Phát triển nông nghiệp sạch bằng phân bón hữu cơ

Tình trạng lạm dụng phân bón vô cơ hiện nay vẫn còn xảy ra hầu hết ở các địa phương trên cả nước. Để hướng tới một nền nông nghiệp bền vững, cần khuyến khích người dân tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ. Đồng thời, tăng cường giới thiệu các công nghệ, sản phẩm sản xuất phân hữu cơ trong nước.
Việt Nam có tiềm năng sản xuất phân bón hữu cơ rất lớn, do có nhiều lợi thế về nguồn nguyên liệu, đặc biệt là phế phụ phẩm trong nông nghiệp. Tuy nhiên, nguồn phế thải nông nghiệp phần lớn còn bị đốt bỏ, thải thải ra môi trường, vừa lãng phí, vừa gây ô nhiễm đất và nước. Việc xử lý hiệu quả phụ phẩm nông nghiệp để sản xuất phân bón hữu là giải pháp rất được quan tâm hiện nay. Việc sử dụng phân bón hữu cơ, không chỉ bảo đảm an ninh lương thực, mà còn nâng cao chất lượng nông sản, đồng thời phục hồi dần hệ sinh thái bị ảnh hưởng bởi lạm dụng phân bón hoá học, tiến tới xây dựng một nền sản xuất nông nghiệp sạch, chất lượng cao, hiệu quả và bền vững.
 
Trong thời gian qua, một số đơn vị, doanh nghiệp đã nghiên cứu và sản xuất ra nhiều loại phân hữu cơ từ các phụ phẩm nông nghiệp. Cụ thể như nhóm nghiên cứu công nghệ sinh học của Trường Đại học Công nghệ TPHCM đã phát triển thành công giải pháp sinh học toàn diện với bộ sản phẩm men ủ phân hữu cơ, phân bón lên men dạng lỏng, góp phần phát triển nông nghiệp sạch, không hóa chất.
 
 
 
Người dân sử dụng các loại phân bón hữu cơ cho cây trồng
 
Để sản xuất phân bón hữu cơ từ phụ phế phẩm nông nghiệp, nhóm sử dụng chế phẩm men vi sinh là một hỗn hợp các nhóm vi sinh vật có khả năng phân giải cellulose mạnh. Quy trình công nghệ sản xuất phân bón hữu cơ gồm các bước xay và nghiền phụ phế phẩm, sau đó trộn với chế phẩm men vi sinh và ủ trong 30 - 45 ngày sẽ thu được dạng mùn hữu cơ. Sản phẩm thu được từ quy trình này có thể sử dụng để bón lại cho đất (bón gốc, bón lót). Men vi sinh do nhóm nghiên cứu tạo ra với khả năng lên men rất mạnh, 1 lít sản phẩm có thể sử dụng cho 1 tấn nguyên liệu phụ phế phẩm.
 
Phân bón lên men dạng lỏng được chế biến, chiết xuất từ sinh vật biển (các loại cá biển) bằng công nghệ lên men tiên tiến với nhiệt độ thấp để bảo vệ các vitamin, axit amin và các enzyme và các hormone tăng trưởng. Sản phẩm không sử dụng bất cứ phụ gia hoá chất nào, hoàn toàn thân thiện với môi trường, không gây độc hại cho người sử dụng và không gây tồn dư hoá chất độc hại trong sản phẩm nông nghiệp. Các thành phần dinh dưỡng và đa vi lượng ở dạng dung dịch của lên men dạng lỏng được cây hấp thụ trực tiếp và nhanh chóng qua lá và qua bộ rễ, giúp cây trở nên xanh tốt, làm tăng khả năng quang hợp, kích thích cây ra hoa nhiều và đồng đều, tỉ lệ đậu quả cao. Kết quả thực nghiệm cho thấy, phân bón lên men dạng lỏng giúp lúa tăng năng suất 15%, thu hoạch sớm 10 ngày; mía đạt độ đường cao hơn 2%, thu hoạch sớm hơn hơn 15 ngày; dưa hấu cho năng suất cao hơn 10-15%, độ ngọt tăng 2-5% so với các ruộng không dùng sản phẩm lên men dạng lỏng.
 
Viện Nghiên cứu Công Nghệ Sinh Học và Môi Trường - Đại học Nông lâm TP.HCM cũng đã nghiên cứu và thực hiện thành công quy trình sản xuất enzyme protease thủy phân phụ phẩm cá tra và cá basa để sản xuất phân bón hữu cơ và thức ăn chăn nuôi. Protease là enzyme phân giải các hợp chất hữu cơ chứa nitơ, xúc tác quá trình thủy phân liên kết peptid (-CO-NH-)n trong phân tử protein, polypeptid đến sản phẩm cuối cùng là các axit amin. Ngoài ra, protease cũng có khả năng thủy phân liên kết este và vận chuyển axit amin. Đây là một trong những enzyme có nhiều ứng dụng quan trọng, được sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực khác nhau, như dùng để thủy phân các loại phụ phẩm nông nghiệp trong chế biến thức ăn chăn nuôi hoặc phân bón hữu cơ. Quy trình được áp dụng kết hợp nhiều phương pháp khác nhau như: phương pháp xác định thành phần hóa học của dịch sau khi thủy phân; phương pháp xác định Amoniac; Phosphor; Kali bằng hệ thống máy Kjeldhal xác định hiệu suất thủy phân, hiệu suất thu hồi đạm cũng như xác định các chất bảo quản trong dịch sau thủy phân.
 
Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp Nông nghiệp Công nghệ cao TP.HCM cũng đã nghiên cứu và thực hiện thành công quy trình sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh từ giá thể mụn dừa đã qua sử dụng. Khi sử dụng phân hữu cơ vi sinh bổ sung vào giá thể trồng (tỷ lệ 60% giá thể và 40% phân hữu cơ vi sinh) đều giúp cho năng suất và chất lượng của cây trồng (rau cải bẹ xanh, dưa lưới,...) cao hơn so với giá thể mụn dừa trơ.
 
 
 
 Sản xuất phân hữu cơ từ mụn dừa
 
Tác giả Nguyễn Khắc Biên (Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM) thì nghiên cứu, ứng dụng nguồn nguyên liệu bùn thải, tro trấu từ nhà máy bia để sản xuất phân bón hữu cơ. Bằng các vật liệu như bùn thải sinh học, tro trấu thu được từ nhà máy sản xuất bia, cùng các chế phẩm sinh học cần thiết, tác giả đã thực hiện nhiều thí nghiệm ủ bùn thải với tro trấu, kết hợp cùng xơ dừa và sử dụng để trồng rau mầm trong các khoảng thời gian nhất định, từ đó có các số liệu cần thiết để phân tích và xử lý.
 
Kết quả cho thấy, bùn thải từ nhà máy bia có thể dùng để sản xuất phân hữu cơ phục vụ cho ngành nông nghiệp. Do bùn thải nhà máy bia có hàm lượng chất hữu cơ cao, khi phối trộn với một số nguyên liệu khác sẽ tạo thành hỗn hợp phù hợp với quá trình lên men. Đồng thời, kết quả thử nghiệm với cây rau mầm cho thấy, cây phát triển tốt trong môi trường giá thể có bổ sung phân hữu cơ; cây phát triển mạnh hơn, năng suất cao hơn so với bón các loại phân hữu cơ đang rất phổ biến trên thị trường.
 
Ngoài ra, nhiều nghiên cứu còn đã thành công trong việc sản xuất phân bón hữu cơ từ lông gà (TS. Tạ Ngọc Ly - Khoa Hóa, trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng). Chế phẩm dịch thủy phân lông gà được coi như là nguồn phân bón hữu cơ cho cây trồng. Sau khi bón phân thử nghiệm, kết quả cho thấy cây rau muống được bón dịch thủy phân lông gà bằng vi sinh phát triển tốt, tăng 183,97% (khối lượng tươi) và 105,88% (chiều cao) so với cây mẫu đối chứng. So với đối chứng cây bón phân thương phẩm tăng 216,03% (khối lượng) và 108,17% (chiều cao), tăng năng suất thực tế của sản lượng cây trồng lên 30 đến 50%.
 
 
 
Phân bón hữu cơ từ lông gà
 
Hiện nay, trong nước nguồn nguyên liệu, cũng như công nghệ để sản xuất phân bón hữu cơ không thiếu, nhưng tỷ lệ sử dụng sản phẩm phân hữu cơ trong sản xuất nông nghiệp hiện nay còn thấp. Nguyên nhân là do người dân vẫn thường sử dụng phân bón vô cơ, do tác động nhanh đến quá trình sinh trưởng của cây trồng, mẫu mã sản phẩm đẹp, tiện lợi ít tốn công...
Vì vậy, cần đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân về lợi ích từ việc sử dụng phân bón hữu cơ mang lại. Đồng thời, tăng cường giới thiệu các sản phẩm, công nghệ sản xuất phân hữu cơ trong nước, để có thể kết nối với thị trường, sớm đưa kết quả nghiên cứu vào thực tiễn.
 
Sàn Giao dịch công nghệ Techport.vn (thuộc Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ – Sở KH&CN TP.HCM) là địa chỉ giới thiệu những sản phẩm, công nghệ và sẵn sàng chuyển giao quy trình sản xuất cho các đơn vị, tổ chức có nhu cầu.
 
Mọi thông tin xin vui lòng liên hệ:
 
1. Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp Nông nghiệp Công nghệ cao TP.HCM tại đây
 
2. Viện Nghiên cứu Công Nghệ Sinh Học và Môi Trường - Đại học Nông lâm TP.HCM tại đây
 
3. Tác giả Nguyễn Khắc Biên (Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM) tại đây
 
4. Trường Đại học Công nghệ TPHCM tại đây
 
5. Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ - Phòng Giao dịch Công nghệ
    Địa chỉ: 79 Trương Định, P. Bến Thành, Q.1, TP. HCM
    Điện thoại: (028) 3822 1635 - Fax: (028) 3829 1957
    Email: giaodichcongnghe@cesti.gov.vn
Kiều Anh
Scroll