Biến thân chuối phế phẩm thành sản phẩm “xanh” xuất ngoại

(LĐXH) - Anh Bùi Khánh Dũng (xã Khai Thái, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) đã sáng chế thành công chiếc máy tuốt sợi chuối, từ đó cho ra đời nhiều sản phẩm hàng thủ công mỹ nghệ có giá trị xuất khẩu cao.
Thân chuối phế phẩm thành mặt hàng nghìn đô 

Nhiều năm làm việc tại Nhật Bản, anh Bùi Khánh Dũng đã để ý đến các sản phẩm làm từ sợi chuối được sử dụng khá phổ biến tại đất nước mặt trời mọc như giấy in tiền, giấy gói đồ, quần áo…

Từ đó, anh nung nấu câu hỏi, tại sao một đất nước khắp nơi đều có cây chuối như Việt Nam mà không thể tạo ra được sản phẩm có giá trị cao từ loại cây này?

Năm 2019 trở về nước, Dũng thành lập Công ty TNHH MTV Musa Pacta để thực hiện ước mơ của mình. Hành trình biến ý tưởng thành sản phẩm trong thực tế gặp không ít gian nan.
 
Biến thân chuối phế phẩm thành sản phẩm “xanh” xuất ngoại - 1
 
Máy tạo các sản phẩm sợi chuối do anh Bùi Khánh Dũng chế tạo.

Khi mang ý tưởng đi các nơi để đặt hàng thì không ai làm, vì người ta đặt ra những câu hỏi mà anh không thể trả lời như: Đặt bao nhiêu chiếc, phải có số lượng cụ thể mới lên đơn hàng... Với suy nghĩ cần chủ động trong việc nắm giữ phương thức sản xuất, anh quyết định đầu tư xây dựng Nhà máy cơ khí chính xác GMF để chế tạo thiết bị này.

Trải qua 6 tháng gian nan trong vòng xoáy từ ý tưởng ban đầu đến bản thiết kế trên giấy, chiếc máy sau vài chục lần tinh chỉnh cũng được hoàn thiện. Anh Dũng chia sẻ, sợi chuối có đặc điểm mảnh như sợi chỉ, yêu cầu kỹ thuật vòng quay máy phải đạt 1.400 vòng/phút, nếu chế tạo bộ phận tách sợi không chính xác sẽ khiến đứt sợi hoặc cho ra toàn bã.

“Máy tách sợi chuối của tôi được thiết kế sử dụng các lưỡi dao dạng chữ U, các mép dao bo tròn, nằm cách đều và song song với trục quay của dao. Khi vận hành, máy dùng lực đập của dao để đánh tan phần thịt của bẹ chuối và giữ lại phần sợi, sau khi đánh xong, kéo ngược lại để lấy sợi ra một cách dễ dàng”, anh Dũng chia sẻ.

Về quy trình từ thân cây chuối làm ra sợi chuối và “biến hóa” chúng thành những sản phẩm hữu ích, công đoạn đầu tiên sẽ xẻ đôi thân chuối, sau đó tách bẹ đưa vào máy tách sợi thu được sợi chuối thô.

Sợi chuối thô được phân loại và phơi khô; tiếp đó bó lại đưa vào máy quay sợi để thu lấy sợi thành phẩm. Qua bàn tay người thợ thủ công, sợi chuối biến thành các sản phẩm độc đáo như túi, giỏ, sọt, làn, dép… Đến cả mảnh sợi vụn cũng đều có ích, chúng được ép thành giấy để làm đèn lồng, giấy vẽ tranh.

Ngoài việc tách thân chuối thành các sợi tơ chuối, phần nước ép từ thân cây chuối được kết hợp với quả chuối chín để ủ enzyme sinh học thành nước dinh dưỡng dùng tưới rau, cây ăn quả. Bã từ thân chuối được tận dụng ủ thành phân vi sinh bón cho cây trồng, vừa cung cấp vi chất, thân thiện với môi trường.

Công ty cũng đang nghiên cứu và đã có sản phẩm mẫu như miến từ củ chuối; bột từ quả chuối; bông, vải từ sợi chuối... Theo tính toán sơ bộ, so với việc đơn thuần chỉ lấy quả, việc tận dụng các thành phần khác của cây chuối khiến giá trị kinh tế được nâng lên 2,5 lần.

“Trước kia, với nhiều nông dân, thân cây chuối vốn được ứng dụng hạn chế, thậm chí coi là rác. Sự ra đời của máy tách sợi chuối giúp cây chuối trở nên vô cùng hữu ích. Sợi chuối được ứng dụng làm đồ thủ công mỹ nghệ nguyên liệu tự nhiên, sản phẩm đa dạng như mũ, túi xách, thảm, đệm, bàn ghế, giỏ, đèn trang trí, chổi quét bàn thờ… cho đến sản xuất vải chuối phục vụ dệt may.

Quả chuối được chế biến thành sản phẩm chuối sấy khô; chuối sấy dẻo; bánh bột chuối… Chúng tôi đang nghiên cứu sản xuất thêm sản phẩm miến củ chuối; đặc biệt hơn là trà hoa chuối bổ sung vi chất cho phụ nữ có thai”, anh Dũng cho biết.

Tạo sinh kế bền vững cho nông dân
 
Biến thân chuối phế phẩm thành sản phẩm “xanh” xuất ngoại - 2
 
Các sản phẩm thủ công được làm từ sợi chuối.

