Techmart do Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ (CESTI) tổ chức từ ngày 30-31/5/2023 với 3 hoạt động chính là triển lãm, trưng bày CN&TB; hội thảo giới thiệu công nghệ; tư vấn chuyên gia về công nghệ. Sự kiện giới thiệu hơn 100 công nghệ và thiết bị trong và ngoài nước của 50 viện, trường, doanh nghiệp… thu hút đông đảo khách tham quan tại các gian hàng.
Bên cạnh đó, khu vực hội thảo Techmart với 20 chuyên đề hội thảo diễn ra liên tục, giới thiệu nhiều tham luận khoa học từ các chuyên gia và các hội thảo giới thiệu công nghệ từ các doanh nghiệp. Chuỗi hội thảo này còn được phát livestream trực tiếp, tạo thuận lợi cho khách tham dự từ xa qua Google meet, mang lại hiệu quả lan tỏa cao hơn. Với hình thức này, khách mời cũng có thể xem lại bất kỳ hội thảo nào đã diễn ra mà mình quan tâm.
Chuỗi hội thảo Techmart được tổ chức bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến (qua Google meet và phát livestream trực tiếp)
Cụ thể, 20 chuyên đề hội thảo giới thiệu công nghệ trong khuôn khổ Techmart Chuyển đổi số trong quản lý, đào tạo chuyên ngành giáo dục 2023 bao gồm:
* Các hội thảo ngày 30/5/2023:
+ Ứng dụng phần mềm trả lời tự động AI chatbot hỗ trợ tư vấn học vụ trong giáo dục.
+ Ứng dụng giải pháp Camera AI kiểm soát gian lận trong thi cử khối đại học.
+ Ứng dụng công nghệ thực tế ảo trong giáo dục và đào tạo.
+ Hệ thống soạn giáo án, giảng dạy điện tử ứng dụng công nghệ chuyển đổi số.
+ Phần mềm Digital Lock và Delta Pos quản lý mở khóa phòng học, thu chi và bán hàng.
+ Ứng dụng công nghệ 4.0 (trí tuệ nhân tạo AI, dữ liệu lớn Big Data, internet vạn vật IoT…) trong quản lý, dạy và học cho giáo dục đại học.
+ Giải pháp chuyển đổi số Anysoft Academy trong dạy học trực tuyến.
+ Giải pháp chuyển đổi số tương tác thông minh 3D/360O trong giảng dạy các môn khoa học cho học sinh.
+ Kỹ năng lập trình cho trẻ ứng dụng công nghệ 4.0.
+ Giải pháp số hóa 3 trong 1 cho giáo dục: tuyển sinh, quản lý và thu học phí.
* Các hội thảo ngày 31/5/2023:
+ Chuyển đổi số trong công tác giáo dục, hướng nghiệp giúp tăng cường hiệu quả phân luồng học sinh sau trung học cơ sở.
+ Hệ thống tổng đài ảo ứng dụng trong quản lý giáo dục đào tạo.
+ Riolish - Giải pháp học tiếng Anh trong thời đại số.
+ Công nghệ Robotics - AI phục vụ trong giáo dục STEM.
+ Bộ giải pháp Digiuni trong kiến tạo kỹ năng cho trẻ.
+ Giải pháp hoclieu.vn nâng tầm giáo dục hiện đại.
+ Giải pháp thiết kế trò chơi cho trẻ mẫu giáo theo phương pháp giáo dục STEAM.
+ Ứng dụng công nghệ Robotics trong dạy và học phục vụ cho giáo dục mầm non.
+ Ứng dụng công nghệ số hóa trong công tác quản lý giáo dục mầm non.
+ Nền tảng quản lý MISA EMIS số hóa hoàn toàn quy trình nghiệp vụ giáo dục.
