Mô hình trồng rau ăn lá trên giá thể trong nhà màng áp dụng tưới nhỏ giọt

Rau được dùng kết hợp với các loại hoa quả thực phẩm rất tốt cho sức khỏe con người, do đó nhu cầu tiêu thụ rau ngày càng tăng. Theo dự báo nhu cầu tiêu thụ rau quả trên thế giới sẽ tăng 5%/năm, trong đó người Nhật Bản tiêu thụ rau quả nhiều nhất trên thế giới. Xu hướng tiêu thụ rau gần đây chủ yếu là các loại rau có lợi cho sức khỏe, rau giàu vitamin.

Tình hình sản xuất và tiêu thụ

Việt Nam có lịch sử trồng rau từ lâu đời. Những năm trước đây, do nền kinh tế tự túc kéo dài, nghề trồng rau nước ta rất manh mún, chủng loại rau nghèo; diện tích và sản lượng rất thấp so với tiềm năng đất đai, khí hậu của Việt Nam.

Hiện nay, chúng ta có khoảng 70 loài thực vật được sử dụng làm rau hoặc chế biến thành rau; rau trồng có khoảng hơn 30 loại, trong đó, có khoảng 15 loại chủ lực, trong số này có hơn 80 % là rau ăn lá. Theo số liệu thống kê từ năm 1967 cho tới nay, sản xuất rau không ngừng tăng nhanh đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn phục vụ cho xuất khẩu.

   Bảng: Diện tích và sản lượng rau ở Việt Nam giai đoạn từ năm 2010–2014

Năm

Diện tích (ha)

Năng suất (tấn/ha)

Sản lượng (tấn)

2010

583.628

14,805

8.640.356

2011

523.180

14,466

7.568.440

2012

885.032

15,563

13.773.705

2013

1.034.794

16,527

17.101.781

2014

1.070.898

16,762

17.950.576

(Nguồn: FAOSTAT, 2017)

Tại Việt Nam, rau được tiêu thụ hầu hết ở các hộ gia đình. Theo số liệu điều tra của Viên Nghiên cứu Rau Quả (2002) có 100% hộ gia đình tiêu thụ rau. Tính từ năm 1993–1998, rau được tiêu thụ rộng rãi nhất là rau muống (95% số hộ tiêu thụ), sau đó là cà chua 88%. Năm 1998–2002, rau tiêu thụ chủ yếu là đậu đỗ, bắp cải, su hào, mức tiêu thụ rau tăng 10%/năm. Bình quân tiêu thụ rau của người Việt Nam là 54 kg/người/năm. Trong một khảo sát gần đây của Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam về sản xuất và thương mại hàng hóa rau cho thấy, tổng lượng rau tiêu thụ bình quân đầu người tăng hơn 2 lần so với 10 năm qua.

Xu hướng tiêu thụ rau của người Việt Nam cũng có nhiều thay đổi. Mức tiêu thụ rau theo đầu người sẽ tăng khoảng một nửa so với mức tăng của thu nhập, năm 2010 đạt mức tiêu thụ bình quân 140 kg/người/năm. Rau xanh vẫn giữ vị trí quan trọng trong bữa ăn hàng ngày và mức tiêu thụ ngày càng lớn, nhưng được đánh giá mang lại nhiều rủi ro cho  người tiêu dùng do chất lượng rau ở nhiều nơi không đảm bảo. Vì thế, mục tiêu của ngành sản xuất rau quả hiện nay là đáp ứng nhu cầu rau có chất lượng cao cho người tiêu dùng nhất là các vùng tập trung đông dân cư.

Theo báo cáo kết quả thực hiện công tác 2016 và triển khai kế hoạch năm 2017 lĩnh vực trồng trọt của Cục Trồng trọt ngày 15/12/2016 thì diện tích trồng rau năm 2016 của Việt Nam ước đạt 900 nghìn ha (tăng 10 nghìn ha so với năm 2015), năng suất ước đạt 177,5 tạ/ha (tăng 3,3% với năm 2015), sản lượng ước đạt gần 16 triệu tấn (tăng khoảng 650 nghìn tấn so với năm 2015). Về chất lượng rau hiện nay đang rất báo động trên phạm vị cả nước.

