Hội chợ Giống và Nông nghiệp CNC 2019: Ứng dụng công nghệ Plasma trong xử lý thực phẩm

Diễn ra từ 15 - 19/8/2019 với quy mô 350 gian hàng, Hội chợ - Triển lãm Giống và Nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM năm 2019 hàng trăm công nghệ, thiết bị tiên tiến, trong đó có công nghệ Plasma lạnh ứng dụng trong bảo quản thực phẩm tươi sống.
Trong lĩnh vực bảo quản thực phẩm, nhiều phương pháp khử trùng đã được ứng dụng để diệt trừ các loại vi sinh vật gây bệnh thực phẩm và vi sinh vật làm hỏng thực phẩm. Tuy nhiên, mỗi quy trình đều có ưu nhược điểm riêng, chẳng hạn như những phương pháp dựa vào xử lý nhiệt như khử trùng bằng hơi nước, hấp tiệt trùng… thì lại ảnh hưởng đến dinh dưỡng, vẻ cảm quan của thực phẩm. Hay một số phương pháp đơn giản hơn như dùng tia cực tím UV có thể ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe con người do bức xạ tia UV có thể phá vỡ các liên kết của các mô bên trong làn da, còn máy sục Ozone lại kéo dài và có khả năng tạo ra khí NO2 - rất hại tới hô hấp của con người.
 
Plasma lạnh (Non-thermal Plasma) là dòng vật chất tích điện mang năng lượng cao, bao gồm phân tử khí, hạt tích điện như ion dương, ion âm, electron và bức xạ điện từ (photon). Do các ion trong plasma lạnh có thể thâm nhập vào các vết nứt và khe hở của các cơ quan có hình dạng phức tạp, làm chết các tế bào vi khuẩn bằng các loại hoạt chất tạo ra từ luồng plasma lạnh (như O, O2, O3, OH, NO, NO2) gây ra các tác động oxy hóa trên bề mặt bên ngoài của các tế bào vi sinh vật, nên plasma lạnh giúp khử khuẩn ở thực phẩm mà không ảnh hưởng xấu đến dinh dưỡng và cảm quan của sản phẩm, chẳng hạn như dùng để khử trùng bề mặt khô (thịt, gia cầm, cá và rau củ quả tươi sau thu hoạch), thực phẩm dạng hạt (sữa bột, các loại thảo mộc và gia vị).
 
Ở Việt Nam, Công ty TNHH Công nghệ Năng lượng và Môi trường Ces Plasma đã nghiên cứu và chế tạo thành công hệ thống rửa và bảo quản rau củ quả sạch áp dụng công nghệ plasma lạnh trong xử lý khí, nước, tạo nước diệt khuẩn. Hệ thống bao gồm 2 buồng plasma cung cấp nước sạch và nước oxy hóa (công suất 100 lít/giờ), máy rửa (công suất 1.000 kg/ngày), nhà kính (kích thước 6x2x2 mét) và máy tiệt trùng không khí.
 

Đây là giải pháp khử các loại vi sinh vật, vi trùng, khí độc, hóa chất, mùi và chất bẩn hiệu quả và nhanh chóng mà không cần dùng hóa chất. Trong đó, plasma được ứng dụng trong nhiều công đoạn tiệt trùng như không khí (trong khu vực sản xuất), nước sạch (trong khu vực tinh chế tại kho), dụng cụ sản xuất và tạo nước oxy hóa cao (không hóa chất) dùng để tiệt trùng rau.
 
Theo quy trình xử lý, nước được bơm liên tục vào bể tràn, chuyển đến hệ thống trộn HCL sau đó đi vào buồng plasma, từ vùng plasma nước được phun trực tiếp lên bể băng tải hoặc bồn chứa để rửa và tiệt trùng rau. Còn ở công đoạn tiệt trùng không khí, không khí được bơm từ ngoài vào, qua ống dẫn khí đến bộ lọc bụi và van tiết lưu để chỉnh lưu lượng khí cho phù hợp, sau đó khí được chuyển tới buồng plasma. Bộ lọc khí plasma có thể lọc được các tạp chất, côn trùng, bụi phấn, dị vật có kích thước nhỏ. Không khí sau khi qua buồng plasma sẽ trở thành khí sạch.


Ngoài chi phí đầu tư ban đầu cho một hệ thống (1 module) xử lý với công suất 1.000 kg rau/ngày vào khoảng 200 triệu đồng, mỗi ngày, cơ sở sản xuất chỉ tốn thêm khoảng 25.000 đồng chi phí tiêu hao 2 mét khối nước (1 khối sản xuất nước sạch, 1 khối sản xuất nước tiệt trùng) và 5 KW điện (10 giờ hệ thống hoạt động). Với thời hạn khấu hao chừng 10 năm, chi phí xử lý 1.000 kg rau mỗi ngày ước tính chỉ 81.000 đồng.
 
Do đó, ứng dụng công nghệ Plasma trong xử lý thực phẩm còn là giải pháp không nhiễm khuẩn, không hóa chất, không gây ô nhiễm môi trường và tiết kiệm năng lượng.
 
Thông tin chi tiết về sự kiện xin vui lòng liên hệ:
Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ TP.HCM
Phòng Thông tin Công nghệ
79 Trương Định, P. Bến Thành, Q.1, TP.HCM
ĐT: (028) 3822 1635 – 3825 0602 – Fax: (028) 3829 1957
DĐ: 0988 759 696 (gặp anh Nguyên)
Email: trungnguyen@cesti.gov.vn
Kim Hoàn
Scroll