Mô hình nhà lưới trồng rau an toàn.

Mô hình nhà lưới trong trồng rau an toàn dưới đây sẽ đem lại những lợi ích như tăng hệ số sử dụng đất, giảm chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công lao động và mang lại thu nhập cao cho người trồng.
Từ năm 2000 đến nay đã có nhiều mô hình nhà lưới được ứng dụng trong sản xuất rau và cũng từ các mô hình nhà lưới đầu tiên, bà con nông dân đã tự học tập, nghiên cứu, rút kinh nghiệm và cải tiến phát triển hàng trăm nhà lưới mới tăng hiệu quả trong trồng trọt. 

Tình hình sản xuất và tiêu thụ

TP.HCM hiện có 91 xã, phường sản xuất rau với diện tích canh tác là 3.486 ha. Trong đó, huyện Củ Chi có 21 xã và thị trấn sản xuất rau với diện tích canh tác là 2.398 ha, huyện Bình Chánh có 15 xã với diện tích canh tác là 544 ha, huyện Hóc Môn có 10 xã với diện tích canh tác là 528 ha, các diện tích còn lại ở các quận, huyện vùng ven. Đến cuối năm 2015, diện tích gieo trồng rau an toàn ước tính đạt 15.800 ha, trong đó, diện tích rau sản xuất trong nhà lưới đạt 238,7 ha với 1.240 nhà lưới, năng suất bình quân đạt 25 tấn/ha (tăng 5,93% so với năm 2011), sản lượng bình quân đạt 375.000 tấn/năm (tăng 33,79% so với năm 2011).

Quy trình và phương pháp thực hiện

Điều kiện sản xuất

Nhà lưới

Nhà lưới kiểu cũ: có 2 loại là nhà lưới kín (lưới phủ kín hoàn toàn trên mái và xung quanh) và nhà lưới hở (chỉ che lưới trên mái, không có lưới che còn xung quanh), diện tích từ 500–2.000m2, chiều cao từ 2–3m. Khung cột bằng bê tông, dàn che bằng sắt hoặc dây kẽm, tre, cừ tràm để giảm chi phí. Khung nhà lưới bằng tre hoặc tầm vông. Lưới che có thể sử dụng loại lưới dệt trong nước, kích thước mắt lưới 9 lỗ/cm2

Nhà lưới kiểu mới: có diện tích 450m2 (14x30m), khoảng cách giữa các cột hàng dọc là 6m, hàng ngang là 5m. Hàng cột hai bên (12 cái) làm bằng bê tông cao 3m. Hai hàng cột sắt chạy dọc bên trong nhà lưới dùng loại sắt tròn (đường kính Փ60, cao 4m). Đà ngang mái dưới được làm bằng sắt vuông độ dày 1,8mm, dài 25m, có 2 hàng (tổng số 50 cây). Dàn ngang hai bên hông nhà lưới được làm bằng sắt chữ V, dày 1,8mm (tổng số 30 cây). Khung cửa nhà lưới làm bằng sắt vuông dày 1,8mm (5 cây). Lưới che trên mái là loại lưới đan lỗ 2mm (23 lỗ/cm2), đan 2 sợi kép, tổng diện tích 480m2. Lưới che xung quanh là loại lưới mùng của Thái Lan (kích thước mắt lưới 45 lỗ/cm2), tổng diện tích 350m2. Tổng độ dài dây kẽm giăng lưới là 1.096m (khoảng 548kg).

Lưu ý: Để hạn chế sâu bệnh hại trong nhà lưới, khi thiết kế cần lưu ý những vấn đề sau:

- Xử lý đất bằng cách ngập nước.

- Sử dụng lưới có mắt lưới nhỏ (kích thước 0,8mm).

- Nhà lưới với cửa đúp.

- Giữ nhà lưới luôn kín.

- Áp dụng các biện pháp vệ sinh đồng ruộng, luân canh cây trồng.

Máy móc thiết bị

Trang bị thêm hệ thống tưới để giảm chi phí nhân công, tiết kiệm nước tưới và làm mát nhà lưới.