Số liệu của FAO (2017) cho thấy, ba năm gần đây, diện tích, năng suất và sản lượng rau tăng dần. Năm 2012, diện tích cả nước là 885.032 ha, năng suất 15,563 tấn/ha, sản lượng 13.773.705 tấn; năm 2013 diện tích tăng lên 1.034.794 ha, năng suất 16,527 tấn/ha, sản lượng 17.101.781 tấn; năm 2014, diện tích tăng lên 1.070.898 ha, năng suất 16,762 tấn/ha, sản lượng 17.950.576 tấn.

Quy trình, phương pháp tổ chức thực hiện

Chọn giống

Là khâu rất quan trọng trong canh tác rau ăn lá, khảo sát và chọn những giống phù hợp với điều kiện nhà màng tại TP.HCM và các tỉnh có điều kiện thời tiết khí hậu tương tự (giống rau cải bẹ xanh, cải ngọt và xà lách của công ty Trang Nông).

Chuẩn bị cây con

Khay ươm gieo hạt

Khay ươm thường làm bằng vật liệu mốp xốp, có kích thước dài 50 cm, rộng 30 cm, cao 5 cm (loại 50 lỗ/khay).

Thành phần giá thể

Sử dụng mụn xơ dừa, phân trùn quế (1,5 N - 0,5 P2O5 - 0,5 K2O) và tro trấu với tỷ lệ 70% mụn xơ dừa + 20% phân trùn quế + 10% tro trấu (tính theo thể tích).

Xử lý giá thể

  • Mụn xơ dừa: phải xử lý chất chát (tanin) trước khi trồng.
  • Phân trùn quế: được xử lý nấm bệnh bằng chế phẩm sinh học BIMA.

Gieo hạt

Giá thể được cho vào đầy lỗ mặt khay, tiến hành gieo 1-3 hạt/lỗ (hạt khô không cần ủ), độ sâu hạt gieo từ 0,5- 1cm, sau đó bổ sung thêm một lớp giá thể phủ lên trên bề mặt.

Chăm sóc

Khay ươm được đặt trong nhà ươm có che mưa và lưới chắn côn trùng. Hàng ngày, tưới nước giữ ẩm đảm bảo cho hạt nảy mầm đồng đều. Khi hạt nảy mầm và xuất hiện lá thật thứ nhất, tiến hành phun phân bón lá Growmore 30-10-10 với nồng độ là 1g/lít nước để cung cấp dinh dưỡng cho cây con. Sau khi gieo từ 10-15 ngày có thể đem trồng vào lướng.

Chuẩn bị giá thể và luống trồng

  • Cách xử lý giá thể trồng cũng như xử lý phân trùn quế tương tự như giá thể gieo ươm cây con.
  • Giá thể được sử dụng là hỗn hợp mụn dừa, trùn quế và tro trấu với tỷ lệ 70% mụn xơ dừa + 20% phân trùn quế + 10% tro trấu (tính theo thể tích).
  • Kích thước luống trồng: chiều rộng 1,2 m; chiều cao 15 cm, chiều dài tùy kích thước của nhà màng, tốt nhất là 20-30 m. Mỗi luống bố trí 5 đường dây tưới nhỏ giọt, đường kính ống nhỏ giọt là 1,6 cm, lỗ nhỏ giọt cách nhau 20 cm.

Thiết bị tưới

Kiểu lắp đặt và bố trí hệ thống tưới: trang thiết bị tối thiểu cho một hệ thống tưới nhỏ giọt gồm: bể chứa dung dịch dinh dưỡng, máy bơm, hệ thống dây dẫn dinh dưỡng, ống PVC, bộ lọc và bộ định giờ (timer và van từ).

Bố trí hệ thống tưới theo luống, sử dụng ống tưới nhỏ giọt lỗ cách lỗ 20 cm. Mỗi luống bố trí 5 đường ống tưới, đường tưới này cách đường tưới kia 20 cm, đường ngoài cùng cách mép ngoài luống 10 cm.

