Bước đột phá trong tư duy phát triển khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số

Ngày 22/12/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Nghị quyết được coi như một mũi nhọn, tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn về thể chế, để giải phóng sức sáng tạo, sức lao động, nguồn lực đầu tư của toàn xã hội cho khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
 
Đội ngũ kỹ sư của Viettel thiết kế và sản xuất thiết bị 5G
 
Những điểm mới đột phá
​Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cho rằng, hiện nay, việc đẩy mạnh phát triển khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số vẫn thực hiện theo Nghị quyết số 20-NQ/TW, Kết luận số 69-KL/TW và Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị, với tính chất toàn diện, tổng thể.
 
Nghị quyết số 57-NQ/TW (Nghị quyết) tập trung vào các điểm nghẽn trong thể chế và đưa ra quan điểm, cơ chế để giải quyết những bất cập lâu nay trong phát triển khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.
 
Nghị quyết số 57-NQ/TW (Nghị quyết) tập trung vào các điểm nghẽn trong thể chế và đưa ra quan điểm, cơ chế để giải quyết những bất cập lâu nay trong phát triển khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.
 
​Lần đầu tiên, khoa học-công nghệ cùng với đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số được đặt lên ở vị trí “là đột phá quan trọng hàng đầu”. Khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là ba trụ cột chính để phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới. ​
 
​Nghị quyết xác định đầu tư cho khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số là lâu dài, chấp nhận rủi ro; thúc đẩy hợp tác giữa các viện nghiên cứu, trường đại học với các doanh nghiệp; tăng đầu tư cho khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; ngân sách chi cho nghiên cứu, phát triển khoa học-công nghệ ưu tiên thực hiện theo cơ chế quỹ; hoàn thiện đồng bộ các quy định pháp luật về khoa học-công nghệ, đầu tư, đầu tư mua, sắm công, tài sản công, ngân sách nhà nước, sở hữu trí tuệ…
 
​Theo ông Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội Viettel, Nghị quyết xác định mục tiêu đến năm 2030, kinh phí chi cho nghiên cứu phát triển đạt 2% GDP, xấp xỉ 9 tỷ USD/năm là một khoản ngân sách lớn sẽ thúc đẩy mạnh mẽ việc nghiên cứu phát triển khoa học-công nghệ của Việt Nam.
 
​Đặc biệt, Nghị quyết có những quan điểm bắt kịp xu thế phát triển của thế giới về khoa học-công nghệ, chuyển đổi số như: Coi dữ liệu là nguồn tư liệu sản xuất mới; chuyển đổi số để đổi mới phương thức sản xuất kinh doanh, đổi mới lực lượng sản xuất; được sử dụng ngân sách thuê chuyên gia; có cơ chế thử nghiệm các công nghệ mới...
 
Ông Thắng cho rằng, việc có cơ chế cho thí điểm thử nghiệm công nghệ mới là chủ trương đột phá cho phép các doanh nghiệp nhà nước như Viettel mạnh dạn nghiên cứu thử nghiệm, làm chủ và đưa vào áp dụng các công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới mà có rủi ro thiệt hại về kinh tế do các nguyên nhân khách quan.
 
​Bên cạnh tháo gỡ các rào cản, Nghị quyết mang tính hành động cao, yêu cầu cả bộ máy chính trị, xã hội, người dân phải có hành động cụ thể. Thí dụ, Nghị quyết yêu cầu rà soát, cơ cấu lại hệ thống tổ chức khoa học-công nghệ công lập, sáp nhập, giải thể những tổ chức yếu kém và hoạt động chưa hiệu quả; xây dựng, triển khai chương trình công nghệ chiến lược, công nghiệp chiến lược; tập trung nguồn lực đầu tư để phát triển hạ tầng số, hạ tầng viễn thông …
 
​Nhiều nhà khoa học nhận định, Nghị quyết như một lời hiệu triệu tất cả các lực lượng trong xã hội cùng nhau cống hiến để phát triển đất nước trong giai đoạn mới. Từ lực lượng quản lý nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp đến người dân đều phải nhìn nhận lại cách thức hoạt động của mình để có những chuyển biến và hành động rõ ràng, quyết liệt.
 
