Kết nối ứng dụng công nghệ số trong quản lý trật tự đô thị xây dựng

Tại sự kiện kết nối ý tưởng, các doanh nghiệp, nhà cung ứng đã tư vấn và đề xuất công nghệ phù hợp cho doanh nghiệp, đơn vị có nhu cầu ứng dụng các giải pháp công nghệ số để nâng cao hiệu quả quản lý trong lĩnh vực nhà ở và trật tự đô thị xây dựng.
Sự kiện kết nối ý tưởng với chủ đề "Phần mềm quản lý thông tin nhà ở và trật tự đô thị xây dựng" do Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ (CESTI) tổ chức ngày 20/11 trong khuôn khổ các hoạt động của Sàn Giao dịch công nghệ nằm 2024.
 
Ông Võ Ngọc Hải (Phó Giám đốc CESTI) phát biểu tại sự kiện
 
Theo ông Võ Ngọc Hải (Phó Giám đốc CESTI), công nghệ số đang thay đổi sâu sắc mọi khía cạnh của cuộc sống, tốc độ đô thị hóa nhanh chóng đặt ra yêu cầu ngày càng cao về nâng cao chất lượng trong hoạt động quản lý. Phần mềm quản lý thông tin nhà ở và trật tự đô thị xây dựng là một công cụ quan trọng trong quá trình xây dựng các đô thị thông minh, bền vững. Với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, cơ quan quản lý có thể thu thập, xử lý và phân tích một lượng lớn dữ liệu để đưa ra những quyết định chính xác, xây dựng các chính sách phù hợp và giải quyết các vấn đề xã hội.
 
Kết nối ý tưởng là hoạt động thuộc chuỗi "Cà phê Công nghệ" nhằm đẩy mạnh kết nối cung - cầu công nghệ, hỗ trợ quảng bá công nghệ thiết bị cho bên cung, nhân rộng mô hình ứng dụng, góp phần nâng cao năng lực sản xuất của doanh nghiệp, thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo tại TP.HCM và các tỉnh trong khu vực. Với phiên kết nối về "Phần mềm quản lý thông tin nhà ở và trật tự đô thị xây dựng", ban tổ chức kết nối 3 đơn vị cung ứng với những giải pháp, công nghệ sẵn sàng tư vấn cho các đơn vị "bên cầu" ngay tại sự kiện, sau đó tiếp tục thương thảo để đi đến hợp tác, chuyển giao công nghệ.
 
Cụ thể, PGS.TS Lê Trung Chơn (Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển bền vững, Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường TP.HCM) và ông Nguyễn Hữu Nhật (Giám đốc điều hành Công ty CP Công nghệ iGEO) trình bày các nội dung về "Ứng dụng công nghệ GIS, UAV và AI trong quản lý, giám sát trật tự xây dựng đô thị"; TS. Ngô Châu Phương (Giám đốc Công ty CP UTC2) trình bày về "Phương án điều chỉnh số nhà trên địa bàn TP.HCM"; bà Nguyễn Châu Ánh Hồng (Công ty TNHH Aircity Việt Nam) trình bày về "Phần mềm quản lý thông tin nhà ở".
 
 
 Ông Lâm Thắng Lợi (đại diện Sở Xây dựng tỉnh Cà Mau) chia sẻ một số thông tin yêu cầu công nghệ tại sự kiện
 
Về phía đơn vị "bên cầu", đại diện Sở Xây dựng tỉnh Cà Mau, ông Lâm Thắng Lợi cho biết, Cà Mau là một trong những địa phương ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long rất quan tâm việc nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu GIS, ứng dụng công nghệ GIS và các giải pháp số trong công tác quản lý, quy hoạch về đất đai, xây dựng và quản lý trật tự đô thị. Hiện tại, Sở cũng đang hợp tác với đối tác thực hiện đề án về phần mềm quản lý đô thị. Tuy nhiên, việc sử dụng phần mềm mới cần có sự tương thích, thống nhất trong sử dụng các công cụ quản lý; trường hợp hai nền tảng, dữ liệu khác nhau thì rất khó vận hành. Thực trạng quản lý trật tự đô thị xây dựng, quản lý đất đai, nhà ở và cấp phép xây dựng trên địa bàn cũng tồn tại một số vấn đề chồng chéo, bất cập. Do vậy, việc triển khai ứng dụng công nghệ GIS cũng như các giải pháp số, phần mềm quản lý cần tính toán phù hợp, đặc biệt là xây dựng cơ sở dữ liệu chuẩn, bản đồ đo đạc và tính pháp lý của dữ liệu.
 
