Techmart chuyên ngành “Công nghệ xanh, năng lượng tái tạo và xử lý môi trường phục vụ chuyển đổi công nghiệp trên địa bàn TP.HCM” được tổ chức với mục tiêu thúc đẩy phát triển thị trường khoa học và công nghệ, tạo điều kiện đưa công nghệ mới ứng dụng trong sản xuất. Cụ thể, Techmart lần này đã giới thiệu các giải pháp thuộc lĩnh vực: Khảo sát đánh giá hiện trạng năng lượng; Công nghệ chuyển đổi số trong hoạt động quản lý điều hành; Lĩnh vực năng lượng tái tạo; Kiểm soát, xử lý nước thải, khí thải… Đồng thời tại sự kiện, các chuyên gia từ các viện nghiên cứu và trường đại học cũng đã tư vấn, giải đáp các thắc mắc liên quan đến các công nghệ hiện có và giới thiệu các công nghệ mới tại Việt Nam, sẵn sàng hợp tác và chuyển giao cho các doanh nghiệp, cá nhân có nhu cầu.
Sau năm ngày diễn ra (từ ngày 21/9 đến ngày 25/9/2024, tại trục đường Nguyễn Huệ, phường Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM), được sự chỉ đạo của Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, sự kiện do Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ (CESTI) tổ chức bằng hình thức trực tiếp đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình và đạt được hiệu quả tích cực, với hàng trăm lượt khách đến tham quan, tìm hiểu công nghệ, kết nối tư vấn và tham dự các hoạt động trực tiếp, hàng ngàn lượt xem các hội thảo trên Facebook và Youtube, hàng chục cơ quan báo đài, truyền thông đưa tin…
Theo Ban tổ chức, Techmart lần này đã trưng bày, giới thiệu thu hút hơn 100 công nghệ của 50 doanh nghiệp, trường, viện tham gia trưng bày quảng bá và xúc tiến thương mại (tại Khu vực số 3 - Khu vực triển lãm sản phẩm công nghệ xanh, năng lượng tái tạo, xử lý môi trường (Techmart)).
Sự kiện thu hút các đại diện đến từ các Sở ban ngành; doanh nghiệp trong các lĩnh vực công nghệ xanh, năng lượng tái tạo, xử lý môi trường; các trường đại học, viện/trung tâm nghiên cứu, các cơ quan báo đài… đến tham quan các gian hàng và tham dự 13 Hội thảo. Ngoài ra, triển lãm còn thu hút được hàng ngàn lượt truy cập tham quan gian hàng, Hội thảo trực tuyến trên nền tảng Google Meet; phát livestream Lễ khai mạc và các Hội thảo trên Facebook và Youtube.
Trong đó, sự kiện đón tiếp nhiều khách tham dự là lãnh đạo, đại diện các Sở ban ngành như: Sở Xây dựng TP.HCM, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, Sở Giao thông vận tải TP.HCM, Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Đồng Tháp, Bạc Liêu, Bình Định, Quảng Trị; Sở Xây dựng Bình Định, Sở Công Thương Bạc Liêu, Sở Giao thông vận tải An Giang, Sở Giao thông vận tải Quảng Ngãi, cùng nhiều đại diện của các viện, trường đại học, trung tâm. Đặc biệt, là đoàn đại biểu là lãnh đạo của địa phương, bộ ngành quốc tế có quan hệ hữu nghị hợp tác với TP.HCM.
