Techmart Công nghệ sau thu hoạch trực tuyến 2021: Ứng dụng công nghệ sau thu hoạch và cơ hội cho trái cây Việt Nam

Chủ động nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ bảo quản phù hợp cho từng loại trái cây và yêu cầu của từng thị trường tiêu thụ sẽ mang lại những cơ hội rất lớn cho ngành xuất khẩu nông sản của Việt Nam.
Trái cây là nguồn cung cấp dinh dưỡng quan trọng cho sức khỏe con người, bao gồm các loại vitamins, chất khoáng và carbohydrates. Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), giai đoạn 2015-2019, Việt Nam có khoảng 924.000 ha cây ăn trái; sản xuất trái cây tăng bình quân 15%/năm.
 
Xuất khẩu trái cây là một trong những ngành xuất khẩu nông sản ấn tượng nhất của Việt Nam. Trái cây Việt Nam được xuất khẩu đến hơn 60 nước, chiếm 80% tổng giá trị xuất khẩu rau quả của Việt Nam mỗi năm. Các loại trái cây được xuất khẩu nhiều là thanh long, xoài, sầu riêng, bưởi, vải,…
 
Ngoài ra, trái cây Việt Nam cũng có nhiều thuận lợi như: sự đa dạng về chủng loại trái cây; nhà nước đã quy hoạch các vùng chuyên canh trái cây, ban hành VietGAP và khuyến khích nhà vườn ứng dụng các GAPs trong sản xuất trái cây; có chính sách khuyến khích xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường cho trái cây Việt Nam; một số doanh nghiệp kinh doanh và chế biến trái cây đã được cấp chứng nhận HACCP, ISO; Việt Nam đã gia nhập WTO, đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do với châu Âu, ASEAN, Bắc Mỹ, Anh, CPTPP, RCEP; và nhu cầu tiêu thụ trái cây của thế giới ngày càng tăng.
 
Tuy nhiên, chất lượng trái cây còn thấp, chưa đồng đều và chưa thỏa mãn các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm; lượng cung cấp cho thị trường chưa đảm bảo đều đặn; tổn thất sau thu hoạch còn lớn; giá thành sản xuất còn cao và hiệu quả sản xuất thấp; có thêm nhiều đối thủ cạnh tranh sau khi gia nhập WTO và ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA); đối mặt với các rào cản thương mại (các tiêu chuẩn về chất lượng và an toàn thực phẩm) ngày càng tăng của các nước nhập khẩu chính. Nguyên nhân của những khó khăn này là do tình trạng sản xuất trái cây ở Việt Nam còn nhỏ, manh mún, mang tính tự phát, khó áp dụng tiến bộ kỹ thuật; nhà vườn còn sử dụng phương thức sản xuất cũ, thiếu kiến thức công nghệ trong thu hoạch, sau thu hoạch và kỹ năng quản lý; chuỗi cung ứng trái cây còn lỏng lẻo và kém hiệu quả; việc nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ sau thu hoạch còn yếu;…
 
Theo TS. Phạm Văn Tấn (Phó Giám đốc Phân viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ Sau thu hoạch – SIAEP), các yêu cầu về chất lượng trái cây trong tiêu thụ hiện nay, tuỳ theo từng thị trường mà mức độ yêu cầu có khác nhau như: phải đảm bảo hình dáng và màu sắc tự nhiên; tươi và không khuyết tật; độ cứng đạt yêu cầu; không thay đổi nhiều hương thơm và mùi vị; không nhiễm sâu bệnh và nấm mốc; hàm lượng dinh dưỡng đạt yêu cầu; dư lượng hóa chất độc hại dưới mức tối đa cho phép; được chứng nhận bởi một tổ chức có thẩm quyền; bao bì và nhãn hiệu kèm theo thông tin, xuất xứ của hàng hóa, thân thiện với môi trường;… Vì vậy, việc nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ sau thu hoạch (như làm sạch, phân loại, xử lý, sơ chế, đóng gói và bảo quản) có vai trò quan trọng, giúp đảm bảo các tiêu chuẩn chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng yêu cầu của thị trường tiêu thụ và góp phần nâng cao giá trị xuất khẩu của trái cây Việt Nam lên nhiều lần.
 
 
Bảo quản lạnh đông cho sầu riêng xuất khẩu. 
 
Tại Việt Nam đã nghiên cứu và ứng dụng thành công một số công nghệ xử lý, bảo quản tiên tiến nhằm kéo dài thời hạn sử dụng cho trái cây, đảm bảo tốt hơn chất lượng và thực thi các quy định an toàn thực phẩm đối với trái cây. Có thể kể đến một số công nghệ và thiết bị để xử lý trái cây trước khi bảo quản như: máy rửa và xử lý thanh long, thiết bị xử lý trái cây bằng nước ozone, xử lý bằng phương pháp tia Gamma-Rays (chiếu xạ), máy xử lý trái cây bằng hơi nước nóng (VHT),… Một số công nghệ bảo quản cơ bản như: bảo quản mát theo kiểu truyền thống; bảo quản lạnh thông thường; bảo quản lạnh đông cho trái cây. Bên cạnh đó, cũng có một số phương pháp hỗ trợ trong bảo quản lạnh như: bảo quản bằng phương pháp điều tiết khí (MA); bảo quản bằng phương pháp màng phủ (waxing); bảo quản bằng môi trường kiểm soát khí (CA);…
 
 
Máy rửa – xử lý thanh long của SIAEP.  
 
