Mô hình sản xuất sinh khối Artemia làm thức ăn cho cá cảnh

Quy trình nuôi sinh khối Artemia cải tiến về hiệu quả kỹ thuật giúp tiết kiệm được chi phí sản xuất (chi phí nguồn nước, muối và con giống) để hạ giá thành sản xuất. Đồng thời người dân có thể nuôi trong nhà quanh năm mà không sợ ảnh hưởng của thời tiết, mùa vụ, từ đó tạo nguồn cung ổn định cho thị trường.
Tình hình sản xuất và tiêu thụ
 
Artemia từ những năm thập niên 30 của thế kỷ trước đã được biết đến là loại thức ăn tươi sống, giàu dinh dưỡng cho các đối tượng thủy sản. Nhiều nghiên cứu đã khẳng định ấu trùng Artemia mới nở từ trứng, Artemia tiền trưởng thành và trưởng thành có giá trị dinh dưỡng cao, là loại thức ăn tươi sống không thể thiếu trong khâu sản xuất giống và ương nuôi các loài thủy sản nước lợ. Sinh khối Artemia tươi sống với giá trị dinh dưỡng không thua kém Artemia mới nở từ trứng từ lâu đã được chứng minh là loại thức ăn tốt và được sử dụng rộng rãi trong ương nuôi các loài thủy sản.
 
Với đặc tính của loài, người ta có thể sử dụng Artemia dưới dạng sinh khối tươi sống hoặc tồn trữ dưới dạng trứng bào xác và cho nở để thu sinh khối khi có nhu cầu.
Trong nuôi trồng thủy sản nói chung và ngành nuôi cá cảnh nói riêng, thức ăn tươi sống là loại thức ăn cung cấp nhiều năng lượng vì nó chứa nhiều chất dinh dưỡng thiết yếu mà thức ăn chế biến không thể đáp ứng tốt. Sinh khối Artemia tươi sống được xem là nguồn thức ăn tươi sống phù hợp, an toàn cho cá dĩa.
 
Artemia có hàm lượng đạm khá cao (55%) và hàm lượng axit béo không no (HUFA) lớn đáp ứng được nhu cầu dinh dưỡng cho các loài cá cảnh có giá trị kinh tế. Mặt khác, sinh khối Artemia có nhiều kích cỡ khác nhau nên phù hợp với các giai đoạn sinh trưởng của cá. Artemia cũng chứa một lượng lớn các sắc tố carotenoid nên phù hợp cho lên màu sắc tự nhiên các loài cá cảnh. Artemia là loài rộng muối, có thể tồn tại trong môi trường nước ngọt trong thời gian dài 4 - 5 giờ nên là mồi sống thích hợp cho cá cảnh.
 
Tuy nhiên việc thu các sản phẩm sinh khối và trứng bào xác trên thế giới chủ yếu từ nguồn tự nhiên nên không đảm bảo được cả về khối lượng và chất lượng dinh dưỡng cho sự phát triển mạnh của ngành nuôi trồng thủy sản. Hiện nay, trên thị trường cá cảnh cũng có nguồn sinh khối Artemia đông lạnh nhưng do là mồi chết nên không kích thích tính ăn và bắt mồi của cá cảnh, dễ bị phân hủy làm dơ nước và mất mỹ quan bể cá cảnh.
 
Về tình hình sản xuất, theo nhóm nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao, hiện nay việc sản xuất Artemia chủ yếu tập trung ở vùng ven biển Đồng bằng sông Cửu Long như Sóc Trăng, Bạc Liêu, Trà Vinh, Bến Tre, Cà Mau và nuôi trên ruộng muối nhằm thu trứng Artemia là chính.
 
Các tỉnh ở miền Trung như Nha Trang, Ninh Thuận nông dân cũng triển khai một số mô hình nuôi sinh khối Artemia để ương nuôi tôm hùm, ốc hương nhưng kết quả cũng chưa đáp ứng được như mong đợi, cung chưa đủ cầu. Hàng năm một số lượng lớn sinh khối được chuyển ra miền Trung từ vùng nuôi Sóc Trăng, Bạc Liêu để cung cấp cho các đối tượng thủy sản, đa phần là nguồn sinh khối tận thu từ các ao thu trứng bào xác đã kết thúc vụ nuôi.
 
