Ứng dụng công nghệ nano trong canh tác cây trồng bước đầu cho nhiều kết quả khả quan

Công nghệ nano có rất nhiều tiềm năng ứng dụng trong nông nghiệp. Trên thế giới, người ta ứng dụng nano trong xử lý hạt giống để cải thiện tốc độ nảy mầm và sinh trưởng, chất lượng và năng suất thu hoạch sản phẩm; làm phân bón lá cho từng giai đoạn phát triển của cây trồng...
Sáng 7/10/2016 tại Trung tâm Thông tin KH&CN TP.HCM (CESTI), số 79 Trương Định, Quận 1, đã diễn ra báo cáo chuyên đề “Xu hướng ứng dụng công nghệ nano trong canh tác cây trồng và thủy sản”. Nội dung chuyên đề đã thu hút hàng trăm khách mời từ các doanh nghiệp, viện trường, cơ quan nghiên cứu, và các cơ quan quản lý nhà nước.

PGS.TS. Nguyễn Hoài Châu, nguyên Trưởng ban Ứng dụng và Triển khai công nghệ (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam), cho biết, công nghệ nano có rất nhiều tiềm năng ứng dụng trong nông nghiệp. Trên thế giới, người ta ứng dụng nano trong xử lý hạt giống để cải thiện tốc độ nảy mầm và sinh trưởng, chất lượng và năng suất thu hoạch sản phẩm; làm phân bón lá cho từng giai đoạn phát triển của cây trồng; nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón NPK qua nhả chậm có kiểm soát; nâng cao hiệu quả sử dụng và giảm chi phí thuốc BVTV bằng phương pháp vận chuyển tới đích đối với dưỡng chất và thuốc;…
 
 
Theo khảo sát thông tin của CESTI, trên thế giới, từ năm 1969 đến 2015 đã có 1.376 sáng chế nộp đơn đăng kí bảo hộ về ứng dụng công nghệ nano trong nông nghiệp. Năm 2013 là năm có số lượng sáng chế đăng kí bảo hộ nhiều nhất (199 sáng chế). Trong 10 năm gần đây số lượng đơn đăng ký bảo hộ sáng chế liên tục gia tăng. Việc ứng dụng công nghệ nano tại Việt Nam cũng có nhiều triển vọng, khá nhiều đề tài nghiên cứu ứng dụng nano trong nông nghiệp đã được triển khai, ví dụ như “Nghiên cứu xây dựng quy trình sản xuất phân bón lá ứng dụng công nghệ vật liệu nano phục vụ trong sản xuất nông nghiệp” của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao, “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ Nano trong phòng trừ bệnh hại cây trồng nông nghiệp nhằm hạn chế sử dụng thuốc hóa học” của Trung tâm Công nghệ Sinh học TP. Hồ Chí Minh,… 
 
Gần đây, Viện Công nghệ môi trường (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) đã chủ trì dự án cấp nhà nước về “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ nano trong nông nghiệp” trong thời gian 48 tháng (từ táng 1/2015 đến tháng 12/2018), cùng với sự phối hợp nghiên cứu ứng dụng của 16 đơn vị nghiên cứu trên cả nước, để nghiên cứu ứng dụng các loại phân vi lượng nhả chậm trên cơ sở các hạt nano kim loại có hoạt tính sinh học (Fe, Mn, Co, Cu); các chế phẩm phòng chống và diệt một số bệnh nấm trên cơ sở các nano ZnO, Ag và Cu; các chế phẩm nano (Fe, Cu, Co, Se); kem bôi nano Ag và bình xịt nano Ag dùng trong chăn nuôi bò sữa; hệ vật liệu mang thuốc kháng sinh polymer-nano đa chức năng...đến nay đã có nhiều kết quả khả quan ban đầu. Ví dụ như tổ hợp nano vi lượng xử lý hạt giống (do Viện Công nghệ môi trường nghiên cứu) gồm các hạt nano Fe, Cu, Zn, Co, Mo, Bo,... được tổng hợp bằng phương pháp khử hóa học, sử dụng các hóa chất thân thiện môi trường. Các kết quả nghiên cứu thực nghiệm đã chứng minh sản phẩm nano này có khả năng kích thích sinh trưởng và phát triển của cây trong giai đoạn nảy mầm, giúp tăng năng suất cây trồng, giảm thiểu phân bón sử dụng, phòng trừ dịch bệnh từ đất và tăng sức chống chịu các điều kiện bất lợi của môi trường đối với hạt nảy mầm,...; công nghệ chế tạo và sử dụng vật liệu để bọc hạt giống nhằm tăng thời gian bảo quản, chống nấm trong đất trồng và cung cấp dinh dưỡng cho cây mọc mầm. Vật liệu này bao gồm phân bón vi lượng, trung lượng, nano Ag và một số vi sinh vật có lợi cho cây trồng,...
 
Trong khuôn khổ báo cáo chuyên đề, TS. Lê Quý Kha, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam (IAS), đã thông tin về kết quả nghiên cứu ứng dụng sản phẩm nano phức hợp trên một số cây trồng cạn của IAS liên kết với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Ví dụ, nghiên cứu phòng trừ bệnh đốm nâu thanh long do nấm Neoscytalidium dimidiatium gây ra bằng anolit và nano kim loại (nano đơn) trong điều kiện phòng thí nghiệm và trong điều kiện nhà lưới cho thấy, sử dụng Nano Ag6 (Nano đơn) phun phòng có khả năng ức chế hoàn toàn sự phát triển của nấm Neoscytalidium dimidiatum ở điều kiện phòng thí nghiệm; phun nano Ag (Nano đơn) và Anolit trước nhiễm nấm Neoscytalidium dimidiatum 10 ngày làm giảm > 96% và > 75% mức gây hại của bệnh đốm nâu ở điều kiện nhà lưới. Một nghiên cứu khác của IAS năm 2015 về ảnh hưởng của hạt nano Cu và chế phẩm Albit đến sinh trưởng, năng suất và chất lượng lúa ngắn ngày cũng cho thấy ảnh hưởng tích cực đến sinh trưởng phát triển, tính chống chịu và năng suất lúa theo hướng rút ngắn thời gian sinh trưởng, tăng cường tính chống chịu đạo ôn và tăng năng suất lúa.
 

Đặt câu hỏi với báo cáo viên về các nội dung trình bày.
Scroll