Nhiều sản phẩm, giải pháp, công nghệ và thiết bị có tính ứng dụng cao, thu hút khách tham quan, hứa hẹn giao dịch mua bán, chuyển giao thành công sau Techmart. Đáng chú ý là các công nghệ và thiết bị trong lĩnh vực Công nghệ xanh; Năng lượng tái tạo; Công nghệ và thiết bị xử lý môi trường… Đây là những giải pháp tự động hóa hiện đại, sử dụng ít năng lượng, giảm lượng chất thải và ô nhiễm điển hình như: Giải pháp ASOFT - ERP tối ưu nguồn lực 4M ứng dụng công nghệ IoT và AI cho nhà máy thông minh; Giải pháp an ninh thông minh Smart Lock tích hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo AI cho nhà máy/doanh nghiệp sản xuất; Robot CNC tạo mẫu và gia công khuôn tích hợp cảm biến IoT sử dụng trong dây chuyền sản xuất tự động; Quy trình sản xuất chế phẩm phủ sinh học bảo vệ các vật liệu tự nhiên; Công nghệ xử lý nước thải bằng AAO; Công nghệ điện mặt trời nổi trên mặt nước; Hệ thống đỗ xe thông minh kiểu xếp hình (Puzzle Parking); Ứng dụng xe AGV trong nhà máy và kho thông minh…
Khu tư vấn với đội ngũ 8 chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực Công nghệ xanh, năng lượng tái tạo và xử lý môi trường thường trực tư vấn trực tiếp và trực tuyến miễn phí đã ghi nhận hơn sáu mươi lượt kết nối/ biên bản tư vấn, giải đáp nhiều thông tin, yêu cầu của các cá nhân, doanh nghiệp góp phần vào sự thành công của Techmart lần này. Một số nội dung tư vấn đáng chú ý như: Thiết bị bơm IoT trong hệ thống xử lý nước thải; Giải pháp công nghệ AI trong việc sử dụng máy bay không người lái để bảo trì tuabin gió; Tư vấn các vật liệu giảm phát thải trong lĩnh vực xây dựng… sau sự kiện các đơn vị và các chuyên gia tư vấn sẽ tiếp tục trao đổi và tham khảo tài liệu trước khi thực hiện các bước tiếp theo.
Tại Techmart cũng diễn ra 13 chuyên đề Hội thảo (tại Khu vực số 7 - Không gian kết nối giao thương, tương tác, trải nghiệm) với đa dạng các hình thức từ trực tiếp, trực tuyến, đến phát livestream… tạo nên sức hút và sự lan tỏa mạnh mẽ đến cộng đồng. Trong đó, các chuyên đề Hội thảo được trình bày bởi các chuyên gia, nhà nghiên cứu đến từ các trung tâm nghiên cứu, trường đại học đã cung cấp nhiều thông tin hữu ích về các xu hướng nghiên cứu mới, tình hình phát triển và ứng dụng công nghệ, sản phẩm nghiên cứu trong lĩnh vực Công nghệ xanh - Năng lượng tái tạo - Công nghệ thiết bị xử lý môi trường.
Tiêu biểu như: “Hệ thống đo lường và giám sát từ xa chất lượng môi trường không khí cho khu công nghiệp, khu dân cư dựa trên nền tảng IoT” - trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM; “Công nghệ khí hóa xử lý rác thải rắn trong sản xuất công nghiệp - chế biến tạo năng lượng phục vụ quá trình sấy và bảo quản nông sản, thực phẩm” - trường Đại học Công nghiệp TP.HCM; “Giải pháp điều khiển phân tán hệ thống quản lý năng lượng tái tạo sử dụng công nghệ AI tối ưu chi phí sản xuất trong nhà máy” - trường Đại học Bách khoa TP.HCM (Đại học Quốc gia TP.HCM); “Robot cộng tác (Cobot Universal Robots) và ứng dụng trong nhà máy sản xuất” - Công ty Cổ phần Công nghệ Hợp Long; “Mô hình xác định sản lượng năng lượng mặt trời và hệ thống giám sát, phát hiện, chẩn đoán lỗi dàn pin quang điện dựa trên nền tảng IoT”, - trường Đại học Lạc Hồng…
Với những kết quả đạt được, Techmart chuyên ngành “Công nghệ xanh, năng lượng tái tạo và xử lý môi trường phục vụ chuyển đổi công nghiệp trên địa bàn TP.HCM” đáp ứng kỳ vọng kết nối các tổ chức, doanh nghiệp góp phần xây dựng hệ sinh thái sản xuất xanh, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn thông qua khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và năng lượng dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số.
Nhật Linh (CESTI)