Hiện, Musa Pacta thu mua với giá 450.000 đồng/tấn thân chuối và đã đồng hành với 10 hợp tác xã tại các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Nam Định, Sơn La, Lào Cai, Lai Châu, Phú Thọ sản xuất sợi chuối và các sản phẩm từ chuối;

Tạo việc làm cho gần 600 lao động tùy từng thời điểm đảm nhận các phần việc từ chặt chuối, vận chuyển, tuốt sợi, ép bã, ngâm ủ nước thân chuối, quả chuối để làm chế phẩm sinh học hữu cơ, sản xuất một số đồ thủ công mỹ nghệ, gia dụng… bằng sợi chuối với mức thu nhập trung bình 4 triệu đồng/người/tháng.

Trong đó, việc tết, bện sản phẩm từ tơ chuối nhẹ nhàng nên người cao tuổi cũng có thể tham gia.

Chia sẻ về dự định sắp tới, anh Dũng cho biết, quy mô sản xuất của công ty vẫn ở mức nhỏ. Công ty đang đầu tư 3 nhà máy với quy mô sản xuất vải từ sợi chuối, chế biến bã chuối làm thức ăn gia súc, giá thể trồng cây hay ép làm nguyên vật liệu xây dựng.

Xác định lĩnh vực chế biến sản phẩm từ chuối là nòng cốt, công ty đã thành lập Viện Nghiên cứu Nông nghiệp hữu cơ và Giống cây trồng ứng dụng công nghệ cao để nghiên cứu tạo ra những giống chuối cho hiệu quả cao hơn về quả, sợi.

Hiện, Philippines là một trong những quốc gia dẫn đầu về xuất khẩu sợi chuối thô lớn nhất thế giới. Với cây chuối siêu sợi có tên Abaca, hàng năm, diện tích trồng chuối của Philippines tăng đều từ 15.000 - 20.000ha mới đủ sản phẩm cung cấp cho thị trường xuất khẩu.

Tuy vậy, sợi chuối của Philippines không so sánh được với sợi chuối của Việt Nam. Bởi lẽ sợi chuối của Việt Nam có độ mềm mượt, sáng, mịn tương đương sợi chuối Ấn Độ. Trên thị trường, sợi chuối Ấn Độ thường có giá cao hơn sợi chuối Philippines tới 2 lần.

Bằng những nỗ lực không ngừng, sản phẩm của Công ty Musa Pacta đã xuất khẩu tới nhiều thị trường quốc tế như: Anh, Mỹ, Đức, Nhật Bản, Pháp, Canada, Ý, Ấn Độ, châu Âu…

Chia sẻ về tên của công ty, anh Dũng cho biết, Musa Pacta được ghép bởi hai từ trong tiếng latin: Musa nghĩa là chuối, Pacta là giao ước. Bản thân tên gọi đã là một giao ước gửi gắm đến cộng đồng để cùng nhau biến sợi chuối thành thứ có ích, cùng nhau làm giàu, cùng nhau phát triển, để đất nước có thêm một mặt hàng ưu việt trên thị trường thế giới.

3 mục tiêu của Công ty Musa Pacta là tạo sinh kế cho người dân, tối ưu hóa sản phẩm và công nghiệp hóa. Từ biên giới, hải đảo đến đồng bằng, mọi người dân đều làm được, kể cả người tàn tật… với các công việc từ đơn giản như bện sợi đến phức tạp hơn là đan lát, may sản phẩm thủ công mỹ nghệ, đồ nội thất bằng sợi chuối.

Đặc biệt, tối ưu hóa là đa dạng sản phẩm từ chiếc khay đựng trứng, khay đựng hoa quả cho đến lót giày bằng bã chuối. Sắp tới tại Thanh Hóa, công ty sẽ khởi công xây dựng nhà máy đầu tiên về sợi chuối ở khu vực Đông Nam Á và tương lai sẽ có nhiều nhà máy như vậy ở Việt Nam.

“Việt Nam có khoảng 150.000ha chuối lấy quả ở quy mô trang trại, nông trại. Nếu tính cả diện tích nhỏ lẻ tại các gia đình, các giống chuối trồng không lấy quả như chuối lá, chuối hột, chuối rừng… diện tích cây chuối ở nước ta ước tính trên 200.000ha.

Diện tích này có thể cung cấp khoảng 200.000 tấn sợi/năm, đem lại doanh thu khoảng 700 triệu USD nếu tính theo giá sợi chuối thô thấp nhất trên thị trường quốc tế hiện nay khoảng 3,5 USD/kg.

Nhưng chuối chủ yếu trồng để lấy quả, một số ít tận dụng được lá khô, lá tươi, hoa tươi. Thân chuối gần như chặt bỏ, gây lãng phí và ô nhiễm môi trường. Người trồng chuối phải thuê nhân công đốn hạ, vứt bỏ thân chuối sau thu hoạch.

Việc cho ra đời sản phẩm sợi chuối và các sản phẩm khác từ thân cây chuối đã mang đến cho cộng đồng tiêu dùng những sản phẩm hoàn toàn tự nhiên, thân thiện môi trường và đặc biệt mang lại nhiều lợi ích cho nông dân”, anh Dũng chia sẻ.
Nguồn: Châu Anh - Báo Lao động và Xã hội số 7
Scroll