Blockchain trong đô thị thông minh: cải thiện và đáp ứng vấn đề của người dân, doanh nghiệp

Blockchain được coi là một trong những công nghệ của tương lai, đang tham gia mạnh mẽ vào quá trình xây dựng thành phố thông minh. Ứng dụng blockchain trong Smart City cần nhấn mạnh đến việc cải thiện và đáp ứng các vấn đề của người dân, doanh nghiệp.
Các quan điểm tiếp cận, góc nhìn về ứng dụng blockchain trong xây dựng thành phố thông minh được các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp chia sẻ tại hội thảo phân tích xu hướng công nghệ “Blockchain đóng góp gì để xây dựng Smart City?” do Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ (CESTI) tổ chức ngày 18/8/2022.
 
Theo ông Phan Đức Trung (Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam), có thể tiếp cận blockchain theo cách đơn giản nhất, đó là một công nghệ lưu trữ dữ liệu. Do sự phát triển của internet nên nó khai thác được đặc trưng là dữ liệu phân tán hoạt động 24/7 dựa trên một thuật toán đồng thuận. Ông Trung cho rằng, giá trị quan trọng nhất của blockchain khi ứng dụng cần quan tâm là tính triết lý, KPI, giá trị và tương lai. Trong đó, giá trị triết lý là các triết lý về đồng thuận đúng/sai, quyền riêng tư/minh bạch, bảo mật/dễ dùng,… KPI là các chỉ số đo lường sẵn có trong các tổ chức/doanh nghiệp được quản trị theo các tiêu chuẩn truyền thống; giá trị được lượng hóa bằng tiền hoặc dựa trên các hệ thống KPI hoặc kế toán quản trị. Trong tương lai, thiết kế hệ thống ứng dụng blockchain luôn phải dựa trên tính toán các giá trị này.
 
 
Ông Phan Đức Trung (Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam) trình bày tại hội thảo
 
Về ứng dụng trong Smart City, theo ông Trung, blockchain là một trong những công nghệ của tương lai, đóng vai trò quan trọng trong phát triển và quản lý thành phố, giải quyết các vấn đề xã hội gắn với cộng đồng. Ứng dụng blockchain trong Smart City cần nhấn mạnh tiếp cận giải quyết cho tất cả doanh nghiệp truyền thống chứ không phải là cái gì đó xa lạ, đồng thời cải thiện và đáp ứng các vấn đề trong đời sống hàng ngày của người dân.
 
Có 6 bài toán blockchain cần giải quyết khi ứng dụng vào Smart City, đó là tăng cường bảo mật, cải thiện y tế, quản lý rác thải, đơn giản hóa giáo dục, tiết kiệm năng lượng và tối ưu hóa giao thông.
 
Trong đó, việc cải thiện y tế có tác động lớn đến toàn dân. Blockchain được sử dụng để lưu trữ hồ sơ sức khỏe của bệnh nhân, truy vết nguồn bệnh, giải quyết vấn đề định danh trong quản lý hưu trí, bảo hiểm xã hội, chi phí cho bệnh nhân nghèo,… Blockchain khi kết hợp với AI có thể chẩn đoán bệnh thông qua các công cụ IoT đeo trên người. Dữ liệu được chia sẻ với chuyên gia y tế một cách bảo mật thông qua blockchain. Điều này mở ra triển vọng cho điều trị bệnh nhân từ xa (telemedicine). Về quản lý rác thải, blockchain giúp duy trì môi trường sạch đẹp cho Smart City, giúp theo dõi quản lý rác thải theo thời gian thực, minh bạch hóa quá trình tái chế rác thải,… Với giao thông có thể theo dõi lượng xe, cung cấp nền tảng cho đăng ký phương tiện, thông báo quyền sở hữu xe, ngăn chặn nạn trộm cắp xe thông qua việc minh bạch hóa thông tin.
 
Vì vậy, tiếp cận blockchain trong thành phố thông minh cần có chính sách thúc đẩy 6 hướng đi nói trên dựa trên 3 nền tảng IoT, bất động sản và con người, ông Trung chia sẻ.
 
Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp cũng giới thiệu các kết quả nghiên cứu và đề xuất giải pháp ứng dụng công nghệ blockchain trong quá trình phát triển thành phố thông minh. Cụ thể như: TS. Lê Lam Sơn (Khoa Khoa học và Kỹ thuật máy tính, Đại học Bách Khoa TP.HCM) giới thiệu về kết quả nghiên cứu Cơ chế tra cứu linh hoạt dựa trên khai phá dữ liệu và công nghệ blockchain cho các dịch vụ theo thỏa thuận cấp độ của chúng trong hệ sinh thái ứng dụng phục vụ thành phố thông minh; TS. Đặng Minh Tuấn (Viện Nghiên cứu ứng dụng công nghệ CMC) giới thiệu về Ứng dụng công nghệ blockchain trong quản lý văn bằng chứng chỉ; Công ty CP Vietnam Blockchain trình bày về Ứng dụng blockchain cho quản lý chuỗi giá trị và định danh số truy xuất nguồn gốc sản phẩm; Công ty CP ONYX Việt Nam giới thiệu Phương pháp phát hiện giả mạo bẳng cách so sánh mã trong chuỗi khối và mã trên tem gắn chip nhớ ghi lại được và hệ thống ứng dụng phương pháp này; Công ty CP Giải pháp và Dịch vụ truy xuất nguồn gốc trình bày về Ứng dụng công nghệ blockchain phục vụ quản lý và phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm đặc sản của địa phương; Blockchain với vai trò trụ cột cho nền kinh tế số được trình bày bởi Công ty Huobi Global;… Ngoài ra, đại diện CESTI cũng trình bày báo cáo phân tích xu hướng công nghệ blockchain trên cơ sở số liệu sáng chế quốc tế. 
 
 
Hội thảo được tổ chức bằng hình thức trực tiếp (tại 79 Trương Định, Q.1) kết hợp trực tuyến trên nền tảng Google meet
 
Theo ông Nguyễn Đức Tuấn (Quyền Giám đốc CESTI), blockchain (công nghệ chuỗi khối) là một trong những công nghệ chủ yếu của cách mạng 4.0, có tiềm năng phát triển rất cao. Blockchain đang tham gia mạnh mẽ vào các hoạt động kiến tạo đô thị thông minh (Smart City), thể hiện ở 3 trụ cột gồm chính quyền số - kinh tế số - xã hội số. Cụ thể là những ứng dụng số trong các hoạt động sản xuất công, nông nghiệp, năng lượng, y tế, giáo dục, tài chính ngân hàng, bán lẻ và tiêu dùng,...
 
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025, định hướng đến năm 2030. Từ năm 2017, UBND TP.HCM đã phê duyệt Đề án Xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025. Đến cuối năm 2021, 41/63 tỉnh thành trong cả nước đang tiến hành xây dựng Smart City. Dự kiến, giai đoạn 2023 - 2027, thị trường blockchain Việt Nam sẽ tăng trưởng lên đến hai con số.
 
 
Ông Nguyễn Đức Tuấn (Quyền Giám đốc CESTI) phát biểu tại hội thảo
 
Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp chưa thấy được tiềm năng của công nghệ blockchain trong các hoạt động thương mại, quản trị và cả năng suất doanh nghiệp. Một số khác cho rằng công nghệ quá cao cấp nên không dám nghĩ đến chuyện tích hợp vào các hoạt động thường nhật. Do đó, nhiều tiềm năng ứng dụng của bockchain vẫn chưa được khai thác.
 
Hội thảo phân tích xu hướng công nghệ được tổ chức nhằm giúp các nhà quản lý, nhà nghiên cứu và doanh nghiệp có thêm thông tin về các xu hướng phát triển công nghệ blockchain trên thế giới và tình hình nghiên cứu, phát triển công nghệ blockchain trong nước. Với mô hình đô thị thông minh của TP HCM, việc phát triển blockchain là cần thiết để giải quyết vấn đề kinh tế xã hội. Do đó, hội thảo sẽ góp phần kết nối các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà đầu tư để đẩy mạnh hợp tác, triển khai các giải pháp công nghệ vào thực tiễn.
Lam Vân
Scroll