Phương pháp thực hiện

Cải ngọt, cải bẹ xanh

Giống: chọn các giống được khuyến cáo có thể sử dụng trong nhà lưới của Công ty Giống cây trồng miền Nam, Công ty Giống cây trồng Thành phố, Đông Tây, Trang Nông…

Thời vụ: rau có thể trồng quanh năm, mùa khô cho năng suất cao hơn mùa mưa.

Chuẩn bị đất: thu dọn sạch tàn dư cây trồng và cỏ dại, xử lý đất bằng vôi bột với liều lượng 200-300kg/ha vào thời điểm 10 ngày trước khi gieo trồng. Sau mỗi lứa rau phải cày bừa, phơi đất 10–15 ngày trước khi trồng. Liếp rộng 0,8–1m, cao 10–15cm, đảm bảo thoát nước tốt.

Gieo trồng và chăm sóc: trồng bằng cách gieo cấy (0,8–1kg hạt/ha) hoặc gieo thẳng (2–4kg hạt/ha) theo hàng. Sau đó phủ lên hạt một lớp đất mỏng đã trộn phân hữu cơ ủ hoai mục cộng thêm 1 lớp rơm hoặc trấu mỏng. Sau khi gieo khoảng 8–20 ngày và cây cải có từ 4 – 5 lá thật thì nhổ cấy.

Bón phân:

- Vườn ươm: bón lót cho 100m2 đất 50–60 kg phân chuồng hoai mục và 1kg phân lân. Bón thúc phân ure từ 20–30g/lít nước (lần 1) và DAP 20–30g/lít nước (lần 2).

- Vườn trồng: bón lót cho 1ha đất từ 13–25 tấn phân chuồng hoai mục và từ 140-300kg phân lân, 30–50kg Kali. Bón thúc lần 1 là 2kg ure hòa nước tưới, lần 2 là 4kg urê + 2,5kg KCl và lần 3 là dung dịch urê nồng độ 3‰.

Phòng trừ sâu bệnh:

Một số dịch hại chính: bọ nhảy, sâu khoang, sâu tơ, sâu đục nõn, dòi đục lá, bệnh chết cây con, sương mai, thối nhũn.

Để phòng trừ dịch hại cần vệ sinh đồng ruộng trước và sau thu hoạch, luân canh và phơi ải. Khi sâu bệnh hại có mật số cao có thể dùng các loại thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) như: Polytrin Sokupi, Vibamec (bọ nhảy); Delfil, Biocin, Tập kỳ (sâu tơ, sâu đục nõn, sâu khoang); Trigard (dòi đục lá); Oshin, Trebon, Tango (rầy mềm); Validan, Carban, Carbenzim (bệnh chết cây con, thối khô, sương mai); Kasumin, Kasuran (bệnh thối nhũn).

Thu hoạch: thu hoạch sau gieo từ 18-25 ngày, hoặc sau khi gieo sạ 33-40 ngày.

Rau muống

Thời vụ: rau muống có thể trồng quanh năm, nhưng rau dễ nhiễm bệnh vào mùa mưa.

Chuẩn bị đất: thu dọn sạch tàn dư cây trồng và cỏ dại, xử lý đất bằng vôi bột với liều lượng 200–300kg/ha vào thời điểm 10 ngày trước khi gieo trồng. Sau mỗi lứa rau phải cày bừa, phơi đất 10–15 ngày trước khi trồng. Liếp rộng 0,8–1m, cao 10–15cm, đảm bảo thoát nước tốt.

Gieo trồng và chăm sóc: sử dụng phương pháp gieo theo hàng hoặc gieo thưa với rau muống trồng cạn, không nên trồng nhiều vu trên cùng 1 chân đất. Số lượng hạt giống cho 1ha là từ 60-80kg .

Bón phân: bón lót từ 15–20 tấn phân hữu cơ hoai mục, 100-150kg phân lân và 30–40kg Kali. Bón thúc từ 100–150kg phân ure.

Phòng trừ sâu bệnh:

Một số dịch hại chính: sâu khoang, sâu xanh, bệnh gỉ trắng, bệnh đốm lá….

