu hoạch lươn thương phẩm
 
Sau thời gian nuôi thương phẩm từ 10 - 12 tháng, lươn thương phẩm đạt kích cỡ loại 1 (250 - 300g/con) có giá thành thu mua tại các hộ nuôi là 185.000 đồng/kg, loại 2 (200 - 250g/con) là 165.000 đồng/kg, loại 3 (khối lượng dưới 200g/con) có giá 150.000 đồng/kg. Thịt lươn sau khi thu hoạch đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm.
 
 
 
 Lươn thương phẩm
 
Ưu điểm của công nghệ, hiệu quả kinh tế
 
Mô hình nuôi lươn thương phẩm không bùn với mật độ cao đạt tiêu chuẩn VietGap có nhiều ưu điểm như giảm 30% chi phí đầu tư bể nuôi sau mỗi đợt nuôi; không gây ô nhiễm môi trường; dễ dàng quản lý, theo dõi quá trình sinh trưởng phát triển, phát hiện bệnh kịp thời để điều trị cũng như quản lý số lượng. Lươn nuôi lớn đều và nhanh hơn; dễ thu hoạch, ít tốn nhân công và chi phí so với cách nuôi truyền thống. Giá bán lươn theo tiêu chuẩn VietGap cao hơn so với lươn nuôi theo phương pháp truyền thống bởi lươn khỏe, đồng đều và không tồn dư kháng sinh.
 
Trong quy trình này, kích cỡ thả giống phù hợp được xác định là 500 con/kg với tỉ lệ sống cao (95,37%), tốc độ sinh trưởng và phát triển nhanh (chiều dài 26,14cm/con, khối lượng 22,02g/con); thời gian phân đàn 1 tháng/lần được ghi nhận với tỉ lệ sống cao nhất là (95,52%), tốc độ sinh trưởng và phát triển nhanh (chiều dài 30,43cm/con, khối lượng 30,58g/con). Sau 2 tháng nuôi trong bể lót bạc màu cam kết hợp với dây nilong đen lươn toàn thân màu vàng nâu có tỉ lệ cao nhất là 12,85% và tỉ lệ sống là 96,8%. Thức ăn viên là loại thức ăn phù hợp với mô hình nuôi lươn thương phẩm theo tiêu chuẩn tiêu VietGAP, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho hộ nuôi.
 
Áp dụng mô hình nuôi lươn thương phẩm không bùn mật độ cao cho năng suất khoảng 58kg/m2/vụ. Chi phí sản xuất ra 1kg lươn thương phẩm là 90.000 đồng. Giá lươn thương phẩm dao động từ 180.000 – 200.000 đồng/kg. Tỷ suất lợi nhuận đạt được khoảng 1,68. Mô hình giúp kiểm soát tốt điều kiện nuôi, dịch bệnh, dễ chăm sóc và kiểm soát lượng thức ăn, chất lượng sản phẩm; năng suất cao, giảm tối đa tỷ lệ thay nước, cho phép xử lý nước ô nhiễm và giúp kiểm soát quá trình xả thải. Đồng thời giúp người tiêu dùng được sử dụng những sản phẩm sạch, chất lượng, truy xuất được nguồn gốc, đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Nuôi lươn sạch bùn theo quy trình VietGap sẽ hạn chế các vấn đề vi sinh, kháng sinh và kim loại nặng, sẽ mở ra thị trường tiêu thụ không những trong nước mà còn xuất khẩu ra thị trường thế giới. Mô hình có thể triển khai tại TP.HCM và các tỉnh lân cận góp phần tăng thu nhập cho các hộ nuôi.
 
 
 
Bể nuôi lươn thương phẩm 
 
Hiện nhóm tác giả đang tiếp tục hợp tác với Sàn Giao dịch công nghệ Techport.vn (thuộc Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ – Sở KH&CN TP.HCM) để sẵn sàng chuyển giao quy trình cho các đơn vị, tổ chức có nhu cầu.
 
Thông tin chuyên gia, hỗ trợ
1. ThS. Nguyễn Thị Kim Liên
Điện thoại: 0983499015. Email: lienkimnguyen85@gmail.com
 
2. Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao
Địa chỉ: Ấp 1, Xã Phạm Văn Cội, Huyện Củ Chi, TP.HCM. Điện thoại: 028 38862726
 
3. Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ - Phòng Giao dịch Công nghệ
Địa chỉ: 79 Trương Định, P. Bến Thành, Q.1, TP. HCM
Điện thoại: (028) 3822 1635 - Fax: (028) 3829 1957
Email: giaodichcongnghe@cesti.gov.vn
Lam Vân (CESTI)
Scroll