Máy tìm tĩnh mạch sử dụng công nghệ cận hồng ngoại

Thiết bị phát hiện tĩnh mạch ứng dụng ánh sáng cận hồng ngoại (NIR) không xâm lấn để chụp các hình ảnh tĩnh mạch trong thời gian thực từ bệnh nhân và chiếu lại hình ảnh lên da của họ, giúp quan sát rõ ràng các tĩnh mạch.
Đây là sản phẩm của nhóm nghiên cứu đến từ Khoa Kỹ thuật Y Sinh (Đại học Quốc tế TP.HCM). Thiết bị có tên là Vein Finder, dùng để hỗ trợ các bác sĩ hoặc y tá, điều dưỡng xác định vị trí tĩnh mạch dễ dàng hơn, ngăn ngừa các sai sót gây khó chịu và đau đớn cho bệnh nhân, trong các thủ thuật liên quan đến chọc chích tĩnh mạch.
 
PGS.TS. Phạm Thị Thu Hiền (đại diện nhóm nghiên cứu) cho biết, sản phẩm được thiết kế để cầm tay, nhỏ gọn, dễ dàng thao tác nhờ vào tính năng tự cân chỉnh hình ảnh. Dựa trên nguyên lý hấp thụ ánh sáng của tĩnh mạch đối với công nghệ cận hồng ngoại, máy được thiết kế bao gồm hai nguồn sáng NIR có bước sóng 850 nm và 760 nm, một gương nóng 45º, một camera NoIR để chụp ảnh, một DLP Lightcrafter Display 2000, và điều khiển bằng bộ vi xử lý Raspberry Pi 3 Model B. Hộp sản phẩm được thiết kế bằng phương pháp in 3D và cắt mica loại 2mm.
 
 
Hệ thống hoàn chỉnh đã lắp các bộ phận hai nguồn sáng NIR có bước sóng 850nm và 760nm,
một gương nóng 45º, một camera NoIR, một DLP Lightcrafter Display 2000 và một bộ vi điều khiển vi Raspberry Pi 3 model B 
 
Trong điều trị y khoa, việc tiêm chích tĩnh mạch tiêu tốn thời gian và chi phí quá mức, không chỉ gây lo lắng, đau đớn và khó chịu cho bệnh nhân, mà còn dẫn tới những tổn thương có hại dưới da. Những nguyên nhân chính dẫn đến việc phải thực hiện tiếp cận tĩnh mạch nhiều lần là do thiếu kỹ năng chọc chích tĩnh mạch hoặc do bệnh lý và các vấn đề về y học, khiến khó tiếp cận tĩnh mạch ngoại vi.
 
Hình ảnh tĩnh mạch cần thiết cho rất nhiều trường hợp như truyền dịch tĩnh mạch, điều trị trầy, bỏng, truyền máu, chăm sóc trẻ em, người già,… Để tăng khả năng thành công trong các thủ thuật can thiệp tĩnh mạch, các giải pháp làm tăng khả năng hiển thị của tĩnh mạch được áp dụng như làm ấm vùng sẽ đưa kim tiêm vào để làm giãn tĩnh mạch, sử dụng máy siêu âm quan sát tĩnh mạch. Tuy nhiên, hiệu quả của phương pháp làm ấm không rõ ràng, phương pháp siêu âm đòi hỏi kỹ năng cao, phải qua huấn luyện, chưa kể máy siêu âm đắt tiền và không thể sử dụng rộng rãi.
 
Công nghệ NIR trở nên hữu ích hơn nhờ tính hiệu quả và vô hại, vùng ánh sáng NIR thuộc vùng phổ điện từ trường có bước sóng dài hơn vùng ánh sáng nhìn thấy (700-2.500 nm). Chúng có khả năng xuyên thấu cao và mang lại độ tương phản tốt, có thể đi xuyên qua các lớp tế bào mô dày như bàn tay, cổ tay người lớn, trẻ em, để đến được các mạch máu.
 
 
 
Một số kết quả hình ảnh chụp lấy tĩnh mạch, các vị trí (A): Phía sau bàn tay; (B): Cổ tay; (C), (D): Cẳng tay 
 
Thiết bị Vein Finder đã được thử nghiệm cho thấy hình ảnh hiển thị rõ ràng và có độ chính xác cao khi chiếu các vị trí tĩnh mạch trên bàn tay, cổ tay và cẳng tay của đối tượng. Kết quả hiển thị tương đối đồng nhất ở tất cả các bộ phận cơ thể được thử nghiệm. Với sự kết hợp nguồn LED có bước sóng 740 và 850nm và thuật toán xử lý hình ảnh tiên tiến, thiết bị hoạt động trơn tru, nhanh chóng và có hiệu quả đối với nhiều đối tượng khác nhau, kể cả ở những người rậm lông, trẻ em hay người thừa cân (BMI từ 25-36). Ngoài ra, máy cũng có thể xác định và chiếu hình ảnh tĩnh mạch ở các bộ phận cơ thể khác, bao gồm đùi, bụng, mặt, cổ,…Máy có độ chính xác cao, sai số rất nhỏ; giao diện người dùng trực quan và dễ sử dụng.
 
Thiết bị Vein Finder là một phương tiện hiệu quả, hỗ trợ các thủ thuật chọc chích tĩnh mạch an toàn, nhanh chóng và chính xác, không xâm lấn. Sản phẩm đang được hoàn thiện, có thể sánh ngang với các sản phẩm tương tự trên thị trường. Thời gian tới, máy sẽ được nghiên cứu phát triển thêm tính năng phát hiện độ sâu của các tĩnh mạch.
Lam Vân
Scroll