TPHCM: Thảo luận về ứng dụng ChatGPT trong doanh nghiệp

Ngày 1/3, Sở Thông tin và Truyền thông, phối hợp với Sở KH&CN, Đại học Quốc gia và Thành đoàn TPHCM tổ chức tọa đàm “Ứng dụng ChatGPT trong quản lý nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp: Cơ hội và Thách thức”.
Tại tọa đàm, ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM, cho biết, theo khảo sát mới đây nền tảng tư vấn việc làm của Resume Builder, nhiều công ty đã bắt đầu sử dụng ChatGPT vào các công việc như viết mã; sáng tạo quảng cáo; tạo nội dung; hỗ trợ khách hàng và chuẩn bị tóm tắt cuộc họp; viết mô tả công việc; soạn thảo yêu cầu phỏng vấn; và trả lời đơn ứng tuyển.
 
Mặc dù có mặt tích cực, nhưng ChatGPT cũng đặt ra những thách thức tiềm ẩn cho quản lý nhà nước. Cụ thể, như việc đảm bảo tính minh bạch, chính xác và an toàn của các thông tin do ChatGPT tạo ra; việc kiểm soát và giải quyết các tranh chấp hay xung đột có liên quan đến ChatGPT... “Vì vậy, để sử dụng Chat GPT hiệu quả, cần thận trọng, xem xét một cách khoa học, tận dụng những lợi thế và xác định những rủi ro để có biện pháp phòng tránh liên quan đến bản quyền, an toàn an ninh mạng”, ông Thắng nhấn mạnh.
 
 
Các diễn giả chia sẻ về ChatGPT tại Tọa đàm. Ảnh: BC
 
PGS. TS Đinh Điền, Giám đốc Trung tâm Ngôn ngữ học tính toán, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TPHCM, cũng cho rằng, ChatGPT có thể hỗ trợ TPHCM trong việc tư vấn người dân, phân tích các số liệu, viết bài tham luận, dịch đa ngữ, tóm tắt văn bản, phân loại văn bản theo lĩnh vực, … Tuy nhiên, ChatGPT còn một số thiếu sót trong việc kiểm soát, kiểm chứng thông tin. Việc cung cấp các kiến thức về kinh tế, xã hội, lịch sử… có rất nhiều kết quả khác nhau và ChatGPT không phân biệt được đâu là thông tin đúng và sai. Vì vậy, theo TS Đinh Điền, các cơ quan quản lý nhà nước muốn sử dụng ChatGPT hiệu quả thì cần làm chủ ChatGPT. Người dùng phải tự trang bị những kiến thức thông tin nền cao hơn ChatGPT, để có thể kiểm chứng độ chính xác mà ChatGPT cung cấp... "Công cụ này chỉ mang tính hỗ trợ, tham khảo chứ không nên phụ thuộc hoàn toàn vào nó", ông Điền nhấn mạnh.
 
TS. Võ Văn Khang, Phó Chủ tịch Chi hội An toàn thông tin phía Nam thì cho hay, ChatGPT tiềm ẩn một số rủi ro như tin giả, lừa đảo mạng, thất thoát dữ liệu nhạy cảm. Vì vậy, cần có cơ chế kiểm soát và bảo vệ dữ liệu đầu vào, kiểm định tri thức đầu ra. Bên cạnh đó, người dùng cần chủ động bảo vệ tính riêng tư và phiên làm việc bằng cách không dùng chung tài khoản; không chia sẻ tài khoản và thông tin nhạy cảm với ứng dụng; không trả tiền khi chưa kiểm chứng ứng dụng; không tin vào ChatGPT một cách máy móc.
 
Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM đề xuất các nhà khoa học, viện, trường, doanh nghiệp nghiên cứu những ứng dụng với ChatGPT để phục vụ quản lý nhà nước, người dân và doanh nghiệp trong một số lĩnh vực.
 
Chẳng hạn, ứng dụng ChatGPT hỗ trợ Thành phố nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng phục vụ - bao gồm ứng dụng vào việc trả lời tiến độ giải quyết thủ tục hành chính; vào Tổng đài 1022 nhằm ghi nhận và trả lời kiến nghị của người dân, doanh nghiệp.
 
ChatGPT cũng được đề xuất hỗ trợ lãnh đạo Thành phố trong việc xây dựng hệ thống trợ lý ảo; đăng ký và kiểm tra lịch làm việc; tóm tắt hồ sơ, tài liệu, các nội dung liên quan.
 
Trong lĩnh vực giáo dục, ChatGPT làm trợ lý ảo học tập phục vụ cho giảng viên, thầy cô giáo, học sinh trên địa bàn. Ngoài ra, cần có các nghiên cứu cơ chế bảo mật, quản lý dữ liệu trong việc sử dụng ChatGPT.
Kiều Anh - Báo Khoa học Phát triển
Scroll