Trong khuôn khổ các hoạt động của Sàn giao dịch Công nghệ năm 2024, sáng ngày 05/12/2024, Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN TP.HCM (CESTI) tổ chức Hội thảo giới thiệu quy trình sản xuất cao chiết từ cây Dương đầu hỗ trợ điều trị đái tháo đường type 2 và thừa cân béo phì.
Quang cảnh Hội thảo.
Báo cáo tại Hội thảo, PGS.TS. Trịnh Khánh Sơn (Khoa Công nghệ Hóa học và Thực phẩm - Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM) cho biết, đái tháo đường là một trong những bệnh lý mạn tính phổ biến nhất trên toàn cầu. Tại Việt Nam, hiện tỷ lệ mắc bệnh này đang tăng nhanh và ngày càng trẻ hóa. Bên cạnh các phương pháp điều trị bằng thuốc tân dược, việc tìm kiếm các sản phẩm thảo dược an toàn và hiệu quả là hướng đi được nhiều người lựa chọn. Trước xu thế đó, ông Sơn cùng cộng sự đã cất công tìm hiểu về cây Dương đầu (tên khoa học: Olax imbricata Rox.b), một loại cây thuộc họ Olacaceae, là loại dược liệu mọc phổ biến ở vùng biển miền Trung Việt Nam.
Những năm gần đây, nhiều nhà khoa học trên thế giới và Việt Nam đã quan tâm tìm hiểu về dịch chiết cây Dương đầu nhằm xác thực khả năng chống lại bệnh đái tháo đường bằng bằng chứng khoa học. Cũng với mục tiêu đó, nhóm tác giả tiến hành nghiên cứu quy trình chiết xuất cao từ rễ hoặc lá cây Dương đầu trong phòng thí nghiệm để sản xuất dịch chiết ethanol và cao chiết tổng với mục đích hướng đến sản xuất các sản phẩm hỗ trợ sức khỏe con người.
PGS.TS. Trịnh Khánh Sơn (Khoa Công nghệ Hóa học và Thực phẩm - Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM) trình bày các nội dung tại sự kiện.
Để chiết xuất cao từ rễ và lá cây Dương đầu, quy trình bao gồm các bước: rễ và lá được thu hái vào thời điểm cây chứa hàm lượng hoạt chất cao nhất, thường là vào mùa khô; nguyên liệu được làm sạch, cắt nhỏ và sấy khô ở nhiệt độ thấp để tránh làm mất hoạt chất; nguyên liệu khô được ngâm trong dung môi như ethanol hoặc hexan ở nhiệt độ thích hợp để thu hồi các hợp chất hoạt tính; dịch chiết được cô đặc bằng thiết bị bay hơi chân không để thu được cao đặc; cao được kiểm tra hàm lượng các hoạt chất chính để đảm bảo hiệu quả.
Thành phần hóa học của cao chiết gồm: nhóm hợp chất phenolic như OI16, OI18, OI2, OI5, MH13 và MH2; nhóm hợp chất triterpenoid glycosit như OI3, OI15 và OI7; nhóm hợp chất tropolon như MH1; nhóm dẫn xuất 1,2,3,4-tetrahydronaphthalen như OI1, MH7 và MH8; nhóm hợp chất béo có mang liên kết ba như OLAX5, OLAX4 và OLAX2. Sản phẩm cao chiết có thể ở dạng không phân cực hoặc phân cực được bảo quản trong lọ thủy tinh tối màu ở nhiệt độ khoảng từ 5 đến 10oC, được sử dụng làm nguyên liệu cho bào chế thuốc hoặc thực phẩm chức năng có khả năng điều trị hoặc hỗ trợ điều trị bệnh đái tháo đường type 2, thừa cân béo phì, giảm các chỉ số mỡ máu ở động vật béo phì, giảm lượng mỡ tích trữ trong gan và cơ thể, cải thiện hành vi và khả năng vận động với động vật thừa cân béo phì, kiểm soát tốt chỉ số đường huyết và các chỉ số chất béo (TG, TC, LDL, HDL)… Cấu trúc những hợp chất này được nhóm nghiên cứu xác định bằng các phương pháp phổ cộng hưởng từ hạt nhân kết hợp phổ khối lượng phân giải cao, phổ tán xạ tia X và phổ lưỡng sắc tròn.
“Những kết quả bước đầu này là bằng chứng khoa học vững chắc cho các nghiên cứu ứng dụng tiếp theo nhằm tạo ra nhiều dược phẩm có tác dụng phòng và điều trị bệnh đái tháo đường type 2, thừa cân béo phì dựa trên việc khai thác nguồn dược liệu quý, sẵn có trong nước”, ông Sơn chia sẻ.
Phần thảo luận tại sự kiện.
Có thể thấy, quy trình sản xuất cao chiết từ cây Dương đầu là một bước tiến quan trọng trong việc khai thác nguồn dược liệu tự nhiên để hỗ trợ điều trị các bệnh mạn tính phổ biến như đái tháo đường type 2 và thừa cân béo phì. Việc chuẩn hóa quy trình sản xuất không chỉ đảm bảo chất lượng sản phẩm mà còn mở ra cơ hội phát triển các sản phẩm thảo dược an toàn và hiệu quả cho sức khỏe cộng đồng.
Được biết, sau Hội thảo, CESTI tiếp tục hỗ trợ kết nối, chuyển giao quy trình sản xuất cao chiết từ cây Dương đầu hỗ trợ điều trị đái tháo đường type 2 và thừa cân béo phì cho đơn vị, tổ chức, cá nhân có nhu cầu.
Minh Nhã (CESTI)