Kỳ vọng khoa học công nghệ tạo thêm những kỳ tích

Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22-12-2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học công nghệ (KH-CN), đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia (Nghị quyết 57) như một mũi nhọn, tập trung vào việc tháo gỡ các điểm nghẽn để giải phóng sức sáng tạo, sức lao động và nguồn lực đầu tư của toàn xã hội cho KH-CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Những ngày đầu năm mới Ất Tỵ 2025, Báo SGGP nhận được nhiều ý kiến tâm huyết, kỳ vọng nghị quyết đi vào cuộc sống sẽ tạo nên những kỳ tích phát triển của đất nước.
 
 
Khách tham quan tại Không gian giới thiệu sản phẩm công nghệ, dịch vụ tăng trưởng xanh 2024. Ảnh: BÁ TÂN
 
Thứ trưởng Bộ KH-CN BÙI THẾ DUY:
 
Giải phóng nguồn lực và sức sáng tạo
 
Nghị quyết 57 chọn cách đi vào những điểm nghẽn của thể chế, vào những vấn đề rất mới của thời đại như dữ liệu, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), Blockchain, IoT, thử nghiệm các công nghệ mới có điều kiện để thúc đẩy nhanh nhất, trong thời gian ngắn nhất, đưa các sản phẩm công nghệ mới, công nghệ chiến lược vào cuộc sống.
 
Để làm được việc đó, Nghị quyết 57 mang tính hành động rất cao, giao nhiệm vụ cho tất cả cấp ủy, các bộ, ngành, địa phương, để từ đó tự nhìn nhận lại mình, tự rà soát lại tất cả các thể chế chính sách, hệ thống. 
 
 
 
Với Nghị quyết 57, Bộ Chính trị đã đưa ra những quan điểm chỉ đạo mới để huy động, tháo gỡ, giải phóng sức sáng tạo. Điều này thể hiện qua việc xác định đầu tư cho KH-CN và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số là đầu tư lâu dài, có rủi ro.
 
Đồng thời rà soát, cập nhật, điều chỉnh các cơ chế, chính sách về đầu tư mua sắm công, sở hữu trí tuệ, về giao việc quản lý nhiệm vụ KH-CN để các đơn vị chủ trì sở hữu kết quả nghiên cứu, từ đó tiếp tục đầu tư, nghiên cứu, phát triển tiếp và ứng dụng vào cuộc sống.
 
Hay đó là chính sách đầu tư công, mua sắm công để khuyến khích các kết quả KH-CN dù chưa đáp ứng được các tiêu chí về thị trường, kinh nghiệm, doanh số nhưng có thể sẽ được ưu tiên để đưa vào sản xuất, kinh doanh sớm hơn; các tiêu chí hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư cho KH-CN, đổi mới sáng tạo, hỗ trợ cho doanh nghiệp đầu tư cho hạ tầng chuyển đổi số cũng được ưu đãi, hỗ trợ của nhà nước…
 
Ông NGUYỄN TRUNG CHÍNH, Chủ tịch Tập đoàn CMC:
 
Mở ra chương mới cho sự phát triển bền vững
 
Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị đang mở ra một chương mới cho sự phát triển bền vững của Việt Nam. Đây không chỉ là định hướng chiến lược mà còn là cơ hội để Việt Nam khẳng định vị thế trên bản đồ công nghệ toàn cầu, với sự đồng hành của doanh nghiệp và cộng đồng công nghệ.
 
Đặc biệt, Nghị quyết khuyến khích việc áp dụng các công nghệ mới như AI, dữ liệu lớn, các nền tảng số vào từng ngành nghề, từ doanh nghiệp, y tế, giáo dục đến hành chính công. Đây sẽ là nền tảng quan trọng giúp Việt Nam không chỉ bắt kịp thế giới mà còn dẫn dắt cuộc chơi công nghệ toàn cầu. AI không chỉ là công nghệ mà còn là phương tiện để chuyển đổi tư duy, đưa Việt Nam vươn tầm ra thế giới.
 
KH-CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là con đường tất yếu để Việt Nam hiện thực hóa mục tiêu trở thành nước phát triển vào năm 2045. Để thực hiện được mục tiêu này, cần có sự đồng hành chặt chẽ giữa chính sách của Nhà nước và các hoạt động của doanh nghiệp công nghệ.
 
CMC cùng với cộng đồng doanh nghiệp công nghệ Việt Nam sẽ tiếp tục đồng hành, quyết tâm thực hiện Nghị quyết 57, hướng tới một tương lai phát triển bền vững, đưa Việt Nam trở thành quốc gia công nghệ tầm cỡ toàn cầu.
 
Đây không chỉ là một cơ hội mà còn là trách nhiệm lớn lao của mỗi doanh nghiệp và cá nhân trong việc góp phần tạo dựng nền tảng công nghệ vững mạnh cho đất nước.
 
Ông NGUYỄN ĐỨC CHUNG, Phó Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số TPHCM:
 
Đưa vào khai thác, sử dụng các nền tảng, ứng dụng mới
 
Trung tâm Chuyển đổi số TPHCM được thành lập với nhiệm vụ triển khai, thực thi các chương trình, đề án, kế hoạch chuyển đổi số, đô thị thông minh; cung cấp dịch vụ hỗ trợ chuyển đổi số cho các cơ quan, tổ chức doanh nghiệp về chuyển đổi số phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của thành phố.
 
