Techmart Công nghệ sinh học 2021: Kit phát hiện nhanh bệnh hoại tử gan tụy cấp ở tôm

Nhóm tác giả Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG-HCM đã nghiên cứu thành công que thử phát hiện nhanh hai độc tố ToxA và ToxB của vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus gây bệnh hoại tử gan tụy cấp trên tôm sú và thẻ chân trắng.
Bệnh hoại tử gan tụy cấp tính (AHPND) là một loại bệnh khiến tôm chết sớm. Bệnh với tỷ lệ chết lên đến 100%, gây ra bởi vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus mang plasmid mã hóa hai độc tố ToxA, ToxB, gây tổn thất nặng nề trong ngành nuôi tôm.
 
Chứng bệnh này có thể diễn ra với mức độ nghiêm trọng hơn khi môi trường ao nuôi tôm bị ô nhiễm và không đáp ứng đủ yêu cầu cơ bản chăn nuôi như đất nền ở đáy ao có phèn, lượng oxy hòa tan thấp, sử dụng hóa chất trong ao nuôi, màu nước không ổn định, dịch bệnh phát triển. Khi môi trường ao nuôi xấu đi, vi khuẩn phát triển và tôm sẽ chết rất sớm chỉ sau 6 - 10 ngày thả nuôi trong ao.
 
Người nuôi tôm gặp rất nhiều khó khăn trong đó dịch bệnh là mối nguy thường trực trong suốt vụ nuôi, khả năng lây lan nhanh và mức độ kháng thuốc cao. Để xử lý người nuôi tôn phải mất nhiều thời gian và tốn kém chi phí thuốc, hóa chất … dẫn đến chi phí sản xuất đầu vào cao, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế của ngành nuôi tôm.
 
Hiện nay, các phương pháp phát hiện AHPND chưa đáp ứng được nhu cầu chẩn đoán nhanh tại thực địa. Vì vậy, việc chẩn đoán sớm từ thực địa (ao nuôi), giúp nông dân chủ động hơn trong việc phòng tránh và điều trị kịp thời bệnh. Trong đó, phương pháp que thử miễn dịch dựa trên tương tác kháng nguyên – kháng thể có tiềm năng lớn nhưng chưa được phát triển.
 
Trước thực tế đó, nhóm tác giả đã thực hiện nhiệm vụ “Nghiên cứu phát triển que thử phát hiện nhanh hai độc tố ToxA và ToxB của vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus gây bệnh hoại tử gan tụy cấp (Acute Hepatopancreatic Necrosis Disease – AHPND) trên tôm nuôi ở Tây Nam Bộ” thuộc Chương trình Tây Nam Bộ, do PGS.TS. Trần Văn Hiếu, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG-HCM làm chủ nhiệm.
 
 
PGS.TS. Trần Văn Hiếu cùng nhóm nghiên cứu tập huấn sử dụng que thử cho địa phương 
Nghiên cứu đã thu thập thông tin và đánh giá toàn diện thực trạng bệnh AHPND trên 8 tỉnh nuôi tôm lớn của đồng bằng sông Cửu Long, gồm: Long An, Bến Tre, Tiền Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang và phân lập được hơn 120 chủng. Các chủng này lần lượt được giải trình tự và phân tích đặc điểm di truyền để cung cấp thông tin toàn diện về cơ chế gây bệnh và khả năng lây truyền. Trình tự mã hóa gen độc tố của các chủng đã lần lượt được công bố trên Ngân hàng Gen, Trung tâm Thông tin Công nghệ sinh học Quốc gia Hoa Kỳ. Từ đó, nhóm tiến hành khảo sát các thành phần và sản xuất được hơn 700 que thử. Các que thử đã được Trung tâm Chất lượng Nông lâm Thủy sản vùng IV đánh giá có độ đặc hiệu 98 % và độ nhạy 94 %.
 
Máy phun kháng thể lên màng que thử (trái) và hơn 700 que thử đã được sản xuất (phải)
 
Que thử do nhóm của PGS.TS. Trần Văn Hiếu nghiên cứu, sản xuất góp phần giải quyết bài toán kiểm soát sớm dịch bệnh hoại tử gan tụy cấp (AHPND) do V. parahaemolyticus.
 
Nhiều công nghệ & thiết bị khác sẽ được giới thiệu tại Techmart Công nghệ sinh học trực tuyến 2021 (do Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức). Các đơn vị có nhu cầu tìm hiểu, chuyển giao công nghệ vui lòng đăng ký tham dự tại đây để nhận catalogue công nghệ & thiết bị tại sự kiện.
 
Trải nghiệm nền tảng triển lãm trực tuyến tại: techmart.techport.vn (vui lòng truy cập bằng trình duyệt hoặc copy link dán vào trình duyệt để được trải nghiệm tốt nhất).
 
Để biết thêm thông tin, Quý khách vui lòng liên hệ:
Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ
Phòng Giao dịch công nghệ
79 Trương Định, P. Bến Thành, Q.1, TP. HCM
ĐT: (028) 3521 0735 - 3825 0602
ĐTDĐ: 0968 845 770 (gặp Hương)
Email: tmhuong@cesti.gov.vn
 
 
 
Ngọc Anh
Scroll