Báo cáo tại Hội thảo, Tiến sĩ Đặng Xuân Ba, đại diện nhóm nghiên cứu thuộc Trung tâm Robot thông minh - Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM cho biết, hiện nay nhiều nước trên thế giới đã và đang tăng cường đầu tư phát triển các công nghệ robot tự hành thông minh. Đây được xem là giải pháp cho tình trạng thiếu hụt nhân công và nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng. Việc áp dụng nhiều giải pháp công nghệ cùng với sự xuất hiện của robot hiện đại giúp cho các hoạt động diễn ra một cách tự động, cải tiến, cung cấp dịch vụ đáp ứng đa chiều và linh hoạt hơn. Từ thực tế này, nhóm nghiên cứu đã chủ động thiết kế và chế tạo nên robot RSR02.
Tiến sĩ Đặng Xuân Ba (Trung tâm Robot thông minh - Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, đơn vị sáng chế robot) trình bày tại sự kiện
Chia sẻ về quá trình chế tạo robot RSR02, theo đại diện nhóm nghiên cứu, thử nghiệm ban đầu của nhóm là phát triển robot tích hợp các tính năng thông minh có thể hoạt động tự động hoặc theo chỉ dẫn nhằm mục đích hỗ trợ quá trình vận hành thư viện trường như mượn/trả tài liệu, tra cứu thông tin tài liệu, hướng dẫn bạn đọc đến vị trí tài liệu trong kho,…
Để vận hành, robot RSR02 tích hợp các công nghệ tiên tiến như ROS, SLAM và Lidar. Bằng việc sử dụng các kỹ thuật xử lý ngôn ngữ trong bộ công cụ tương tác mềm, thiết kế này cho phép robot giao tiếp với người dùng một cách linh hoạt bằng giọng nói và tra cứu thông tin cần thiết. Bên cạnh đó, robot còn được xây dựng bản đồ động cải tiến để phác họa khu vực làm việc, di chuyển chính xác đến vị trí mong muốn và tránh được các chướng ngại vật hiệu quả. Không những thế, các công nghệ xử lý ảnh, IoT (internet vạn vật) và kỹ thuật định vị tĩnh sử dụng bộ công cụ tương tác sâu để thu thập thông tin môi trường xung quanh, thông tin người dùng cho quá trình xử lý nâng cao, nhanh chóng tính toán đưa ra quyết định, cũng như tự động hiệu chỉnh quá trình vận hành của robot. Sự kết hợp của ROS, SLAM và Lidar để điều hướng robot đóng vai trò quan trọng trong việc giúp robot tự hành di chuyển ở môi trường không gian 3D một cách an toàn và hiệu quả.
Mặt trước, mặt bên cùng thông số kỹ thuật của robot RSR02
Đến nay, nhóm nghiên cứu vẫn tiếp tục cải tiến sản phẩm nhằm phục vụ các đơn vị sản xuất robot công nghiệp, đơn vị chế tạo máy, công ty cơ khí… Còn đối với những đơn vị như cơ quan hành chính, cơ sở giáo dục, nhà hàng, khách sạn… nhóm nghiên cứu cũng sẵn sàng cung cấp các mẫu robot tùy chỉnh đáp ứng theo nhu cầu của từng đơn vị.
Tiến sĩ Đặng Xuân Ba cho biết, hiện nhiều doanh nghiệp trong nước đã và đang mạnh dạn đầu tư công nghệ, nghiên cứu để sản xuất robot phục vụ, đặc biệt là trong bối cảnh cả nước đang tích cực thực hiện chiến lược chuyển đổi số quốc gia. Có thể nói, robot RSR02 là người bạn đồng hành tin cậy trong chuyển đổi số, là trợ thủ đắc lực, giúp quản lý hiệu quả, nâng cao hiệu suất và tính linh hoạt trong công việc.
“Giờ đây, robot RSR02 của nhóm nghiên cứu đã có thể đáp ứng tương đối đầy đủ yêu cầu của các đơn vị và được xem như một “người bạn” thông minh, giúp tiết kiệm chi phí đầu tư, tối ưu hóa quá trình làm việc, tăng tính linh hoạt, giảm rủi ro trong môi trường sản xuất hiện đại”, Tiến sĩ Đặng Xuân Ba nhấn mạnh.
Qua phần trao đổi tại Hội thảo và “tận mục sở thị” robot RSR02 ngay trong không gian sự kiện của CESTI, đa số khách tham dự đều thích thú với hình dáng thân thiện, giao diện dễ sử dụng của robot RSR02, cũng như đánh giá cao những lợi ích thiết thực của robot như tối ưu chi phí trong hoạt động sản xuất; giải quyết bài toán thiếu nhân sự; cải thiện độ chính xác, nâng cao năng suất lao động; tăng tính an toàn trong lao động sản xuất…
Một số ý kiến khác tại Hội thảo cho rằng, quá trình chuyển đổi số đang đi vào cuộc sống, làm thay đổi cách thức mỗi người sống và làm việc, cách mỗi doanh nghiệp, mỗi cơ quan vận hành. Tuy nhiên, tại Việt Nam, việc sử dụng robot trong môi trường làm việc, sản xuất hàng ngày còn khá mới mẻ, chưa được nhiều người dân biết đến do nguồn cung còn hạn hẹp, giá thành vẫn đang ở mức tương đối cao.
“Tùy theo yêu cầu của khách hàng, hệ thống có thể chỉnh sửa phù hợp để giúp doanh nghiệp, tổ chức tiết kiệm chi phí đầu tư và nhanh chóng triển khai vào thực tế. Doanh nghiệp, tổ chức cần cung cấp thông tin về nhu cầu và quy trình xử lý để nhóm nghiên cứu có biện pháp thực hiện. Xuất phát từ việc tự chủ toàn bộ trong khâu nghiên cứu và chế tạo nên giá thành các mẫu robot của nhóm chỉ dao động trong khoảng 50 đến 80 triệu đồng một sản phẩm, tiết kiệm hơn nhiều so với giá thị trường”, Tiến sĩ Đặng Xuân Ba chia sẻ thêm.
Thông tin với CESTI tại sự kiện đại diện nhóm nghiên cứu cũng cho biết, những giải pháp của Trường đã được ứng dụng cho một số doanh nghiệp và cơ sở sản xuất, phục vụ các quy trình từ sản xuất, giáo dục, dịch vụ đến hoạt động hành chính, thay thế cho một số thao tác thủ công của con người. Đặc biệt, robot RSR02 hiện đã nhận được nhiều phản hồi tích cực khi đưa vào sử dụng tại Bệnh viện 115, làm việc tại khu tiếp tân của bệnh viện, hỗ trợ đưa bệnh nhân, thân nhân đến các phòng, khoa mong muốn.
Sau sự kiện, CESTI sẽ tiếp tục kết nối, chuyển giao công nghệ robot RSR02 và hỗ trợ cho các đơn vị, tổ chức, cá nhân có nhu cầu.
Minh Nhã (CESTI)