Du khách có thể tìm hiểu trước về Hội An thông qua những chuyến đi thăm thú “ảo” trên Hội An Metaverse.
Đã bao giờ bạn tưởng tượng hình ảnh mình đang lang thang giữa những ngôi đền bí ẩn của Angkor Wat, Campuchia hoặc lặn xuống vùng biển hoang sơ của Philippines hay băng qua những khu rừng rậm ở Thái Lan - để rồi đột ngột khung cảnh xung quanh biến mất, bạn lập tức có thể quay về đời sống thường nhật của mình?
Hầu hết tất cả trong chúng ta đều thích đi du lịch, nhưng thực tế là chúng ta đều có những vướng bận về thời gian, khả năng tài chính và nỗi e ngại về quãng đường xa xôi. Nhưng với công nghệ thực tế ảo (VR), giờ đây chúng ta có thể gạt bỏ nỗi lo trên để thưởng thức phong cảnh trên khắp các nước. Công nghệ VR đang trên đà biến những mong muốn khám phá thành trải nghiệm hữu hình, mang đến một cách tiếp cận và nhập vai sáng tạo để khám phá kho tàng văn hóa và tự nhiên đa dạng của Đông Nam Á.
Công nghệ VR không chỉ hỗ trợ những người muốn đi du lịch nhưng quá bận rộn, mà nó còn mang lại niềm vui cho người già, người bệnh và những người bị hạn chế về khả năng vận động. VR cung cấp một phương tiện để con người bắt đầu chuyến phiêu lưu mà không bị căng thẳng về thể chất hoặc rủi ro liên quan đến việc di chuyển. Nó cũng có tiềm năng trở thành một công cụ lý tưởng cho các nhà giáo dục muốn mang những bài học lịch sử, địa lý sinh động đến cho học sinh.
Xem trước điểm đến để ra quyết định sáng suốt hơn
Mái ngói nâu, bờ tường vàng bên dòng sông Hoài yên bình - khung cảnh Hội An hiện ra sống động như thật dưới lớp kính VR. Từ năm 2015, công ty lữ hành Flight Centre Singapore đã hợp tác với TaKanto Virtual Reality, startup sản xuất VR đầu tiên của Singapore ra mắt trải nghiệm công nghệ VR tham quan ba điểm đến – Hội An, Tokyo (Nhật Bản) và Cairns (Úc).
Suyin Lee, Giám đốc điều hành của Flight Center Travel Group, lúc bấy giờ cho biết việc ứng dụng VR là một phần trong kế hoạch cung cấp cho khách hàng trải nghiệm du lịch liền mạch từ đầu đến cuối - và cửa hàng là điểm bắt đầu. “Sáng kiến thú vị này thúc đẩy giai đoạn ấp ủ và lập kế hoạch cho một chuyến đi, đồng thời giúp khách hàng tương tác với những điểm đến mà họ có thể chưa bao giờ cân nhắc”.
Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn được xây dựng website thực tế ảo VR360 chi tiết cho toàn bộ di sản, tích hợp tính năng thuyết minh ảo,
thuyết minh giới thiệu tổng quan, đưa mô hình 3D bảo tàng số lên vị trí Map 3D Bizverse World.
Theo Flight Center, họ là “nhà bán lẻ du lịch đầu tiên ở Đông Nam Á giới thiệu công nghệ như vậy” và điều này phù hợp với xu hướng sử dụng VR để “kích thích khách hàng”. Bà tiết lộ thêm rằng trải nghiệm VR có thể được sử dụng như một công cụ bán hàng, “giúp nhân viên giới thiệu một cách trực quan các điểm đến mà họ đang quảng cáo cho khách hàng của mình”.
Bằng cách sử dụng công nghệ VR, người dùng sẽ dịch chuyển đến các xứ sở khác nhau, từ quang cảnh chỉ tồn tại trong trí tưởng tượng đến không gian giả lập tái tạo chính xác từng chi tiết của các địa điểm trong thế giới thực. Với tai nghe và bộ điều khiển VR, mọi người có thể điều hướng các không gian này, tương tác với các đồ vật và thậm chí có cảm nhận xúc giác và khứu giác.
Trong lĩnh vực du lịch, VR giúp khách hàng xem trước các điểm đến, mô phỏng các điểm tham quan hoặc hoạt động thăm thú khác nhau, thậm chí khách hàng có thể tham gia một chuyến du ngoạn với hướng dẫn viên mà không cần bước ra khỏi thành phố.
Lợi thế tối quan trọng của việc sử dụng VR trong du lịch nằm ở khả năng cung cấp trải nghiệm “thử” về các điểm đến tiềm năng. Khách hàng có thể điều hướng một địa điểm, hiểu rõ hơn về cách sắp xếp không gian, môi trường xung quanh và các đặc điểm đáng chú ý của địa điểm đó. Điều này hỗ trợ họ đưa ra những lựa chọn sáng suốt, xây dựng cụ thể kế hoạch và lịch trình du lịch của mình. Chẳng hạn, một khách du lịch có thể sử dụng VR để khám phá những bãi biển hoang sơ của Bali, khu chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ) nhộn nhịp hoặc phố ẩm thực sôi động ở Mã Mây (Hà Nội).