Để phòng trừ dịch hại cần vệ sinh đồng ruộng trước và sau thu hoạch, luân canh và phơi ải. Khi sâu bệnh hại có mật số cao có thể dùng các loại thuốc BVTV như: Vertimec, Vibamec, Dipel (sâu khoang); Mexyl MZ , Alliette, Carban (bệnh gỉ trắng); Thio M, Mexyl MZ, Funguran (bệnh đốm lá).

Thu hoạch: thời gian thu hoạch rau muống gieo hạt từ 20-30 ngày, khi thu hoạch phải đảm bảo thời gian cách ly.

Rau xà lách

Giống: có thể sử dụng cả 2 giống địa phương và giống nhập nội.

Thời vụ: xà lách cuộn trồng trong vụ đông xuân, còn xà lách không cuộn trồng quanh năm.

Chuẩn bị đất: thu dọn sạch tàn dư cây trồng và cỏ dại, xử lý đất bằng vôi bột với liều lượng 200–300kg/ha vào thời điểm 10 ngày trước khi gieo trồng. Sau mỗi lứa rau phải cày bừa, phơi đất 10–15 ngày trước khi trồng. Liếp rộng 0,8–1m, cao 10–15cm, đảm bảo thoát nước tốt.

Gieo trồng và chăm sóc: có thể trồng bằng cách gieo cấy (300–400g giống/ha) hoặc gieo sạ trực tiếp. Sau đó phủ lên hạt một lớp đất mỏng đã trộn phân hữu cơ ủ hoai mục, cộng thêm 1 lớp rơm hoặc trấu mỏng. Sau khi gieo khoảng 15–18 ngày và cây cải có từ 4–6 lá thật thì tưới ướt đất và nhổ cấy. Mật độ trồng từ 12–15 x 15–18cm (tùy mùa vụ, giống và kỹ thuật trồng).

Bón phân: bón lót cho 1ha đất với 15–20 tấn phân hữu cơ hoai mục hoặc, 100kg phân lân, 40kg Kali (có thể sử dụng 1–2 tấn phân hữu cơ vi sinh thay cho phân hữu cơ hoai mục). Bón thúc cho 1ha đất với 5kg phân ure lần 1 sau khi cây bắt đầu hồi xanh 5-7 ngày sau trồng, bón thúc lần 2 sau trồng từ 15–18 ngày.

Phòng trừ sâu bệnh:

Một số dịch hại chính: rầy mềm, sâu đo, sâu khoang, tuyến trùng gây sưng rễ, bệnh thối nhũn, thối gốc và đốm lá.

Để phòng trừ dịch hại cần vệ sinh đồng ruộng trước và sau thu hoạch, luân canh và phơi ải. Khi sâu bệnh hại có mật số cao có thể dùng các loại thuốc BVTV như: Delfin, Vertimec, Biocin (sâu đo, sâu khoang); Vanicide, Carban (bệnh thối nhũn, thối gốc, đốm lá); Sincocin (tuyến trùng).

Thu hoạch: thu hoạch xà lách gieo cấy từ 30-32 ngày, gieo thưa từ 35-40 ngày. Nên thu vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát.

Rau dền

Giống: có 2 loại giống phổ biến là rau dền trắng (dền xanh) và rau dền đỏ.

Thời vụ: rau dền có thể trồng quanh năm, mùa khô cho năng suất cao nhất.

Chuẩn bị đất: thu dọn sạch tàn dư cây trồng và cỏ dại, xử lý đất bằng vôi bột với liều lượng 500kg/ha vào thời điểm 10 ngày trước khi gieo trồng. Sau mỗi lứa rau phải cày bừa, phơi đất 10–15 ngày trước khi trồng. Liếp rộng 0,8–1m, cao 10–15cm, đảm bảo thoát nước tốt.

Gieo trồng và chăm sóc: lượng hạt cần gieo từ 1–1,5g/m2, sau khi gieo từ 20–30 ngày thì nhổ cây con đem trồng, trồng cây cách cây 20x20cm.

