Hiệu quả bước đầu từ chương trình Kết nối sản phẩm startup với thị trường

Được quảng bá hình ảnh, được thông tin sản phẩm một cách rõ ràng đến người tiêu dùng, các hoạt động của đơn vị được cập nhật kịp thời và đầy đủ trên Cổng thông tin đổi mới sáng tạo … Đó là những gì ban đầu gặt hái được của doanh nghiệp khi bước đầu tiếp cận với chương trình Kết nối sản phẩm nhóm/doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (startup) với thị trường.
Hoạt động này nằm trong khuôn khổ chương trình hỗ trợ các startup giới thiệu sản phẩm và kết nối startups với các thành phần của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo như: chuyên gia công nghệ, nhà đầu tư, quỹ đầu tư, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp… do Trung tâm Thông tin và thống kê KH&CN (CESTI – Sở KH&CN TP.HCM) triển khai trong tháng 10 vừa qua và sẽ được tổ chức định kỳ.
 
Là một đơn vị được lựa chọn giới thiệu từ ngay khi bắt đầu triển khai chương trình hỗ trợ, Công ty GaraSTEM được xem là đơn vị đầu tiên và tiên phong trong việc sản xuất các công cụ học tập công nghệ, kỹ thuật “made in Vietnam” cho giáo dục STEM với chất lượng và giá cả phù hợp, cũng như cung cấp các chương trình học STEM sáng tạo theo chuẩn giáo dục Hoa Kỳ với giá thành chỉ xấp xỉ bằng 1/10 bộ robotics nhập khẩu. Trong đó, G-Robot là một trong ba bộ công cụ học STEM (Khoa học - Công nghệ – Kỹ thuật – Toán học) cho phép học sinh sáng tạo theo nhiều chủ đề học tập khác nhau.
 
Tại buổi hội thảo giới thiệu sản phẩm của đơn vị với chủ đề: "Bộ sản phẩm và chương trình học G-Robot trong giáo dục STEM Robotics", với sự kết nối của đơn vị tổ chức, các sản phẩm của đơn vị đã từng bước chinh phục và thu hút sự quan tâm của đông đảo khách tham dự do tính đa dạng, đẹp mắt và hỗ trợ tốt trong việc học tập.
 
 
Bộ sản phẩm của công ty GaraSTEM
 
Theo bà Bùi Thanh Bằng - giám đốc CESTI: “Đối với một startup, ngoài việc làm chủ công nghệ thì còn phải tiếp cận và khai thác thị trường. Vì vậy, chương trình Kết nối sản phẩm startups với thị trường hướng đến hỗ trợ startups thực hiện mục đích này. Việc giới thiệu sản phẩm của startups thông qua các hình thức như hội thảo, livestream và trưng bày sẽ giúp nhiều nhà đầu tư, chuyên gia tư vấn và khách hàng biết đến, từ đó tạo thành mạng lưới kết nối rộng rãi với thị trường để hỗ trợ đầu tư phát triển – hoàn thiện sản phẩm, thúc đẩy thương mại hóa, nhanh chóng đưa sản phẩm ra phục vụ thị trường”. Thiết nghĩ, đó cũng là mong muốn chung của hai bên: bên cầu tìm được sản phẩm chất lượng, phù hợp với giá thành hợp lý; bên cung tìm kiếm được thị trường để phát triển sản phẩm. 
Mai Mai
Scroll