Artemia là loài được du nhập và nuôi kết hợp với sản xuất muối trên những cách đồng thuộc vùng biển Vĩnh Châu - Sóc Trăng với mục đích là thu trứng bào xác. Sản lượng Artemia sinh khối vào cuối vụ nuôi (từ tháng 4 đến tháng 7) khá dồi dào, được thu bán phục vụ cho các trại ương giống với giá thấp. Sản lượng sinh khối bắt đầu giảm xuống thấp khi mưa kéo dài, lượng sinh khối thu vào tháng 6 đến tháng 7 thường nhỏ, không đủ số lượng để bán ra thị trường. Do đó, các hộ dân vùng ven biển Vĩnh Châu – Sóc Trăng thường tận dụng Artemia sinh khối để ương tôm giống nhằm tạo con giống có kích cỡ lớn, ít hao hụt để phục vụ cho nuôi thương phẩm và giảm được chi phí nuôi.
 
Tại TP.HCM có cơ sở nuôi sinh khối Artemia để cung cấp sinh khối dạng tươi sống cho thị trường cá cảnh. Đây là mô hình nông dân sáng tạo được thành phố công nhận, có tiềm năng tạo ra nguồn thu nhập ổn định cho người dân. Tuy nhiên đây là mô hình do người dân tự tìm hiểu thực hiện nên trong quá trình triển khai còn gặp một số khó khăn như qui trình nuôi chưa ổn định về mặt kỹ thuật; qui mô thực hiện trên các bể nhựa 100 lít nhỏ lẻ, số lượng cung cấp chưa ổn định; tỷ lệ sống Artemia còn thấp, năng suất sinh khối thu hoạch chưa cao, giá thành tạo ra 1kg sản phẩm cao (300.000 đồng/kg);…
 
 
 
Artemia giai đoạn Instar I trước lúc thả giống
 
Để góp phần chủ động sản xuất và đa dạng nguồn thức ăn tươi sống an toàn cho thị trường cá cảnh, việc nghiên cứu ứng dụng công nghệ nuôi sinh khối Artemia là phù hợp, giúp giải quyết một số khó khăn của người dân đang gặp phải trong quá trình sản xuất.
 
ThS. Nguyễn Thị Kim Liên (Trưởng phòng Nghiên cứu Công nghệ sinh học và Thủy sản, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao) cho biết, với công nghệ nuôi sinh khối Artemia, hiện nay đã có những nghiên cứu về ứng dụng nuôi sinh khối tảo làm thức ăn cho Artemia; sử dụng các phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn nuôi sinh khối Artemia; ứng dụng bổ sung probiotic vào môi trường nước nuôi, tăng sự sinh trưởng và sinh sản sinh khối Artemia;…
 
Ngoài ra, từ năm 2012, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu nuôi sinh khối Artemia trong bể kính làm thức ăn cho cá dĩa (symphysodon sp.)”. Trong nghiên cứu này, loại thức ăn thích hợp sử dụng để nuôi Artemia trong bể kính là Nupro và tảo Chaetoceros sp. với tỷ lệ sống khá cao (83,9% và 80%) và cho năng suất sinh khối cao (1,68g/L và 1,56g/L). Sinh khối Artemia là nguồn thức ăn tốt để bổ sung vào khẩu phần ăn cho cá dĩa, giúp cá tăng trưởng tốt, màu sắc cá đẹp và không bị nhiễm bệnh trong quá trình nuôi.
 
