Hệ thống nuôi cua trong nhà bằng công nghệ tuần hoàn

Hệ thống có quy mô nhỏ gọn nhưng cho năng suất cao hơn phương pháp nuôi truyền thống, có thể xây dựng lắp đặt trong nhà, đặc biệt là tại các khu vực nội thành, thành phố lớn, khu đông dân cư để nuôi thủy hải sản, đảm bảo cung cấp trực tiếp sản phẩm tươi sống cho người nuôi.
Hệ thống gồm 2 phần chính là hệ thống hộp nuôi cua (hộp nhựa kích thước 17x30x40 cm) được xếp chồng lên nhau; hệ thống tuần hoàn (RAS) xử lý nước thải và tái sử dụng nước. Hệ thống hộp nuôi cua được đặt trên một giá đỡ bằng khung thép (kích thước 0,8x1x2 m) để tạo cao trình cho hộp nuôi. Hệ thống xử lý nước thải được bố trí trong các thùng nhựa có thể tích 160L/thùng được kết nối tuần hoàn với nhau. Ngoài ra hệ thống còn được gắn thêm đèn UV để diệt khuẩn trong quá trình nuôi.
 
 
Mô hình hệ thống nuôi cua tuần hoàn 
 
 
Các hộp nuôi cua trong hệ thống RAS
 
Sản phẩm là kết quả của sáng kiến "Nuôi cua gạch 2 da trong hộp nhựa bằng hệ thống tuần hoàn trong nhà” do ThS. Lê Hạnh (Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II) thực hiện.
 
Theo ThS. Lê Hạnh, quá trình đô thị hóa tại TP.HCM phát triển nhanh chóng khiến cho diện tích đất và tài nguyên nước phục vụ nghề nuôi thủy sản bị thu hẹp và hạn chế. Phương pháp nuôi thủy sản truyền thống hiện không thể đáp ứng được vì đòi hỏi diện tích lớn và sử dụng một lượng lớn nguồn nước dẫn đến gây ô nhiễm môi trường sống đô thị. Vì vậy, việc xây dựng phương thức nuôi và bảo quản thủy sản trực tiếp trong nội thành, thỏa mãn các điều kiện của thành phố là rất cần thiết.
 
Hiện nay, việc ứng dụng công nghệ RAS trong nuôi trồng thủy sản đang rất được quan tâm và áp dụng rộng rãi với những lợi ích to lớn như: ít sử dụng nước; an toàn sinh học cao; mầm bệnh được kiểm soát chặt chẽ; chất lượng nước và các chỉ tiêu môi trường trong hệ thống nuôi luôn được kiểm soát và theo dõi; không xả thải ra môi trường bên ngoài gây ô nhiễm thủy vực; ít tốn diện tích nhưng cho năng suất cao; chất lượng sản phẩm được đảm bảo vì không sử dụng các loại thuốc, kháng sinh trong quá trình sản xuất.
 
Mô hình nuôi cua trong hộp nhựa và ứng dụng hệ thống tuần hoàn tái sử dụng nước nhằm tạo ra các sản phẩm thủy sản tươi sống, đảm bảo an toàn sinh học và không gây ô nhiễm môi trường, nâng cao năng suất và giá trị sản phẩm cho người dân của tác giả hoạt động theo nguyên lý: nước thải từ mỗi hộp nuôi cua sẽ được gom chung về một ống dẫn để đưa về bể lắng cơ học. Tại đây, các chất thải không hòa tan sẽ được giữ lại bằng túi lọc và tấm lọc Jmat để loại bỏ dễ dàng ra bên ngoài. Nước thải sau khi được xử lý thô sẽ chảy qua ngăn lọc sinh học với các giá thể lọc sinh học là hạt Kaldnes K1 (diện tích 800m2/m3) để loại bỏ nitơ thải từ hệ thống, qua hoạt động chuyển đổi của các dòng vi khuẩn Nitrosomonate sp và Nitrobacteria sp. Sau đó, nước được cho chảy qua ngăn bơm có đèn UV để diệt các mầm bệnh trong hệ thống. Nước đã qua xử lý được cung cấp cho hệ thống hộp nuôi nhờ máy bơm (công suất 10 m3/h). Vòng tuần hoàn cứ thế diễn ra liên tục trong suốt quá trình nuôi cua.
 
ThS. Lê Hạnh cho biết, hệ thống đã được áp dụng nuôi thử nghiệm 40 con cua giống có trọng lượng trung bình 215,5 ± 40g trong vòng 14 ngày để đánh giá tốc độ tăng trưởng và lên gạch. Kết quả cho thấy, tỷ lệ sống 100% (36 con); tỷ lệ cua lên đầy gạch và 2 da (100%); tỷ lệ tăng trọng trung bình 12,98g/con; thịt cua đã lên đầy, da mới đã kéo đầy mai và chuẩn bị lột. Chất lượng thịt được đánh giá là ngon hơn và ngọt hơn trước khi được nuôi trong hệ thống tuần hoàn.
 
 
Sản phẩm cua gạch 2 da 
 
Có thể thấy, tính sáng tạo của hệ thống là việc tận dụng lại các hộp nhựa để tạo thành hệ thống nuôi cua biển trong nhà, nâng cao năng suất, mật độ nuôi cua biển tại Việt Nam (cao hơn gấp 15-20 lần). Đồng thời, hệ thống nuôi cua này có thể giúp người nuôi nâng cao giá trị gia tăng của cua nuôi ,bằng cách nuôi lên cua 2 da, thay vì nuôi và bán cua thịt như trước đây. Ngoài ra, hệ thống đảm bảo kiểm soát được các yếu tố môi trường, lượng nước thải và tái sử dụng nước; có thể được xây dựng ở bất kỳ khu vực nào mà không phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên, đặc biệt là ứng dụng để nuôi thủy sản tại các thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh và TP. Hà Nội. 
 
 
Kiểm tra chất lượng cua nuôi bằng RAS 
 
Hiện tại, nhóm nghiên cứu đang triển khai lắp đặt hệ thống ở nhiều nơi (Bến Tre, Đồng Nai, Tiền Giang) theo đặt hàng của các công ty, đơn vị sản xuất thủy sản với quy mô đa dạng từ 1.000-10.000 hộp nuôi cua. Ước tính, một đợt nuôi cua bằng hệ thống tuần hoàn (diện tích 150m2) có thể thu được lợi nhuận 73,73 triệu đồng, cho lãi ròng 69,67 triệu đồng; lợi nhuận tính trên đơn vị là 418 ngàn đồng/kg.  
Lam Vân
Scroll