Công nghệ in 3D: Chế tạo nẹp chấn thương chỉnh hình

Các nhà khoa học ở trường Đại học Bách khoa TP.HCM (ĐHQGTP.HCM) đang xây dựng quy trình chế tạo những chiếc nẹp chấn thương chỉnh hình bằng công nghệ in 3D có kiểu dáng thời trang, độ thông thoáng tốt song vẫn đảm bảo hiệu quả trong hỗ trợ điều trị vùng xương bị tổn thương của bệnh nhân.
Từ hàng ngàn năm trước, con người đã biết dùng nẹp gỗ làm từ miếng gỗ bọc trong vải lanh để điều trị gãy xương. Đến nay, cách làm này vẫn được áp dụng, chỉ khác là vật liệu cố định chỗ chấn thương đã thay đổi theo hướng hiện đại hơn, chuyển sang bột thạch cao và nẹp bằng hợp kim nhôm có vải lót bên ngoài. Dù phổ biến song cả hai phương pháp bó bột thạch cao lẫn nẹp truyền thống vẫn còn một số hạn chế: “Việc bó bột thường gây khó khăn trong giữ gìn vệ sinh sạch sẽ và khô ráo, tính thẩm mỹ kém, khối lượng lớn, chức năng hạn chế và cản trở trong các công việc hằng ngày, lúc đeo và tháo cũng khó khăn. Tương tự với nẹp truyền thống, ngoài hạn chế về tính thẩm mỹ, khối lượng, nó cũng có thể gây khó chịu cho người dùng, đặc biệt nếu chỉnh hình không vừa vặn có thể gây ra các điểm áp lực và ma sát”, ThS. Huỳnh Hữu Nghị, Trưởng Phòng thí nghiệm CADCAM và in 3D, Khoa Cơ Khí, trường Đại học Bách khoa TP.HCM (ĐHQGTP.HCM) phân tích trong hội thảo về công nghệ in 3D do Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ TP.HCM (Sở KH&CN TP.HCM) tổ chức vào cuối tháng 5/2023.
 
Liệu có cách nào khắc phục nhược điểm của các giải pháp trên? Với kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực in 3D, ThS. Huỳnh Hữu Nghị nhận thấy chế tạo nẹp bằng công nghệ in 3D có thể là câu trả lời phù hợp. “Ưu điểm của nẹp in 3D là có thể chế tạo theo hướng cá nhân hóa, có trọng lượng nhẹ hơn, sử dụng vật liệu là nhựa nhiệt dẻo, có độ tương thích sinh học cao, an toàn cho người bệnh”, anh lý giải.
 
Việc chế tạo nẹp in 3D trong nước càng có nhiều ý nghĩa hơn trong bối cảnh hơn 90% trang thiết bị và vật tư y tế của Việt Nam đều phải nhập khẩu, bao gồm cả nẹp chấn thương chỉnh hình. Song song với đó, Việt Nam cũng thuộc danh sách những quốc gia có tỉ lệ mắc bệnh cơ xương khớp cao nhất thế giới. Theo thống kê của Hội Loãng xương TP.HCM vào năm 2022, có khoảng 3,6 triệu người Việt Nam đang bị loãng xương, dự báo đến năm 2030 sẽ tăng lên khoảng 4,5 triệu người. Đây là một căn bệnh thầm lặng, người bệnh thường không có triệu chứng rõ ràng, nhiều người bị gãy xương thì mới phát hiện ra bị loãng xương.