Techmart Công nghệ sinh học 2021: Dùng công nghệ enzyme sản xuất nguyên liệu mỹ phẩm từ phế phụ phẩm nông nghiệp

Đây là giải pháp tạo nguồn nguyên liệu sạch, an toàn từ các loại phế phụ phẩm tưởng chừng như vô giá trị, tốn kém chi phí xử lý.
Phế phụ phẩm nông nghiệp là sản phẩm phụ phát sinh từ hoạt động chăm sóc, thu hoạch, sơ chế biến trong các lĩnh vực trồng trọt, lâm nghiệp, chăn nuôi, thủy sản và ngành nghề nông thôn. Tái sử dụng phụ phẩm nông nghiệp là một vấn đề lớn của xã hội nhằm làm gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp, bảo đảm không làm ô nhiễm môi trường và lây lan sinh vật gây hại. Trong dự thảo Thông tư hướng dẫn việc thu gom, xử lý chất thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp tái sử dụng cho mục đích khác, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng nêu rõ là khuyến khích việc sử dụng chế phẩm sinh học, ứng dụng tiến bộ công nghệ, kỹ thuật mới trong quá trình xử lý phụ phẩm nhóm chế biến, bảo quản nông lâm thủy sản.
 
Tái sử dụng phụ phẩm phế phụ phẩm nông nghiệp là hướng phát triển sản phẩm sinh học do Công ty TNHH Bio Nông Lâm (Thành viên Trung tâm Uơm tạo Doanh nghiệp Công nghệ - Đại học Nông Lâm TP.HCM) triển khai, nhằm ứng dụng kết quả đề tài nghiên cứu khoa học vào hoạt động sản xuất - kinh doanh các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản. Hiện nay, công ty đang cung cấp nhiều giải pháp công nghệ sinh học như: công nghệ thu cao chiết đông trùng chứa adenosine, cordycepin, polysaccharide từ đế đông trùng hạ thảo; công nghệ tách chiết collagen từ da ếch hoặc da cá (cá tra, cá ba sa…); công nghệ lên men Candida bombicola sản xuất chất hoạt động bề mặt Sophorolipids từ mật rỉ đường, công nghệ thủy phân thu acid amin từ vụn tổ yến…
 
 
Những giải pháp trên đều áp dụng công nghệ enzyme để thu các chất, hoạt chất có thể dùng để phối trộn tạo thành sản phẩm mỹ phẩm. Đó có thể là chất nền, thường các chất nền nước hoặc các chất nền dầu). Đó cũng có thể là chất nhũ hóa, tạo gel, tạo đặc quyết định nên cấu trúc của sản phẩm mỹ phẩm, như Gelatin làm cho nền nước đặc lại tạo gel, chất nhũ hóa mềm mượt giúp liên kết nước vào dầu tạo thành dạng cream, hay sáp ong giúp nền dầu trở nên cứng và đặc hơn. Đó cũng có thể là hoạt chất (chiếm tỷ lệ thấp nhưng quyết định đến hoạt tính hay công dụng của mỹ phẩm), phụ gia, hương, màu.
 
Tùy thuộc vào thế mạnh sẵn có, doanh nghiệp hoặc cơ sở sản xuất có thể lựa chọn xây dựng và ứng dụng những giải pháp phù hợp cho từng nhóm hợp chất/hoạt chất cần dùng làm nguồn nguyên liệu cho mỹ phẩm.
 
Ví dụ, doanh nghiệp có thể áp dụng giải pháp thủy phân phế phẩm vụn tổ yến bằng enzyme protease để thu dịch amino acid trong các điều kiện ở mức nhiệt 50-60oC, thời gian 60-90 phút, pH 6-7, tốc độ khuấy 1.200-1.800 vòng/phút. Dịch amino acid thu được đã được kiểm tra độ nhiễm vi sinh vật, kết quả đạt “Tiêu chuẩn giới hạn vi khuẩn, nấm mốc trong mỹ phẩm” (ban hành kèm theo Quyết định số 48/2007/QĐ-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế), có thể bổ sung vào kem dưỡng da.
 
Giải pháp thủy phân phế phẩm vụn tổ yến bằng enzyme protease cùng nhiều giải pháp – thiết bị công nghệ khác sẽ được trình diễn, giới thiệu tại Chợ công nghệ và thiết bị chuyên ngành (Techmart) Công nghệ sinh học trực tuyến 2021. Đây là sự kiện thường niên do Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ (CESTI, thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) tổ chức nhằm hỗ trợ đưa sản phẩm từ các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp công nghệ ra thị trường phục vụ nhu cầu ứng dụng công nghệ trong hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp. Trong nhiều năm, Techmart còn là cơ hội để các doanh nghiệp khởi nghiệp tìm kiếm đối tác đầu tư, hợp tác để phát triển sản phẩm, ý tưởng sáng tạo và phát triển kinh doanh. Các đơn vị có nhu cầu tìm hiểu, chuyển giao công nghệ vui lòng đăng ký tham dự tại đây để nhận catalogue công nghệ & thiết bị tại sự kiện.
 
Trải nghiệm nền tảng triển lãm trực tuyến tại: techmart.techport.vn (vui lòng truy cập bằng trình duyệt hoặc copy link dán vào trình duyệt để được trải nghiệm tốt nhất).
 
Để biết thêm thông tin, Quý khách vui lòng liên hệ:
Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ
Phòng Giao dịch công nghệ
79 Trương Định, P. Bến Thành, Q.1, TP. HCM
ĐT: (028) 3521 0735 - 3825 0602
ĐTDĐ: 0968 845 770 (gặp Hương)
Email: tmhuong@cesti.gov.vn
Hồng Linh
Scroll