Còn ông Bùi Đức Long (Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị Quận 4, TP.HCM) cho biết, địa phương và một số quận huyện của TP.HCM đang phối hợp với các sở ngành và các đơn vị cung cấp xây dựng và bước đầu triển khai ứng dụng công nghệ GIS và một số phần mềm quản lý đô thị. Qua đó nhận thấy, việc ứng dụng công nghệ GIS rất cần thiết để hỗ trợ các cơ quan chức năng trong quản lý đô thị, quản lý và phát hiện vi phạm về trật tự xây dựng. Tuy nhiên, dữ liệu thể hiện sự biến động công trình xây dựng cần được cập nhật theo thời gian thực, để khi có sai phạm, cơ quan chức năng có cơ sở xử lý ngay. Đồng thời, đối với lĩnh vực quản lý thông tin nhà ở, nên quản lý theo thửa đất, còn việc xây dựng dữ liệu GIS và phần mềm quản lý cần xem xét tiếp cận như một dữ liệu thuộc tính đính kèm.
 
 
PGS.TS Lê Trung Chơn (Viện Nghiên cứu phát triển bền vững, Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường TP.HCM)
 
 
 ông Nguyễn Hữu Nhật (Công ty CP Công nghệ iGEO) trình bày các nội dung về Ứng dụng công nghệ GIS, UAV và AI trong quản lý, giám sát trật tự xây dựng đô thị
 
Tiếp cận ở góc độ về trí tuệ địa không gian trong quản lý đô thị thông minh, PGS.TS Lê Trung Chơn cho rằng, việc triển khai ứng dụng công nghệ GIS nói chung và trong công tác quản lý trật tự đô thị nói riêng, nền tảng quan trọng là dữ liệu thông minh. Trong mô hình thí điểm áp dụng đô thị thông minh tại Quận 1 và Quận 12, việc ứng dụng dữ liệu GIS, dữ liệu địa không gian cho phép đánh giá biến động công trình xây dựng so với dữ liệu quy hoạch, đánh giá biến động giữa 2 thời điểm thu nhận ảnh (viễn thám), quản lý hệ thống giao thông, cơ sở hạ tầng cấp nước, quản lý môi trường,… Tuy nhiên, một trong những khó khăn thách thức lớn là quy trình chuẩn hóa, chuyển đổi các loại dữ liệu khác sang dữ liệu GIS. Với các địa phương có tốc độ đô thị hóa nhanh, thông tin tách thửa nhiều,  lượng dữ liệu rất lớn nên việc chuyển đổi sang dữ liệu GIS cần sự phối hợp của cơ quan chức năng thực hiện chuyển đổi dữ liệu và quy định trách nhiệm các bên liên quan vì các hồ sơ dữ liệu này có nhiều thông tin liên quan tính pháp lý, cần được bảo mật.
 
Ông Nguyễn Hữu Nhật (Giám đốc điều hành Công ty CP Công nghệ iGEO) cho biết, với mô hình ứng dụng công nghệ GIS, UAV, AI nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát trật tự xây dựng đô thị, nhóm iGEO tập trung vào mục tiêu xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) ảnh hàng không độ phân giải cao, CSDL địa chính, xây dựng, cấp phép xây dựng trên nền tảng GIS thống nhất, đảm bảo độ chính xác và thường xuyên cập nhật, đáp ứng yêu cầu quản lý, giám sát công trình xây dựng trên địa bàn Quận 12.
 