Năm 2018, Trung tâm cũng thực hiện đề tài “Nghiên cứu sử dụng sinh khối nấm men để nuôi Artemia làm thức ăn cho cá cảnh”. Kết quả xác định được sinh khối nấm men từ cơ chất cám gạo cho kết quả tốt nhất với tỷ lệ sống của Artemia sau 14 ngày nuôi là 82,3% và năng suất sinh khối đạt 1,71g/L. Công thức thức ăn cho nuôi sinh khối Artemia thích hợp nhất là kết hợp giữa 50% sinh khối nấm men + 50% thức ăn tôm sú. Các kết quả ghi nhận được là tỷ lệ sống đạt 88,7% với năng suất sinh khối đạt 2,39g/L. Hàm lượng chất dinh dưỡng đáp ứng được nhu cầu của cá với hàm lượng protein là 55,26%, lipd đạt 0,91% và có đầy đủ các acid amin cần thiết cho cá cảnh.
 
Tiếp đến, năm 2019, Trung tâm đã xây dựng mô hình sản xuất sinh khối Artemia ở quy mô 5m3 trên bể composite hình chữ nhật. Ở mô hình này, Artemia được cho ăn thức ăn tôm sú kết hợp với cám gạo ủ lên men Saccharomyces cerevisiae (0,5ppm trong 24 giờ) theo tỉ lệ 1:1. Kết quả cho thấy, với phương pháp thu tỉa 4 lần, mỗi lần thu 50% và định kỳ 7 ngày/lần, năng suất sinh khối Artemia đạt 2,2kg/m3 sau 5 tuần nuôi. Chi phí để sản xuất ra 1kg sinh khối Artemia là 188,338 ngàn đồng.
 
Kế thừa những những kết quả nghiên cứu nêu trên, mô hình “Ứng dụng quy trình cải tiến nuôi sinh khối Artemia trong bể xi măng lót bạt làm thức ăn cho cá cảnh tại TP.HCM” được thực hiện nhằm giảm chí phi sản xuất sinh khối Artemia và tăng hiệu quả kinh tế cho người nuôi.
 
Quy trình và phương pháp thực hiện
 
Quy trình cải tiến nuôi sinh khối Artemia trên bể xi măng lót bạt
 
 
 
Bước 1. Thiết kế hệ thống nuôi sinh khối Artemia
 
Tổng diện tích 200m2 bao gồm:
 
- Nhà kho: chứa trang thiết bị, dụng cụ phục vụ nuôi sinh khối Artemia, diện tích 20m2.
 
- Khu xử lý và chứa nước cấp cho nuôi sinh khối Artemia, diện tích 40m2.
 
- Khu nuôi sinh khối Artemia: diện tích 100m2 (gồm 20 bể nuôi lớn nhỏ, mỗi bể nuôi dao động từ 1 - 5m3 nước tùy điều kiện thực tế).
 
- Khu xuất bán sinh khối Artemia: diện tích 20m2.
 
- Khu xử lý nước thải: diện tích 20m2.
 
Hệ thống các công trình phục vụ cho nuôi sinh khối Artemia phụ thuộc vào địa hình của khu đất dự kiến thực hiện mô hình. Về cơ bản cần bố trí sao cho thuận lợi các hoạt động diễn ra hằng ngày (chuẩn bị thức ăn, cho ăn, thay nước, theo dõi, kiểm tra máy móc thiết bị) cũng như việc lắp đặt, vận hành và bảo dưỡng trang thiết bị.
 
Hệ thống các bể nuôi sinh khối Artemia được bố trí trong nhà để không ảnh hưởng của nước mưa làm giảm độ mặn trong bể nuôi.
 
Thiết kế bể nuôi: bể nuôi sinh khối Artemia là bể xi măng lót bạt, hình dạng là bể hình vuông với diện tích bể nuôi 1m3 phù hợp với điều kiện cơ sở sản xuất. Bố trí 1 ống cấp và 1 ống thoát nước nằm đối diện ở 2 góc của bể, riêng ống cấp có đường kính 60mm, ống thoát có đường kính 114mm có thiết kế chung để xả tràn và xả cặn cho đáy bể. Bên trong bể lót bạt màu cam, bể nuôi lót bạt để dễ dàng cho việc vệ sinh bể sau mỗi vụ nuôi.
 
Các chỉ tiêu chất lượng nước đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật:
 
- Độ mặn của nước: 35‰.
 
