Tạo giống dưa leo ưu thế lai F1 với dòng mẹ toàn hoa cái cho vùng Miền Đông Nam Bộ bằng ứng dụng bộ chỉ thị phân tử hỗ trợ hồi giao

Năng suất và chất lượng là hai yếu tố chính của tiến trình cải thiện giống dưa leo, hai đặc tính này cùng với những tính trạng có liên quan là những đặc điểm được quan tâm nhiều nhất của các nhà chọn giống. Việc chọn ra giống dưa leo tốt bằng chỉ thị phân tử giúp các nhà chọn giống rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí. Ngoài ra, cây mang toàn hoa cái giúp tăng năng suất. Từ đó cải thiện tình hình kinh tế của nông dân.
Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM vừa tổ chức Hội đồng tư vấn nghiệm thu nhiệm vụ khoa học và công nghệ “Tạo giống dưa leo ưu thế lai F1 với dòng mẹ toàn hoa cái cho vùng Miền Đông Nam Bộ bằng ứng dụng bộ chỉ thị phân tử hỗ trợ hồi giao”. Đây là nhiệm vụ do Đại học Mở TP.HCM chủ trì thực hiện, TS Lê Thị Kính làm chủ nhiệm.
 
20220242.jpg
                                                
  Qua mô trồng trình diễn ở các địa phương vùng Đông Nam Bộ
 
Đại diện nhóm thực hiện cho biết, mục tiêu cụ thể của nhiệm vụ này là xây dựng bộ chỉ thị phân tử liên kết với các gene/QTL liên quan đến các tính trạng nông học quan trọng và khả năng kháng bệnh của dưa leo ở dòng cho. Đồng thời, chuyển và quy tụ các QTL/gene liên quan đến các tính trạng mong muốn từ dòng dưa leo cho vào dòng dưa leo nhận tái tục mang toàn hoa cái đồng thời duy trì được những đặc tính ưu việt của dòng bố mẹ tái tục bằng phương pháp lai hồi giao có sự hỗ trợ của chỉ thị phân tử. Cũng như, chọn được dòng dưa leo thuần mới làm dòng mẹ với đặc tính toàn hoa cái và giữ được các tính trạng mong muốn từ dòng tái tục ban đầu.
Bên cạnh đó, chọn được 1 - 2 giống ưu thế lai F1 với dòng mẹ toàn hoa cái được chọn có năng suất cao, chất lượng quả thương phẩm tốt, đáp ứng nhu cầu của thị trường Đông Nam Bộ. Giống F1 mới được tạo ra có các đặc điểm sau: Năng suất cao hơn đối chứng 10 - 15%; Trái thẳng và cân đối; Kích thước chiều dài quả 17,0 - 19,0 cm, đường kính quả 3,4 - 3,6 cm; Màu sắc là màu xanh; Có phẩm chất tương đương với đối chứng ăn giòn, ngọt, không đắng đầu (đánh giá cảm quan); Khả năng chống chịu bệnh mốc sương và virus tương đương hoặc hơn đối chứng.
 
Đối tượng của đề tài là các dòng dưa leo có nguồn gốc khác nhau, bao gồm các dòng địa phương ở Việt Nam và các nguyên liệu nước ngoài. Về mặt phương pháp, có thể sử dụng quy trình được thiết lập của đề tài trong chọn giống cho các loại cây trồng khác: Dưa lưới, mướp đắng, bầu, bí (tuy nhiên cần được sàng lọc lại chỉ thị phân tử). Nghiên cứu này là một ví dụ điển hình của việc ứng dụng kiến thức được trang bị trong chương trình đào tạo chuyên ngành công nghệ sinh học thực vật tại Đại học Mở TP.HCM vào thực tế sản xuất. Đề tài giúp nâng cao chất lượng đào tạo sinh viên. Những sinh viên tham gia nhóm nghiên cứu khi ra trường có khả năng ứng dụng các kiến thức chuyên môn cụ thể như chọn giống truyền thống và chọn giống có sự hỗ trợ của marker phân tử vào thực tế chọn tạo giống dưa leo nói chung và các loại cây trồng nói riêng. Ngoài ra, sinh viên được nâng cao kỹ năng thực nghiệm. Từ đó tăng năng lực cạnh tranh của sinh viên trong thị trường lao động.
 
20220241.jpg
Nhân hạt bố mẹ và hạt F1 của giống dưa leo MTS No.1
 
Cũng theo nhóm thực hiện nhiệm vụ, nhóm đã tập trung khai thác dữ liệu để xây dựng bộ chỉ thị phân tử liên kết với các gene/ QTLs với các tính trạng nông học quan trọng và khả năng kháng bệnh, tiếp đến tạo dòng dị hợp toàn hoa cái từ nguồn vật liệu bố (A) và mẹ ban đầu (B). Bên cạnh đó, nhóm cũng đã chọn một dòng bố mẹ (dòng cho và dòng nhận) và chuyển các tính trạng mong muốn từ dòng cho sang dòng nhận cũng như tạo dòng thuần và lai định hướng các dòng thuần. Đồng thời, so sánh 20 THL dưa leo F1 với 2 giống đối chứng Hunter 1.0 (ĐC1) và SL 1.2 (ĐC2) và thực hiện 2 điểm trình diễn tổ hợp lai triển vọng tại vùng Đông Nam Bộ là Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu…
 
Kết quả, bộ 1 - 2 giống dưa leo F1 cho thị trường Đông Nam Bộ có các đặc tính: Trái dài 18 - 20 cm. Kích thước lá (nhỏ, dày, màu xanh đậm); Màu sắc quả xanh; Chống chịu virus và chống chịu bệnh mốc sương, phấn trắng, nứt thân xì mủ ngang bằng so với đối chứng. Có năng suất cao hơn đối chứng 10 - 15%. Cũng như, bộ marker liên kết gene/ QTLs quy định tính trạng nông học quan trọng và khả năng kháng nấm mốc sương và virus. Đặc biệt là tạo ra được một quy trình chọn giống dưa leo toàn hoa cái.
 
Không những thế, về khoa học và công nghệ có thể sử dụng quy trình được thiết lập trong đề tài trong chọn giống cho các loại cây trồng khác như dưa lưới, mướp đắng, bầu, bí… (tuy nhiên, phải sàng lọc lại chỉ thị phân tử).
Còn về mặt kinh tế xã hội, nghiên cứu đã cung cấp các giống dưa leo F1 mới có một số đặc tính tốt về năng suất, khả năng kháng bệnh. Hơn nữa, việc chủ động được nguồn hạt giống làm chi phí sản xuất giảm; nguồn giống tốt, phù hợp với điều kiện môi trường ở vùng Đông Nam Bộ. Từ đó mang lại lợi ích kinh tế cho người dân.
Nhật Linh (CESTI)
Scroll