Trồng và chăm sóc

Mật độ trồng

Mật độ, khoảng cách trồng: Trồng với mật độ 50 cây/m2 với khoảng cách giữa 2 hàng 20 cm, khoảng cách giữa 2 cây 20 cm và khoảng cách giữa hai hàng trên một hàng đôi là 5 cm.

Tưới nước và bón phân

Dung dịch dinh dưỡng và nước tưới được cung cấp đồng thời thông qua hệ thống tuới nhỏ giọt. Dựa vào nhu cầu dinh dưỡng và giai đoạn sinh trưởng của cây để xác định nồng độ dung dịch tưới phù hợp.

Lượng dinh dưỡng cho rau ăn lá (cải bẹ xanh, cải ngọt và xà lách) được thực hiện như sau:

Bảng 3: Lượng dinh dưỡng cho rau ăn lá (cải bẹ xanh, cải ngọt và xà lách) trong 1.000 lít nước

Tên phân bón

Liều lượng (g/1.000 lít)

KNO3

200

KH2PO4

230

MgSO4

540

Ca(NO3)2

900

URE

80

Nồng độ phân vi lượng bổ sung: B (0,3–0,5 mg/lít); Mn (0,3 mg/lít); Fe (2-3 mg/lít); Mo (0,05 mg/lít); Cu (0,1–0,5 mg/lít); Zn (0,3 mg/lít).

pH cho dịch tưới là: từ 5,5 - 6,5

Sau khi trồng khoảng 1-2 ngày, tưới dinh dưỡng với liều lượng 3–4 lít/m2/ngày. Sau 7 ngày tiến hành tưới nước và dinh dưỡng với liều lượng 5–7 lít/m2/ngày. Mỗi ngày tưới 2 lần sáng và chiều (mỗi lần tưới 15 phút). Trong quá trình chăm sóc tùy thuộc vào điều kiện thời tiết và tình hình sinh trưởng của cây có thể tưới thêm nước để đảm bảo cây sinh trưởng tốt.

Chăm sóc

Sau khi trồng 7-10 ngày tiến hành vun gốc giúp cây đứng vững trên giá thể và tỉa bỏ cây xấu, mỗi lỗ nhỏ giọt chỉ trồng 2 cây 2 bên lỗ.

Trước khi thu hoạch 5 ngày ngừng tưới dung dịch dinh dưỡng để bảo đảm hàm lượng nitrat trong mức cho phép.

Phòng trừ sâu bệnh hại

Sử dụng phương pháp phòng trừ theo IMP, ICM, sử dụng các bẫy dính, bẫy vàng để phòng ngừa.

Cách phòng trị: sử dụng các loại thuốc phòng trừ theo danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng ở Việt Nam

Thu hoạch

Tiến hành thu hoạch khi rau ăn lá đã đủ tuổi (khoảng 25-30 ngày sau trồng), không để rau ăn lá ra ngồng làm mất giá trị thương phẩm, đảm bảo thời gian cách ly sau khi phun thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học ít nhất là 7 ngày. Loại bỏ các lá già, héo, bị sâu, dị dạng. Tùy theo hình thức kinh doanh có thể áp dụng quy trình sơ chế đóng gói trước khi tiêu thụ.

Các điều kiện sản xuất

Nhà màng

Nhà màng được thiết kế với nhiều kiểu khác nhau: Kiểu nhà kính, nhà màng kiểu cổ điển, nhà màng kiểu răng cưa, kiểu mái vòm, kiểu hình ống, nhà lưới,...Tuy nhiên cần đảm bảo các điều kiện như: độ truyền sáng từ 85-90%; quy cách: độ cao cột (chiều cao từ mặt đất đến máng xối) từ 4-4,75m, khẩu độ mỗi gian nhà là 8m, cột cách cột (bước cột) là 4m. Với mái được lợp bằng màng Polymer (dày 150 micron) và vách xung quanh được che bằng lưới chắn côn trùng dày 50 mesh.

