Xây dựng Khu Công nghệ cao TP.HCM thành Khu công viên khoa học công nghệ vào năm 2030

Khu Công nghệ cao TP.HCM đặt mục tiêu trở thành Khu công viên khoa học công nghệ vào năm 2030, trong đó, doanh thu đạt 30 tỷ USD từ các hoạt động công nghệ cao.
Ngày 10/1, tại TP.HCM, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM tổ chức hội thảo "Chiến lược phát triển Khu Công nghệ cao đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".

Đóng góp lớn vào ngân sách Nhà nước
 

GS.TS. Nguyễn Kỳ Phùng - Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM - phát biểu tại hội thảo.

Tại hội thảo, GS.TS. Nguyễn Kỳ Phùng - Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM - cho biết Khu Công nghệ cao đã trải qua 22 năm hình thành và phát triển. Trong quá trình đó, Khu Công nghệ cao đã thu hút rất nhiều dự án công nghệ cao, các tập đoàn lớn trên thế giới đến đầu tư. Đây cũng là nơi tập trung liên kết các hoạt động nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ cao, ươm tạo công nghệ cao,... góp phần cải thiện, nâng cao năng lực đầu tư của TP.HCM.
 

PGS.TS Lê Quốc Cường - Phó Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM

Tại hội thảo, PGS.TS Lê Quốc Cường - Phó Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM - cho biết những năm qua, nhiều doanh nghiệp hàng đầu trên thế giới tập trung về Khu Công nghệ cao như Intel, Samsung,…

Bên cạnh đó, giá trị xuất khẩu của Khu Công nghệ cao tăng đều qua các năm, đạt 0,5 tỷ USD năm 2010, vượt hơn 10 tỷ USD vào năm 2017. Mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề dịch Covid -19 nhưng kim ngạch xuất khẩu năm 2021 vẫn đạt 20,9 tỷ USD, chiếm hơn 52% kim ngạch xuất khẩu của TP.HCM, đạt 23 tỷ USD năm 2022. Tuy nhiên, năm 2023, do ảnh hưởng của suy giảm kinh tế nên chỉ đạt 16,9 tỷ USD.

Đặc biệt, vốn đầu tư trung bình của một dự án là khoảng 76 triệu USD, hơn gấp gần 10 lần so với dự án ngoài khu công nghệ cao. Còn bình quân suất đầu tư trên đất đạt gần 22 triệu USD/ha đối với dự án thuê đất, cao hơn so với các dự án tại Khu Công nghiệp và khu chế xuất hiện nay.

Theo ông Cường, tính đến 31/12/2023, các doanh nghiệp tại Khu Công nghệ cao đóng góp vào ngân sách Nhà nước đạt 1,4 tỷ USD.

"Có thể thấy, một đồng Nhà nước chi ra đã thu được ba đồng sau 22 năm hoạt động, và trong 30 - 50 năm tới sẽ đóng góp nhiều hơn nữa vì các doanh nghiệp đã đi vào hoạt động và mở rộng sản xuất", ông Cường nói.

Doanh thu đạt 30 tỷ USD từ các hoạt động công nghệ cao vào năm 2030

Chia sẻ về chiến lược phát triển đến năm 2030, ông Cường cho biết, Khu Công nghệ cao TP.HCM đặt mục tiêu trở thành Khu công viên khoa học công nghệ, là hạt nhân động lực tăng trưởng mới của vùng Đông Nam Bộ và cả nước. Đến năm 2045 Khu công nghệ cao trở thành Khu đô thị khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Trong đó, tầm nhìn đến 2030, doanh thu đạt 30 tỷ USD từ các hoạt động công nghệ cao; đào tạo và thu hút 20.000 nhân sự chất lượng cao, bao gồm ít nhất 20% chuyên gia quốc tế. Tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo chiếm 40% trong tổng số doanh nghiệp trong Khu công nghệ cao. Tổng chi cho hoạt động nghiên cứu phát triển (R&D) trên tổng doanh thu hàng năm của doanh nghiệp chiếm từ 3% - 5%.
 
 
TS. Nguyễn Lê Hùng – Phó Vụ trưởng, Vụ Công nghệ cao - phát biểu tại hội thảo.

Tại hội thảo, TS. Nguyễn Lê Hùng - Phó Vụ trưởng, Vụ Công nghệ cao - gợi ý một số định hướng nâng cao hiệu quả hoạt động khoa học và công nghệ của khu công nghệ cao TP.HCM.

Theo ông Hùng, Khu Công nghệ cao TP.HCM cần lựa chọn một số mục tiêu định hướng theo Nghị quyết 57 cho giai đoạn đến năm 2030. Theo đó, Khu Công nghệ cao TP.HCM nên mạnh dạn đặt mục tiêu thu hút thêm ít nhất một tổ chức, doanh nghiệp công nghệ hàng đầu thế giới đặt trụ sở, đầu tư nghiên cứu, sản xuất tại Khu Công nghệ cao TP.HCM.

Bên cạnh đó, ông Hùng lưu ý, Khu Công nghệ cao phải lựa chọn định hướng hợp lý theo thế mạnh để thúc đẩy nhanh nhất, đưa các sản phẩm công nghệ mới, công nghệ chiến lược vào cuộc sống, tránh dàn trải trên tất cả lĩnh vực.
Nguồn: Võ Liên - khoahocphothong.vn
Scroll