Xây dựng quy trình canh tác cây Sâm cau giống nuôi cấy mô

Đây là nhiệm vụ khoa học và công nghệ do Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Nông nghiệp Công nghệ cao chủ trì thực hiện, KS. Nguyễn Thị Nguyệt làm chủ nhiệm, được nghiệm thu năm 2022.
Theo y học cổ truyền ở Việt Nam, Sâm cau (Curculigo orchioides Gaertn.) là một cây dược liệu quý, có tác dụng chống ung thư, điều trị các bệnh về sinh lý như liệt dương, vô sinh ở nam giới, bệnh hen suyễn, sốt xuất huyết, cao huyết áp,… Theo các nghiên cứu phân tích sinh hóa, tác dụng dược lý đã công bố, lá và rễ của Sâm cau có chứa nhiều hợp chất thứ cấp như glucosides, saponins, steroids, alkaloids, flavonoids, diterpenes, phenols. Trong đó, curculigin A và curuligol chiết tách từ thân rễ Sâm cau có tác dụng bảo vệ gan khỏi tác động của carbon tetrachloride, curculigosaponin C và F kích thích tăng sinh tế bào lympho ở lách chuột.

Hiện nay, trồng cây dược liệu đang là hướng phát triển kinh tế mới. Sâm cau đang được trồng ở Việt Nam cho kết quả khả quan về năng suất, chất lượng củ làm thuốc, giá bán cao, vì vậy rất được quan tâm, nhu cầu sử dụng củ Sâm cau ngày càng lớn, đặc biệt ở khu vực TP.HCM. Tuy nhiên, nguồn cung cấp chủ yếu là khai thác cây tự nhiên và một số vùng trồng với diện tích nhỏ dẫn đến cây bị mất dần trong tự nhiên, nên Sâm cau đã được đưa vào Sách đỏ Việt Nam và Danh lục đỏ IUCN. Bên cạnh đó, các nghiên cứu về biện pháp canh tác Sâm cau vẫn còn ít nên việc đề xuất mức phân bón, mật độ trồng, lượng nước tưới và độ che phủ thích hợp là rất cần thiết để cây sinh trưởng và phát triển tốt, tăng năng suất và chất lượng củ Sâm cau.

Nhiệm vụ nghiên cứu nêu trên được thực hiện với mục đích lựa chọn lượng nước tưới, chế độ che nắng, mật độ trồng cây và lượng phân bón thích hợp cho sự sinh trưởng của cây Sâm cau. Qua đó góp phần duy trì nguồn dược liệu quý, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, làm tăng thu nhập cho người nông dân và bảo tồn đa dạng sinh học.

Nhóm tác giả đã tiến hành 3 thí nghiệm nghiên cứu về ảnh hưởng của che nắng, lượng nước tưới, phân bón và khoảng cách trồng đến sinh trưởng của cây Sâm cau. Các thí nghiệm được thực hiện tại Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Nông nghiệp Công nghệ cao (xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi, TP.HCM) với đối tượng là cây Sâm cau có nguồn gốc từ nuôi cấy mô sau khi đã huấn luyện, được trồng trong túi bầu có chứa giá thể là đất sạch tribat và xơ dừa theo tỉ lệ 2 : 1 để thuần dưỡng.
 
06KQNCLVcanhtaccaysamcauh2.jpg
Kết quả cho thấy, với thí nghiệm về che nắng, trong 4 nghiệm thức (không che nắng, che nắng bằng lưới cắt nắng 25%, che nắng bằng lưới cắt nắng 50% và che nắng bằng lưới cắt nắng 75%), cây Sâm cau sinh trưởng tốt nhất trong điều kiện được che nắng bằng lưới cắt nắng 50%. Ở thí nghiệm nghiên cứu về ảnh hưởng của lượng nước tưới, cây Sâm cau sinh trưởng tốt khi được tưới ở lượng nước 1000 và 800 mL/cây/ngày. Củ Sâm cau sau khi thu hoạch cho năng suất cao nhất khi cây Sâm cau được tưới ở lượng nước 800 mL/cây/ngày.

Với nội dung thí nghiệm về ảnh hưởng của phân bón và khoảng cách, kết quả nghiên cứu cho thấy trên 3 khoảng cách trồng và 3 công thức phân bón, khoảng cách trồng 20 x 10 cm và công thức phân bón 12.000 kg phân bò hoai kết hợp với 25 kg N và 10 kg K2O cho năng suất và chất lượng củ đạt giá trị cao nhất.

Kết quả đề tài cũng hoàn thành quy trình kỹ thuật trồng Sâm cau (Curculigo orchioides Gaertn.) giống nuôi cấy mô với một số thông số như: cây Sâm cau sinh trưởng tốt trong điều kiện được che nắng bằng lưới cắt nắng 50% và tưới với lượng nước 800 mL/cây/ngày; khoảng cách trồng 20 x 10 cm và bón 12000 kg/ha phân bò kết hợp với 25 kg/ha N và 10 kg/ha K2O. Quy trình có thể triển khai ứng dụng vào mô hình sản xuất củ Sâm cau.

Theo tính toán của nhóm nghiên cứu, mô hình trồng cây Sâm cau nuôi cấy mô có năng suất trung bình 3118 kg/1000m2, tổng thu nhập 467.700.000 đồng/vụ (8 tháng), tổng chi phí sản xuất 416.526.400 đồng, lợi nhuận 51.173.600 đồng. Mô hình bước đầu cho thấy có hiệu quả kinh tế nên có khả năng mở rộng, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay khi cầu sử dụng dược liệu ngày càng cao. Sâm cau có thể trồng được ở nhiều nơi, trong rừng, ven nương rẫy, trong chậu,… Ngoài ra, cây Sâm cau khá khỏe mạnh, ít bị sâu bệnh hại, vì vậy hạn chế được việc dùng thuốc bảo vệ thực vât và giảm chi phí sản xuất, mang lại lợi nhuận cao.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu đề tài tại Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ (CESTI).
Lam Vân (CESTI)
Scroll