Đây là nội dung của hội thảo Giải pháp sinh học toàn diện trong phát triển nông nghiệp sạch, không hoá học (sản xuất phân bón hữu cơ từ phụ phế phẩm nông nghiệp, công nghệ lên men sản xuất phân bón sinh học, thuốc trừ sâu sinh học) trong khuôn khổ Techmart Công nghệ sinh học trực tuyến 2021 diễn ra ngày 26/11.
Theo TS. Phạm Minh Nhựt (Trưởng ngành Công nghệ sinh học, Trường Đại học Công nghệ TP.HCM - HUTECH), vấn đề phát triển nông nghiệp sạch hiện nay đang là xu hướng. Trong đó, việc sử dụng các chế phẩm sinh học thay thế dần phân bón hóa học, thuốc trừ sâu hóa học rất được quan tâm. Vì vậy, việc phát triển các giải pháp sinh học toàn diện là rất cần thiết để góp phần vào phát triển nông nghiệp sạch.
Nền nông nghiệp Việt Nam hiện tồn tại vấn đề lãng phí tài nguyên phụ phế phẩm nông nghiệp, trong khi đây là nguồn nguyên liệu quý giá. Bên cạnh đó, tình trạng lạm dụng phân bón hóa học làm gia tăng sự mẫn cảm của cây trồng với các loại bệnh; ngăn cản sự hấp thu các dưỡng chất cần thiết; tiêu diệt các tập đoàn vi sinh vật trong đất; gây nguy hiểm và độc hại. Việc sử dụng nhiều thuốc trừ sâu hóa học cũng gây ảnh hưởng lớn đến môi trường đất, nước, không khí,… Thuốc trừ sâu hóa học còn làm suy giảm giá trị dinh dưỡng của thức ăn và làm chúng nhiễm bẩn; dư lượng thuốc trừ sâu liên tục được tìm thấy trên các loại trái cây, rau ăn lá, thực phẩm; tiêu diệt cả những loài côn trùng, thiên địch có ích, làm mất cân bằng hệ sinh thái và sinh ra nhiều sâu bệnh; ảnh hưởng lớn đến sức khỏe con người.
Trong khi đó, các nguồn phụ phế phẩm nông nghiệp tại Việt Nam rất dồi dào và sẵn có như rơm rạ, cây cỏ (thân cây bắp, cây đậu), thân cây chuối, vỏ nha đam, các loại cỏ và lục bình, các loại hoa tươi sau sử dụng… Đây là nguồn nguyên liệu quý, có thể tận dụng để làm phân bón chất lượng cao với giá thành rẻ.
Nắm bắt xu thế này, nhóm nghiên cứu công nghệ sinh học của HUTECH đã phát triển thành công giải pháp sinh học toàn diện với bộ sản phẩm men ủ phân hữu cơ, phân bón lên men dạng lỏng và thuốc trừ sâu sinh học, góp phần phát triển nông nghiệp sạch, không hóa chất.
Để sản xuất phân bón hữu cơ từ phụ phế phẩm nông nghiệp, nhóm sử dụng chế phẩm men vi sinh là một hỗn hợp các nhóm vi sinh vật có khả năng phân giải cellulose mạnh. Quy trình công nghệ sản xuất phân bón hữu cơ gồm các bước xay và nghiền phụ phế phẩm, sau đó trộn với chế phẩm men vi sinh và ủ trong 30 - 45 ngày sẽ thu được dạng mùn hữu cơ. Sản phẩm thu được từ quy trình này có thể sử dụng để bón lại cho đất (bón gốc, bón lót). Men vi sinh do nhóm nghiên cứu tạo ra với khả năng lên men rất mạnh, 1 lít sản phẩm có thể sử dụng cho 1 tấn nguyên liệu phụ phế phẩm.
TS. Phạm Minh Nhựt trình bày tại hội thảo.
