Hội thảo Ứng dụng công nghệ lên men tận dụng các phụ phẩm từ mít, thanh long trong quá trình sản xuất và chế biến trái cây để tạo ra các nguồn nguyên liệu như mứt, tinh bột,… đã cung cấp các thông tin mới liên quan đến sản xuất và chế biến trái cây, các phụ phế phẩm trong quá trình chế biến trái cây và việc nghiên cứu ứng dụng công nghệ vi sinh để tận dụng các nguồn phụ phế phẩm này.
Hội thảo do Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN tổ chức, trong khuôn khổ Techmart Nông nghiệp & Công nghệ sau thu hoạch 2022 vừa qua.
Theo TS. Phạm Minh Nhựt (Trưởng ngành Công nghệ sinh học, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM), nền nông nghiệp Việt Nam hiện tồn tại vấn đề lãng phí tài nguyên phụ phế phẩm nông nghiệp, trong khi đây là nguồn nguyên liệu quý giá. Nguồn phụ phế phẩm nông nghiệp tại Việt Nam hiện rất phong phú (bao gồm cả phụ phẩm từ trái cây, rau quả), chưa được sử dụng hết, có thể gây ra các hiện tượng ô nhiễm môi trường.
Trước thực trạng này, nhóm nghiên cứu thuộc ngành công nghệ sinh học của HUTECH đã phát triển thành công giải pháp sinh học (công nghệ lên men vi sinh với hỗn hợp men vi sinh mạnh) trong tận dụng nguồn phụ phế phẩm từ ngành công nghiệp chế biến trái cây như thanh long, mít, chuối và các loại trái cây phụ phẩm giá trị kinh tế thấp (xoài, ổi, táo, mận). Qua đó vừa giúp tối ưu chi phí sản xuất, vừa tiết kiệm chi phí xử lý môi trường, nâng cao giá trị sử dụng các sản phẩm trái cây Việt Nam, cũng như tăng giá trị kinh tế cho doanh nghiệp, góp phần bảo vệ môi trường.
TS. Phạm Minh Nhựt (Trưởng ngành Công nghệ sinh học, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) trình bày tại hội thảo
TS. Nhựt cho hay, đối với thanh long, hiện có nhiều sản phẩm chế biến như rượu thanh long, nước ép thanh long, nước trái cây lên men, bánh mì thanh long,… Nguồn phụ phế phẩm lớn có thể tận dụng là vỏ quả thanh long, dây (thân cây) thanh long, hạt thanh long. Đối với mít, có thể tận dụng nguồn phụ phế phẩm là xơ mít, hạt mít, vỏ quả mít. Phụ phẩm chuối là vỏ quả chuối, thân cây chuối.
Nhóm nghiên cứu của HUTECH đi theo hướng công nghệ vi sinh lên men chi phí thấp có thể tận dụng nguồn phụ phẩm này để tạo ra nhiều sản phẩm mới có giá trị.
Cụ thể, đối với các loại phụ phẩm chế biến trái cây, trái cây phụ phẩm giá trị kinh tế thấp, có thể phát triển các sản phẩm như giấm trái cây, nước trái cây lên men, dầu hạt thanh long, nguyên liệu cho thực phẩm (mứt, trà thảo dược từ vỏ thanh long, xơ mít lên men), tinh bột chất lượng cao (từ hạt mít),…
Đối với các loại phụ phế phẩm như vỏ mít, dây thanh long hay thân cây chuối, nhóm nghiên cứu đã áp dụng thành công quy trình sản xuất phân bón vi sinh. Theo đó, từ các phụ phế phẩm, xay nghiền bằng máy chuyên dụng, sau đó trộn men vi sinh vào ủ (45 ngày) có thể thu được phân bón hữu cơ. Quy trình có thể áp dụng cho nhiều loại phụ phế phẩm nông nghiệp khác nhau, đã được chuyển giao cho nhiều đơn vị.
Trong quy trình này, nhóm đã nghiên cứu thành công và cung cấp chủng men vi sinh với 1 lít men có thể dùng để ủ 1 – 1,5 tấn nguyên liệu, 1 tấn nguyên liệu có thể sản xuất được 600kg phân bón vi sinh.
TS. Nhựt cho biết thêm, hiện nhóm nghiên cứu có thể thực hiện hợp tác chuyển giao ngay các giải pháp sinh học toàn diện cho phát triển nông nghiệp sạch (men ủ phân hữu cơ, phân bón lá lên men, thuốc trừ sâu sinh học); giải pháp bảo quản và chế biến ớt tươi bằng công nghệ lên men; giải pháp tối ưu hóa việc sử dụng các nguồn nguyên liệu trong sản xuất thực phẩm; chế phẩm sinh học xử lý hạt giống và probiotic cây trồng.
Các hướng hợp tác, chuyển giao này đều dựa trên công nghệ vi sinh cạnh tranh (công nghệ lên men với hỗn hợp men vi sinh mạnh) giá thành thấp, giúp giảm chi phí sản xuất, đảm bảo chất lượng sản phẩm.
Thông tin chi tiết xin vui lòng liên hệ:
Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ TP.HCM
Phòng Giao dịch công nghệ
79 Trương Định, P. Bến Thành, Q.1, TP.HCM
ĐT: (028) 3822 1635 - Fax: (028) 3829 1957
DĐ: 079 652 3381 (gặp anh Khanh)
Email: giaodichcongnghe@cesti.gov.vn
Lam Vân (CESTI)