Dây chuyền "Công nghệ sản xuất nước cốt chanh mật ong" cho HTX ở Đồng Tháp do CESTI kết nối, chính thức vận hành

Đây là mô hình xuất phát từ gợi ý chuyển giao công nghệ của Sở Khoa học và Công nghệ Đồng Tháp, cùng sự chủ động kết nối, liên hệ khảo sát ngay lập tức từ phía TP.HCM nhằm giải quyết nhanh các bài toán sản xuất thực tiễn của hợp tác xã địa phương.
Ngày 11/7/2023, Hợp tác xã Dịch vụ Công nghệ Mỹ Long, xã Mỹ Long, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp đã chính thức đưa vào vận hành dây chuyền công nghệ "Công nghệ sản xuất nước cốt chanh mật ong". Đây là mô hình kết nối, hợp tác và chuyển giao công nghệ do Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ (CESTI, thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đồng Tháp; Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Mỹ Long, xã Mỹ Long, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp" đơn vị có nhu cầu; Trường Đại học Bách Khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM) đơn vị tư vấn chuyển giao. Tham dự buổi khánh thành có ông Nguyễn Hồng Thắng - Giám đốc Trung tâm Kiểm định và Kiểm nghiệm, thuộc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đồng Tháp; ông Nguyễn Nhật Quang - Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Đồng Tháp; ông Nguyễn Văn Sỹ - Chủ tịch UBND xã Mỹ Long, huyện Cao Lãnh và đại diện các phòng ban chuyên môn thuộc xã; bà Dương Thoại Mỹ - Giám đốc Hợp tác Dịch vụ Nông nghiệp Mỹ Long cùng đại diện bà con trong hợp tác xã; PGS.TS Huỳnh Thị Thuỳ Thu Trà và ThS. KS. Huỳnh Trung Việt - Trường Đại học Bách Khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM); ông Nguyễn Hữu Minh Trí - Phòng Giao dịch công nghệ Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ (CESTI, thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM)...
 
1172023DT3.jpg
 
Sản phẩm nước cốt chanh mật ong của Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Mỹ Long, xã Mỹ Long, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp
 
Được biết, với sự đồng hành của ngành nông nghiệp, tình hình sản xuất nông nghiệp của nông dân có bước chuyển đáng kể. Hiện nay, tại huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp đã hình thành vùng chuyên canh cây chanh không hạt ở xã Mỹ Long, Mỹ Hiệp và Bình Thạnh nhiều giống cây trồng khác như cây xoài ở xã Mỹ Xương, cây ổi ở xã Bình Trung, Bình Tây, Mỹ Long… So với cây lúa, cây chanh đang đem lại giá trị cao gấp 3 - 5 lần, quy trình sản xuất đơn giản, chi phí đầu tư thấp, không đòi hỏi nhiều công lao động. Với nhiều ưu điểm, cây chanh dần trở thành cây trồng chủ lực của một số hộ nông dân. Từ hiệu quả cao của cây chanh, nhiều nhà vườn đã phá bỏ vườn tạp, những loại cây trồng kém hiệu quả, mạnh dạn đầu tư trồng mới, phát triển diện tích vườn cây chanh không hạt.
 
Tại huyện Cao Lãnh, chanh được thương lái thu mua tại vườn và vận chuyển đi chợ đầu mối TP.HCM và các tỉnh lân cận, với giá thu mua tại vườn từ 15.000 đồng đến 20.000 đồng/kg, tùy theo thời điểm. Trên thực tế, ở thời điểm rộ mùa hoặc mỗi khi thời tiết bất thuận các chủ vựa mua ít thì giá chanh lại xuống thấp chỉ còn 6.000 - 8.000 đồng/kg đối với chanh tốt và 2.000 - 3.000 đồng/kg đối với chanh không đạt yêu cầu. Do đó, việc định hình công nghiệp chế biến các sản phẩm từ chanh không hạt là cần thiết. Chính vì vậy, việc tiếp cận và chuyển giao công nghệ “Công nghệ sản xuất nước cốt chanh mật ong tại Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Mỹ Long, xã Mỹ Long, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp", được hình thành nhằm đa dạng hóa sản phẩm từ chanh và góp phần nâng cao giá trị gia tăng cho cây chanh không hạt đang trồng tại Đồng Tháp.
 
"Chanh không hạt của Mỹ Long đã được chứng nhận OCOP 3 sao, hiện nay Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Mỹ Long cũng đang phối hợp với các đơn vị liên quan để hình thành thêm vùng chuyên canh chanh không hạt với diện tích 100ha, vừa phục vụ xuất khẩu chanh tươi, vừa là nguyên liệu sản xuất nước chang mật ong. Về dây chuyền công nghệ sản xuất nước chanh mật ong, chúng tôi rất cảm ơn Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ của Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, Trường Đại học Bách Khoa TP.HCM, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đồng Tháp và các đơn vị ban ngành đã hỗ trợ kết nối, tư vấn chuyển giao và đặc biệt là nhờ có Nghị quyết 44 của tỉnh Đồng Tháp về chính sách khuyến khích các tổ chức kinh tế đầu tư vào hoạt động khoa học và công nghệ mà Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Mỹ Long được ngân sách nhà nước hỗ trợ lên đến 50% giá trị dự án. Hơn thế nữa, Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Mỹ Long cũng vừa mới nhận được những tin vui đầu tiên là sản phẩm nước chanh mật ong đã có đơn vị đặt hàng", bà Dương Thoại Mỹ - Giám đốc Hợp tác Dịch vụ Nông nghiệp Mỹ Long chia sẻ.
 
