Theo ông Võ Ngọc Hải (Phó Giám đốc CESTI), kết nối ý tưởng là sự kiện thuộc chuỗi hoạt động “Cà phê công nghệ” nhằm đẩy mạnh kết nối cung - cầu công nghệ, góp phần nâng cao năng lực sản xuất của doanh nghiệp, thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo tại TP.HCM và các tỉnh trong khu vực. Tại sự kiện, các nhà cung ứng sẽ giới thiệu những giải pháp công nghệ đáp ứng yêu cầu cụ thể của doanh nghiệp. Sau đó, doanh nghiệp sẽ lựa chọn giải pháp phù hợp để tiếp tục thương thảo hợp tác, chuyển giao công nghệ.
Với phiên kết nối về “Dây chuyền chiết rót, dán nhãn chai nước mắm thủy tinh 500ml năng suất 30.000 chai/ngày”, CESTI tiếp nhận yêu cầu công nghệ của doanh nghiệp sản xuất nước mắm Liên Thành và kết nối 3 đơn vị cung ứng với những công nghệ, giải pháp sẵn sàng tư vấn cho doanh nghiệp ngay tại sự kiện. Qua đó hỗ trợ cho các bên cung – cầu quảng bá công nghệ thiết bị cũng như tìm được giải pháp công nghệ phù hợp với tình hình sản xuất, giúp nâng cao năng lực công nghệ, mang lại hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Minh Hùng (Phó Giám đốc Kỹ thuật KCS – Công ty CP Chế biến thủy hải sản Liên Thành) chia sẻ các thông tin yêu cầu công nghệ tại sự kiện
Tại sự kiện, ông Nguyễn Minh Hùng (Phó Giám đốc Kỹ thuật KCS – Công ty CP Chế biến thủy hải sản Liên Thành) cho biết, doanh số của thị trường nước mắm Việt Nam theo thống kê năm 2020 đạt 500 triệu USD (khoảng 12.000 tỷ đồng). Tiềm năng phát triển của ngành sản xuất và xuất khẩu nước mắm còn rất lớn. Hiện cả nước có hơn 4200 cơ sở sản xuất nước mắm, sản lượng trung bình đạt 380 triệu lít/năm (trong năm 2020), giá trị xuất khẩu đạt 28,53 triệu USD (năm 2021).
Trong đó, Liên Thành là một thương hiệu nước mắm lâu đời nhất tại Việt Nam với bề dày lịch sử gần 120 năm và gắn liền với tinh thần Duy Tân yêu nước. Điểm nổi bật của Liên Thành là hệ thống sản xuất khép kín với tiêu chuẩn “5 chọn 4 chuẩn”. Với tiêu chuẩn này, quy trình sản xuất được kiểm soát từ giai đoạn thu mua đến đưa thành phẩm ra thị trường, giúp bảo đảm chất lượng sản phẩm. Nhờ vậy, nhiều năm liền Liên Thành đều đạt được các tiêu chuẩn chất lượng như ISO 9001:2015, ISO 14001: 2015, HACCP Codex 2020; các chứng nhận Halal, EU Code NM 469, NM 563 & NM 564, FDA, hàng Việt Nam chất lượng cao,… Đặc biệt, Liên Thành là một trong số ít doanh nghiệp xuất khẩu được sản phẩm nước mắm vào các thị trường “khó tính” như EU, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ,…
Để đáp ứng các mục tiêu phát triển, Liên Thành luôn tìm kiếm các giải pháp công nghệ mới, áp dụng những quy trình sản xuất hiện đại đế đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của khách hàng cũng như thị trường. Tham gia sự kiện kết nối ý tưởng, Liên Thành mong muốn được kết nối, tìm hiểu và nhận chuyển giao công nghệ dây chuyền chiết rót và dán nhãn tự động chai nước mắm thuỷ tinh 500ml công suất 30.000 chai/ngày.
Các đơn vị cung ứng đã giới thiệu, đề xuất các giải pháp công nghệ như Công ty The Packaging Technology giới thiệu “Dây chuyền tích hợp đóng gói cho sản phẩm nước mắm công nghệ châu Âu”; Công ty TNHH Giải pháp Công nghệ Phát Đạt trình bày về “Hệ thống dán băng keo thùng tự động”; Công ty CP Machinex Việt Nam giới thiệu “Dây chuyền chiết rót, dán nhãn chai nước mắm dung tích 500ml”.