Trên tinh thần đột phá, đổi mới của 7 nhóm nhiệm vụ và giải pháp tại Nghị quyết 57, năm 2025, Trung tâm Chuyển đổi số thành phố sẽ tập trung tham mưu và đề xuất thành phố triển khai, hoàn thành đưa vào khai thác, sử dụng các nền tảng, ứng dụng mới phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành và quản trị thành phố trên nền tảng số.
 
Đầu tiên là vận hành ổn định, tích hợp AI và nhiều nguồn dữ liệu giúp người dân khai thác, sử dụng hiệu quả Ứng dụng Công dân số TPHCM, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính TPHCM và các ứng dụng khác. Kế đó đưa vào vận hành chính thức nền tảng hỗ trợ công tác quản lý, điều hành các khu phố, ấp nhằm cung cấp môi trường số hỗ trợ kết nối chặt chẽ hơn nữa giữa người dân với chính quyền cơ sở.
 
Thứ ba là xây dựng hoàn thiện hạ tầng số tại TPHCM (bao gồm hạ tầng viễn thông - internet, hạ tầng dữ liệu, hạ tầng vật lý - số) đảm bảo yêu cầu dung lượng siêu lớn, băng thông siêu rộng, phổ cập, bền vững, thông minh, xanh, an toàn, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế số, xã hội số, chính quyền số…
 
Nhiệm vụ thứ tư là triển khai nền tảng tích hợp có ứng dụng AI cho công tác theo dõi, giám sát, vận hành ổn định, liên tục, an toàn bảo mật Trung tâm dữ liệu và các hệ thống dùng chung của thành phố. Tham mưu và triển khai kế hoạch hợp tác, đào tạo, tập huấn chuyên sâu về chuyển đổi số, quản trị dữ liệu và an toàn thông tin, tăng cường đào tạo nâng cao năng lực số cho các sở, ngành, quận, huyện… cũng là một trong những công việc của trung tâm.
 
Năm 2025 là năm quan trọng cần nỗ lực vượt bậc, tăng tốc, bứt phá thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu về chuyển đổi số, xây dựng đô thị thông minh đã đề ra giai đoạn 2021-2025.
 
Trung tâm Chuyển đổi số TPHCM chọn đổi mới đột phá, lấy Nghị quyết 57 làm điểm tựa để hấp thụ và chuyển hóa thành hành động, quyết tâm hoàn thành các mục tiêu chính và nhiệm vụ thành phố giao, góp phần sớm đưa TPHCM cùng với cả nước bước vào kỷ nguyên mới.
 
GS-TS NGUYỄN THỊ THANH MAI, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM:
 
Xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 57
 
Là một đại học lớn nhất tại khu vực phía Nam, Đại học Quốc gia (ĐHQG TPHCM) có trách nhiệm xây dựng chương trình hành động, giải pháp và đánh giá cụ thể để thực hiện Nghị quyết 57.
 
Chương trình hành động này sẽ ưu tiên cho các nhóm nghiên cứu tập trung các dự án lớn, mang tính đột phá và ưu tiên các đề tài do hội đồng liên ngành đề xuất, phê duyệt thay vì tập trung các đề tài nghiên cứu đơn lẻ.
 
Trước hết, ĐHQG TPHCM sẽ cùng các đơn vị xây dựng chính sách thí điểm giao cho các đơn vị chủ trì, tự chủ các chương trình nghiên cứu có khả năng ứng dụng cao. Các dự án, chương trình nghiên cứu sẽ khoán đến sản phẩm cuối cùng, giảm bớt gánh nặng thủ tục thanh quyết toán, đầu tư hạ tầng, nguồn nhân lực.
 
Mới đây, ĐHQG TPHCM đã tổ chức tọa đàm phổ biến quy định về tổ chức thực hiện và quản lý nhiệm vụ KH-CN cấp ĐHQG TPHCM và triển khai việc thực hiện Nghị quyết 57.
 
Tọa đàm đã thu hút gần 200 nhà khoa học, cán bộ quản lý của ĐHQG TPHCM tham dự và tập trung thảo luận, đề xuất về việc xây dựng các giải pháp nâng cao tiềm lực, hiệu quả sản phẩm nghiên cứu, chất lượng xuất bản khoa học và xây dựng cơ chế tài chính hiệu quả... để hoàn thiện chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 57.
 
Để xây dựng nguồn nhân lực dồi dào, đáp ứng nhu cầu phát triển của đời sống xã hội cùng mục tiêu trở thành đại học tốp 100 của châu Á vào năm 2030, ĐHQG TPHCM luôn chú trọng đến đổi mới, cải tiến chất lượng đào tạo theo các chuẩn quốc tế. Trong đó, có hơn 200 chương trình đào tạo đại học và sau đại học đạt chuẩn kiểm định quốc tế, cung ứng khoảng 140.000 cử nhân, kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ có kiến thức toàn diện, có tư duy khởi nghiệp và kỹ năng lãnh đạo.
 
ĐHQG TPHCM cũng đặt mục tiêu đến năm 2030, các chương trình về đào tạo và nghiên cứu về công nghệ bán dẫn, chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học... nằm trong tốp 50 của châu Á. 
Nguồn: TRẦN LƯU - BÁ TÂN - THANH HÙNG ghi - sggp.org.vn
Scroll