TP.HCM: cơ hội phát triển công nghệ, sản phẩm mới dựa trên sáng chế hết hạn bảo hộ

Cơ sở dữ liệu sáng chế hết hạn bảo hộ với hơn 150.000 tài liệu sáng chế thuộc nhóm ngành cơ khí, đang được phục vụ trực tuyến, miễn phí, tạo điều kiện thuận lợi cho người dùng cá nhân và doanh nghiệp có thể tra cứu sử dụng dễ dàng, nhanh chóng.
Sản phẩm vừa được Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ (CESTI) cho ra mắt (truy cập tại đây) nhằm cung cấp thêm nguồn thông tin, tư liệu đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, ứng dụng và phát triển các giải pháp, công nghệ mới của doanh nghiệp.

Theo đại diện CESTI, sáng chế hết hạn bảo hộ cung cấp một nguồn lực quý giá về các ý tưởng và công nghệ, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp, nhà nghiên cứu khi họ có thể tận dụng sáng chế đã tồn tại để nhanh chóng cải tiến, phát triển sản phẩm, dịch vụ mới, hoặc thậm chí phát triển công nghệ đột phá, giảm rủi ro và tăng khả năng thành công trên thị trường. Ngoài ra, có thể sử dụng các sáng chế hết hạn bảo hộ làm tài liệu giảng dạy hoặc làm nền tảng cho các chương trình đào tạo nội bộ, giúp cung cấp kiến thức và kỹ năng mới cho nhân viên và thúc đẩy sự phát triển trong tổ chức.

Theo các chuyên gia sở hữu trí tuệ, hoạt động khai thác và thương mại hóa sáng chế có thể bắt đầu từ việc nghiên cứu thông tin, tư liệu sáng chế đã hết hạn bảo hộ mà không bị vi phạm các quy định pháp luật; đồng thời có thể nghiên cứu các sáng chế còn hạn bảo hộ để hình thành ý tưởng, giải pháp kỹ thuật mới phục vụ cho nhu cầu giải mã công nghệ từ sáng chế, cải tiến sản phẩm, công nghệ hiện có, phát triển các tiềm năng của sáng chế để tạo ra công nghệ, giải pháp mới,… nhưng không được vi phạm các quy định về sở hữu trí tuệ. Thị trường thương mại hóa sáng chế là một ngành công nghiệp lớn và đang phát triển mạnh trên toàn cầu. Tại Việt Nam, thị trường sáng chế đang dần được khai phá phục vụ cho nhu cầu đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, một số khó khăn thách thức đã cản trở tiềm năng tăng trưởng của thị trường này, trong đó, doanh nghiệp nhỏ và vừa thiếu khả năng tìm kiếm, tiếp cận, xử lý và khảo sát thông tin. Các chuyên gia cho rằng, một trong những bất cập hiện nay là số lượng sáng chế, giải pháp hữu ích được khai thác, thương mại hóa còn thấp, việc khai thác chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế của hoạt động sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Mặt khác, nguồn thông tin về sáng chế hết hạn bảo hộ hiện nay chưa được phổ biến rộng rãi, chưa có nền tảng chuyên biệt, khả năng tiếp cận khai thác thông tin về các sáng chế này còn hạn chế, một số cơ sở dữ liệu thường yêu cầu người dùng phải trả phí,…

01CSDLsangchehethanbaohonen.jpg
Giao diện tra cứu cơ sở dữ liệu sáng chế hết hạn bảo hộ

Với mong muốn tạo ra nguồn thông tin phong phú và đa dạng về sáng chế hết hạn bảo hộ, tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân, doanh nghiệp tiếp cận những công nghệ sẵn có, từ đó tìm kiếm cơ hội để tối ưu hóa và phát triển sản phẩm của mình, trong năm 2024, CESTI đã thực hiện tra cứu, chọn lọc các dữ liệu sáng chế và xây dựng cơ sở dữ liệu sáng chế hết hạn bảo hộ nhóm ngành cơ khí từ cơ sở dữ liệu WIPS Global.

Đại diện nhóm thực hiện cho biết, cơ sở dữ liệu WIPS Global cung cấp hơn 100 triệu hồ sơ sáng chế của hầu hết các nước trên thế giới thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như: công nghệ thông tin, điện - điện tử, hóa thực phẩm, xây dựng, cơ khí, sinh học, hóa học, y học,… Trong đó, việc chọn lọc dữ liệu phù hợp cho cơ sở dữ liệu sáng chế hết hạn bảo hộ ngành cơ khí được tra cứu theo các chỉ số IPC (chỉ số phân loại sáng chế quốc tế) của nhóm ngành cơ khí, với 35 mã IPC của các ngành như cán kim loại; sản xuất các tấm, dây, thanh, ống, hoặc profin kim loại bằng phương pháp cán; đột dập; sản xuất hoặc gia công dây; sản xuất kim khâu, đinh ghim, đinh; sản xuất các đồ vật bằng kim loại đặc biệt bằng phương pháp cán (vít, bánh xe, vòng,…); rèn, dập, tán rivê; sản xuất các sản phẩm rèn, dập (móng ngựa, đinh rivê, chốt); chế tạo xích; chế tạo khuôn đúc; đúc kim loại; luyện kim bột; tiện, khoan; phay; bào, xẻ rãnh, cắt, doa, cưa, giũa, cạo; gia công kim loại; hàn; các chi tiết máy; máy mài, đánh bóng; gia công phun cát hoặc vật liệu dạng hạt;…

01HDKHLVcsdlsangcheh1.jpg
Hình ảnh kết quả tra cứu trên cơ sở dữ liệu sáng chế hết hạn bảo hộ

Kết quả, đã xử lý, chọn lọc và tổ chức dữ liệu thành dạng cơ sở dữ liệu tích hợp cùng công cụ tra cứu, với hơn 150.000 tài liệu sáng chế được trích xuất từ cơ sở dữ liệu WIPS Global thuộc nhóm ngành cơ khí, đăng ký bảo hộ từ năm 1990 - 2003. Hiện tại, cơ sở dữ liệu sáng chế hết hạn bảo hộ ngành cơ khí cho phép người dùng tra cứu, sử dụng miễn phí tại địa chỉ website của CESTI tại đây. Các trường dữ liệu tra cứu cơ bản như: tên sáng chế, số sáng chế, chủ đơn/chủ bằng, tác giả sáng chế, ngày cấp bằng, phân loại IPC, tóm tắt,… Người dùng có thể tra cứu sử dụng không cần đăng nhập tài khoản, khi có nhu cầu xem đầy đủ toàn văn có thể liên hệ Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN để được hỗ trợ cung cấp miễn phí.

Đại diện CESTI chia sẻ, việc hình thành cơ sở dữ liệu sáng chế hết hạn bảo hộ chuyên ngành cơ khí là một trong những nỗ lực để tạo ra hệ thống thông tin đáng tin cậy và tiện lợi, cho phép người dùng dễ dàng tìm kiếm, chia sẻ và áp dụng thông tin này vào các hoạt động thực tiễn. Qua đó hỗ trợ các nhà nghiên cứu và doanh nghiệp tiếp cận nguồn thông tin, tư liệu phong phú để nghiên cứu phát triển các sản phẩm, giải pháp mới, góp phần thúc đẩy khai thác sáng chế hết hạn bảo hộ phục vụ hành trình đổi mới sáng tạo, mở rộng thị trường và tăng khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Lam Vân (CESTI)
Scroll