Nghiên cứu khả năng chống viêm khớp của quả sơn chi tử

Nghiên cứu của nhóm tác giả ở Trường Đại học Công nghiệp TPHCM cho thấy dịch chiết từ quả sơn chi tử, có khả năng chống viêm khớp dạng thấp trên chuột thí nghiệm, mở ra hướng điều trị mới cho người bị bệnh khớp.
Viêm khớp dạng thấp (RA) là một bệnh tự miễn dịch, thường bị viêm màng hoạt dịch kèm theo sự xâm nhập của các tế bào miễn dịch bao gồm tế bào T, B, đuôi gai, bạch cầu trung tính và đại thực bào gây tổn thương sụn và tiêu xương ở khớp. Bệnh làm ảnh hưởng đến khoảng 1% dân số toàn cầu.

Biểu hiện bệnh đặc trưng là viêm đối xứng các khớp ngoại vi (cổ tay, ngón tay), dẫn đến sự hủy hoại tiến triển của cấu trúc khớp và các triệu chứng khác như làm tổn thương phổi, tim mạch, viêm khô kết mạc,…

Điều trị bệnh RA thường sử dụng các loại thuốc giảm viêm, giảm đau, chống thấp khớp, thuốc sinh học nhằm ức chế các tế bào miễn dịch. Tuy nhiên, những loại thuốc này thường gây nhiều tác dụng phụ như đầy bụng, tiêu chảy hoặc táo bón, xuất huyết hoặc loét dạ dày, tăng huyết áp, suy tim, đột qụy, nhồi máu cơ tim,… Do đó, việc phát triển các phương pháp điều trị mới cho bệnh viêm khớp dạng thấp là cần thiết. Trong đó, có các loại thuốc có nguồn gốc từ thực vật.
 
 
  Quả sơn chi tử. Ảnh: Internet

Sơn chi tử là quả của cây dành dành núi, thuộc họ cà phê (Rubiaceac), còn có tên khác là thủy hoàng chi, thường mọc ở ven bờ suối hoặc chân đồi. Trong dân gian, sơn chi tử được dùng làm thuốc để điều trị các bệnh như xuất huyết, bệnh ngoài da, sâu răng, đau dạ dày,… Dịch chiết từ quả này còn được dùng làm thuốc nhuộm và phụ gia thực phẩm do chứa nhiều sắc tố màu vàng.

Trong thành phần sơn chi tử được nhiều nghiên cứu cho thấy có chứa các hợp chất hóa học như saponin, flavonoi,geniposide, genipin, ancaloit, tecpenoit,... có khả năng điều trị vàng da, nhức đầu, phù nề, sốt, rối loạn gan, tăng huyết áp, chống viêm. Tuy nhiên, chưa có nhiều nghiên cứu về loại quả này về hoạt tính chống viêm khớp mạn tính.

Nhóm tác giả Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, Trường Đại học Công nghiệp TPHCM đã thu thập quả sơn chi tử tại Long An để đánh giá giá trị của nó trong điều trị RA.

Quả được rửa sạch bằng nước máy sau đó rửa lại bằng nước cất, được sấy khô ở 60oC và nghiền nhỏ. Đem chiết xuất nguyên liệu này với ethanol, sau cô quay để thu dịch chiết sơn chi tử (EtGJ). Phân tích các thành phần hóa học có trong dịch chiết sơn chi tử, cho thấy chứa một số chất hóa học thực vật như cacbonhydrat, tannin, saponin, flavonoit, phenolic, ancaloit, tecpenoit, glycosit,…
 
C
 
Thu dịch chiết từ quả sơn chi tử. Ảnh: NNC

Thử nghiệm trên chuột cho kết quả, dịch chiết không gây độc cấp tính cũng như tác dụng phụ nào khi sử dụng bằng đường uống là 1.000, 3.000 và 5.000 mg/kg.

Chuột sau khi gây viêm khớp bằng cách tiêm CFA (một chất hóa học gây viêm và thoái hóa sụn khớp) và cho uống EtGJ. Kết quả cho thấy, nồng độ RF, ESR và CRP (các xét nghiệm thường được sử dụng trong bệnh viêm khớp dạng thấp) đã giảm đáng kể ở chuột RA, từ đó giảm các triệu chứng viêm khớp trên chuột.

Theo nhóm tác giả, kết quả này có được là do sự hiện diện của flavonoit có tác dụng chống viêm ở trong EtGJ. Những con chuột RA được điều trị bằng EtGJ bàn chân đã giảm sưng, chuột di chuyển dễ dàng hơn.

Nghiên cứu của nhóm tác giả cho thấy EtGJ đã kiểm soát hiệu quả sự phát triển của bệnh viêm khớp. EtGJ ngăn ngừa thoái hóa sụn khớp, giảm sự xâm nhập của các tế bào viêm trong khoang khớp, giảm tăng sản hoạt dịch và hình thành pannus (màng hoạt dịch) ở chuột bị viêm khớp. Do đó chiết xuất ethanol quả sơn chi tử là thảo dược mới, có tiềm năng trong ứng dụng sản xuất các chế phẩm điều trị viêm khớp dạng thấp.

Nghiên cứu của nhóm tác giả được công bố trên Tạp chí Khoa học và Công nghệ Trường Đại học Công nghiệp TPHCM, số 65, năm 2023.
Nguồn: Kiều Anh - khoahocphattrien.vn
Scroll