1172023DT2.jpg
 
Bà Dương Thoại Mỹ - Giám đốc Hợp tác Dịch vụ Nông nghiệp Mỹ Long phát biểu khánh thành dây chuyền công nghệ "Công nghệ sản xuất nước cốt chanh mật ong"
 
Theo thỏa thuận, nhóm chuyên gia chuyển giao công nghệ sản xuất nước cốt chanh mật ong (chiết xuất từ chanh tươi tại vùng trồng của huyện Cao Lãnh, mật ong rừng U Minh của Cà Mau cho ra sản phẩm nước cốt chanh mật ong, không sử dụng chất bảo quản), công suất 120-150 lít/mẻ (4-5 giờ), trung bình 3-4 mẻ mỗi ngày để Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Mỹ Long triển khai ứng dụng vào sản xuất. Bên cung công nghệ chịu trách nhiệm bảo hành kỹ thuật và hỗ trợ tư vấn công nghệ trong thời gian 6 tháng. Hệ thống thiết bị đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật về môi trường, an toàn lao động, và vệ sinh thực phẩm, được bảo hành 12 tháng. Tổng giá trị hợp đồng đạt mức trên 300 triệu đồng.
 
"Kết quả, sau 3 tháng vận hành thử nghiệm, nhóm chuyên gia đã xác định được nguyên liệu chanh không hạt trồng tại tỉnh Đồng Tháp đạt yêu cầu về các chỉ tiêu cảm quan, hóa lý để sản xuất sản phẩm chanh mật ong; Đã hoàn thiện quy trình sản xuất sản phẩm Chanh mật ong và chuyển giao công nghệ thành công cho tại Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Mỹ Long, xã Mỹ Long, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp tạo ra sản phẩm chanh mật ong đảm bảo yêu cầu chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm; Đào tạo các kỹ thuật viên có đủ năng lực về kiến thức và kỹ năng phục vụ sản xuất... Sản phẩm đã hoàn thiện về bao bì, nhãn mác để thương mại theo yêu cầu của đơn vị tiếp nhận kết quả dự án là Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Mỹ Long. Hy vọng trong tương lai, đơn vị nhân chuyển giao công nghệ sẽ nắm vững được quy trình, công nghệ, con người để nâng cao chất lượng sản phẩm và quy mô sản xuất. Đồng thời, cũng từ quy trình này, với ưu thế của các loại cây trồng và vùng nguyên liệu khác đang sẵn có tại địa phương, các hợp tác xã, doanh nghiệp và chính quyền địa phương sẽ tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng dây chuyền công nghệ này hoặc các công nghệ tiên tiến khác vào sản xuất nhằm nâng cao giá trị nông sản, tăng thu nhập cho người dân, phát triển kinh tế xanh bền vững tại địa phương mình", ThS. KS. Huỳnh Trung Việt - Trường Đại học Bách Khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM) đại diện nhóm chuyên gia chia sẻ.
 
1172023DT1.jpg
 
ThS. KS. Huỳnh Trung Việt, đại diện đơn vi tư vấn cùng đơn vị kết nối và nhận chuyển giao trao đổi thêm về dây chuyền sản xuất nước cốt chanh mật ong, sau 3 tháng vận hành thử nghiệm
 
Được biết, trước đó, xuất phát từ gợi ý chuyển giao công nghệ của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đồng Tháp, cùng sự chủ động kết nối - liên hệ khảo sát ngay lập tức từ phía TP.HCM nhằm giải quyết nhanh bài toán sản xuất thực tiễn của hợp tác xã địa phương.
 
Cụ thể, ngày 28/12/2022, đoàn công tác của Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ (CESTI, thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) phối hợp cùng các chuyên gia, doanh nghiệp công nghệ thực hiện hiện khảo sát nhu cầu cần chuyển giao công nghệ tại một số doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất ở các huyện Lai Vung, Châu Thành, Tam Nông, Cao Lãnh...
Sau quá trình trao đổi giữa các bên, Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Mỹ Long đồng ý tiếp nhận chuyển giao công nghệ “Công nghệ sản xuất nước cốt chanh mật ong”.
 
1172023dt4.jpg
 
Ông Lê Văn Nam - Thành viên Hội đồng quản trị Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Mỹ Long, chia sẻ về dây chuyền công nghệ "Công nghệ sản xuất nước cốt chanh mật ong" thực tế tại Hợp tác xã của mình
 
Hợp đồng chuyển giao công nghệ “Công nghệ sản xuất nước cốt chanh mật ong” không chỉ mở ra hướng sản xuất mới cho Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Mỹ Long, mà còn là minh chứng cho sự phối hợp tích cực, chủ động giữa các bên kết nối - cung - cầu công nghệ. Theo đó, hoạt động thương mại hóa công nghệ - đưa công nghệ vào ứng dụng trong thực tiễn sản xuất kinh doanh ngày càng có hiệu quả, gắn liền kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ với doanh nghiệp - cơ sở sản xuất, từng bước góp phần vào phát triển, tăng trưởng kinh tế - xã hội.
 
1172023dt5.jpg
 
Đại diện chính quyền địa phương, đơn vị kết nối cùng với đơn vị tư vấn chuyển giao và nhận chuyển giao cùng chụp hình lưu niệm tại buổi khánh thành và ra mắt sản phẩm
 
Trong thời gian tới, Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Mỹ Long, xã Mỹ Long, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp sẽ hoàn thiện hồ sơ tự công bố chất lượng sản phẩm để sản xuất sản phẩm chanh mật ong phục vụ người tiêu dùng, góp phần làm gia tăng chuỗi giá trị cây chanh của địa phương.
Nhật Linh (CESTI)
Scroll