Quy trình kỹ thuật trồng rau xà lách thủy canh ứng dụng đèn LED

Quy trình trồng xà lách thủy canh ứng dụng ánh sáng đèn LED trong nhà để tăng năng suất và chất lượng cho cây trồng.
Tình hình sản xuất và tiêu thụ
Xà lách có tên khoa học là Lactuca sativa L. thuộc bộ Asterales, họ Composite và chi Lactuca L. Xà lách là loại rau ăn sống có giá trị dinh dưỡng cao, cung cấp chất xơ cho cơ thể. Xà lách chứa nhiều vitamin A, C, chất khoáng như kali, canxi, sắt. Đây là một trong những loại rau rất được ưa chuộng, thường được sử dụng trong các bữa ăn hàng ngày của con người.
 
Tại Việt Nam, tốc độ đô thị hoá tăng nhanh chóng, do nhu cầu phát triển đô thị và các ngành công nghiệp, dịch vụ nên quỹ đất nông nghiệp ngày càng eo hẹp. Thực tế này đòi hỏi lãnh đạo các địa phương, ngành nông nghiệp cũng như các hộ nông dân phải thay đổi tư duy trong sản xuất nông nghiệp, thực hiện chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu cây trồng - vật nuôi, mở ra hướng phát triển cho nông nghiệp đô thị.
 
Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường về chất lượng, tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, mẫu mã đa dạng, giá thành hợp lý, đảm bảo khâu cung ứng kịp thời thì điều kiện cần thiết là phải đầu tư công nghệ cao và ứng dụng các tiến bộ khoa học vào nông nghiệp.
 
Trong đó, sử dụng ánh sáng nhân tạo như đèn LED vào các hệ thống sản xuất cây trồng trong nhà có kiểm soát môi trường sẽ giúp sản xuất cây trồng quanh năm, bất kể điều kiện thời tiết bên ngoài biến động thế nào. Đèn LED có những ưu điểm về hiệu quả cao trong chuyển đổi ánh sáng với hiệu suất bức xạ nhiệt thấp, bán cố định và khối lượng nhỏ. Ngoài ra, đèn LED có sẵn trong một loạt các băng tần hẹp. Vì vậy, nó có thể tối ưu hóa chất lượng ánh sáng để cải thiện cả năng suất và chất lượng cây trồng, giúp tăng giá trị dinh dưỡng, tạo ra các sản phẩm an toàn.
 
Chiếu sáng cho cây trồng bằng đèn LED còn có ưu điểm khác như: thân thiện môi trường, không chứa thủy ngân và các chất độc khác; dễ điều khiển bằng kỹ thuật số với khả năng thay đổi độ sáng 100%; chi phí bảo hành và thay thế hệ thống thấp; dễ dàng thay đổi nhiệt độ màu khi cần. Bên cạnh đó, thời gian chiếu sáng và tỷ lệ màu sắc ánh sáng đơn sắc từ đèn LED ảnh hưởng rất lớn đến năng suất và phẩm chất rau. Vì vậy, việc nghiên cứu xác định được tỷ lệ ánh sáng đèn LED phù hợp cho cây xà lách sinh trưởng và phát triển và thời gian chiếu sáng là cần thiết giúp tăng năng suất và chất lượng của rau xà lách thủy canh.
 
Quy trình và phương pháp thực hiện
 
Quy trình sản xuất rau xà lách ứng dụng đèn LED
 
Bước 1: Chọn giống
- Giống: xà lách xoăn, xà lách búp.
 
- Cây phát triển mạnh, có chiều cao 25 – 30 cm. Độ đồng đều cao, ăn rất ngon ngọt.
 
Bước 2: Chuẩn bị hệ thống trồng rau thủy canh đèn LED
* Chuẩn bị hệ thống thủy canh:
- Loại ống sử dụng: đối với hệ thống thủy canh hoàn lưu thường sử dụng ống nhựa PVC 75 – 90mm để trồng cây, ngoài ra có thể sử dụng ống nhựa dạng hộp vuông cách nhiệt có kích thước 100 x 60mm để trồng cây. Khoan các lỗ trồng cây có đường kính 4 – 7cm, có thể khoan lỗ hình tròn hoặc vuông, khoảng cách giữa 2 lỗ 15 – 20cm. Sử dụng chậu có đường kính 4 – 6cm để trồng cây.
 
