Quy trình chế biến tiêu xanh

Công nghệ chế biến hồ tiêu Việt Nam đã tiếp cận các tiêu chuẩn thị trường thế giới. Tuy nhiên, hồ tiêu Việt Nam chủ yếu vẫn xuất thô, giá trị thấp hơn sản phẩm của Ấn Độ, Malaysia. Vì vậy, nâng cao chất lượng sản phẩm từ khâu trồng, chế biến sâu, chế biến sạch, đa dạng hóa sản phẩm, thị trường để thâm nhập sâu vào chuỗi cung ứng tiêu toàn cầu là rất cần thiết.

 

Tình hình sản xuất và tiêu thụ

Việt Nam hiện có khoảng 200 doanh nghiệp chế biến, kinh doanh hồ tiêu, trong đó có 15 doanh nghiệp hàng đầu, chiếm 70% lượng xuất khẩu cả nước. Đặc biệt, có 5 doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, chiếm gần 30% thị phần xuất khẩu. Tiêu chủ yếu được xuất khẩu, với 95%, nội tiêu chỉ khoảng  5%. Theo Tổng cục Hải quan, trong năm 2017 nước ta xuất khẩu được 192.235 tấn tiêu, đạt giá trị 1,018 tỷ USD. So với cùng kỳ năm 2016, xuất khẩu hạt tiêu tăng mạnh về lượng (tăng 21%), nhưng lại giảm tới 20,9% về giá trị. 

Các doanh nghiệp có nhà máy chế biến công nghệ cao theo tiêu chuẩn ASTA, ESA, JSSA đã tạo ra được nhiều sản phẩm đa dạng như tiêu đen, trắng nguyên hạt; tiêu nghiền bột, đóng gói nhỏ; gần đây có thêm sản phẩm tiêu ngũ sắc trong đó có tiêu xanh, tiêu vàng, tiêu đỏ (nhưng thường bị nhăn vỏ, màu sắc không thật tự nhiên).

Nếu ngành hàng hồ tiêu Việt Nam được tổ chức chế biến tốt hơn sẽ gia tăng giá trị sản phẩm xuất khẩu, giá hồ tiêu Việt Nam sẽ tương đương và có thể cao hơn giá của một số nước trên thế giới. Vì vậy, quy trình chế biến tiêu xanh cần được cân nhắc trong các dự án kinh doanh nhằm nâng cao giá trị của sản phẩm.

Quy trình, phương pháp tổ chức thực hiện

Làm sạch bằng sóng siêu âm

Nguyên lý hoạt động của bể rửa siêu âm là sử dụng công nghệ sóng siêu âm vật lý, tạo ra hàng ngàn bọt sóng li ti len lỏi đến mọi ngóc ngách của sản phẩm, vỡ ra và đánh bay đi những vết bẩn bám trên bề mặt ấy (kể cả những vết bẩn mà bằng mắt thường chúng ta không thể thấy được, hoặc những vết bẩn mà bằng thủ công, chúng ta không thể làm sạch được).

Cố định màu

Xử lý nhiệt bằng hơi nước để cố định màu xanh cho nguyên liệu, hạn chế các quá trình ôxy hóa làm biến đổi màu và tổn thất vitamin cho nguyên liệu.

Sấy khô

Sử dụng thiết bị sấy trong điều kiện chân không theo nguyên lý hoạt động phụ thuộc vào áp suất điểm sôi của nước: khi giảm áp suất trong thiết bị chân không xuống đến mức áp suất mà nước trong sản phẩm bắt đầu sôi và bốc hơi. Lúc này, xuất hiện chênh lệch áp suất lớn dọc theo bề mặt của s3n phẩm khiến dòng hơi ẩm tồn tại trong sản phẩm chuyển động và thoát ra ngoài.

Ủ thấm gia vị

Sau khi sấy, sản phẩm sẽ được chuyển qua khâu ủ thấm gia vị và đóng gói để phân phối đến tay người tiêu dùng.

Các điều kiện sản xuất: tùy theo qui mô sản xuất sẽ áp dụng thiết bị có công suất phù hợp. Các thiết bị sử dụng điện lưới 1 hoặc 3 phase. Trong đó, thiết bị chính sử dụng bao gồm: thiết bị rửa sạch bằng sóng siêu âm, máy sấy điều kiện làm việc chân không và máy đóng gói sản phẩm. 

Ưu điểm của công nghệ. Hiệu quả kinh tế

Ưu điểm

  • Sản phẩm dạng ăn liền, giòn tan, không cứng, mùi vị, màu sắc đặc trưng tự nhiên của sản phẩm.
  • Sản phẩm sản xuất trong điều kiện kín nên bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
  • Sản phẩm dựa trên công nghệ sấy, không sử dụng chất hóa học nên quá trình bảo quản được lâu.
  • Công nghệ phù hợp với điều kiện sản xuất nhỏ và vừa ở Việt Nam.

Hiệu quả kinh tế

  • Đa dạng hóa sản phẩm tiêu, nâng cao giá trị gia tăng trong thị trường.
  • Giải quyết vấn đề chế biến sau thu hoạch, tiêu thụ sản phẩm sau thu hoạch để tiêu dùng quanh năm.
  • Tạo công việc làm cho các hộ trồng tiêu. 

Thông tin liên hệ chuyên gia hỗ trợ

Bộ môn Kỹ thuật Điều khiển và Tự động hóa (Khoa Cơ khí Công nghệ - Đại học Nông Lâm TP.HCM)

Ðịa chỉ: Phường Linh Trung, quận Thủ Đức, TP.HCM

Ðiện thoại: (028) 3724 0024 - (028) 3887 0758 

Fax: 028-37240020    

Người liên hệ: Lê Văn Bạn

Hotline: 0988304674

Email: levanban@hcmuaf.edu.vn

 

Scroll