Hệ thống tưới nhỏ giọt

  • Máy bơm thông thường động cơ điện hay dầu, xăng, có khả năng bơm nước lên độ cao 3,5 m. Có thể lắp thêm rơle tự đóng mở (đối với hệ thống bơm điện để tự động bơm nước vào bồn).
  • Ống nhựa PVC cứng đường kính 30-40 hay 60 mm làm ống dẫn nước chính và loại đường kính 16-21 hay 26 mm làm ống dẫn phụ. Ống nhựa dẻo đường kính 16 mm và một trong những loại vòi phun tia li tâm, phun tia cố định, nhỏ giọt. Có thể chế đầu nhỏ giọt bằng ống và van của hệ thống truyền "nước biển" dùng trong y tế. Các phụ kiện lắp ráp.
  • Tất cả đường ống chính và phụ cần được chôn sâu 20-30 cm để kéo dài tuổi thọ của ống, đoạn cuối của ống nhánh cũng cần được che phủ tránh nắng và rêu phát triển trong ống.
  • Thường xuyên giặt rửa lưới lọc nước trên bồn.
  • Sau mùa tưới, mở khóa đầu các ống nhánh, xả bỏ cặn toàn bộ hệ thống.

Ưu điểm của công nghệ. Hiệu quả mô hình

Ưu điểm

  • So với canh tác truyền thống, hệ thống chăm sóc cây trồng trong nhà màng hiện đại mang lại thực sự nhiều lợi ích: bảo vệ cây trồng trước các điều kiện thời tiết bất lợi; tiết kiệm công lao động trong các khâu: tưới nước, bón phân, làm cỏ, phun thuốc; năng suất tăng gấp 1,5-2 lần so với trồng truyền thống. Có thể trồng rau trong nhiều vụ. Kiểm soát được các yếu tố đầu vào (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật,…) do đó, sản phẩm sau thu hoạch đảm bảo an toàn, đạt chất lượng.
  • Nhà màng có mái được lợp bằng màng Polymer và vách xung quanh được che bằng lưới chắn côn trùng nên hạn chế được một số loại sâu bệnh hại trên rau.
  • Tưới nhỏ giọt đưa nước trực tiếp trên mặt đất đến gốc cây trồng liên tục dưới dạng từng giọt nhờ các thiết bị tưới đặc trưng tạo giọt, đảm bảo phân bố độ ẩm đều quanh gốc rễ, tạo điều kiện thuận lợi về chế độ không khí, nhiệt độ, độ ẩm, dinh dưỡng, quang hợp… cho cây trồng, giúp tiết kiệm nước, tiết kiệm điện và hao phí lao động tạo ra sản phẩm.
  • Tưới nhỏ giọt phụ thuộc rất ít vào các yếu tố thiên nhiên như độ dốc của địa hình, thành phần và cấu trúc đất tưới, mực nước ngầm nông hay sâu, ảnh hưởng của sức gió... Tưới nhỏ giọt phù hợp với mọi địa hình nông nghiệp Việt Nam.
  • Tưới nhỏ giọt góp phần ngăn chặn sự phát triển của cỏ dại quanh gốc cây và sâu bệnh vì lượng nước chỉ cung cấp làm ẩm gốc cây.
  • Tưới nhỏ giọt cung cấp nước thường xuyên, duy trì chế độ ẩm thích hợp theo nhu cầu sinh trưởng và phát triển của các loại cây trồng. Nhờ đó, cây sinh trưởng tốt, phát triển nhanh, đạt năng suất cao.

Hiệu quả kinh tế

Lợi nhuận đem lại khi trồng rau ăn lá (cải bẹ xanh, cải ngọt, xà lách) trên giá thể áp dụng tưới nhỏ giọt trồng trong nhà màng đạt 9-12 triệu đồng/1.000 m2/vụ (tương đương 90-120 triệu đồng/1.000 m2/năm).

Thông tin liên hệ chuyên gia, hỗ trợ

Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao

Người liên  hệ: Hoàng Đắc Hiệt

Địa chỉ: Ấp 1, xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi, TP.HCM

Điện thoại: 0935.805.869

Email: hoanghietcnc@gmail.com

Scroll