- Giàn đỡ ống: sử dụng sắt chữ V, sắt hình ống hoặc nhôm định hình để làm giàn đỡ. Kích thước giàn: rộng x dài x cao (1,5 x 10 x 0,75m). Giàn có sự chênh lệch độ cao nhất định để đảm bảo chế độ nước và dinh dưỡng đồng đều trong đường ống, thông thường sự chênh lệch độ cao giàn là từ 3 - 7 độ.
 
- Hệ thống trữ nước và dinh dưỡng: mỗi giàn là một bể chứa nước và dinh dưỡng, bồn có thể tích 500 lít, máy bơm để cung cấp nước và dinh dưỡng lên giàn, hệ thống thu hồi có bộ lọc để lọc cặn bã trong ống.
 
- Chú ý:
+ Cần vệ sinh sạch các cặn bã và rong rêu bán vào ống sau mỗi vụ thu hoạch.
 
+ Hệ thống nước và dinh dưỡng thủy canh cần đảm bảo nhiệt độ trong nước tưới là 25 – 280C.
 
* Cấu tạo của một hệ thống tưới thủy canh hoàn lưu:
 
 
 
* Sơ đồ hệ thống thủy canh hồi lưu: 
 
 
 
- Lắp đặt hệ thống thủy canh hồi lưu, đảm bảo độ dốc mỗi bàn từ 1,5 – 3% để đảm bảo tốc độ ổn định cho dòng dinh dưỡng hồi lưu liên tục suốt 24 giờ/ngày.
 
* Chuẩn bị đèn LED:
Sử dụng đèn LED với tỷ lệ 80 đỏ: 20 xanh dương hoặc 70 đỏ: 30 xanh dương với thời gian chiếu sáng từ 10 - 12 giờ/ngày để trồng xà lách thủy canh. Đèn LED đỏ có bước sóng 660nm, công suất 3W, xuất xứ Hàn Quốc. Đèn LED xanh có bước sóng 460nm, công suất 3W, xuất xứ Hàn Quốc.
 
Bước 3: Chuẩn bị giá thể
Giá thể có thể là xơ dừa, chỉ dừa, trấu hun, mốp xốp,… Có thể kết hợp mụn dừa và trấu hun. Đối với giá thể là mụn dừa cần xử lý sạch tanin trước khi trồng, xử lý bằng cách ngâm và xả nước trong thời gian 5 – 7 ngày.
 
 
Vật liệu ươm cây con
 
Bước 4: Chuẩn bị cây con
- Gieo hạt: hạt giống xà lách được gieo vào miếng mốp xốp kích thước (2 x 2cm) hoặc gieo vào chậu 1,5 inch bằng chỉ xơ dừa, gieo 1 hạt/miếng (chậu).
 
- Chăm sóc:
+ Đối với mốp xốp: khay ươm được đặt trong bể nước sâu 5cm, trong nhà ươm có che mưa và lưới chắn côn trùng. Hàng ngày tiến hành phun sương để hạt nảy mầm đều.
 
+ Đối với gieo chậu: hạt giống gieo trực tiếp vào chậu (từ 1-5 hạt/chậu tùy giống). Sau đó chậu được đặt trong nhà ươm. Hàng ngày tiến hành phun sương để hạt nảy mầm đều.
 
- Khi hạt nảy mầm và xuất hiện lá thật thứ nhất, tiến hành cung cấp dinh dưỡng cho cây con với nồng độ từ 0,8 – 1,2dS/cm. Khi cây con được 4 lá thật thì chuyển ra vườn sản xuất.
 
Bước 5: Chế độ dinh dưỡng
- Nước tưới: sử dụng nguồn nước sạch, pH nước từ 5,5 – 6,5, không nhiễm mặn, phèn, kim loại nặng và vi sinh vật gây hại.
 
- Hàm lượng các chất trong dung dịch thủy canh cho rau ăn lá (ppm = mg/lít): N = 150 - 200ppm; P = 40 - 50ppm; K = 100 – 150ppm. Ca = 120 - 150ppm; Mg = 40 – 50ppm; Cu = 0,02ppm; Fe = 1,2 – 2ppm; Bo = 0,1 - 0,3ppm; Zn = 0,3ppm; Mn = 0,4ppm; Mo = 0,05ppm.
 
