Sáng 9/11/2023, Ủy ban nhân dân TP.HCM phối hợp với Ban chỉ đạo số chuyển đổi số ngành giáo dục đào tạo tổ chức Hội thảo chuyển đổi số trong giáo dục vùng Đông Nam Bộ và TP. Cần Thơ với chủ đề “Khai thác dữ liệu - kiến tạo giá trị”.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Dương Anh Đức - Thành ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM, Trưởng Ban chỉ đạo chuyển đổi số ngành giáo dục TP.HCM cho rằng, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, nhằm đổi mới phương pháp giảng dạy, học tập và quản lý, góp phần nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục.
Theo chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, giáo dục và đào tạo là một trong những lĩnh vực được ưu tiên chuyển đổi số.
Vùng Đông Nam Bộ có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước.
Nghị quyết 24/NQ-TW của Bộ Chính trị xác định Đông Nam Bộ phải là vùng phát triển năng động, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, dịch vụ, giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số hàng đầu cả nước và khu vực Đông Nam Á, giữ vai trò quan trọng trong liên kết phát triển với các vùng kinh tế khác.
Để giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của mình và tiếp tục nâng cao những đóng góp cho kinh tế quốc gia, Vùng Đông Nam Bộ rất quan tâm đầu tư vào những lĩnh vực mới.
“Trong thời đại hiện nay nếu chúng ta không quan tâm đến chuyển đối số nghĩa là chúng ta đang tụt hậu. Chính vì vậy, chủ đề Hội thảo ngày hôm nay có một ý nghĩa rất quan trọng. Những định hướng, góp ý trong Hội thảo sẽ góp phần vào kết quả tích cực của công tác chuyển đổi số giáo dục và là động lực quan trọng để ngành giáo dục và đào tạo của TP.HCM, vùng Đông Nam Bộ, TP. Cần Thơ và cả nước tiếp tục phấn đấu, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tiếp tục tiến trình chuyển đối số toàn diện hơn”, PGS.TS Dương Anh Đức - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM nhấn mạnh.
PGS.TS Dương Anh Đức - Thành ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM, Trưởng Ban chỉ đạo chuyển đổi số ngành giáo dục TP.HCM phát biểu khai mạc Hội thảo
Cũng theo PGS.TS Dương Anh Đức, giáo dục và đào tạo là một trong những yếu tố quan trọng nhất trong chỉ số năng lực cạnh tranh của khu vực, chuyển đối số trong giáo dục luôn được quan tâm và đầu tư như một giải pháp mũi nhọn nhằm nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của địa phương. Không những vậy, chuyển đổi số cũng là một trong những lĩnh vực mà thời gian qua TP.HCM cùng với các tỉnh thành bạn đang tập trung phát triển. Hiện hạ tầng số của ngành giáo dục đã có những bước phát triển một cách rõ nét.
“Để có thể chuyển đổi số thành công là một việc không dễ bởi chuyển đối số không chỉ là vấn đề của công nghệ. Công nghệ suy cho cùng chỉ là công cụ, con người và ý thức là quan trọng nhất. Do đó để thực hiện tốt và hiệu quả công tác chuyển đối số trong giáo dục, phải nhìn rõ bản chất của vấn đề để xác định đâu là mấu chốt, đâu là vướng mắc, từ đó tập trung xây dựng công cụ, cơ chế. Riêng TP.HCM, lãnh đạo Thành phố cũng đã có nhiều chỉ đạo ngành giáo dục và đào tạo của Thành phố chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện các nhiệm vụ, qua quá trình thực hiện đã ghi nhận được những hiệu quả tích cực”, PGS.TS Dương Anh Đức - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM chia sẻ thêm.
Toàn cảnh Hội thảo chuyển đối số trong giáo dục vùng Đông Nam Bộ và TP. Cần Thơ với chủ đề “Khai thác dữ liệu- kiến tạo giá trị”
Có phần trình bày tham luận tại Hội thảo, TS. Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM cho rằng, chuyển đổi số ngành giáo dục và đào tạo là quá trình thay đối về tư duy, cách thức hành động của cá nhân và vận hành của tổ chức trong hệ thống giáo dục. Sự thay đổi này được tạo điều kiện bởi công nghệ, được phát triển bởi sự tiếp nhận và tham gia tích cực của cộng đồng và được dẫn dắt bởi sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ khai thác nguồn vốn chính sang khai thác nguồn vốn dữ liệu
Tại TP.HCM, ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện công tác quản lý giáo dục đã được triển khai đồng bộ, thống nhất từ các phòng, ban tới các trung tâm, đơn vị trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo trong nhiều năm.
Việc khai thác, sử dụng phần mềm quản lý văn bản hành chính, quản lý điều hành đã góp phần nâng cao hiệu quả các hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành.
