Truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa ở TP.HCM đang là nhu cầu tất yếu

TP.HCM đã liên kết với 19 tỉnh thành thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa. Hoạt động truy xuất nguồn gốc đã góp phần tạo dựng niềm tin ở người dân, thu hút sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất.
Ngày 28/6/2022, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM phối hợp cùng Trung tâm Mã số, mã vạch Quốc gia (thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng - Bộ Khoa học và Công nghệ) tổ chức Hội nghị “Tuyên truyền, phổ biến về hoạt động truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh năm 2022”. Đây là hoạt động nhằm tuyên truyền, phổ biến về Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc (Đề án 100), các văn bản pháp luật, tiêu chuẩn quốc gia và các hoạt động liên quan truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa, hướng dẫn việc triển khai truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn Thành phố.
 
Phát biểu khai mạc Hội nghị, bà Nguyễn Thị Kim Huệ (Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) cho biết, trong giai đoạn từ năm 2016 đến nay, TP.HCM đã ban hành nhiều chính sách nhằm triển khai thực hiện và thúc đẩy hoạt động truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa như: 3 Đề án quản lý và truy xuất nguồn gốc (thịt heo, trứng gia cầm, thịt gia cầm) thuộc Dự án Mô hình Chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2016 – 2020); Chương trình mục tiêu phát triển rau an toàn trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2016 – 2020.
 
 
Các đề án, chương trình nêu trên đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, giúp hình thành thói quen sử dụng hình thức truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa trong các cơ sở sản xuất. Người dân Thành phố đã ý thức được việc cần thiết phải thực hiện truy xuất nguồn gốc trong giao dịch, mua bán sản phẩm hàng hóa. Do đó, các hoạt động truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa đã góp phần tạo dựng niềm tin ở người dân, thu hút sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn Thành phố và 19 tỉnh thành lân cận.
 
Hội nghị cũng là diễn đàn để đại diện các cơ quan quản lý, chuyên gia và doanh nghiệp trao đổi kinh nghiệm, đóng góp ý kiến để góp phần định hướng cho hoạt động truy xuất nguồn gốc trên địa bàn Thành phố trong thời gian tới.
 
Tại Hội nghị, Th.S Phạm Thị Xuân Hồng (Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM – viết tắt là BQL ATTP) báo cáo công tác phối hợp thực hiện và kết quả triển khai Đề án quản lý, nhận diện, truy xuất nguồn gốc thịt heo, thịt gia cầm, trứng gia cầm và Dự án Mô hình chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm.
 
Theo đó, BQL ATTP đã ban hành Quy trình tiếp nhận và cấp mã code cho cơ sở tham gia Đề án rút ngắn từ 40 ngày làm việc còn 10 ngày làm việc; phối hợp với các tỉnh triển khai Đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc; tập huấn cho các cơ sở sơ chế, chế biến, sản xuất, kinh doanh những nội dung liên quan an toàn thực phẩm, trong đó có nội dung về truy xuất nguồn gốc. Kết quả, tính đến tháng 5/2022, gần 7.000 cơ sở (gần 4.300 cơ sở chăn nuôi, trên 130 cơ sở - đơn vị giết mổ, gần 2.400 đơn vị phân phối – bán lẻ…) ở 19 tỉnh thành tham gia Đề án truy xuất nguồn gốc. TP.HCM đi tiên phong dùng điện thoại thông minh sử dụng mã QR để truy xuất nguồn gốc.
 
Theo thực tế triển khai, BQL ATTP kiến nghị các cơ quan chuyên môn sớm ban hành quy định cụ thể về phương pháp, quy trình và biện pháp chế tài và cơ chế chính sách hỗ trợ cho cơ sở thực hiện truy xuất nguồn gốc thực phẩm, đặc biệt là các cơ sở nhỏ lẻ. BQL ATTP sẽ tiếp tục phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Chi cục các Tỉnh, Thành tiếp tục triển khai, thực hiện Đề án quản lý, nhận diện, truy xuất nguồn gốc thịt heo, thịt gia cầm, trứng gia cầm giai đoạn 2021 - 2025. Đồng thời, triển khai các hoạt động kết nối và đưa sản phẩm hàng hóa trong lĩnh vực nông sản, thủy sản, thực phẩm và các lĩnh vực khác thuộc thẩm quyền quản lý đã thực hiện truy xuất nguồn gốc đến người tiêu dùng.
 
Tại hội nghị, đại diện Trung tâm Mã số, mã vạch Quốc gia (thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng - Bộ Khoa học và Công nghệ) đã giới thiệu các yêu cầu chung đối với hệ thống truy xuất nguồn gốc theo Tiêu chuẩn 12850:2019 – Truy xuất nguồn gốc, các bước xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa, cũng như quy định các loại vật mang dữ liệu và ứng dụng trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa.
 
 
Chia sẻ kinh nghiệm triển khai mô hình hỗ trợ dán tem (QR) truy xuất nguồn gốc rau quả tại các hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2016 – 2020, ông Võ Đức Duy Ân (Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, sau giai đoạn thí điểm và nhân rộng mô hình truy xuất nguồn gốc, sản lượng rau dán tem truy xuất nguồn gốc tăng từ 04 tấn/ngày trong năm 2016 (chiếm 25,6% tổng sản lượng/ngày) lên ước đạt 21 tấn/ngày trong năm 2020 (chiếm 62% tổng sản lượng/ngày). Việc truy xuất nguồn gốc rau, quả đã giúp cho người tiêu dùng nắm được thông tin về sản phẩm các mặt hàng rau, củ, quả trên bao bì như vùng sản xuất, người sản xuất, địa chỉ sản xuất khi cần thiết. Đồng thời, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cơ sở sản xuất – kinh doanh, sơ chế, chế biến trong việc cung cấp thông tin nguyên liệu thực phẩm đến người tiêu dùng và cộng đồng xã hội. Các cơ sở triển khai truy xuất nguồn gốc quản lý được chất lượng sản phẩm tốt hơn; nâng cao uy tín với các đơn vị thu mua sản phẩm.
 
Rõ ràng, người tiêu dùng ngày càng quan tâm hơn đến quá trình tạo ra sản phẩm và chuỗi cung ứng sản phẩm, đặc biệt với những sản phẩm có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ như nông sản, thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm,… Chính vì lẽ đó, truy xuất nguồn gốc dần trở thành xu thế, nhu cầu tất yếu. Hơn nữa, việc truy xuất đầy đủ thông tin ngược dòng, từ sản phẩm cuối cùng về nơi sản xuất ban đầu, thông tin trong toàn bộ quá trình sản xuất, rà soát từng công đoạn trong chế biến và phân phối sẽ là nguồn thông tin quan trọng giúp liên kết dữ liệu và tra cứu thông tin truy xuất trong suốt chuỗi cung ứng để các doanh nghiệp tiếp tục phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh. Do đó, truy xuất nguồn gốc là yếu tố quan trọng tạo cơ sở cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu và đang được các doanh nghiệp trên cả nước chú trọng triển khai thực hiện.
Hoàng Kim (CESTI)
Scroll