Chữa ung thư gan bằng phương pháp đốt vi sóng

Thay vì phẫu thuật mở bụng để cắt bỏ khối u, phương pháp đốt vi sóng do Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) thực hiện để điều trị ung thư gan, giúp giảm đau đớn và thời gian nằm viện cho bệnh nhân.
Ung thư biểu mô tế bào gan là bệnh ác tính phổ biến trong các loại ung thư trên thế giới. Các phương pháp điều trị ung thư gan thường là ghép gan, cắt khối u gan, phá hủy tại chỗ, xạ trị, can thiệp qua động mạch, liệu pháp miễn dịch,… Trong đó, ghép gan và phẫu thuật cắt khối u gan là phương pháp điều trị triệt để tốt nhất. Tuy vậy chỉ 10-20% bệnh nhân còn khả năng phẫu thuật do phát hiện muộn, thường có xơ gan.
 
Bệnh viện Chợ Rẫy là một trong những bệnh viện đầu tiên áp dụng phương pháp đốt vi sóng trong điều trị ung thư gan từ năm 2012. Ban đầu, bệnh viện sử dụng những dòng máy như Avecure, Medwaves (Mỹ) với kích thước kim to 16 – 14G (Gauge) không có chức năng đốt cầm máu khi rút kim. Đầu năm 2019, Bệnh viện đã đưa vào sử dụng các loại máy Tato, Biomedical (Áo), kích thước kim to 17G, có chức năng đốt cầm máu khi rút kim. Máy áp dụng cho khối u đơn độc ≤6 cm, chưa di căn hay xâm lấn, không có rối loạn đông máu nặng.
 
Phương pháp đốt vi sóng được sử dụng để gây hoại tử khối u tại chỗ bằng nhiệt. Công nghệ này không cắt bỏ khối u như phẫu thuật mà dùng năng lượng sóng cao tần RFA hoặc vi sóng MWA truyền qua kim điện cực để phá hủy hoại tử khối u.
 
 
Bệnh viện Chợ Rẫy áp dụng những kỹ thuật tiên tiến trong điều trị bệnh
 
Theo đó, do vi sóng là bức xạ không ion hóa, không có đủ năng lượng mỗi lượng tử để ion hóa các nguyên tử hoặc phân tử, vì vậy, vi sóng không làm tổn thương DNA của nhân tế bào. Vi sóng tác động bằng cách gây hiện tượng ma sát do sự tương tác với phân tử lưỡng cực chủ yếu là nước. Khi bức xạ vi sóng tương tác với phân tử, các phân tử nước tích điện dao động từ 2 - 5 tỷ lần/giây, tùy vào tần số của năng lượng vi sóng. Sự dao động phân tử nước gây ma sát và sinh nhiệt, từ đó gây hoại tử đông và chết tế bào. Mô u và nhu mô gan chứa nhiều nước rất thích hợp cho đốt vi sóng. Sự đốt trực tiếp làm gia tăng nhiệt độ, đồng thời và đồng nhất trong vài phút ở vùng phủ vi sóng. Ở ngoài trường vi sóng, nhiệt độ có thể lan truyền ra mô xung quanh theo cơ chế dẫn truyền nhiệt, nhưng kém hiệu quả ở mô chứa nhiều nước như mô gan.
 
Về cơ bản, khi nhiệt độ tăng nhẹ 42-45°C, tế bào dễ tổn thương với hóa trị và tia xạ. Tổn thương tế bào không hồi phục khi tế bào bị đốt nóng đến 46°C trong 60 phút. Nhiệt độ càng cao, tổn thương tế bào không hồi phục càng nhanh. Khi nhiệt độ tăng 50-52°C, thời gian gây độc tế bào chỉ sẽ rút ngắn 4-6 phút. Nhiệt độ 60°C-100°C, sẽ gây ra hoại tử đông ngay lập tức với tổn thương không hồi phục men của ty lạp thể và tế bào chất. Nhiệt độ tăng hơn 105°C, mô sẽ sôi, bốc hơi và than hóa. Do đó, tiêu chí hoạt động của máy là nâng nhiệt độ vùng đốt hơn 60°C.
 
Tỷ lệ phá hủy hoàn toàn của phương pháp đốt vi sóng là 92,2%
 
Phương pháp đốt này có nhiều ưu điểm hơn so với đốt cao tần như đốt chủ động, thời gian đốt nhanh hơn, nhiệt độ vùng đốt cao, ít bị ảnh hưởng bởi hiện tượng tản nhiệt, không hóa than quanh kim, không cần điện cực trung tính. Phương pháp này còn ít gây nhiễu màn hình siêu âm, có thể tiên đoán kích thước vùng đốt và vận hành cùng lúc nhiều ăng-ten đốt. Ngoài ra, do không phải mổ hở nên bệnh nhân ít đau đớn, không gây chảy máu, thời gian nằm viện ngắn, giúp giảm chi phí chữa trị. Đây cũng là kết quả của đề tài "Nghiên cứu kết quả điều trị ung thư biểu mô tế bào gan bằng phương pháp đốt vi sóng" do bệnh viện Chợ Rẫy thực hiện, đã được Sở KH&CN TPHCM nghiệm thu năm 2018.
 
Phương pháp đốt vi sóng chỉ được chỉ định ở một số bệnh nhân được chẩn đoán u gan theo hướng dẫn của Bộ Y tế có 1 - 3 khối u, mỗi khối u có đường kính không quá 5cm. Ngoài ra, khối u có thể quan sát toàn bộ và tiếp cận dưới hướng dẫn siêu âm, bệnh nhân từ chối phẫu thuật;… Kết quả khảo sát sau khi đốt, cho thấy không có trường hợp bỏng da nào khi thực hiện đốt, tỉ lệ phá hủy hoàn toàn là 92,2%; tỷ lệ tái phát tại chỗ khoảng 25%.
 
Đốt vi sóng còn có thể ứng dụng trong điều trị các bệnh ung thư về gan, phổi, tuyến giáp, thận, xương, não,…
 
Mọi thông tin liên hệ:
1. Bệnh viện Chợ Rẫy 
Địa chỉ: 201B Nguyễn Chí Thanh, Quận 5, TP. HCM
Điện thoại: 0918648149
Email: bstruc200667@gmail.com
Người liên hệ: Võ Hội Trung Trực
 
2. Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ
Phòng Giao dịch Công nghệ
Điện thoại: (028) 3521 0735 – 3822 1635
Anh Khanh (SĐT: 079.652.3381)
Email: giaodichcongnghe@cesti.gov.vn
Ngọc Anh
Scroll