Lựa chọn công nghệ sấy trong bảo quản, chế biến nông sản thực phẩm giá trị cao

Doanh nghiệp cần xác định các chi phí đầu tư, vận hành máy sấy và đánh giá hiệu quả kinh tế và kỹ thuật.
Đó là những vấn đề được ThS. Lê Văn Bạn (ĐH Nông Lâm TP.HCM) lưu ý tại hội thảo giới thiệu các công nghệ sấy phù hợp với nông sản, thực phẩm, diễn ra trong khuôn khổ Chợ Công nghệ và Thiết bị chuyên ngành Công nghệ sau thu hoạch 2020 (Techmart Công nghệ sau thu hoạch 2020) do Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ TP.HCM (CESTI) tổ chức, sáng 30/7 vừa qua.
 
Chia sẻ tại hội thảo, ThS. Lê Văn Bạn cho biết, có 4 yếu tố cơ bản (đồ thị không khí ẩm, ẩm độ tương đối môi trường không khí, ẩm độ chứa trong vật chất và ẩm độ cân bằng của vật chất) tác động đến việc xác định công nghệ và lựa chọn loại máy sấy, đồng thời có thể dùng để xác định tiêu chuẩn ký kết các hợp đồng cung cấp máy sấy.
 
 
ThS. Lê Văn Bạn giới thiệu đồ thị không khí ẩm tại hội thảo 
 
Cụ thể, độ ẩm môi trường, độ ẩm vật chất và nhiệt độ cần dùng trong quá trình sấy sẽ tác động đến việc xác định loại máy sấy. Với đồ thị không khí ẩm và nhiệt độ, ThS. Lê Văn Bạn giúp người quan tâm xác định được sự khác biệt giữa các công nghệ sấy nóng, sấy lạnh, sấy thăng hoa và sấy nhiệt độ thấp, sấy cấp đông,…là cơ sở để chế tạo nên các loại máy sấy như máy sấy tĩnh, máy sấy lạnh, máy sấy bơm nhiệt, máy sấy phun, máy sấy chân không,…
 
Chia sẻ về kinh nghiệm triển khai máy sấy đến hộ nông dân, ThS. Lê Văn Bạn cho rằng phải thực hiện hết sức cẩn trọng, có cam kết rõ ràng; nông sản sau khi sấy phải đạt ẩm độ đồng đều, giữ được kích thước và hình dạng, chất lượng màu sắc và mùi vị, hàm lượng dinh dưỡng của sản phẩm, thậm chí là đảm bảo tỉ lệ nẩy mầm (nếu sấy giống).
 
Theo ThS. Lê Văn Bạn, để tính toán đầu tư cho một hệ thống sấy nông sản thực phẩm giá trị cao (đông trùng hạ thảo, vải thiều, tiêu xanh, tổ yến…), doanh nghiệp cần xác định các loại chi phí đầu tư máy, vận hành máy (nhân công, tiêu hao năng lượng/nhiên liệu), đồng thời đánh giá hiệu quả kinh tế (chi phí sấy cho mỗi kg sản phẩm) và kỹ thuật (kJ/kg nước mang ra khỏi sản phẩm).
 
Thực tế cho thấy, nhiều hệ thống sấy của các doanh nghiệp đang hoạt động không hiệu quả, sản phẩm đầu ra chưa đồng đều về ẩm độ, tiêu hao nhiều năng lượng và tốn nhân công đảo trộn trong quá trình sấy. Như vậy, nhu cầu về các công nghệ sấy thích hợp là tất yếu, do sấy là một trong những lối ra chủ lực cho nông sản sau thu hoạch ở nước ta trong thời gian tới đây. Trong bối cảnh đó, rất cần những cơ quan nhà nước đóng vai trò trung gian hỗ trợ, như CESTI, để kết nối, tư vấn pháp lý và hỗ trợ các bên cung - cầu, giúp nhanh chóng đưa công nghệ sấy vào hoạt động sản xuất. 
Hoàng Kim
Scroll