Ông Nguyễn Nhị Điền, Chủ tịch Hội Năng lượng nguyên tử Việt Nam cho rằng, Nghị quyết đánh giá đúng vai trò của khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số đối với sự phát triển của đất nước. Nhà nước tạo điều kiện cho nhà khoa học, nhưng bản thân nhà khoa học phải rất cố gắng, phải thực chất trong nghiên cứu để tạo ra những sản phẩm khoa học đóng góp thật sự vào sự phát triển đất nước.
 
​Những thách thức khi triển khai Nghị quyết
​Nhận định về những thuận lợi đưa Nghị quyết vào cuộc sống, nhiều ý kiến cho rằng, việc Tổng Bí thư là Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương sẽ huy động được toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc để triển khai thành công Nghị quyết. Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng tin tưởng, từ nay, chuyển đổi số đã thật sự trở thành sự nghiệp của toàn Đảng và toàn dân, chuyển đổi số Việt Nam sẽ bước vào giai đoạn phát triển đột phá.
 
​Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy khẳng định, lợi thế để triển khai Nghị quyết là Việt Nam có nguồn nhân lực dồi dào trong các ngành kỹ thuật, công nghệ thông tin, có thị trường rộng lớn, là “bà đỡ” cho các sản phẩm khoa học-công nghệ mới, sản phẩm chuyển đổi số.
 
Việt Nam còn có lợi thế về địa chính trị trong khu vực, nơi kết nối giao lưu, tạo thuận lợi cho phát triển. Bên cạnh đó, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế đang ngày càng được nâng cao, với việc tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, các cơ chế đa phương, trở thành đối tác chiến lược toàn diện, đối tác chiến lược với nhiều quốc gia.
 
Tiến sĩ Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam nhận định, với hơn 10 năm triển khai Nghị quyết số 20-NQ/TW và Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013, chúng ta đã có nền tảng cả về lý luận và thực tiễn, tư duy đổi mới quản lý khoa học-công nghệ cũng đã được chuẩn bị và đáp ứng. Một số chỉ tiêu chúng ta đang dần tiệm cận, như với chỉ số TFP hiện đã đạt hơn 35%, hay chi ngân sách cho khoa học-công nghệ hơn 3%, nếu quyết liệt triển khai, chúng ta sẽ đạt được.
 
Bên cạnh niềm tin, khí thế mới, Nghị quyết cũng đặt ra thách thức, trăn trở làm sao để triển khai hiệu quả. Theo Thứ trưởng Bùi Thế Duy, đó là thách thức về tốc độ, thời gian để triển khai Nghị quyết vì trong bối cảnh thế giới cũng như lĩnh vực khoa học-công nghệ phát triển rất nhanh, nếu Nghị quyết không được triển khai kịp thời sẽ nhanh chóng lạc hậu.
 
Cùng với đó là thách thức về việc triển khai Nghị quyết sâu rộng, thường xuyên tới các cấp ủy đảng, toàn dân, toàn xã hội để đáp ứng được những mục tiêu đề ra trong Nghị quyết.
 
​“Những thách thức trước hết đòi hỏi đội ngũ cán bộ trong các cơ quan quản lý nhà nước phải cụ thể hóa Nghị quyết thành thể chế, giải pháp, với tốc độ làm việc phải cao hơn; cách thức làm việc phải thay đổi, làm việc dựa trên dữ liệu, hệ thống tự động hóa, đòi hỏi kỹ năng tích lũy, phân tích dữ liệu…
 
Hệ thống quản lý nhà nước cũng phải thực hiện quyết liệt chỉ đạo của Tổng Bí thư, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên quan đơn giản hóa thủ tục hành chính, phân cấp, phân quyền…”, Thứ trưởng Bùi Thế Duy nhấn mạnh. 
Hà Linh – nhandan.vn
Scroll