“Hiện tại, nhu cầu vô cùng bức thiết đặt ra cho ngành giáo dục và đào tạo của Thành phố là phải tập trung phát triển các giải pháp chia sẻ, tích hợp dữ liệu để hình thành một cơ sở dữ liệu tích hợp tập trung duy nhất tại Sở; hướng tới việc xây dựng hệ thống thông tin ngành giáo dục trên cơ sở tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các thành viên của hệ thống, đồng thời đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn kỹ thuật và kết nối được với các hệ thống thông tin ngành. Song song với việc đẩy mạnh các ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động quản lý và đào tạo, Sở đã duy trì một cơ sở dữ liệu thông tin chung về giáo dục của toàn Thành phố, gồm thông tin về danh sách các cơ sở giáo dục công lập, ngoài công lập và các trung tâm, doanh nghiệp thực hiện công tác đào tạo, tư vấn, giáo dục và hướng nghiệp; thông tin về cơ sở vật chất các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố; thông tin về danh sách học sinh, học viên; thông tin về danh sách nhân sự ngành giáo dục và đào tạo cũng như nhân sự các trung tâm, doanh nghiệp thực hiện công tác đào tạo, tư vấn, giáo dục và hướng nghiệp trên địa bàn”, TS. Nguyễn Văn Hiếu chia sẻ.
TS. Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM trình bày phần tham luận tại Hội thảo
Cũng tại Hội thảo, TS. Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM đã thông tin về 10 mục tiêu chuyển đổi số của ngành giáo dục và đào tạo đến năm 2025 định hướng 2030 bao gồm.
(1) Đảm bảo hạ tầng kỹ thuật và trang thiết bị CNTT trường học bao gồm: máy tính, đường truyền và trang thiết bị phù hợp để thực hiện các mô hình dạy học mới.
(2) Nâng cao vai trò của hệ thống thông tin quản lý thông qua đẩy mạnh hoạt động xác thực dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước, liên thông dữ liệu giữa các hệ thống từ đó nâng cao chất lượng dữ liệu đáp ứng các yêu cầu quản lý, điều hành.
(3) Thúc đẩy mô hình dạy học kết hợp như lớp học thông minh, bài giảng tương tác nhằm mở rộng hoạt động học tập của học sinh ra ngoài phạm vi lớp học.
(4) Tạo lập kho học liệu số dùng chung cho toàn ngành giúp giáo viên xây dựng và triển khai các bài giảng trên môi trường LMS nhanh chóng và hiệu quả hơn.
(5) Phát triển nền tảng số phục vụ hoạt động dạy học và các khóa học trực tuyến đại chúng mở (MOOCs) để tạo điều kiện cho học tập linh hoạt và tiếp cận rộng rãi hướng đến xây dựng xã hội học tập và phục vụ cho mục tiêu học tập suốt đời cho người dân Thành phố.
(6) Đẩy mạnh bồi dưỡng đào tạo giúp nâng cao nhận thức và kỹ năng số của đội ngũ nhân sự giúp giáo viên, cán bộ quản lý hiểu và sử dụng công nghệ một cách hiệu quả.
(7) Triển khai các chứng chỉ tin học chuẩn quốc tế.
(8) Tích hợp hợp tác với cộng đồng doanh nghiệp Edtech để cung cấp đến các đơn vị và cá nhân nhiều giải pháp công nghệ tiên tiến; thu hút nguồn vốn đầu tư vào thị trường công nghệ giáo dục.
(9) Xây dựng cơ chế và chính sách hỗ trợ để đảm bảo và thúc đẩy sự phát triển của công nghệ trong giáo dục.
(10) Giám sát và đánh giá định kỳ xây dựng và triển khai các kế hoạch kiểm tra đánh giá định kỳ để đảm bảo các nỗ lực chuyển đổi số của các cấp chính quyền, cơ sở đạt hiệu quả và theo đúng định hướng chung.
Các đơn vị ký kết thỏa thận hợp tác, quá trình này kéo dài 2 năm tính từ thời điểm các bên ký kết
Được biết tại Hội thảo, Sở Giáo dục và Đào tạo 6 tỉnh vùng Đông Nam Bộ gồm: TP.HCM, Bà Rịa -Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh cũng đã tiến hành ký kết thỏa thuận hợp tác triển khai các giải pháp tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số cho ngành giáo dục và đào tạo cũng như các đơn vị, trường học trên địa bàn, với thời gian 2 năm. Qua đó, nhằm mục tiêu xây dựng thành công mô hình giáo dục thông minh và phát triển xã hội số trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo theo Kế hoạch chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Trước đó, hồi cuối tháng 5/2023, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM cũng đã ký kết Chương trình hợp tác giai đoạn 2023-2025 với Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM nhằm thiết lập mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa hai bên, hướng đến các mục tiêu: (1) Thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo trong khu vực công; hỗ trợ chuyển đổi số tại Sở Giáo dục và Đào tạo; nâng cao năng lực quản lý về giáo dục và đào tạo trên địa bàn Thành phố; (2) Đổi mới mô hình dạy và học, nâng cao hiệu quả công tác dạy và học trên địa bàn Thành phố.
Sự hợp tác giữa Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM và Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM sẽ góp phần nâng cao vai trò của khoa học và công nghệ trong quá trình phát triển kinh tế xã hội, gắn kết cơ quan quản lý và cộng đồng khởi nghiệp, tạo động lực thúc đẩy nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo trong khu vực công cho ngành giáo dục và đào tạo, góp phần phát triển bền vững hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp của TP.HCM.
Nhật Linh