- Thường xuyên kiểm tra EC và pH của dung dịch tưới để điều chỉnh kịp thời. Dung dịch thủy canh đèn LED thích hợp là: EC = 0,8 - 1,2mS/cm; pH = 5,5 – 6,5.
 
Bước 6: Trồng và chăm sóc
- Sau khi cây con có khoảng 2 lá thật (sau 15 – 20 ngày gieo) chuyển cây con qua chậu trồng. Đặt cây vào giàn thủy canh, tiến hành cung cấp nước và dinh dưỡng theo hệ thống thủy canh tuần hoàn. Ánh sáng đèn LED được chiếu sáng trong khoảng thời gian 10 - 12 tiếng hàng ngày.
 
- Thời gian tưới vào ban ngày 6h – 18h, cài đặt thời gian tưới 60 phút và nghỉ 30 phút. Vào ban đêm, thời gian tưới 60 phút và thời gian nghỉ tưới 60 phút. Hàng ngày tiến hành kiểm tra pH và EC của dung dịch để điều chỉnh kịp thời.
 
- Cây xà lách trồng thủy canh ứng dụng đèn LED trong nhà được kiểm soát chặt chẽ nên hạn chế được bệnh và rất ít bị côn trùng phá hoại. Vì vậy, suốt quá trình trồng không cần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
 
 
Cây xà lách 14 ngày sau trồng
 
Bước 7: Thu hoạch
Rau xà lách thủy canh tiến hành thu hoạch 30 - 32 ngày sau trồng.
 
Sau khi thu hoạch, tiến hành sơ chế, loại bỏ rễ thừa, rọ trồng, quấn rễ bằng màng co để giữ ẩm cho rễ, giúp rau tươi lâu hơn.
 
Sau mỗi vụ thu hoạch thì tiến hành vệ sinh hệ thống để trồng vụ mới.
 
 
Cây xà lách 30 ngày sau trồng (giai đoạn thu hoạch)
 
Ưu điểm của công nghệ, hiệu quả kinh tế
Quy trình được thực hiện tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao cho thấy, chiếu sáng đèn LED với tỷ lệ 80 đỏ: 20 xanh trong thời gian chiếu sáng từ 8 - 10 giờ/ngày giúp tăng năng suất xà lách trồng thủy canh. Đây là một yếu tố quan trọng khi triển khai sản xuất, kinh doanh trồng xà lách trong điều kiện không có diện tích đất trồng hay nơi nhiều gió bão, không có ánh nắng.
 
Quy trình an toàn cho người canh tác và người tiêu dùng. Sản phẩm có chất lượng tốt. Hệ thống cây trồng vận hành tự động, tiết kiệm được công lao động. Mô hình này phù hợp với những khu vực thiếu đất canh tác và tận dụng được những kho bãi để thực hiện sản xuất.
 
Tuy nhiên, việc đầu tư trang thiết bị khá tốn kém chi phí, cần có nhân viễn kỹ thuật am hiểu về vận hành hệ thống cũng như kỹ thuật về trồng và chăm sóc cây. Do đó, cần triển khai sản xuất ở quy mô lớn để mang lại hiệu quả kinh tế.
 
Hiện nhóm tác giả đang tiếp tục hợp tác với Sàn Giao dịch công nghệ Techport.vn (thuộc Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ – Sở KH&CN TP.HCM) để sẵn sàng chuyển giao mô hình cho các đơn vị, tổ chức có nhu cầu.
 
Thông tin chuyên gia, hỗ trợ
1. ThS. Trần Văn Lâm
Điện thoại: 0945284808. Email: tranvanlamcnc@gmail.com
 
2. Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao
Địa chỉ: Ấp 1, xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi, TP.HCM. Điện thoại: (028) 6886 2726
 
3. Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ - Phòng Giao dịch Công nghệ
Địa chỉ: 79 Trương Định, P. Bến Thành, Q.1, TP. HCM
Điện thoại: (028) 3822 1635 - Fax: (028) 3829 1957
Email: giaodichcongnghe@cesti.gov.vn
Lam Vân
Scroll