TP.HCM: Bế giảng khóa học có "giá" hơn 300 nghìn Euro về vi mạch

15 học viên đến từ các trường đại học và doanh nghiệp khởi nghiệp tại Khu Công nghệ cao TPHCM (SHTP) có thể nắm vững và thực hành được toàn bộ quy trình công nghệ đóng gói bằng công nghệ in 3D và chế tạo thử nghiệm cảm biến lưu lượng (flow sensor).
Thông tin này được ông Ngô Võ Kế Thành - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu triển khai SHTP đưa ra tại Lễ bế giảng “Khóa đào tạo lĩnh vực chế tạo, đóng gói, kiểm định và thương mại hóa linh kiện vi cơ điện tử (MEMS) năm 2017”, được SHTP tổ chức ngày 7/2, tại TPHCM.
Khóa đào tạo này được tổ chức với sự hợp tác giữa Trung tâm Nghiên cứu triển khai SHTP, Trường Đại học Công nghệ Hà Lan Delft (TU Delft) và Công ty Fabmax (Hà Lan).

Đây cũng là hoạt động nằm trong “Chương trình phát triển vi mạch TPHCM giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Trong đó, UBND TPHCM giao cho Ban quản lý SHTP chủ trì chương trình phát triển MEMS trong thời gian 3 tháng, từ tháng 10/2017 - tháng 1/2018. Kinh phí cho khoá học do phía Việt Nam và Hà Lan cùng tham gia đóng góp. Trong đó, riêng kinh phí đào tạo có giá trị 300 ngàn Euro do Chính phủ Hà Lan tài trợ.
Các học viên thực hành
Các học viên thực hành bài giảng về MEMS
TS. Phan Anh Tuấn - học viên khóa đào tạo cho biết, lớp học được các chuyên gia đến từ Hà Lan giới thiệu nền tảng cơ bản, đầy đủ nhất của công nghệ MEMS; công nghệ đóng gói linh kiện IC và MEMS; Đo đặc tính và chuẩn hoá cảm biến áp suất MEMS dựa trên hệ đo cột nước chuẩn… Các bài giảng đều được trình bày trực quan sinh động. Bên cạnh những công thức, phương trình tính toán là các mô hình hoá, kết quả mô phỏng và ảnh vi cấu trúc của các linh kiện MEMS tương ứng đã được chế tạo và ứng dụng trong thực tế, giúp các học viên tiếp thu bài giảng một cách hiệu quả.
Các học viên nhận chứng chỉ khóa đào tạo MEMS
Các học viên nhận chứng chỉ khóa đào tạo MEMS
Theo ông Thành, khóa đào tạo giúp các học viên nắm vững các kiến thức cơ bản về lý thuyết bán dẫn về MEMS và thực hành cơ bản trong phòng sạch về các quy trình công nghệ trong chế tạo linh kiện MEMS. Thông qua khoá đào tạo này, các chuyên gia cũng chia sẻ các kinh nghiệm trong việc phân tích thị trường, phương án thương mại hóa và lựa chọn linh kiện MEMS để sản xuất thử nghiệm, tiến tới thương mại hóa linh kiện MEMS của Việt Nam. Từ đó, giúp các học viên có cái nhìn cụ thể về ngành công nghiệp MEMS.
Khóa đào tạo còn giúp các kỹ sư Việt Nam hướng tới làm chủ công nghệ MEMS, chế tạo cảm biến lưu lượng ứng dụng trong lĩnh vực cảnh báo môi trường cho TPHCM, nhằm phục vụ một trong sáu chương trình đột phá của TPHCM trong giai đoạn 2015-2020” – ông Thành chia sẻ.
Cũng tại lễ bế giảng, Trung tâm Nghiên cứu triển khai đã ký kết hợp tác với Đại học TU Delft tiếp tục triển khai hợp tác, với các nội dung cụ thể như: Nghiên cứu và sản xuất thử nghiệm các linh kiện MEMS và hệ thống ứng dụng trong lĩnh vực môi trường; Đại học TU Delft hỗ trợ đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học và kỹ sư có trình độ cao, cập nhật các kiến thức mới nhất trên thế giới về lĩnh vực MEMS; Cùng tổ chức các hội thảo quốc tế về MEMS theo như kế hoạch chương trình phát triển MEMS giai đoạn 2017-2020.
Kết thúc khóa học, Đại học TU Delft tài trợ cho SHTP 4 suất học bổng đào tạo tiến sĩ tại Hà Lan về lĩnh vực nghiên cứu chip cảm biến dòng khí Wind Sensor, ứng dụng trong lĩnh vực môi trường
Theo Kiều Anh (khoahocphattrien.vn)
Scroll