Đề xuất giải pháp cho doanh nghiệp, đại diện The Packaging Technology giới thiệu các loại máy chiết rót, máy dán nhãn, máy kiểm tra chai thủy tinh sau chiết rót, dây chuyền đóng gói. Sản phẩm đã được cung cấp cho các doanh nghiệp lớn sử dụng trong các dây chuyền sản xuất nước uống đóng chai, dầu ăn, nước trái cây, nước mắm,… với công suất cao (máy chiết rót công suất 12.000 – 14.000 chai/giờ).
Ông Trần Quốc Việt (Giám đốc điều hành Công ty TNHH Giải pháp Công nghệ Phát Đạt) đề xuất giải pháp cho doanh nghiệp
Về hệ thống dán băng keo thùng tự động, đại diện Công ty Phát Đạt cho biết, hệ thống được sử dụng phổ biến tại nhiều hãng sản xuất nước mắm, phục vụ các công đoạn kiểm tra trọng lượng, gấp và dán thùng, cấp sản phẩm (chai) vào thùng, lấy thùng và dán đáy. Hệ thống gồm máy dựng thùng dán đáy (tự động bung thùng, dán đáy, công suất 10 thùng/phút); máy dán và gấp thùng tự động (công suất 20m/phút); máy in date – barcode (kết nối tự động với máy dán thùng, in được ngày tháng sản xuất, hạn dùng, QRcode, logo, thông tin biến đổi,…); máy kiểm tra trọng lượng (kết nối tự động với máy dán thùng, giúp phát hiện thiếu sản phẩm trong thùng trong quá trình cấp sản phẩm vào thùng, loại bỏ thùng bị thiếu sản phẩm);… Hệ thống có thể chuyển giao ứng dụng cho doanh nghiệp sản xuất nước mắm với các ưu điểm giúp tiết kiệm không gian, thời gian, tiết kiệm nhân công, chi phí đầu tư thấp, tiện lợi khi sử dụng.
Phần trao đổi, thảo luận giữa doanh nghiệp và đơn vị cung ứng tại sự kiện
Đề xuất giải pháp “Dây chuyền chiết rót, dán nhãn chai nước mắm dung tích 500ml”, đại diện Machinex Việt Nam cho biết, đối với yêu cầu của Liên Thành, có thể ứng dụng dây chuyền nhập khẩu với công suất 4000 chai/giờ. Dây chuyền được đề xuất gồm máy súc rửa tự động, máy chiết rót tự động, máy xoáy nắp tự động và các thiết bị khác. Dây chuyền này có ưu điểm là tính tự động hóa cao, liên hoàn từ đầu đến cuối các công đoạn cấp chai không, rửa chai, thổi khí nóng làm ráo chai, chiết rót, đóng nắp, dán nhãn, in date và đóng thùng. Trong đó, hệ thống chiết rót tự động với 36 vòi chiết, định lượng bằng motor hồi lưu giúp đảm bảo độ chính xác cao. Doanh nghiệp cũng có thể ứng dụng dây chuyền sản xuất trong nước với chi phí đầu tư thấp hơn, tùy biến các tính năng tương tự.
Hoạt động ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác chuyển giao công nghệ
Thông qua các phần trình bày và trao đổi, thảo luận tại sự kiện kết nối ý tưởng, chương trình đã ghi nhận một số biên bản ghi nhớ nhằm kết nối thương thảo hợp tác và đi đến chuyển giao công nghệ giữa các doanh nghiệp và nhà cung ứng. Cụ thể như các biên bản ghi nhớ chuyển giao dây chuyền tích hợp đóng gói cho sản phẩm nước mắm công nghệ châu Âu; biên bản ghi nhớ chuyển giao hệ thống dán băng keo thùng tự động; biên bản ghi nhớ chuyển giao dây chuyền chiết rót, dán nhãn chai nước mắm dung tích 500ml,… Sau phiên kết nối, các đơn vị có nhu cầu sẽ tiếp tục được CESTI hỗ trợ để làm việc trực tiếp với nhà cung ứng, tiếp tục thảo luận, đàm phán để đi đến hợp tác, chuyển giao công nghệ.
Lam Vân (CESTI)