Bón phân: bón lót cho 1ha đất với 1,5 tấn phân hữu cơ vi sinh, 150kg super lân. Bón thúc lần 1 cho 1ha đất với 20kg urê hoà nước sau 7–8 ngày trồng, lần 2 với 40kg urê + 25kg KCl sau 15– 6 ngày trồng, lần 3 với dung dịch ure 3‰ sau 20–21 ngày trồng.

Phòng trừ sâu bệnh:

Một số dịch hại chính: sâu khoang, rầy mềm và bệnh đốm lá.

Để phòng trừ dịch hại cần vệ sinh đồng ruộng trước và sau thu hoạch, luân canh và phơi ải. Khi sâu bệnh hại có mật số cao có thể dùng các loại thuốc BVTV như: Delfin, Biocin và các thuốc có gốc Abamectin (sâu đo, sâu khoang); Carban, Thio-M, Ridomil (bệnh đốm lá).

Thu hoạch: thu hoạch sau khi trồng từ 25–30 ngày. Thu hoạch nhánh bằng cách nhổ cả cây hoặc dùng dao cắt ngang cây cách đất từ 8–10cm.

Rau mồng tơi

Giống: hiện rau mồng tơi có 2 nhóm giống là mồng tơi tàu và mồng tơi trắng.

Thời vụ: rau mồng tơi có thể trồng quanh năm, tuy nhiên mùa khô cho năng suất cao hơn.

Chuẩn bị đất: thu dọn sạch tàn dư cây trồng và cỏ dại, xử lý đất bằng vôi bột với liều lượng 200–300kg/ha vào thời điểm 10 ngày trước khi gieo trồng. Sau mỗi lứa rau phải cày bừa, phơi đất từ 10–15 ngày trước khi trồng. Liếp rộng 0,8–1m, cao 10–15cm, đảm bảo thoát nước tốt.

Gieo trồng và chăm sóc: trước khi gieo ngâm hạt trong nước 2-3 giờ, sau khi gieo phủ trấu lên mặt luống và tưới giữ ẩm. Khi cây có từ 3-4 lá thì nhổ đem trồng với khoảng cách cây là 20x20cm.

Bón phân: bón lót cho 1000m2 đất với 1,5 tấn phân hữu cơ vi sinh, 150kg super lân. Bón thúc lần 1 cho 1000m2 đất với 2kg phân urê hoà nước sau 7–8 ngày trồng, lần 2 với 4kg urê + 2,5kg KCl sau 15–16 ngày trồng, lần 3 với dung dịch ure 3‰ sau 20–21 ngày trồng.

Phòng trừ sâu bệnh:

Một số dịch hại chính: sâu đo, sâu khoang, bệnh đốm lá.

Để phòng trừ dịch hại cần vệ sinh đồng ruộng trước và sau thu hoạch, luân canh và phơi ải. Khi sâu bệnh hại có mật số cao có thể dùng các loại thuốc BVTV như: Delfin, Biocin và các thuốc có gốc Abamectin (sâu đo, sâu khoang); Vidoc, Thio-M, Ridomil (bệnh đốm lá).

Thu hoạch: thu hoạch sau khi trồng từ 25–30 ngày bằng cách nhổ cả cây hoặc dùng dao cắt ngang cây cách mặt đất từ 5–6cm và để lại (2-3) lá cho cành nhánh phát triển.

Ưu điểm công nghệ. Hiệu quả kinh tế

Ưu điểm

- Các loại rau sinh trưởng phát triển bình thường, không có sự khác biệt so với trồng bên ngoài.

- Mật độ và tỷ lệ sâu bệnh hại của rau trồng trong nhà lưới thấp.

- Ngăn ngừa sâu bệnh hại xâm nhập và lây lan nguồn bệnh.

- Giảm thiểu các tác động của thời tiết như mưa lớn, gió mạnh.

- Năng suất rau trong nhà lưới cao hơn so với trồng rau bên ngoài.

Hiệu quả kinh tế

- Các loại rau dền, mồng tơi, cải ngọt trong có thể trồng được 8 lứa/năm.

- Rau xà lách trồng được 6 lứa/năm ở thời điểm nhiệt độ thấp.

- Rau muống có thể trồng được 10 lứa/năm.

 
 
CESTI
Scroll