Cá nhân hóa trải nghiệm
Tại Việt Nam, VR360 là một trong những đơn vị đầu tiên nghiên cứu và cung cấp các giải pháp chuyển đổi số tại Việt Nam. Khi Sở Du lịch Đà Nẵng suy nghĩ kế hoạch khôi phục hoạt động du lịch hậu COVID-19, họ đã hợp tác với VR360 xây dựng ứng dụng “Một chạm đến Đà Nẵng”. Ứng dụng mang đến hình ảnh VR những điểm đến du lịch đặc sắc và nổi tiếng như chùa Linh Ứng, cầu Rồng, đỉnh Bàn Cờ.
Công nghệ VR trong du lịch mang đến hai ứng dụng đầy hứa hẹn: mô phỏng các hoạt động, điểm tham quan du lịch và tạo các chuyến tham quan cá nhân hóa. Điều này giúp người dùng trải nghiệm hầu hết các điểm đến, bất kể họ không thể đi du lịch do bận rộn hay gặp vấn đề về sức khỏe, tài chính. Ngay cả khi bị rối loạn vận động, khách hàng vẫn có thể trải nghiệm lặn với cá mập voi ở Philippines, đi bộ trên ruộng bậc thang Tây Bắc hoặc thăm các ngôi đền ở Bagan ở Myanmar.
Năm 2020, công chúng yêu thích kiến trúc cổ đã có cơ hội được trải nghiệm trưng bày “Khám phá di sản kiến trúc chùa Một Cột - Diên Hựu thời Lý bằng công nghệ thực tế ảo” tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Trưng bày được phát triển từ kết quả nghiên cứu của nhóm SEN Heritage. Đây là một ví dụ điển hình để các startup xây dựng không gian mô phỏng kiến trúc cổ có thể tham khảo.
Tại Đông Nam Á, rất nhiều startup chuyên tạo và phát triển nội dung VR 360° trong lĩnh vực du lịch. Chẳng hạn, Spindonesia chuyên cung cấp video VR 360° cho các sự kiện, trong khi TaKanto hợp tác với các công ty du lịch, lữ hành, khách sạn và thiết bị y tế để sản xuất video trải nghiệm. TrueXR, có trụ sở tại Malaysia, hướng đến mục tiêu dùng VR để nâng cao trải nghiệm kể chuyện, tương tác cho ngành du lịch.
Họ không chỉ cung cấp các video “vô thưởng vô phạt” chỉ mô tả chung chung về một điểm đến. Trên thực tế, họ xây dựng các chuyến tham quan được cá nhân hóa dựa trên thói quen du lịch, sở thích của một người; từ đó tạo hành trình tùy chỉnh phù hợp với nhu cầu. Ví dụ: một người yêu thích lịch sử có thể thực hiện chuyến tham quan VR đến thành phố cổ Ayutthaya, một người sành ăn có thể khám phá những gánh hàng rong ở Hà Nội và một người thích phiêu lưu có thể đi bộ trong rừng rậm Sabah.
Có trụ sở tại Singapore, VizioFly là một công ty sản xuất nội dung truyền thông tương tác chuyên tạo video 360°, thực tế ảo (VR), thực tế ảo tăng cường (AR) và thực tế hỗn hợp (MR) cho doanh nghiệp bất động sản, khách sạn và du lịch. Công ty tin rằng việc “cởi mở với tất cả các loại công nghệ thực tế ảo” là chìa khóa để trở thành “một chuyên gia trong lĩnh vực này”, từ đó trở thành doanh nghiệp dẫn đầu ở châu Á.
Đây là mục tiêu đầy tham vọng, nhất là khi càng ngày sẽ càng có nhiều startup tham gia vào cuộc chơi này. Theo một báo cáo nghiên cứu thị trường do Global Market Estimates công bố vào năm 2022, AR/VR trong thị trường lữ hành và du lịch toàn cầu sẽ tăng trưởng với tốc độ cao từ năm 2022 đến năm 2027. Trong giai đoạn dự báo, nhu cầu thị trường sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp tăng tốc đầu tư vào AR/VR trong hệ sinh thái du lịch và lữ hành để nâng cao năng lực sản phẩm lẫn dịch vụ của họ trên toàn cầu.
Khám phá lịch sử, văn hóa qua công nghệ thực tế ảo nhập vai
Việc ứng dụng VR mang lại lợi ích đa dạng, vì nó cho phép mọi người khám phá và làm quen với các điểm đến tiềm năng trong một môi trường an toàn và được kiểm soát. Điều này có thể đặc biệt có lợi cho một số nhóm, chẳng hạn như các nhà giáo dục đang xây dựng giáo án dạy học, những người mắc chứng lo âu và gia đình có trẻ mắc ASD (Rối loạn phổ tự kỷ).