 
Máy xử lý trái cây bằng hơi nước nóng (VHT).
 
TS. Phạm Văn Tấn cho biết, các công nghệ xử lý trái cây trước khi bảo quản hiện nay như xông methyl bromide có thể giúp diệt nhiều loại sâu bệnh, ít độc hại, dễ sử dụng, thích hợp cho thị trường các nước đang phát triển; xử lý bằng ozone, xử lý bằng nước nóng, thích hợp cho thị trường Nhật; xử lý bằng hơi nước nóng (45-47oC) có thể diệt bướm, ấu trùng nhộng, trứng trong trái, đặc biệt cho xoài và các loại trái cây nhiệt đới khác, thích hợp cho thị trường Nhật, Úc, một số nước ở châu Âu; xử lý bằng bức xạ (irradiation) hay chiếu xạ thích hợp cho thị trường Mỹ, Úc,… Phương pháp chiếu xạ có thể thay thế methyl bromide, có tác dụng tiệt trùng, diệt sâu bệnh, côn trùng, nấm mốc và vi sinh vật, giúp kéo dài thời gian bảo quản lạnh. Phương pháp này có ưu điểm là ít tiêu tốn năng lượng so với dùng nước nóng và hơi nước nóng; và ít làm biến đổi chất lượng thực phẩm.
 
Các phương pháp bảo quản trái cây sau thu hoạch nhằm làm giảm tốc độ hô hấp; hạn chế tốc độ giảm chất lượng; trì hoãn quá trình chín và già; giảm thiểu tổn thất sau thu hoạch; kéo dài thời gian tiêu thụ để mở rộng địa bàn tiêu thụ và chờ thời điểm giá cao để bán.
 
Thực tế, một số mô hình nhà sơ chế - đóng gói trái cây đã được SIAEP & VIAEP phối hợp nghiên cứu và triển khai có hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu trái cây xuất khẩu như: mô hình công nghệ - thiết bị sơ chế, đóng gói và bảo quản thanh long năng suất 2 tấn/giờ, ứng dụng tại Công ty TNHH Hoàng Phát FRUIT (tỉnh Long An); mô hình thu hoạch, xử lý, đóng gói và bảo quản xoài ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long (bảo quản xoài được 22 ngày tại doanh nghiệp Kim Nhung - Đồng Tháp); mô hình công nghệ - thiết bị sơ chế, đóng gói và bảo quản vải thiều, năng suất 1 tấn/giờ.
 
Để tăng cơ hội và các lợi thế cho trái cây Việt Nam hiện nay, theo TS. Tấn, cần đẩy mạnh hơn nữa việc xây dựng các nhà sơ chế - đóng gói trái cây; ứng dụng các công nghệ làm sạch, xử lý (nhiệt, tia gamma, ozone,…) và đóng gói phù hợp cho từng loại trái cây, phù hợp yêu cầu của từng thị trường tiêu thụ; ứng dụng các phương pháp kết hợp bảo quản lạnh với waxing, điều tiết khí (MA), hay kiểm soát khí (CA) thích hợp cho từng loại trái cây. Ngoài ra, cần xây dựng và mở rộng mối “liên kết ngang” giữa những người trồng cây ăn trái để mở rộng quy mô sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ và nâng cao hiệu quả sản xuất; xây dựng và củng cố mối “liên kết dọc” một cách chặt chẽ giữa các đối tác trong chuỗi giá trị trái cây để quản lý chất lượng trái cây tốt hơn, cùng chia sẻ quyền lợi và trách nhiệm một cách công bằng; huấn luyện các đối tác trong chuỗi cung ứng trái cây về quản lý vườn cây, sản xuất bền vững, thân thiện với môi trường, về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, các công nghệ bảo quản và chế biến trái cây;…
 
Các thông tin về ứng dụng công nghệ trong bảo quản trái cây ở Việt Nam sẽ được trình bày chi tiết tại chương trình hội thảo trong khuôn khổ Techmart Công nghệ sau thu hoạch trực tuyến (diễn ra vào ngày 28 - 29/10/2021) do Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức. Doanh nghiệp, tổ chức hoặc cá nhân có nhu cầu tìm hiểu, chuyển giao công nghệ vui lòng đăng ký tham dự tại đây để nhận catalogue công nghệ & thiết bị tại sự kiện.
 
Trải nghiệm nền tảng triển lãm trực tuyến tại: www.techmart.techport.vn (vui lòng truy cập bằng trình duyệt hoặc copy link dán vào trình duyệt để được trải nghiệm tốt nhất) 
 
Để biết thêm thông tin, Quý khách vui lòng liên hệ:
Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ
Phòng Giao dịch công nghệ
79 Trương Định, P. Bến Thành, Q.1, TP. HCM
ĐT: (028) 3521 0735 - 3825 0602
ĐTDĐ: 0968 845 770 (gặp Hương)
Email: tmhuong@cesti.gov.vn 
Lam Vân
Scroll