TS. Trương Phước Thiên Hoàng - Trưởng bộ môn Công nghệ Vi sinh, Viện Nghiên cứu Công nghệ sinh học và môi trường, trường Đại học Nông Lâm TP.HCM
Sự kiện lần này, CESTI tiếp nhận 8 đơn vị với mong muốn sớm tìm được giải pháp phù hợp để tiếp tục thương thảo hợp tác, chuyển giao "Quy trình sản xuất sinh khối nấm rễ nội cộng sinh (Arbuscular Mycorrhizal) ứng dụng trong nông nghiệp bền vững" gồm: Công ty TNHH Bio Nông Lâm, Công ty TNHH tư vấn phát triển nông nghiệp bền vững, Công ty TNHH nông nghiệp bền vững Đức Quân, Công ty TNHH TM sản xuất SFS, Công ty TNHH CNSH ứng dụng ABTECH, Công ty TNHH CNSH ứng dụng ABTECH, Công ty TNHH XNK Agri-EU, Công ty TNHH Agribio Tấn Phát, Công ty CP TM hóa chất Thành Công.
Theo TS. Trương Phước Thiên Hoàng - Trưởng bộ môn Công nghệ Vi sinh, Viện Nghiên cứu Công nghệ sinh học và môi trường, trường Đại học Nông Lâm TP.HCM, nấm rễ cộng sinh (Mycorrhiza) được đề cập đầu tiên vào năm 1881. Tới năm 1885, được mô tả có sự cộng sinh giữa nấm và thực vật. Đối với nấm rễ nội cộng sinh (Arbuscular Mycorrhiza - AM), có cấu tạo phần ngoài rễ: sợi nấm, tế bào phụ trợ, bào tử và phần trong rễ: sợi nấm nội bào, bụi và túi. Chức năng giúp tăng cường hấp thu dinh dưỡng, đặc biệt hấp thu P và cải tạo đất cũng như tăng khả năng kháng bệnh trong đất. Nấm nội cộng sinh vùng rễ (AM) luôn có mặt trong đất và hiện diện xung quanh hay định cư bên trong vùng rễ.
Tác dụng có ích của nấm rễ nội cộng sinh: Sợi nấm cộng sinh => cơ quan hấp thu chủ yếu đặc biệt là khi thiếu photpho (P), tăng tốc độ hút P lên gấp 6 lần; Tuổi thọ và số lượng của sợi nấm trong đất cũng vượt xa số lượng lông hút của rễ cây => Tăng khả năng hấp thu P và dinh dưỡng của cây chủ, giúp cây phát triển trong điều kiện thiếu dinh dưỡng; Cải tạo cấu trúc đất, vận chuyển cacbon từ rễ cây đến các sinh vật đất khác, cải thiện các điều kiện bất lợi của đất như: pH cực đoan, nồng độ ion kim loại độc, độ mặn cao; Tăng khả năng kháng bệnh của thực vật đối với sinh vật ký sinh như các nấm gây hại cây trồng, giảm bệnh hại rễ, kiểm soát và quản lý tuyến trùng vùng rễ cây trồng; Kích thích sinh trưởng thực vật bằng cách tiết ra rất nhiều chất kích thích sinh trưởng như indole-3-acetic axit (IAA), cytokinin, axit gibberellic và một số chất kháng sinh để bảo vệ cây chủ chống lại các mầm bệnh từ trong đất => Các chất tăng trưởng phối hợp hầu hết mọi khía cạnh cho quá trình sinh trưởng và phát triển của cây trồng.
Cây trồng cộng sinh với nấm AM có khả năng chống chịu với điều kiện bất lợi của đất như pH thấp, nghèo dinh dưỡng, chống chịu stress và tăng năng suất của cây trồng, giảm nồng độ kim loại nặng, chịu độ mặn cao
Cơ chế kiểm soát mầm bệnh của nấm rễ nội cộng sinh: Phân giải của nấm sẽ giải phóng axit và enzyme làm phá vỡ các hợp chất hữu cơ và vô cơ => cung cấp chất dinh dưỡng liên tục được tuần hoàn trong tế bào chất của nấm và do đó uôn có sẵn cho nấm cũng như cây chủ; Nấm AM cung cấp một hệ thống phòng thủ mạnh mẽ bằng cách sản xuất các hóa chất làm giảm sinh sản tuyến trùng, gây hại và thu hút rễ cây; Các thành tế bào của rễ có nấm AM dày lên và được tăng cường, chúng trở nên khó thâm nhập hơn; Khi thực vật bị mầm bệnh tấn công và làm hại => có thể chữa lành nhanh hơn bằng cách hình thành các hàng rào vết thương và làm tắc nghẽn lỗ khí, các lỗ nhỏ trên cây chỉ để lại khí và hơi nước đi qua.