Công nghệ VR cách mạng hóa cách chúng ta tìm hiểu và tương tác với lịch sử. Bằng cách đưa người dùng vào môi trường ảo chính xác về mặt lịch sử, VR có thể cung cấp một phương thức khám phá và trải nghiệm hiệu quả các sự kiện và thời đại trong quá khứ. Chẳng hạn, học sinh có thể lang thang trong Tử Cấm Thành trong triều đại nhà Minh hoặc chứng kiến quá trình xây dựng Angkor Wat ở Campuchia dưới thời đế chế Khmer.
EON Reality, công ty về chuyển giao kiến thức và kỹ năng dựa trên AR và VR cho ngành công nghiệp và giáo dục, đã phát triển một số trung tâm kỹ thuật số tương tác ở Thái Lan để cung cấp cho sinh viên đại học trải nghiệm giáo dục AR và VR trên nhiều phương thức.
Bằng cách nâng cao trải nghiệm học tập, VR có thể làm cho lịch sử trở nên dễ tiếp cận hơn và phù hợp với nhiều người hơn. Công nghệ này cũng có thể được ứng dụng trong các cuộc triển lãm của bảo tàng, mang đến cho du khách khả năng tương tác với các hiện vật và hiểu rõ hơn về ý nghĩa lịch sử của chúng. Khi công nghệ VR tiếp tục phát triển, các ứng dụng của nó trong giáo dục và bảo tàng có thể tạo ra những cơ hội mới cho cả người học và nhà giáo dục.
Thực chất, từ năm 2018, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã phối hợp với Công ty Cổ phần IV COM giới thiệu dịch vụ trải nghiệm thực tế ảo XR được phát triển trên nền tảng thực tế ảo VR với tên gọi “Đi tìm Hoàng cung đã mất”. Du khách sẽ được du hành vượt thời gian tìm về Hoàng Cung Huế xưa của 200 năm về trước để nhìn thấy và tìm hiểu thông tin về những công trình trong quá khứ.
Bản thân VizioFly cũng không bó buộc hoạt động ở lĩnh vực lữ hành, họ còn ứng dụng công nghệ thực tế ảo cho hoạt động trải nghiệm giáo dục, giao tiếp và giải trí. Họ tích hợp hoạt ảnh và hiệu ứng đặc biệt để xây dựng video tiếp thị, trình diễn sản phẩm, đào tạo cho các đối tác như Google, Louis Vuitton, Đại học Khoa học Xã hội Singapore và Cục Ma túy Trung ương (Singapore).
Vẫn còn rất nhiều cơ hội cho các startup mới trong lĩnh vực này, từ startup sáng tạo nội dung và phát triển phần cứng đến startup cung cấp nền tảng và dịch vụ. Các doanh nghiệp có thể tập trung vào việc phát triển trải nghiệm VR sống động hơn, tinh chỉnh công nghệ cho các lĩnh vực cụ thể hoặc cộng tác với cộng đồng địa phương để đảm bảo thể hiện chính xác văn hóa và lịch sử..
Tại Việt Nam, dấu mốc ghi nhận sự tiềm năng của thực tế ảo trong lĩnh vực khởi nghiệp là thời điểm Làng Metaverse lần đầu xuất hiện tại Techfest. Metaverse là một khái niệm về vũ trụ kỹ thuật số 3D, trực tuyến, bất tận, kết nối người dùng trong mọi mặt của cuộc sống. Tại đây, người dùng có thể làm việc, học tập, vui chơi, gặp gỡ và giao lưu với nhau thông qua công nghệ thực tế ảo. Metaverse được xem là Internet thế hệ mới thay đổi cách chúng ta sống, làm việc với các vấn đề thường gặp như giáo dục, kinh tế, quản lý.
Đề cập đến sự ra đời của Làng Metaverse, ông Phạm Hồng Quất – Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học và công nghệ, Bộ KH&CN, lúc bấy giờ cho biết khái niệm Metaverse đã quen thuộc với nhiều trung tâm khởi nghiệp sáng tạo trên thế giới. “Sự xuất hiện của làng Metaverse tại Việt Nam mở đầu cho xu hướng mới”.
Năm 2022, tỉnh Quảng Nam đã hợp tác với VR360 để ra mắt “Hội An Metaverse” và “Mỹ Sơn Metaverse”. Theo đó, các di tích, điểm tham quan, làng nghề truyền thống ở Hội An, địa điểm tại Mỹ Sơn đều được số hóa bằng hình ảnh 3D, xây dựng không gian 360 Space, và được thuyết minh theo giọng nói địa phương của hướng dẫn viên. Hội An cũng sẽ dùng Metaverse để chuyển đổi số toàn diện ngành du lịch, bao gồm kết nối website VRTour vào hệ thống Metaverse và đưa hệ thống bán hàng, bán vé tham quan.
Có thể một ngày nào đó, khi metaverse trở thành một xu hướng phổ biến trên toàn thế giới, chúng ta có thể đi du lịch đến bất cứ một điểm đến nào trên thế giới, thậm chí tương tác ảo với tất cả mọi người, chỉ bằng một bộ thiết bị và một cú nhấp chuột.
Nguồn Anh Thư - khoahocphattrien.vn