Khách hàng - gồm nhiều giáo viên, nhà đầu tư giáo dục,… - đến tham quan chợ Công nghệ và thiết bị trong lĩnh vực giáo dục - Ảnh: TRỌNG NHÂN
Đi tìm phòng học thông minh
Trong 2 ngày 30 và 31-5, chợ Công nghệ và thiết bị (Techmart) trong lĩnh vực công nghệ giáo dục được tổ chức tại sàn giao dịch công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM).
Năm 2023, "chợ" có hơn 100 công nghệ, thiết bị lĩnh vực công nghệ giáo dục từ 50 viện, trường, doanh nghiệp,… tham gia quảng bá, xúc tiến chuyển giao.
Sáng 31-5, ông Đình Nam - chuyên viên phòng thiết bị của một hệ thống trường tư thục tại TP.HCM - đến "chợ" để tìm kiếm mô hình lớp học thông minh.
Ông cho biết hiện nền tảng chính của các lớp học tại hệ thống của ông vẫn là màn hình TV thông thường, có kết nối với máy tính của giáo viên. TV chỉ có duy nhất chức năng trình chiếu bài giảng, hình ảnh, video.
"Chúng tôi đang tìm hiểu để có thể tìm kiếm những sản phẩm có tính năng mới hơn", ông Nam nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Việt Minh Quang - phụ trách khoa công nghệ thông tin, Trường cao đẳng Viễn Đông (TP.HCM) - đi cùng với một số giảng viên, sinh viên trong khoa đến "chợ" để xem những công nghệ mới trong giáo dục.
Một phần là để theo dõi xu hướng Edtech tại Việt Nam, một phần khác có thể đề xuất với lãnh đạo nhà trường những ứng dụng mới theo xu hướng "thương mại hóa" trường nghề.
"Tôi nghĩ rào cản lớn của việc áp dụng công nghệ giáo dục hiện nay là rào cản về chi phí và khả năng chịu chi trả của các trường cho công nghệ", ông Quang nói.
Chợ công nghệ giáo dục có gì?
Phần mềm dạy nghề bằng 3D tích hợp trong màn hình của LogicBUY được giới thiệu
tại sự kiện chợ Công nghệ và thiết bị trong lĩnh vực giáo dục - Ảnh: TRỌNG NHÂN
Tại chợ Công nghệ và thiết bị trong lĩnh vực giáo dục 2023, chiếm đa số vẫn là những nền tảng phục vụ lớp học thông minh. Chẳng hạn, Công ty LogicBUY mang đến thiết kế mới của mẫu màn hình tương tác cao.
Ông Lương Hồng Khoa - giám đốc dự án - thường xuyên làm mẫu các bài giảng 3D cho khách tham quan.
Ví dụ trong các bài của nghề kỹ thuật ô tô, giáo viên có thể chuyển màn hình sang mô hình trình chiếu 3D từng bộ phận của xe, từng quy trình hoạt động được hiển thị rõ trên màn hình.
"Chúng tôi đã chuyển giao công nghệ cho một trường nghề ở Bạc Liêu và được phản hồi rất tốt", ông Khoa nói.
Trong khi đó, Công ty IDT mang tới "chợ" mẫu thiết kế tủ đựng đồ thông minh. Chỉ cần thao tác trên điện thoại, học sinh có thể mở tủ đồ của mình, thay vì phải dùng chìa khóa như trước nay.
"Sản phẩm có thể được sử dụng trong lớp học hoặc trong các thư viện trường học. Ngoài ra, chúng tôi cũng phát triển một số loại máy scan chuyên dụng để số hóa sách vở, tài liệu thuận tiện trong giáo dục", bà Văn Thị Thùy Yến - đại diện IDT tại sự kiện - chia sẻ.
Mô hình tủ đồ thông minh của IDT được giới thiệu tại chợ công nghệ giáo dục - Ảnh: TRỌNG NHÂN
Một số ứng dụng quản lý giáo dục cũng được giới thiệu tại "chợ" công nghệ giáo dục. Chẳng hạn, phần mềm DotB được xây dựng tạo nền tảng quản lý, điều hành, thông tin liên lạc cho các cơ sở và trung tâm giáo dục.
Trên một phần mềm duy nhất, trường học có thể quản lý các hoạt động dạy và học, cập nhật thông tin, đánh giá học sinh và kết nối với giáo viên.
"Ngày càng nhiều trường học, trung tâm quan tâm đến các giải pháp kết nối giáo viên với học sinh và phụ huynh, qua đó tăng thêm hiệu quả dạy và học", ông Trần Văn Thịnh - đại diện DotB tại sự kiện - chia sẻ.
Đại diện ban tổ chức từ Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM cho biết chợ Công nghệ và thiết bị (Techmart) lần này chú trọng các công nghệ và thiết bị chuyển đổi số, góp phần thúc đẩy ứng dụng công nghệ số vào lĩnh vực giáo dục.
Những giải pháp nhìn chung bắt kịp xu hướng tạo môi trường giáo dục linh động, truy cập tài liệu học tập không giới hạn, tăng tính tương tác và trải nghiệm thực tế,…
Nguồn Trọng Nhân - Báo Tuổi Trẻ