Cũng theo TS. Trương Phước Thiên Hoàng, về quy trình sản xuất sinh khối nấm AMF gồm 3 giai đoạn, cụ thể: Giai đoạn 1 (Thu bào tử AMF, nhận diện AMF cộng sinh rễ, lưu trữ nguồn nấm AM); Giai đoạn 2 (Nhân nguồn cấp 1, 25 - 35 ngày: Tách bào tử thuần 1 kiểu hình, đây là quá trình rất quan trọng trong việc sản xuất chế phẩm AMF); Giai đoạn 3: (Nhân nguồn sản xuất, 35 - 45 ngày). Kết quả kiểm tra số lượng bào tử AMF sau bảo quản (tiêu chuẩn đánh giá: TCVN 12560-1:2018; TCVN 12560-2:2018).
Các nghiệm thức có xử lý AMF (NT5 - nấm Acaulospora + lây nhiễm nấm bệnh và NT6 - nấm Glomus + lây nhiễm nấm bệnh) cho kết quả mật số tuyến trùng, tổng số u sưng (TN tuyến trùng) và tỷ lệ bệnh, chỉ số bệnh (TN nấm bệnh) thấp hơn so với nghiệm thức đối chứng (NT1 - có lây nhiễm nấm bệnh) và khác biệt rất có ý nghĩa trong thống kê. Trong đó NT6 (Glomus) cho kết quả kiểm soát tuyến trùng/nấm bệnh tốt hơn NT5 (Acaulospora). Đối với chỉ tiêu tổng số bào tử và tỷ lệ cộng sinh của AMF vào mô rễ, cho thấy nghiệm thức có xử lý Glomus cho kết quả tốt hơn nghiệm thức xử lý Acaulospora.
Qua đó cho thấy, AMF giúp tăng khả năng hình thành chồi, lá, cành cấp 1 và cành cấp 2 so với đối chứng (không bổ sung AMF); Cung cấp dinh dưỡng cho cây tốt hơn các NT không sử dụng AMF; Giúp của thiện pH đất; Tăng sức đề kháng cho cây trồng, giúp cây hạn chế bệnh tấn công…
Ông Võ Ngọc Hải - Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ (CESTI), chia sẻ thông tin tại sự kiện
Theo ông Võ Ngọc Hải - Phó Giám đốc CESTI, hiện nay canh tác nông nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường, đảm bảo sức khỏe cho cộng đồng là điều các nước trên thế giới đang quan tâm và hướng đến. Giải pháp hiện nay là tìm đối tượng vi sinh vật có thể tạo được hệ thống phòng thủ bao quanh vùng rễ và nội sinh vào bên trong mô, giúp ngăn chặn sự xâm nhập của các vi sinh vật gây hại ở bên ngoài cũng như ký sinh bên trong mô rễ. Chế phẩm nấm nội cộng sinh Arbuscular Mycorrhizal dạng bột chứa các nhóm nấm hữu ích có khả năng kiểm soát nấm bệnh và tuyến trùng, ứng dụng vào trong quy trình trồng cây rau, cây ăn trái.
Các đơn vị có nhu cầu gồm: Công ty TNHH Bio Nông Lâm, Công ty TNHH tư vấn phát triển nông nghiệp bền vững, Công ty TNHH nông nghiệp bền vững Đức Quân, Công ty TNHH TM sản xuất SFS, Công ty TNHH CNSH ứng dụng ABTECH, Công ty TNHH CNSH ứng dụng ABTECH, Công ty TNHH XNK Agri-EU, Công ty TNHH Agribio Tấn Phát, Công ty CP TM hóa chất Thành Công cùng ký kết biên bản ghi nhớ tư vấn, hợp tác công nghệ với nhà cung ứng.
Được biết, “Hợp tác công nghệ” là sự kiện thuộc chuỗi hoạt động “Cà phê Công nghệ” do Sở Khoa học Công nghệ TP.HCM tổ chức, Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ (CESTI) là đơn vị thực hiện nhằm kết nối các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp công nghệ với các doanh nghiệp sản xuất, hỗ trợ các bên tìm kiếm cơ hội hợp tác và chuyển giao công nghệ. Để thực hiện buổi kết nối này, trước khi tổ chức sự kiện, Ban tổ chức sẽ thực hiện khảo sát nhu cầu rộng rãi trong cộng đồng để tìm kiếm các đơn vị có nhu cầu về công nghệ.
Hợp tác công nghệ với chủ đề: “Quy trình sản xuất sinh khối nấm rễ nội cộng sinh Arbuscular Mycorrhizal ứng dụng trong nông nghiệp bền vững”, sẽ tiếp tục được xây dựng thành một trong các chuyên đề trong Chuyên mục “Thảo luận công nghệ” trên Cổng thông tin Đổi mới sáng tạo và Chuyển giao công nghệ Techport.vn của Sàn Giao dịch công nghệ TP.HCM, các nhà nghiên cứu, các doanh nghiệp, các nhà đầu tư có thể tiếp tục trao đổi ý tưởng, giải pháp trong lĩnh vực này.
Bên cạnh đó, CESTI vẫn tiếp tục đóng vai trò là cầu nối hỗ trợ các bên cung - cầu trong hoạt động tư vấn, kết nối chuyển giao công nghệ, góp phần thúc đẩy các hoạt động chuyển giao công nghệ tại TP.HCM và các tỉnh trong khu vực.
Nhật Linh (CESTI)