Ngân hàng lưu giữ hơn 500 gene quý

Ngân hàng gene tại Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TP.HCM hiện lưu giữ hơn 500 giống cây trồng, dược liệu trong đó có nhiều gene quý phục vụ sản xuất và nghiên cứu.


Thành lập năm 2007, ngân hàng gene của Khu nông nghiệp Công nghệ cao (Đường Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi) hiện bảo tồn khoảng 500 nguồn giống cây trồng, vi sinh vật, cây dược liệu. Nguồn gene này do hơn 30 kỹ sư nông nghiệp, nghiên cứu, lai tạo cho ra các giống thế hệ sau năng suất cao hơn trung bình 15- 20% so với thị trường. Nguồn gene được bảo tồn trong các phòng nuôi cấy mô và nhà màng, tổng diện tích khoảng 2 ha.

Khu vực nuôi cấy chia làm 6 phòng, cung cấp môi trường lý tưởng cho giống phát triển ổn định với cường độ ánh sáng khoảng 2.000 lux, nhiệt độ 24 - 26 độ C, hạn chế ra vào để đảm bảo phòng sạch, giúp cây phát triển tốt. Thời gian nuôi cấy mô thực hiện từ 9-14 tháng tùy giống.

 

Kỹ thuật viên thực hiện cấy mô vào chai tại các tủ vô trùng. Các thao tác cấy mô phải thực hiện trong môi trường sạch nhất có thể. Công đoạn cấy mô được lấy từ chồi, thân, hoa, quả... của cây giống, đựng trong chai thủy tinh 500 ml được hấp khử trùng. Bên trong chai được tạo môi trường dinh dưỡng gồm khoáng, chất hữu cơ, chất điều hòa tăng trưởng... giúp cây sinh trưởng ổn định.

 

Kỹ thuật viên tách rời từng chồi cây lan, cấy vào chai. Khi cấy mô hoàn thành, kỹ thuật viên gắp nắp chai hơ lửa để tiệt trùng trước khi đậy nắp. Đèn cồn cũng được sử dụng để vô trùng các vật dụng thí nghiệm trong quá trình cấy.

 

Theo thạc sĩ Nguyễn Thị Hồng Tú, chuyên gia làm việc hơn 10 năm tại phòng nuôi cấy, các kỹ thuật viên phải mất khoảng một năm để học cách làm đúng các thao tác, giúp qua trình cấy không bị nhiễm nấm, vi khuẩn xâm nhập vào mô. Nhân viên không được đeo trang sức, không để móng tay để hạn chế nhiễm khuẩn. “Công đoạn cấy mô nếu sử dụng găng tay sẽ làm nhân viên chảy mồ hôi, dẫn đến khó thao tác. Việc sử dụng găng tay cũng không thể giảm tác nhân nhiễm khuẩn nên nhân viên sẽ xịt cồn sát khuẩn sau một khoảng thời gian thực hiện thao tác”, Thạc sĩ Tú nói.

Sau khi cấy mô xong, nhân viên sẽ theo dõi các chai chứa mô tại phòng nuôi cây trong khoảng 2 ngày. Nếu phát hiện mô bị nhiễm khuẩn, nhân viên sẽ bỏ mẫu nhiễm ra khỏi phòng sạch để loại nguy cơ các bào tử phát tán khiến phòng bị nhiễm khuẩn.

 

Dung dịch dinh dưỡng cho mô phải được kiểm tra độ pH trong ngưỡng 4,7 - 5,8, nhiệt độ 25 độ C trước khi chiết rót vào chai nuôi cấy.

 

Giống lan trầm Đài Loan được nuôi cấy trong chai thủy tinh. Hiện Khu nông nghiệp công nghệ cao TP HCM bảo tồn thành công một số giống lan được thị trường ưa chuộng như lan rừng, mokara, hồ điệp, dendrobium... Hai giống lan dendrobium đã được thương mại hóa ra thị trường.

 

Khu vực huấn luyện các giống cây sau quá trình nuôi cấy. Cây giống sau khi nuôi trong phòng sạch, được đưa ra môi trường để làm quen dần nhiệt độ, ánh sáng, bên ngoài giúp tăng khả năng thích nghi trước khi trồng trên đất.

 

Vườn bảo tồn giống lan rộng gần 1 ha, phục vụ tuyển chọn giống bố mẹ để lai tạo, chăm sóc theo mô hình nhà màng. Theo ông Hoàng Đắc Hiệt, Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển nông nghiệp công nghệ cao, việc bảo tồn nguồn gene phải thực hiện song song tại vườn và phòng nuôi cấy mô. “Các giống sau thời gian nuôi cấy ở phòng sạch sẽ được đưa xuống trồng ở vườn thực nghiệm. Khi cây già sẽ có cây con ở phòng nuôi cấy cung cấp lại để đảm bảo yếu tố bảo tồn”, ông Hiệt nói, cho biết thêm việc lưu trữ nguồn gene số lượng nhiều sẽ cho số lượng giống khởi đầu lớn, giúp việc lai tạo giống mới đa dạng hơn.

Trong ngân hàng gene hơn 500 giống của Khu Nông nghiệp Công nghệ cao, cây lan chiếm số lượng lớn nhất với 200 là giống, còn lại là một số cây dược liệu đặc hữu của Việt Nam như ba kích, sâm bố chính, hoắc hương, đinh lăng...

 

Các tấm dính keo được treo trong vườn lan với mục đích bắt các loại côn trùng có cánh. Tùy vào loại cây, nhân viên kỹ thuật sẽ thực hiện bón phân, tưới nước, chăm sóc theo quy trình.

 

Nhân viên tỉa bớt chồi nấm linh chi giúp các chồi khác phát triển nhanh hơn. Sau quá trình nghiên cứu, lai tạo nấm linh chi được Khu nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM công bố tiêu chuẩn cơ sở để cung cấp ra thị trường.

 

Hiện Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TP.HCM làm chủ được 8 quy trình kỹ thuật cho các giống lan, dưa lưới, nấm, rau ăn lá, ớt...

Theo ông Lê Văn Cửa, Phó Ban quản lý Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TP.HCM, việc bảo tồn nguồn gene là một nhiệm vụ quan trọng trong việc phát triển cây trồng, vật nuôi nhằm mục đích nghiên cứu lai tạo giống mới và phát triển thành các mô hình sản xuất, chuyển giao cho doanh nghiệp và nông dân, phục vụ phát triển kinh tế.

Chúng tôi thành lập câu lạc bộ ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao ở các tỉnh nhằm hợp tác với các hiệp hội chuyên ngành, trung tâm nghiên cứu, doanh nghiệp để trao đổi kết quả nghiên cứu, chuyển giao công nghệ”, ông Cửa nói./.

Nguồn:Hà An - https://vnexpress.net/

Nguồn:Hà An - https://vnexpress.net/
Scroll