- Nhiệt độ nước: 28 - 300C
 
- pH: 7,0 - 8,0
 
- DO trong nước từ 4 - 5ppm
 
- Kim loại nặng < 0,01mg/l
 
- NH4+ – N: < 0,1mg/l
 
- NO2 – N: < 0,01mg/l.
 
Bể nuôi và các dụng cụ được vệ sinh bằng cách ngâm với Chlorine với nồng độ 200ppm trong thời gian 1 ngày, sau đó được rửa sạch lại bằng nước ngọt và phơi khô. Sau đó, tiến hành lắp đặt hệ thống khí cho bể nuôi với số lượng 4 dây khí/bể để đảm bảo cung cấp đủ lượng oxy (>5mg/L) cho bể nuôi.
 
Kể từ vụ nuôi tiếp theo, nguồn nước được tái sử dụng từ vụ nuôi đầu, quá trình này có thể bổ sung thêm từ 10 - 20% lượng nước mới. Trước khi tiến hành thả giống, nước trong bể cần được gây màu bằng cách bổ sung men vi sinh kết hợp với rỉ đường và thức ăn tôm sú số 0 theo tỉ lệ (0,5:5:2).
 
Bước 2. Kỹ thuật ấp và thả giống
 
Trứng Artemia sử dụng là Artemia Vĩnh Châu cho ấu trùng khỏe và hiệu suất nở cao đạt 300.000 ấu trùng/g. Công thức tính số lượng trứng ấp: tùy vào mật độ mà số lượng trứng nở được tính theo công thức sau: số gram trứng cần ấp (g) = (D x V)/300.000. Trong đó, D: mật độ nuôi (cá thể/L); V: thể tích nuôi (L); 300.000: hiệu suất nở của trứng.
 
Dụng cụ ấp là bình keo trong có thể tích 5 lít, 10 lít, 21 lít. Cung cấp ánh sáng bằng đèn neon liên tục trong suốt quá trình ấp trứng, đèn đặt cách xô ấp 20cm. Nhiệt độ ấp 28 - 300C; độ mặn 35‰; mật độ ấp 3g/lít; sục khí mạnh và liên tục. Sau 16 - 20 giờ, quan sát thấy trứng bào xác Artemia đã nở thì tiến hành thả giống. Lúc này đa số ấu trùng ở giai đoạn Instar I (khả năng thích ứng cao với những biến đổi của môi trường), rất thuận lợi trong việc thả giống.
 
Với thể tích tích nuôi là 1m3 và mật độ nuôi là 1.500 Nauplius/lít thì cần 5 gram trứng và mật độ Artemia đạt được là 1,5 triệu cá thể/bể. Giống sau khi ấp nở được lọc bỏ vỏ rồi đem thả ở giai đoạn Instar I vào lúc trời mát. Trước khi thả giống thì lấy nước trong bể nuôi cho chảy từ từ vào xô đựng giống cho giống quen dần với nước trong bể nuôi.
 
Bước 3. Quản lý, chăm sóc
 
Thức ăn của Artemia được cải tiến là cám gà (thay thế cho cáo gạo và thức ăn tôm sú) ủ lên men Saccharomyces cerevisiae (0,5ppm trong 24 giờ) theo tỉ lệ 1:1.
 
Liều lượng và cách cho ăn: số lần cho ăn là 4 lần/ngày với thời gian cho ăn 8h, 11h, 14h và 17h.
 
Thức ăn được lọc qua lưới lọc 50µm, lấy phần lọt qua lưới cho ăn, hạn chế thức ăn thừa. Sục khí nhẹ giúp cho ấu trùng bắt mồi dễ. Liều lượng cho ăn ban đầu là 2g thức ăn/lần.
 