Sản phẩm tiếp theo trong giải pháp sinh học toàn diện là phân bón lên men dạng lỏng. Đây là sản phẩm phân bón đậm đặc, có thể sử dụng phun trên lá hoặc phun dưới gốc. Hai sản phẩm phân bón hữu cơ và phân bón lên men dạng lỏng sẽ hỗ trợ tốt cho nhau, giúp cho dinh dưỡng của cây được đồng bộ hơn.
Phân bón lên men dạng lỏng được chế biến, chiết xuất từ sinh vật biển (các loại cá biển) bằng công nghệ lên men tiên tiến với nhiệt độ thấp để bảo vệ các vitamin, axit amin và các enzyme và các hormone tăng trưởng. Sản phẩm không sử dụng bất cứ phụ gia hoá chất nào, hoàn toàn thân thiện với môi trường, không gây độc hại cho người sử dụng và không gây tồn dư hoá chất độc hại trong sản phẩm nông nghiệp. Các thành phần dinh dưỡng và đa vi lượng ở dạng dung dịch của lên men dạng lỏng được cây hấp thụ trực tiếp và nhanh chóng qua lá và qua bộ rễ, giúp cây trở nên xanh tốt, làm tăng khả năng quang hợp, kích thích cây ra hoa nhiều và đồng đều, tỉ lệ đậu quả cao. Kết quả thực nghiệm cho thấy, phân bón lên men dạng lỏng giúp lúa tăng năng suất 15%, thu hoạch sớm 10 ngày; mía đạt độ đường cao hơn 2%, thu hoạch sớm hơn hơn 15 ngày; dưa hấu cho năng suất cao hơn 10-15%, độ ngọt tăng 2-5% so với các ruộng không dùng sản phẩm lên men dạng lỏng, dưa không bị xốp ruột, nứt vỏ,…
Chế phẩm phòng trừ sâu bệnh (thuốc trừ sâu sinh học) gồm chế phẩm T2 (được chiết xuất từ nguyên liệu chính là tỏi) và chế phẩm thuốc trừ sâu sinh học chiết xuất hoạt chất từ một số thảo mộc. Chế phẩm T2 chứa hợp chất Alicin (từ tỏi) và các siêu khoáng chất chiết xuất từ thực vật, có tác dụng xua đuổi tiêu diệt côn trùng phá hoại cây trồng, tiêu diệt được cả các loại côn trùng như bọ trĩ, cào cào, châu chấu,… Chế phẩm dùng để xử lý hạt giống trước khi bảo quản tránh côn trùng gây hại xâm nhập, tránh để lại trứng cho vụ sau, tránh côn trùng ăn mầm khi mới nảy mầm, ngăn ngừa nấm bệnh hại cho cây. Đây là sản phẩm dùng cho sản xuất hữu cơ, an toàn cho con người và môi trường, không để lại mùi trên lương thực và thực phẩm. Chế phẩm T2 có thể sử dụng kết hợp với phân bón lên men dạng lỏng để tạo thành dung dịch vừa giúp cho cây hấp thụ dinh dưỡng vừa phòng bệnh.
TS. Nhựt cho rằng, để phát triển nông nghiệp sạch cần có 3 yếu tố là tận dụng được nguồn phụ phế phẩm nông nghiệp để sản xuất phân bón hữu cơ, góp phần làm giảm chi phí; sử dụng phân bón lên men dạng lỏng để cung cấp dinh dưỡng; phòng trừ sâu bệnh bằng chế phẩm sinh học. Hiện tại, nhóm nghiên cứu HUTECH có thể hợp tác và chuyển giao giải pháp sinh học toàn diện với các yếu tố này, hoặc chuyển giao từng sản phẩm để góp phần phát triển nền nông nghiệp sạch, an toàn. Với phân bón mùn hữu cơ, nhóm có thể chuyển giao quy trình ủ và cung cấp men vi sinh để người nông dân dễ dàng áp dụng và giảm được chi phí sản xuất.
Lam Vân