Tại hội thảo “Ứng dụng phần mềm trả lời tự động AI chatbot hỗ trợ tư vấn học vụ trong giáo dục”, PGS.TS. Quản Thành Thơ (Phó Trưởng khoa Khoa học và Kỹ thuật máy tính, Trường Đại học Bách Khoa TP.HCM) cho biết, chatbot thông minh là một công cụ AI (trí tuệ nhân tạo) hữu dụng trong nhiều lĩnh vực. Hiện nay có hai loại phổ biến là chatbot tổng quát và chatbot chuyên biệt phục vụ riêng cho từng lĩnh vực. Về phương tiện giao tiếp, chatbot có thể giao tiếp bằng âm thanh, giọng nói hoặc hình ảnh. Nhóm nghiên cứu tại Đại học Bách Khoa TP.HCM đang phát triển một dạng chatbot hướng đến tính phục vụ cao trong lĩnh vực chuyên biệt (giáo dục). Theo đó chatbot trong lĩnh vực giáo dục được phát triển nhằm hỗ trợ cung cấp kiến thức trong học tập; cung cấp thông tin học vụ; tư vấn hướng nghiệp; kiểm tra và đánh giá người học; hỗ trợ học online;…
PGS.TS. Quản Thành Thơ (Trường Đại học Bách Khoa TP.HCM) trình bày tại hội thảo
Để triển khai mô hình chatbot hỗ trợ giáo dục, TS. Quản Thành Thơ lưu ý một số yêu cầu như: đối với chatbot hỗ trợ tư vấn học tập cần đảm bảo câu trả lời chính xác (không được “bịa” ra), kiến thức có thể cập nhật nhanh,… Đối với việc tư vấn học vụ, chatbot cần vận dụng kỹ thuật AI phù hợp, chuẩn bị hạ tầng chuyển đổi số phù hợp, thông suốt, dễ dàng.
Về “Ứng dụng công nghệ 4.0 trong quản lý, dạy và học cho giáo dục đại học”, TS. Phan Trần Minh Khuê (Trường Đại học Mở TP.HCM) cho biết, đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030” nhấn mạnh các mục tiêu đổi mới sáng tạo trong dạy và học; nâng cao chất lượng hiệu quả quản lý giáo dục; bộ chỉ số, tiêu chí đánh giá chuyển đổi số cơ sở giáo dục đại học “trong đào tạo” và “trong quản trị cơ sở giáo dục”. Trong đó, bộ chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số cơ sở giáo dục gồm 3 mức độ chuyển đổi số và 2 quy trình tổ chức đánh giá.
Hiện nay, quá trình chuyển đổi số giáo dục đại học đặt ra 3 yếu tố quan trọng là con người (phương pháp dạy và học), công nghệ (quản lý giáo dục) và thể chế (quản trị). Đây cũng là mục tiêu được Trường Đại học Mở TP.HCM vạch ra trong quá trình chuyển đổi số. Về phương pháp dạy và học, nhà trường luôn quan tâm đổi mới phương pháp, gần đây đã đẩy mạnh ứng dụng các phương pháp mới như học tập kết hợp (blended) = áp dụng công nghệ số + học liệu số (online và offline); học đảo ngược (flipped); học thích nghi;…
TS. Phan Trần Minh Khuê (Trường Đại học Mở TP.HCM) trình bày tại hội thảo
Theo TS. Phan Trần Minh Khuê, quá trình chuyển đổi số trường đại học thường gặp những thách thức liên quan đến sự kiện bất ngờ (như ảnh hưởng của đại dịch Covid-19), thế hệ gen Z, phương pháp giáo dục và học liệu kém thu hút. Vì vậy, việc ứng dụng các công nghệ 4.0 (machine learning, IoT, AR-VR, blockchain, serious game) là xu thế tất yếu để thay đổi phương pháp giáo dục. Hiện tại, Trường Đại học Mở TP.HCM đã triển khai ứng dụng công nghệ blockchain, IoT, machine learning vào công tác quản trị cơ sở giáo dục, cụ thể như quản lý tài sản, chữ ký số, xác thực văn bằng, CV số cho sinh viên; smart box (bưu cục nội bộ, thư viện, tủ cá nhân sinh viên); điểm danh tự động, đánh giá chất lượng buổi học, giám sát gian lận trong thi cử,…
Đặc biệt, trong phương pháp dạy và học đã ứng dụng thành công serious game (với game nhập vai khởi nghiệp) giúp sinh viên có thể tiếp cận khởi nghiệp trong nhiều mảng, học được các chiến lược quản trị nhân sự, đối phó với các tình huống đặc biệt,… Công nghệ AR cũng được triển khai ứng dụng trong xây dựng phòng Lab ảo khoa Công nghệ sinh học. Phòng Lab ảo này cho phép sinh viên sử dụng thực hành, tương tác từ bất cứ nơi đâu, từ đó giúp cho việc học và hiểu bài nhanh hơn, hiệu quả hơn. Đây là một học liệu mới, một công cụ hỗ trợ giảng dạy giúp đổi mới phương pháp dạy và học.
Thông tin chi tiết, vui lòng liên hệ:
Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ TP. HCM
Phòng Giao dịch Công nghệ
79 Trương Định, phường Bến Thành, Quận 1, TP. HCM
Điện thoại: (028) 3822 1635; Fax: (028) 3829 1957
Điện thoại di động: 093 941 3733 (gặp Thùy Vân)
Email: giaodichcongnghe@cesti.gov.vn
Lam Vân (CESTI)