TP.HCM tìm cơ hội hợp tác phát triển công nghệ, chuyển giao công nghệ cao chiết Tam thất chế hỗ trợ điều trị ung thư

Ngày 5/12/2023, Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ (CESTI) tổ chức sự kiện Hợp tác công nghệ chủ đề “Quy trình công nghệ sản xuất cao định chuẩn và chế phẩm Cao lỏng từ Tam thất chế (Processed Panax notoginseng) hỗ trợ điều trị ung thư”.
Sự kiện là một trong những hoạt động nhằm kết nối, giới thiệu các giải pháp công nghệ từ các trường Đại học, Viện nghiên cứu, doanh nghiệp công nghệ đến các đơn vị, tổ chức, cá nhân tại TP.HCM và các tỉnh thành trên cả nước, mang đến cơ hội hợp tác nghiên cứu, hợp tác đầu tư và chuyển giao công nghệ nhằm đưa kết quả nghiên cứu vào phát triển sản phẩm cao lỏng từ Tam thất chế vào phục vụ hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân ung thư.

Báo cáo tại sự kiện, TS. Lê Thị Hồng Vân (Trung tâm Khoa học Công nghệ Dược Sài Gòn - Đại học Y Dược TP.HCM) đã giới thiệu về Tam thất và thành phần hóa học chính, gồm các saponin thuộc nhóm dammaran có cấu trúc protopanaxadiol (PPD) và protopanaxatriol (PPT) với hơn 80 saponin khác nhau đã được phân lập, trong đó các thành phần chính là ginsenosid Rb1, -Rd, -Rg1, notoginsenosid R1… Tam thất có nhiều tác dụng dược lý như chống oxy hóa, chống viêm, chống huyết khối, đặc biệt là kháng tế bào ung thư. Điển hình là tam thất có tác dụng làm giảm kích thước khối u trên chuột nhắt gây ung thư bằng cách cấy vào tế bào ung thư ác tính, làm hạn chế sự di căn của tế bào ung thư và kéo dài thời gian sống ở chuột bị ung thư. Do đó, cần thiết phát triển sản phẩm từ Tam thất trồng tại Việt Nam theo dạng chế biến làm gia tăng tác dụng kháng ung thư có chất lượng cao.
 

Kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ "Hoàn thiện quy trình nghiên cứu cao định chuẩn và chế phẩm cao lỏng Tam thất chế có tác dụng hỗ trợ điều trị ung thư từ dược liệu Tam thất (Panax notoginseng)" do các nhà khoa học tại Trung tâm Khoa học Công nghệ Dược Sài Gòn triển khai thực hiện đã hình thành nên cao định chuẩn và chế phẩm cao lỏng từ Tam thất chế. Nhóm thực hiện nhiệm vụ cũng đã xây dựng được quy trình bào chế Tam thất theo hoạt tính ức chế tế bào ung thư và hàm lượng hoạt chất; tối ưu hóa quy trình chiết cao định chuẩn và bào chế cao lỏng Tam thất chế ở qui mô pilot; xây dựng tiêu chuẩn cơ sở cho dược liệu Tam thất, Tam thất chế, cao định chuẩn, thành phẩm cao lỏng;  đánh giá hoạt tính ức chế tế bào ung thư, đã đánh giá tác động kháng khối u và chống huyết khối in vivo.

Hiện nay, Trung tâm Khoa học Công nghệ Dược Sài Gòn đang tìm kiếm đối tác để tiếp tục phát triển ở pha tiếp theo, đó là sản xuất thực nghiệm cũng như thử nghiệm lâm sàng trên bệnh nhân, với kỳ vọng đưa được sản phẩm hiệu quả đến bệnh nhân, đặc biệt là bệnh nhân có những vấn đề liên quan đến điều trị ung thư. Điểm mạnh của chế phẩm Tam thất chế là chi phí ước lượng sử dụng chỉ vào khoảng 40.000 đồng/ngày (trong đó chi phí nguyên vật liệu chiếm 5-60%).

Trao đổi tại sự kiện, TS. Nguyễn Thành Vũ (Trung tâm Công nghệ Sinh học TP HCM) cho rằng cần đánh giá các giai đoạn ung thư của bệnh nhân để khuyến cáo cách dùng, liều dùng phù hợp, cũng như ổn định các dược chất khống chế ung thư để đảm bảo tính hiệu quả khi sử dụng. TS. Đào Văn Tuyết (Đại học Quốc tế Sài Gòn) đề xuất cần nghiên cứu thêm các công năng, tính chất hỗ trợ điều trị ung thư ở từng vị trí cụ thể trên cơ thể người, cần làm chủ nguồn nguyên liệu đầu vào như nhân giống hay thậm chí là trồng tam thất bằng phương pháp thủy canh.

Sau phiên trao đổi, thảo luận chi tiết giữa các bên, đã có 4 đơn vị, doanh nghiệp ký kết biên bản ghi nhớ tư vấn, hợp tác công nghệ với Trung tâm Khoa học Công nghệ Dược Sài Gòn, gồm: Đại học Quốc tế Sài Gòn, Trung tâm Công nghệ Sinh học TP.HCM, Công ty TNHH Vạn Xuân, Công ty TNHH TVTK-XD TM & DV Hưng Thịnh. Các bên sẽ tiếp tục trao đổi ý tưởng, giải pháp nhằm sớm thực hiện các bước thử nghiệm sản phẩm, đưa vào thương mại hóa.

Phát biểu tại sự kiện, ông Võ Ngọc Hải (Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ) cho biết CESTI vẫn tiếp tục đóng vai trò là cầu nối hỗ trợ các bên cung – cầu trong hoạt động tư vấn, kết nối chuyển giao công nghệ sản xuất cao định chuẩn và chế phẩm cao lỏng từ Tam thất chế cùng nhiều sản phẩm - giải pháp công nghệ khác đang kết nối trên Sàn Giao dịch công nghệ và Cổng thông tin Đổi mới sáng tạo và Chuyển giao công nghệ (Techport.vn), góp phần thúc đẩy các hoạt động chuyển giao công nghệ tại TP.HCM và các tỉnh trong khu vực.
Hoàng Kim (CESTI)
Scroll