Lượng thức ăn được điều chỉnh bằng cách quan sát màu nước bể nuôi, biểu hiện bơi lội của Artemia và sự hiện diện thức ăn trong đường ruột (nếu thức ăn bị đứt quãng thì lượng thức ăn đưa vào không đủ và phải bổ sung thêm, ngược lại nếu nước có biểu hiện dơ, màu nước trắng đục lâu trong trở lại thì lượng thức ăn được điều chỉnh giảm). Tùy thuộc vào chất lượng nước của bể nuôi, có thể siphon nền đáy và thay 30% nước và bổ sung thêm men vi sinh để hạn chế việc tích tụ khí NH3 gây chết Artemia.
 
Bước 4. Thu hoạch
 
Sinh khối Artemia ở các bể nuôi được thu tỉa theo phương pháp thu tỉa 50%/lần và định kỳ 7 ngày/lần, thu những con tiền trưởng thành. Sau khoảng 14 - 20 ngày nuôi phần lớn Artemia cái đã tham gia sinh sản nên mật độ quần thể sẽ tăng lên.
 
Sinh khối Artemia được thu tỉa vào ban đêm. Artemia có tập tính hướng quang (tập trung về phía có ánh sáng), cơ sở nuôi sử dụng bóng đèn led công suất 50W treo vào một góc bể nuôi, chờ 15 - 20 phút toàn bộ Artemia sẽ gom về nới có ánh sáng. Sau đó dùng lưới có kích thước (50 x 70cm), với các kích cỡ mắt lưới ≥ 1mm thu những cá thể vướng vào mắt lưới. Mỗi vụ thu tỉa liên tục trong 8 tuần: lần 1 thu 50% những con tiền trưởng thành vào ngày thứ 14, những lần còn lại sẽ thu hoạch cách 7 ngày/thu một lần.
 
Tại cơ sở sản xuất Artemia của ông Lê Như Phú (Phường Thới An, Quận 12, TP.HCM), nhu cầu của khách hàng thường sử dụng các cá thể Artemia trưởng thành là chủ yếu, các kích cỡ nhỏ hơn ít được sử dụng hoặc cơ sở sẽ bán trứng cho những người nuôi cá khi có yêu cầu kích cỡ nhỏ hơn.
 
Bước 5. Xuất bán thương mại
 
Sinh khối Artemia sau khi thu hoạch được bơm oxy, đóng gói thành từng túi nilon. Sau đó vận chuyển đến các cửa hàng thức ăn cá cảnh và những người nuôi cá cảnh.
 
Năng suất sinh khối đạt 64g/L/ngày, cao hơn so với phương pháp thu hoạch 1 lần trước đây (57g/L/ngày). Chi phí để sản xuất ra 1kg sinh khối Artemia trong quy trình cải tiến là 167.500 đồng/kg, hiệu quả hơn so với phương pháp sản xuất truyền thống trước đây (203.700 đồng).
 
Ưu điểm của công nghệ, hiệu quả kinh tế
 
Quy trình cải tiến nuôi sinh khối Artemia trên bể xi măng lót bạt giúp tăng hiệu quả sản xuất 10 – 20% so với sản xuất theo phương pháp truyền thống. Cụ thể, quy trình này giúp tăng tỷ lệ sống từ 75% – 80% lên 83% – 85%, năng suất sinh khối tăng từ 52kg/vụ/năm lên 72kg/vụ/năm, sản lượng tăng từ 312kg/năm lên 432kg/năm. Chi phí để sản xuất ra 1kg sinh khối Artemia trong quy trình cải tiến là 167.500 đồng/kg hiệu quả hơn so với phương pháp sản xuất truyền thống trước đây (300.000 đồng). Sinh khối Artemia thu hoạch với nhiều kích thước khác nhau, phù hợp với từng giai đoạn phát triển của thủy sản. Đây là loại thức ăn giàu dinh dưỡng, không mang mầm bệnh nên sẽ tăng tỷ lệ sống của cá trong quá trình nuôi.
Quy trình cải tiến nuôi sinh khối Artemia trên bể xi măng lót bạt đã được chuyển giao cho cơ sở sản xuất sinh khối Artemia của ông Lê Như Phú (Phường Thới An, Quận 12, TP.HCM), bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho đơn vị sản xuất. Cụ thể, sản lượng cho 12 tháng sản xuất là 432kg, tổng doanh thu = 359,86 triệu đồng. Lợi nhuận 107.405.833 đồng, tỷ suất lợi nhuận là 0,21.
 
