Số hóa mô hình kinh doanh phế liệu: thúc đẩy thu gom và tái chế rác thải

Ứng dụng "ve chai công nghệ" giúp kết nối người bán phế liệu với người thu gom, đồng thời kết nối trực tiếp với các trạm xử lý, nhà máy tái chế, từ đó nâng cao nhận thức phân loại rác tại nguồn, gia tăng giá trị chuỗi cung ứng nguyên liệu tái chế, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn.
Giải pháp vừa được giới thiệu tại hội thảo "Ứng dụng VECA thu gom và phân loại rác thải tại nguồn" do Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ tổ chức chiều 10/12 trong khuôn khổ các hoạt động của Sàn Giao dịch Công nghệ năm 2024.
 
Ông Bùi Thế Bảo (đồng sáng lập, CEO Công ty TNHH VECA) chia sẻ, ứng dụng VECA (viết tắt của từ Ve Chai) là app "ve chai công nghệ" ra đời với mong muốn góp phần số hóa thị trường kinh doanh phế liệu, thúc đẩy phân loại rác thải, thu gom và tái chế trở thành một phần của nền kinh tế tuần hoàn. VECA hoạt động tương tự mô hình gọi xe công nghệ, người có nhu cầu bán phế liệu có thể đăng lên ứng dụng, người mua sẽ "nhận đơn hàng" và đến tận nơi để thu gom.
 
 
Ông Bùi Thế Bảo (đồng sáng lập, CEO VECA) trình bày tại hội thảo

Theo CEO VECA, tổng giá trị của thị trường phế liệu ước tính hơn 10 tỷ USD, với hơn 3 triệu người thu mua ve chai đang hoạt động chính thức. Tuy nhiên, chỉ 25% rác thải nhựa được tái chế bởi nhà máy tái chế chính quy. Tiềm năng ngành công nghiệp tái chế còn rất lớn, nếu rác thải nhựa được thu gom, phân loại và xử lý đúng cách sẽ trở thành nguyên liệu đầu vào có giá trị kinh tế cao.
 
Trên thực tế, một lượng lớn rác thải được đưa tới các làng nghề tái chế, tại đây, những phần không sử dụng, tái chế được sẽ bị thải bỏ ra môi trường, sông suối, ao hồ, kênh rạch, trôi ra biển, trở thành mối nguy hại khó lường cho môi trường và sức khỏe con người. Trong khi đó, các nhà máy tái chế chính quy thiếu hụt nguồn nguyên liệu đầu vào, tỉ lệ tái chế chưa cao, doanh nghiệp sản xuất không đáp ứng chính sách EPR, rác thải nhựa và rác thải có khả năng tái chế chưa được thu gom, phân loại, xử lý, tái chế hiệu quả.
 
Một trong những nguyên nhân có thể nhận thấy là trong mô hình truyền thống, việc mua bán phế liệu chủ yếu dựa vào "đội quân" ve chai, đồng nát. Hoạt động của họ phần lớn là những mô hình sơ khai, tự phát, nhỏ lẻ, khó tiếp cận và vận hành một doanh nghiệp, không có khả năng kết nối với doanh nghiệp tái chế chính quy. Người dân có nhu cầu bán ve chai không chủ động được thời gian vì phải đợi người mua đi qua, nhiều trường hợp đợi lâu không gặp phải mang vứt rác, hoặc có thể bị ép giá dẫn đến tâm lý không muốn bán.
 
 
 
 Mô hình kinh doanh của VECA
 
Do vậy, VECA ra đời nhằm kết nối người bán với người mua ve chai, phế liệu, đồng thời kết nối người mua/người thu gom với chủ vựa phế liệu. Trên app VECA, giá các phế liệu sẽ được tổng hợp và hiển thị công khai, được điều chỉnh dựa theo giá thu mua của vựa và theo khu vực, giúp người bán chủ động thời gian và nắm được giá phế liệu cập nhật theo ngày rõ ràng, minh bạch, người mua/thu gom có khả năng tăng thêm thu nhập, tiết kiệm thời gian và công sức.
 
 
Phần trao đổi, thảo luận tại hội thảo
 
Ông Bùi Thế Bảo cho biết thêm, mục tiêu của VECA là trở thành doanh nghiệp công nghệ tiên phong cung cấp giải pháp thu hồi (thu gom) rác tái chế, góp phần thúc đẩy phân loại rác tại nguồn, tăng tỉ lệ tái chế, số hóa chuỗi cung ứng phế liệu, ứng dụng công nghệ để tối ưu quy trình quản lý chất thải. Cụ thể, mô hình kinh doanh của VECA hướng tới giải pháp kết nối các thành phần của hệ sinh thái tái chế bằng việc gia tăng giá trị và mang lại hiệu quả cho các bên. Đối với người bán và người thu mua ve chai, ứng dụng VECA giúp kết nối họ vào chuỗi cung ứng, mang lại giải pháp tiện lợi, minh bạch trong công tác thu gom, vận chuyển, quản lý. Đối với các doanh nghiệp, VECA mang lại giải pháp thu hồi bao bì đạt mục tiêu EPR, hỗ trợ giải quyết bài toán về chuỗi cung ứng nguyên liệu cho các nhà máy tái chế, kết nối nguồn nguyên liệu đầu vào ổn định và chất lượng, minh bạch và chuyên nghiệp.
 
Hiện tại, ứng dụng VECA đã hoạt động trên App Store và Google Play, với 2 phiên bản hoàn toàn miễn phí dành cho người bán và người thu mua phế liệu. Người dùng có thể tải về điện thoại sử dụng như app gọi xe công nghệ. VECA cũng vừa ra mắt ứng dụng dành cho chủ vựa ve chai - phế liệu, giúp ghi lại giao dịch hàng ngày tại vựa, thay thế việc ghi chép bằng giấy và bút; quản lý và kiểm soát vựa hiệu quả chỉ với một chiếc điện thoại thông minh; đơn giản hóa nghiệp vụ kế toán;… Qua đó hỗ trợ các mô hình kinh doanh ve chai phế liệu nâng cao năng lực, gỡ bỏ rào cản về kiến thức pháp luật, thủ tục đăng ký kinh doanh, nghiệp vụ kế toán, thuế,… để mở rộng kinh doanh. Đến nay, VECA đã hoạt động ở 19 quận nội thành TP.HCM, giúp kết nối mở rộng hoạt động thu mua phế liệu. Nhiều khách hàng, đối tác là các doanh nghiệp lớn trong ngành hàng tiêu dùng đã tham gia để hỗ trợ chuỗi cung ứng cũng như thực hành chính sách EPR.
 
Tại hội thảo, VECA kêu gọi và mong muốn kết nối, hợp tác với các cá nhân, doanh nghiệp, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực thu gom và tái chế rác thải, các đơn vị sản xuất bao bì, thu mua phế liệu, cũng như các cá nhân, tổ chức khác để cùng thúc đẩy thực hành phân loại rác tại nguồn, hỗ trợ chuỗi cung ứng. VECA kỳ vọng trong năm 2025 đưa công nghệ tiếp cận và hỗ trợ chuyển đổi trên 100 vựa phế liệu, trên 2000 người thu gom,… Từ đó hỗ trợ họ tăng công suất thu mua, tăng doanh thu, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Lam Vân (CESTI)
Scroll