Nghiên cứu nhân nhanh sinh khối rễ tóc sâm Ngọc Linh và kích thích hình thành các hoạt chất thứ cấp hướng tới sản xuất quy mô Pilot

Đề tài do TS. Hà Thị Loan và cộng sự (Trung tâm Công nghệ Sinh học TP.HCM) thực hiện nhằm xác định phương pháp nhân nhanh sinh khối rễ tóc sâm Ngọc Linh và nâng cao hàm lượng saponin phục vụ cho ngành công nghiệp dược phẩm, thực phẩm chức năng và mỹ phẩm.

Sâm Ngọc Linh (Panax vietnamensis Ha et Grushv.) còn gọi là sâm Việt Nam, là một cây thuốc quý của Việt Nam. Trong những năm qua, việc khai thác, mua bán sâm Ngọc Linh quá mức khiến sâm mọc tự nhiên dần cạn kiệt nên người ta đã tiến hành nhân giống và trồng sâm Ngọc Linh. Tuy nhiên, việc này gặp nhiều khó khăn do thời gian nuôi trồng kéo dài và năng suất thấp. Do vậy, cần thiết nghiên cứu các kỹ thuật giúp sản xuất nhanh sinh khối mang dược tính của loài sâm này.

 
Sâm Ngọc Linh, còn gọi là sâm Việt Nam
 

Đề tài tiến hành các nội dung gồm nhân nhanh và lưu giữ vật liệu (rễ tóc) phục vụ công tác nghiên cứu; nghiên cứu khả năng nhân nhanh sinh khối rễ tóc sâm Ngọc Linh trên các hệ thống nuôi cấy; khảo sát ảnh hưởng của methyl jasmonate (MeJa) và acid linolenic lên khả năng sinh tổng hợp hoạt chất saponin trong các dòng rễ thí nghiệm.

 

Kết quả cho thấy, đối với phương pháp nuôi cấy lỏng lắc, mật độ mẫu ban đầu 1g/200 ml rễ tóc là thích hợp. Với mật độ này, các rễ nuôi cấy trên bình tam giác 500ml chứa 200 ml môi trường và lắc 100 vòng/phút cho hệ số nhân 9,5-12 lần sau 2 tháng nuôi cấy.

 

Phương pháp nuôi cấy trên hệ thống ngập chìm tạm thời TIS (Đài Loan): mật độ mẫu ban đầu 3g/250ml, nuôi cấy trên bình TIS có chứa 250ml môi trường và được cài đặt tần suất ngập 5 giờ /lần, thời gian ngập 3 phút là thích hợp để nhân nhanh rễ tóc. Ở điều kiện nuôi cấy này, hệ số nhân nhanh dòng rễ A đạt 13,3 và dòng rễ A đạt 19,8 lần sau 2 tháng.

 

Phương pháp nuôi cấy trên hệ thống bioreactor: mật độ mẫu ban đầu 100g/12 lít, nuôi cấy trên bình bioreactor 18 lít chứa 12 lít môi trường làm việc, lượng khí đi vào bình bioreaactor là 0,5 ml/giây trong suốt quá trình nuôi cấy hoặc giai đoạn 20 ngày đầu nuôi cấy với lượng khí đưa vào bình là 0,3ml/giây, giai đoạn sau là 0,5ml/giây với ống dẫn khí có đường kính 1cm là thích hợp. Với điều kiện nuôi cấy này, hệ số nhân rễ tóc trên bioreactor đối với dòng A lến đến 20,2 lần và dòng D 20,7 lần sau 2 tháng.

 

Bổ sung acid linolenic hiệu quả kích thích tăng saponin kém hơn so với bổ sung MeJa. Bổ sung MeJa với nồng độ 150-200 μmol có tác dụng kích thích tốt hơn các nghiệm thức có nồng độ từ 0-100 μmol. Đề tài cũng xây dựng quy trình nhân nhanh sinh khối rễ tóc sâm Ngọc Linh có hàm lượng saponin cao, cho phép nhân nhanh sinh khối rễ tóc trong phòng thí nghiệm và rễ chứa các saponin, đặc biệt là Majonoside R2 (MR2). Kết quả nghiên cứu này là tiền đề cho các nghiên cứu tiếp theo, hướng tới ứng dụng sản xuất các sản phẩm chiết xuất từ sâm Ngọc Linh.

Scroll