 
phần thảo luận về nhu cầu hợp tác, chuyển giao công nghệ tại sự kiện
 
Để xây dựng CSDL GIS, nhóm đã sử dụng thiết bị bay chụp không người lái (UAV) toàn quận 12 chụp hình độ phân giải cao ở hai chu kỳ nhằm xây dựng bản đồ không ảnh; ứng dụng công cụ AI (trí tuệ nhân tạo) phân tích biến động xây dựng tại các thửa đất, xây dựng phần mềm quản lý CSDL, đồng thời tích hợp các nền dữ liệu về địa hình, thửa đất, công trình xây dựng, quy hoạch, số nhà… do các cơ quan chức năng địa phương cung cấp. Sản phẩm ứng dụng thực tiễn là CSDL GIS gồm tất cả các dữ liệu nền và dữ liệu chuyên đề của Quận 12, phần mềm ứng dụng quản lý, sản phẩm không ảnh và mô hình DSM với chất lượng hình ảnh độ phân giải cao, giúp cơ quan quản lý xác định biến động công trình xây dựng. Trong đó, sản phẩm không ảnh với ảnh ortho độ phân giải cao (5cm) giúp cơ quan quản lý có thể phát hiện biến động công trình xây dựng, thay đổi chiều cao khoảng 0,5m; phần mềm quản lý sử dụng mã nguồn mở, với các chức năng quản lý dữ liệu bản đồ, xác định tìn trạng biến động công trình xây dựng, chức năng phân quyền, các công cụ thống kê, báo cáo, tìm kiếm thông tin… cho phép tìm kiếm vị trí ranh công trình xây dựng, thửa đất, xác định tình trạng công trình biến động, cập nhật dữ liệu về tình trạng sạt lở, lấn chiếm kênh rạch, vỉa hè, cập nhật thông tin giấy phép xây dựng, quản lý cây xanh,…
Trong 2 năm triển khai tại Quận 12, phần mềm cho độ chính xác 99%. Hiện tại, Quận 12 triển khai sử dụng rất hiệu quả trong công tác quản lý tài nguyên môi trường và quản lý giám sát trật tự đô thị xây dựng. Sắp tới, đơn vị sẽ hướng dẫn thủ tục cấp giấy phép xây dựng trên nền tảng GIS, thay vì thực hiện thủ công. Đồng thời phát triển mở rộng ứng dụng như phân tích thống kê không gian, khoanh vùng và phân cấp mức độ xây dựng trái phép, theo dõi biến động theo lịch sử,…
 
 
 đại diện các đơn vị "bên cầu", các đơn vị "bên cung" và ban tổ chức sự kiện 
 
Đề xuất giải pháp cho các đơn vị, doanh nghiệp tại sự kiện, bà Nguyễn Châu Ánh Hồng cho biết, thị trường cho thuê của Việt Nam khá bùng nổ, với hơn 100.000 tòa nhà đang kinh doanh cho thuê. Nhu cầu kinh doanh nhà cho thuê ngày càng thúc đẩy linh hoạt, đặc biệt là ở khu vực đô thị. Điều này đòi hỏi việc quản lý đáp ứng nhu cầu biến động mạnh, nhanh của thị trường cho thuê phòng/nhà ở. Giải pháp quản lý nhà ở ứng dụng công nghệ tiên tiến như IoT, AI được AirCity phát triển và cung cấp giúp hệ thống hoá thông tin các toà nhà để cơ quan chức năng có thể truy cập dễ dàng theo cụm, tăng khả năng kiểm tra định kỳ, truy xuất thông tin; giúp quản lý thông tin nhà ở bao gồm thông tin cư dân, thông tin xe cộ, tình trạng đăng ký lưu trú, hợp đồng cho thuê, phòng trống, có khách,… Từ đó giúp đơn giản hoá quy trình quản lý thông tin nhà ở và hướng đến trật tự xã hội. Hiện tại, AirCity đã được triển khai ở 4 tỉnh/thành phố trên cả nước với phân khúc kinh doanh nhà cho thuê, quản lý khoảng 2500 phòng và 5000 cư dân. Đội ngũ AirCity vừa được Forbes lựa chọn vào danh sách 200 công ty khởi nghiệp tiềm năng toàn cầu năm 2024. Trong đó, AirCity là đại diện duy nhất của Việt Nam lọt vào danh sách này. Đây cũng là động lực để AirCity tiếp tục phát triển các giải pháp thông minh, thúc đẩy ứng dụng chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả quản lý trong khu vực công.
Lam Vân (CESTI)
Scroll