 
 
Sinh khối Artemia được thu và đóng vào các bịch bơm oxy 
 
Theo ThS. Nguyễn Thị Kim Liên (Trưởng phòng Nghiên cứu Công nghệ sinh học và Thủy sản, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao), mô hình nuôi sinh khối Artemia cải tiến về hiệu quả kỹ thuật có thể tái sử dụng nguồn nước nuôi từ 80 - 90%, từ đó giúp tiết kiệm nguồn nước để hạ giá thành sản xuất. Về mặt công nghệ, mô hình đã hoàn thiện quy trình kỹ thuật từ thiết kế hồ nuôi, xử lý nguồn nước trước khi cấp vào bể nuôi, hệ thống sục khí cung cấp oxy cho hồ nuôi, quản lý môi trường, thức ăn, quản lý sức khỏe Artemia, cho đến thu hoạch, đáp ứng được các giải pháp, thông số kỹ thuật và chỉ tiêu chất lượng ổn định, đạt trình độ công nghệ cao.
 
 
 Bể nuôi Artemia có màu nước trong suốt
 
Với mô hình nuôi sinh khối Artemia trên bể xi măng lót bạt theo phương pháp cải tiến, người dân có thể nuôi trong nhà quanh năm mà không sợ ảnh hưởng của thời tiết, mùa vụ nên tạo nguồn cung ổn định cho thị trường. Mô hình này sử dụng ít đất, nước, phù hợp với điều kiện tại TP.HCM; có thể áp dụng đại trà cho các hộ nông dân có quy mô diện tích đất vừa và nhỏ, ít vốn, trình độ học vấn không cao. Qua đó cung cấp cho họ phương thức sản xuất kinh doanh mới trong điều kiện xâm ngập mặn, sự bất ổn về thời tiết, môi trường và nguồn nước, góp phần tạo việc làm ổn định và tăng thu nhập cho người lao động địa phương.
 
Theo ThS. Võ Thị Mộng Thu (Chi cục Thủy sản TP.HCM), điểm cải tiến mang lại hiệu quả kinh tế rõ nét nhất của mô hình nuôi sinh khối Artemia trong bể xi măng lót bạt là ở khâu thu hoạch. Mô hình này đã đưa ra giải pháp thu tỉa 50%/lần và định kỳ 7 ngày/lần, thu những con tiền trưởng thành. Mỗi vụ thu tỉa liên tục trong 8 tuần.
 
ThS. Võ Thị Mộng Thu cho rằng, quy trình có thể áp dụng nhân rộng cho các hộ dân sản xuất theo mô hình nông nghiệp đô thị, quy mô diện tích đất sản xuất nhỏ, ít vốn. Từ đó góp phần cung cấp nguồn thức ăn giàu dinh dưỡng cho cá cảnh – đối tượng nhiều tiềm năng phát triển của TP.HCM.
 
Hiện nhóm tác giả đang tiếp tục hợp tác với Sàn Giao dịch công nghệ Techport.vn (thuộc Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ – Sở KH&CN TP.HCM) để sẵn sàng chuyển giao quy trình cho các đơn vị, tổ chức có nhu cầu.
 
Thông tin chuyên gia, hỗ trợ
 
1. KS. Trương Thị Thúy Hằng
Điện thoại: 0973890239. Email: truongthithuyhang712@gmail.com.vn
 
2. Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao
Địa chỉ: Ấp 1, Xã Phạm Văn Cội, Huyện Củ Chi, TP.HCM. Điện thoại: 028 38862726
 
3. Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ - Phòng Giao dịch Công nghệ
Địa chỉ: 79 Trương Định, P. Bến Thành, Q.1, TP. HCM
Điện thoại: (028) 3822 1635 - Fax: (028) 3829 1957
Email: giaodichcongnghe@cesti.gov.vn
Lam Vân (CESTI)
Scroll